Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

KHÍ HẬU

Khai thác rừng bừa bãi, một món nợ trầm trọng hơn ngàn lần khủng hoảng tín dụng địa ốc

 Tú Anh

Bài đăng ngày 14/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 14/12/2008 15:02 TU

Phải khẩn cấp vực dậy nền công nghiệp xanh. Tựa lớn của Le Courrier International tổng chọn một loạt bài trên báo chí thế giới lý giải tại sao phải nhanh chóng đầu tư vào nền công nghiệp sạch. Thái độ ngập ngừng tại hội nghị Poznan cho thấy giới lãnh đạo chính trị thiếu nồng nhiệt

Trước hết, trích đoạn trên tạp chí khoa học New Scientist khẳng định rằng, việc con người đi vào một nền kinh tế bền vững không phải là chuyện dời non lấp biển. Trong xã hội chúng ta, hãy để cho các nhà khoa học ấn định các nguyên tắc, và mức tiêu thụ và lượng khí thãi.

Theo nhận định có tính cách lý tưởng này, thì chỉ cần hai nguyên tắc chính : Giấy phép trao đổi khí thải gây hiệu ứng nhà kính giữa các xí nghiệp, có giới hạn không thể vượt qua. Thứ hai là thuế đánh vào tài nguyên song song với việc bỏ thuế lợi tức. Thuế đánh vào tài nguyên đi từ dầu hỏa đến con cá đánh bắt từ biển. Thuế này buộc mỗi người phải suy nghĩ tự tiết giảm tiêu thụ. Đề nghị này không biết có được thế hệ tương lai chấp nhận hay không ? Chưa biết. nhưng chắc chắn một điều, theo phân tích của tuần báo Đức Der Spiegel, nhân loại phải thay đổi lối sống hoang phí hiện nay. Lý do là các nuớc giàu khai thác tài nguyên trái đất một cách quá trớn không cho thiên nhiên có thời giờ tái tạo. Một nước càng nghèo bao nhiêu thì càng bị tác hại bấy nhiêu.

Khai thác quá trớn tài nguyên thiên nhiên.

 

Der Spiegel lấy thí dụ cụ thể khủng hoảng kinh tế , tài chính hiện nay bắt đầu từ khủng hoảng địa ốc, với những món nợ tín dụng khó đòi. Nạn nhân đầu tiên bị đuổi nhà cũng là người nghèo. Tương tự như thế, các nước công nghệ khai thác rừng của các nước nghèo, chỉ cần qua trường hợp điển hình này thôi, tạo ra hệ qủa làm khí hậu thây đổi, bầu khí quyển bị hâm nóng tăng nhiệt độ từng bước lớn có thể xem là nợ tín dụng, còn thiên nhiên là ngân hàng.

Chúng ta vay của thiên nhiên thức ăn, nước ngọt, nguyên liệu và sự ổn định khí hậu. Tài nguyên thế giới cạn kiệt, nhà băng bị thiếu vốn trầm trọng. Theo một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc, chỉ riêng lãnh vực đánh cá quá tải,  mỗi năm gây thiệt hại tương đương với 50 tỷ đôla. Nhờ có trợ cấp của nhà nước, các đội tàu đánh cá càng ngày càng hiện đại, và càng lúc càng bắt không được nhiều cá. Thế mà, nạn khai thác thủy sản bừa bãi hôm nay sẽ đưa nhân loại vào một cuộc khủng hoảng lương thực ngày mai.

Một thí dụ thứ hai là nạn khai thác rừng. Trung bình mỗi năm nạn phá rừng làm kinh tế thế giới thiệt hại từ hai đến 5 tỷ đôla. Và như thông lệ, các nước nghèo bị thiệt hại nhiều nhất. Không có rừng thì toàn bộ hệ thống sinh thái bị đảo lộn : Không giữ được nước mưa, không giữ được đất. Quản lý một hệ thống sinh thái giởi là không đốn cây nếu không làm cho cây mới mọc nhanh thay thế cây bị chặt. Thế nhưng cũng như cảnh sát tài chính không thấy trước được khủng hoảng ngân hàng, các nhà chính trị không quản lý được nợ biển nợ rừng. Nói làm gì món nợ khí hậu. Quản lý khí hậu là không để cho lượng khí gây hiệu ứng nhà kính được thải ra nhiều hơn là khả năng hấp thụ của thiên nhiên. Tiền lời phải trả cho món nợ tín dụng này là những ngân sách khổng lồ mà thế hệ tương lai phải chi ra để  thay thế nguồn nhiên liệu hóa dầu.

Hy Lạp : Một nồi áp suất chờ nổ.

Được xếp hạng 5 trong danh sách 5 nước châu Âu có  nạn  tham ô, đợt bạo loạn xảy ra tại Hy Lạp trong tuần qua không làm giới báo chí ngạc nhiên. Ngay báo chí thân nhà nước cũng phải lên tiếng tỏ thái độ.

