Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VĂN HỌC

Dương Thu Hương và tác phẩm Đỉnh Cao Chói Lọi

 Thanh Hà

Bài đăng ngày 08/01/2009 Cập nhật lần cuối ngày 08/01/2009 15:49 TU

Một ông cụ già nhìn lại cuộc đời với nhiều vinh nhục. Một người đã vượt qua nhiều thách thức của định mệnh, từng bước leo lên đến đỉnh cao quyền lực, nhưng khi ngoảnh lại, tuổi già chỉ có cô đơn.  Sự cô đơn, trống vắng thể hiện thất bại và thành công của nhân vật chính trong truyện.

Phụ trang văn học của báo Le Figaro chú ý đến tác phẩm mới nhất của nhà văn Dương Thu Hương, Đỉnh cao chói lọi, với cái tên tiếng Pháp là Au Zenith, nhà xuất bản Sabine Wespieser

Một ông cụ già nhìn lại cuộc đời với nhiều vinh nhục. Ông cụ ấy dưới ngòi bút Dương Thu Hương là ông Hồ Chí Minh. Đỉnh cao chói lọi mở đầu bằng những kỷ niệm và tiếc nuối. Một người đã vượt qua nhiều thách thức của định mệnh, từng bước leo lên đến đỉnh cao quyền lực, nhưng khi ngoảnh lại, tuổi già chỉ có cô đơn.

Tác giả bài báo viết : « hình ảnh ông cụ già qua nhân vật Chủ tịch của nhà văn Việt Nam xuyên suốt từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm ; lúc nào cũng đơn độc, xa cách với cái thế giới đang bao quanh ông (...). Sự cô đơn, trống vắng thể hiện thất bại và thành công của nhân vật chính trong truyện.

Sự thật bao giờ cũng trần trụi, không cần phải che đậy. Đấy là sự thật về một con người - trong tiểu thuyết là ông Hồ Chí Minh - sự thật về một chế độ cộng sản độc tài ; sự thật về một mối tình với một người vợ trẻ mà ông Chủ tịch không đủ sức bảo vệ lấy hạnh phúc ; sự thật về bất lực của ông trước một cuộc chiến.

Nhân vật của Dương Thu Hương đang lật lại từng trang sách trong cuộc đời mà ông chỉ nhận thấy phần chua chát : đồng bào ông vẫn đau khổ, vẫn chân đất đi ra đồng. Những người tự xưng là đồng chí của ông đã sát hại người vợ trẻ ông hằng thương yêu.

Còn đâu bầu nhiệt huyết của thủa thiếu thời, của những ngày một cậu thanh niên Việt Nam xây mộng dưới vòm trời Paris ? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời một ông lão đang bị giam lỏng ? Tại sao có thể hy sinh bấy nhiêu sinh mạng và của cải để rồi dẫn đến kết quả ghê gớm như thế này ?

Le Figaro nhận thấy là tài năng của Dương Thu Hương vẫn nguyên vẹn từ sau cuốn tiểu thuyết Chốn Vắng.

« thuộc tầng lớp của những nhà văn lớn, họ yêu thương đồng bào và nỗi khổ đau của dân tộc. Nếu tiểu thuyết Đỉnh cao chói lọi của bà là một bức tranh thêu thì phải nói là Dương Thu Hương đã mượn thời gian làm chỉ. Bà đã tô điểm cho bức tranh ấy bằng màu sác của những phong cảnh chỉ còn thuộc về quá khứ ; bằng màu đỏ của máu, của sự hy sinh và cũng là màu của quyền lực của chiến thắng (…) bà vẩy lên tấm tranh đó những giọt nước mắt của con người, bất luận đấy là những kẻ thế lực hay bần hàn.

Đỉnh cao chói lọi làm cho người đọc phải suy nghĩ về những hành động chính trị, về nhứng lý tưởng và nhất là về trăn trở của con người vào tuổi xế chiều »

Chiến tranh Cận Đông

« Chiến tranh ở Gaza, Liên Hiệp Quốc tố cáo một cuộc khủng hoảng toàn diện về mặt nhân đạo », tựa lớn trên tờ Le Monde. Le Figaro thiên hữu không quên nhắc đến công lao của tổng thống Sarkozy. Tờ báo đăng ảnh tổng thống Ai Cập tiếp đồng nhiệm Pháp dưới hàng tít lớn : « Sau vòng công du của ông Sarkozy, Israel và Ai Cập sẵn sàng đàm phán về một hiệp tước trên hồ sơ Gaza ».