Bài phân tích của báo Hy Lạp Ta Nea được chuyển dịch trên tuần báo Le Courrier International khẳng định căn nguyên : tình trạng xã hội Hy Lạp căng thẳng như một nồi áp suất. Bạo loạn nổi lên trên khắp nước sau cái chết của một thiếu niên 15 tuổi không đơn thuần do phẫn nộ  một hành vi thái quá của cảnh sát. Cả một hệ thống chính trị và xã hội bị giới trẻ lên án.

Sinh viên Hy Lạp là biểu tượng của cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân phiệt với phong trào phát xuất từ trường Bách Khoa năm 1974. Nhưng từ khi chế độ quân sự sụp đổ đến nay, tuổi trẻ vẫn không có một con đường tiến thân, một chỗ đứng trong xã hội.

Cơ hội thăng tiến ?

Tình trạng học vấn trong nước bị bế tắc làm nhiều bậc phụ huynh phải vay nợ ngân hàng cho con đi học nước ngoài. Nhưng trở về nước người sinh viên tốt nghiệp không tìm ra việc làm, mà nợ thì chồng chất, lắm khi sống chung với cha mẹ đến 35 tuổi trong khi chờ đợi một chỗ làm.

Petros Magios, một sinh viên đại học Athenes tuyên bố : « Chúng tôi xuống đường  vì một thiếu niên bị bắn chết. Đây không phải là một vụ lở tay mà là một vụ sát nhân trong một xã hội bế tắc. Cảnh sát có bổn phận bảo vệ dân, nhà nước có trách nhiệm giáo dục tuổi trẻ. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Dù có bằng cấp, chúng tôi cũng phải chạy ngược chạy xuôi chờ cơ hội quen biết để giật một việc làm với giá lương rẻ mạt 600 euro. Lương tháng một người có bằng  4 hoặc 5 năm đại học tại Hy Lạp chỉ hơn phân nửa đồng lương tối thiểu tại Pháp ».

Một sinh viên khác cho biết : « một thanh niên Hy Lạp không có bằng đại học sẽ không có một quy chế trong xã hội, nhưng có bằng cấp rồi cũng không tìm ra việc. Vậy thì  chúng tôi đi học để làm gì ? Tất cả thanh niên Hy Lạp, giàu hay nghèo đều bất mãn trước tình trạng vô lý này ». Báo Ta Nea thúc giục nhà nước phải giải quyết những căn nguyên gây ra nỗi bất mãn trong giới trẻ. Họ không hiểu tại sao cha mẹ của họ sống cần kiệm thế mà càng ngày càng nghèo đi. Phải bán đất hay bán nhà của tổ tiên để lại. Ông bà nội ngoại về hưu sống trong sự khốn cùng.

Khi bước vào cuộc sống nghề nghiệp, thanh niên Hy Lạp cảm thấy bị bóc lột. Công việc của họ không phải 9 tiếng một ngày như đồng nghiệp châu Âu, mà phải làm túi bụi, không kể giờ làm thêm không được trả đúng theo quy định. Không ít sinh viên tốt nghiệp phải đi làm chui. Vấn đề là tất cả xí nghiệp tại Hy Lạp đều bóc lột, đều không áp dụng luật lao động. Cuối cùng tờ báo kết luận : « Chuyện gì phải đến đã đến . Nồi áp suất đã nổ. Và không có gì bảo đảm là tình hình sẽ êm dịu trở lại vì tất cả mọi thất vọng bị dồn nén, đã nổ tung cùng một lúc ».

Thái độ của nhà cầm quyền cũng bị một tờ báo có tiếng thân chính phủ lên án là thiếu khả năng. I Kathimarini , với tựa «Những ngọn lửa và sự vắng mặt của chính quyền» đã tố cáo chính phủ vô kế khả thi, cảnh sát nhu nhược, nội bộ chia rẽ.  Mặc dù tại thủ đô và nhiều thành phố lớn xảy ra cảnh đốt phá nhưng chính phủ không cho cảnh sát can thiệp vì có nhiều thiếu niên tham gia biểu tình. Theo báo I Kathimarini, dù chính phủ có muốn trấn an dân chúng thì cũng quá muộn. Hình ảnh của chính phủ đã tiêu tan, các kết quả thăm dò ý kiến xác nhận uy tín đối lập lên thật cao. Điều này cho thấy không tránh khỏi một cuộc bầu cử trước kỳ hạn.

Làn sóng tự tử trong giới sinh viên Trung Quốc.

Không hẹn mà nên, tình trạng thanh niên Trung Quốc cũng được đề cập rộng rãi trên tuần báo Le Courrier International, chuyển ngữ từ bài «Làn sóng tự tử trong giới sinh viên Trung Quốc» đăng trên tờ báo chính thức «Trung Quốc Thanh niên báo». Cơ quan tuyên truyền của Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc tìm hiểu những lý do thúc đẩy giới quyên sinh : khép mình, thiếu chính chắn, thiếu tiền, sợ tranh đấu.

Bài viết mở đầu : trong vòng  một tháng, từ giữa tháng 9 đến 11/10, bốn sinh viên ở Đại học Nam Kinh theo nhau tự tử. Tại Bắc kinh, chỉ trong mùa xuân 2007, có đến 20 trường hợp tự vận trong giới sinh viên. Một kết quả nghiên cứu từ 16 trường đại học Trung Quốc ghi nhận có hiện tượng «lây nhiễm» trong số sinh viên chán đời. Giáo sư tâm lý học Thẩm Vĩnh Kiến giải thích là tỷ lệ tự tử trong giới sinh viên Trung Quốc cao hơn các thành phần khác trong xã hội đến 4 lần. Và tỷ lệ này mỗi ngày mỗi tăng cho thấy có «hiệu ứng qủa bóng tuyết», càng lăn thì càng cuốn thêm tuyết. Cũng theo vị giáo sư này, thì trong hai năm gần đây, vấn đề tâm lý bế tắc trong giới sinh viên trầm trọng hơn. Trung bình, trong số 100 sinh viên thì có  từ 18 đến 25 người bị bế tắc tâm lý.

Tự tử vì thấy cuộc sống không có ý nghĩa.

Theo báo Thanh niên Trung Quốc có 6 nguyên do giải thích tâm lý không muốn sống tại xứ sở của bác Mao : không thích nghi với khuôn khổ đại học, không được chuẩn bị sống tự lập mà nguyên nhân cốt lõi là con một được cha mẹ nuông chiều.Thứ ba là áp lực sợ không tìm ra được việc làm. Thứ tư là không có tiền, phải bỏ học, chật vật đi làm trong lúc nhiều bè bạn con nhà giàu sống thoải mái. Thứ năm là thất tình và cuối cùng, theo các nhà tâm lý học Trung Quốc, sinh viên tự tử vì thấy cuộc sống không có ý nghĩa.

Báo Thanh niên Trung Quốc cho biết thêm, khi đi làm phóng sự về đề tài này, phóng viên gặp phải sự thiếu hợp tác của các ban giám đốc Đại học. Họ viện lẽ đây là một vấn đề «nhạy cảm». Giải pháp được đề ra là dạy môn tâm lý học cho sinh viên mọi ngành. Vấn đề là thiếu người có khả năng. Tại đại học y khoa Nam kinh chẳng hạn, có 12 giáo sư tâm thần và chỉ có 4 giáo sư tâm lý.

Ăn ngon để sống khỏe.                          

Trong không khí lễ hội cuối năm với ngày Giáng sinh và Tết dương lịch, xin kết thúc phần điểm tuần báo hôm nay với lời khuyên của 10 vị giáo sư, bác sĩ Pháp về cách thức ăn uống, và ăn gì để bão dưởng sức khỏe trong một bài báo dài của  Bùi Đoàn , phóng viên của Le Nouvel Observateur .

Ăn ngon để sống khỏe . Không phải có tiền là có thể ăn ngon. Tác giả cảnh báo chúng ta trước những chiếc bẩy : Một là món ăn nào cũng tẩy sạch theo kiểu của Mỹ, gà nhúng vào hóa chất Chlore, bơm khí CO vào thịt bò để giữ tươi lâu. Chuyện bất thường thứ hai là do toàn cầu hóa thương mại, nên Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu trái dâu. Cách nay không lâu , xí nghiệp Trung quốc mua một hợp tác xã của Pháp ở miền nam chuyên làm sauce cà chua. Chủ Trung Hoa vẫn giữ bản hiệu cũ nhưng nguyên liệu cà chua nhập từ Trung Quốc.

Phở, món ăn Việt Nam : ít thịt mà bổ dưỡng.

Chúng ta ăn cá phi Việt Nam, cá Perche sông Nil, cứ thử tưởng tượng xem các giá năng lượng chuyên chở chưa kể vấn đề vệ sinh thực phẩm. Thái Lan xuất khẩu tôm ra khắp thế giới nhưng mấy ai biết người Thái nuôi tôm như thế nào.

Một nhà khoa học Pháp lo ngại : Trong các hồ nuôi, tôm nhiều đến nổi phải chen chút nhau. Để có thêm chất sắt và chất khoáng, nhà chăn nuôi ném cả xác xe hơi vào hồ tôm.Và để giới hạn bệnh truyền nhiễm, họ sử dụng thuốc kháng sinh nuôi tôm.

Nếu thính giả thích ăn cá, thì hãy nghe lời khuyên của một nhà dinh dưỡng học : Tránh ăn cá to. Không phải dụ thính giả ăn cá lòng tong, cá mòi, nhưng vì một lý do dễ hiểu. Cá càng lớn thì càng dể bị nhiểm thủy ngân hoặc PCB. Đối với quý thính giả người Việt, hãy theo lời khuyên của bác sĩ David Servan - Schreiberg. Không nên ăn thịt nhiều để tránh bệnh ung thư . Hảy làm theo sự khôn ngoan của người xưa, thịt chỉ là phụ gia làm cho món ăn ngon hơn chứ không phải là thành tố chính. Ông đưa hai thí dụ : món súp Pot au Feu của Pháp, ít thịt nhiều rau và thứ hai là món Phở của người Việt Nam, bổ dưỡng nhưng ít thịt.