Hàng chữ trắng trên trang nhất của báo cộng sản L'Humanité như một mệnh lệnh : « Hòa bình ngay bây giờ cho Gaza ». Riêng nhật báo Công giáo La Croix thì nói đến hình ảnh của tổ chức hồi giáo Hamas trong mắt người dân Cisjordanie : với chiến sự lần này, Hamas được coi là biểu tượng của sự kháng cự chống lại Israel

Nga – Ukraina, cuộc đọ sức về năng lượng

Tây Âu bắt đầu thiếu khí đốt. Cuộc đọ sức giữa Nga và Ukraina trên vấn đề năng lượng, khí đốt là đề tài thu hút chú ý của làng báo Pháp trong ngày : « Châu Âu bắt đầu thiếu ga », hàng tựa ngắn gọn của Le Monde. Le Figaro chơi chữ : « Nga khóa vòi robinet đổ về Liên Hiệp Châu Âu ». Libération chi tiết hơn : « Nước Pháp, hết khí đốt của Nga trong các đường ống dẫn ».

Khác với các đồng nghiệp, L'Humanité quan tâm đến khó khăn của đông Âu trong cuộc đọ sức giữa Kiev và Matxcơva : thành viên nghèo nhất trong Liên Hiệp Châu Âu là Bulgarie, nước đầu tiên phải trả giá trong cuộc chiến năng lượng lần này giữa Nga và Ukraina.

Trong đêm hôm 06.01.2009, mười hai ngàn hộ gia đình tại Varna, thành phố lớn thứ ba của Bulgarie bị cắt sưởi, trong khi nhiệt độ ngoài trời xuống đếm âm 15°C. Bulgarie, Slovaquia, Phần Lan và ba nước vùng Baltique lệ thuộc đến 100 % vào khí đốt của Nga

Kinh tế thế giới

Nhìn đến phần thời sự kinh tế : vào những ngày đầu năm khi cầm đến tờ báo chúng ta thường muốn được tìm thấy những tin phấn khởi. Tiếc là số này rất hiếm thấy trên các trang báo Pháp những ngày gần đây.

Phụ trang kinh tế của Le Figaro đưa tựa « Thị trường lao động ở Mỹ suy sụp », riêng trong tháng 12 vừa qua gần 70 ngàn công việc làm bị hủy bỏ, một con số kỷ lục kể từ năm 1949 đến nay.

Cũng trên tờ báo này độc giả được biết mức tiêu thụ của Trung Quốc đang lung lay. Thông tín viên của Le Figaro từ Bắc Kinh đưa ra nhận định : chính quyền khuyến khích tiêu thụ để bù lại với khâu xuất khẩu đang bị tuột dốc thế nhưng người dân không còn hào hứng để tiêu xài

Bắc Kinh đang trông chờ vào tiềm năng tiêu thụ nội địa để tránh khỏi khủng hoảng, khổ một điều dân chúng không hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền. Đối với một đất nước rộng lớn và đông dân như Trung Quốc, tin tưởng của người dân mà lung lay thì thật là một tai họa.

Theo phóng viên báo Le Figaro : trước mắt 70% người dân Trung Quốc vẫn chưa có ý định thay đổi cách sống, tức không giới hạn chi tiêu, nhưng điều này có thể thay đổi một sớm một chiều. Dư luận chưa đến nỗi bi quan, nhưng bắt đầu hoang mang và không còn tự tin như trước nữa.

Theo lời một chuyên gia thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội tại Bắc Kinh, một trong những vấn đề cơ bản của Trung Quốc là hiện nay tỷ trọng của sức tiêu thụ nội địa trong GDP mới chỉ tương đương với 40%, thay vì 70% như ở các nước phương tây.

Do vậy, mà chính quyền trung ương muốn khai thác tiềm năng tiêu thụ trong nước để tiếp sức cho khu vực sản xuất.

Vấn đề đặt ra là cả ngành công nghiệp xe hơi, lẫn địa ốc của Trung Quốc cùng đang gập khó khăn. Thị trường chứng khoán mất giá càng làm giảm đi sức mua của người dân. Trong bối cảnh ảm đạm như trên, nhiều gia đình Trung Quốc bắt đầu hạn chế chi tiêu để chờ thời cơ thuận lợi hơn. Cũng phải nói thêm tỷ lệ tiết kiệm ở Trung Quốc rất cao, chiếm đến 30% thu nhập của gia đình.

Điện ảnh Pháp : 2008, một năm tốt đẹp

Mục điểm báo hôm nay đã mở đầu với một đề tài văn học và xin khép lại bằng một chủ đề văn hóa : theo Le Figaro, 2008 là một năm thuận lợi đối với nền điện ảnh Pháp, làm lu mờ hình ảnh của Hollywood.

Trong bảng xếp hạng Box office tại Pháp, hai  bộ phim đắt khách nhất 2008 đều là những tác phẩm của Pháp : Bienvenue chez les Ch’tis với gần 20.5 triệu khán giả, kế đến là kỳ công của nhân vật Asterix trong truyện tranh được đưa lên màn ảnh lớn với chủ để Asterix tại Thế vận hội.

Nhìn chung trên thị trường phim ảnh, thì phim pháp chiếm đến 45.7% thị phần, Mỹ là 44.5%. So với 2007 thì các nền điện ảnh Pháp đã có một bước nhảy vọt gần 10 điểm