Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC

Bốn ngàn tỷ nhân dân tệ "kích cầu" biến đi đâu ?

  Tú Anh

Bài đăng ngày 15/02/2009 Cập nhật lần cuối ngày  15/02/2009 13:56 TU

Đó là câu hỏi mà hai nhật báo đặt ra nhưng không được chính phủ trả lời. Báo Thanh niên Trung Quốc ủng hộ hành động của một luật sư Thượng Hải yêu cầu chính phủ công bố danh sách các đề án trong kế hoạch đầu tư khổng lồ được loan báo hồi tháng 11/2008

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chính quyền Trung quốc thông báo với thế giới và nhân dân trong nước một kế hoạch kích cầu 4 ngàn tỷ nhân dân tệ tương đương với 588 tỷ đôla Mỹ. Điều này ai cũng biết. Sau đó đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Hội nghị kinh tế quốc gia, nhấn mạnh là  hoàn cảnh khủng hoảng phức tạp hiện nay buộc Trung quốc phải lấy quyết định một cách dân chủ và hợp lý, công khai và do dân kiểm soát.

Thế nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Theo báo Thanh niên Trung Quốc, vì lo ngại số tiền khổng lồ này lọt vào tay hệ thống tham ô, một luật sư tên Nghiêm Nghĩa Minh ở Thượng Hải phải đặt vấn đề và vào ngày 7 tháng giêng, ông đã yêu cầu Ủy ban Quốc gia đặc trách Phát triển và cải cách thông báo danh sách các dự án đầu tư vực dậy kinh tế chống khủng hoảng và các biện pháp giám sát chống phí phạm.

Thế nhưng hơn một tháng sau, cơ quan này hoàn toàn im lặng. Theo luật Trung Quốc, các cơ quan Nhà nước phải trả lời chậm lắm là sau 15 ngày. Một số báo chí tại Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến của luật sư Nghiêm Nghĩa Minh.

Trước luật sư Minh, báo Đại Hà tại Hà Nam đã đặt câu hỏi : Phải chăng kế hoạch phục hưng kinh tế là bí mật quốc gia ? Từ khi kế hoạch chấn hưng được quyết định hồi tháng 11 năm ngoái, chỉ có một thông tin duy nhất được tiết lộ từ chính miệng chủ nhiệm Cơ quan Quốc gia phát triển và cải cách, Trương Bình : 4 ngàn tỷ nhân dân tệ đầu tư vào 7 đề án trong đó có đề án xây dựng hạ tầng cơ sở. Tại Quảng Đông đã có hai yêu cầu thông tin.

Cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản là tờ Nhân Dân Nhật báo trả lời : Câu hỏi thứ nhất đụng chạm đến bí mật quốc phòng. Câu hỏi thứ hai đặt không đúng chỗ. Cả hai thắc mắc đều bị gạt bỏ không trả lời. Đại Hà báo của tỉnh Hà Nam đã loan tin này.

Đến ngày 4 tháng hai, đến lược một tờ báo khác là Trung Quốc Thanh Niên thời báo nhập trận tường thuật câu chuyện luật sư Nghiêm Nghĩa Minh.

Nhắc lại tuyên bố của thủ tướng Ôn Gia Bảo, nhật báo Thanh niên nhận định : Những quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước và đời sống của nhân dân phải được thực thi một cách dân chủ. Tức là phải công  khai. Đó là chuyện tự nhiên vì tiền này là tiền thuế của dân, dân có quyền được thông tin là nhà nước sử dụng ra sao. Về cơ bản, thông tin cho dân biết chi tiết các chương trình được tài trợ 4000 tỷ nhân dân tệ này là bổn phận tất nhiên của một nhà nước dân chủ. Nhờ thông tin chính xác mà cộng đồng biết được đâu là đề án phung phí, đâu là chương trình gây ô nhiễm cũng như có thể bị tham ô.

Nhà báo Vương Thanh của Thanh niên báo kết luận : tất cả mọi người đang nóng lòng chờ đợi nhà nước trả lời thắc mắc của công dân Nghiêm Nghĩa Minh.

Kế hoạch chống khủng hoảng thiếu minh bạch.

Vừa thiếu minh bạch trong kế hoạch chống khủng hoảng, chính quyền Trung Quốc còn tìm cách ném vào sọt rác luật lao động mới được ban hành cách nay một năm để cho phép xí nghiệp bốc lột sức lao động của công nhân. Tại Trung Quốc, người ta hy sinh tiến bộ xã hội cho khủng hoảng. Đó là tựa một bài phân tích dài trên báo Đông Phương mà tác giả là một giáo sư luật, giáo sư Kiều Tân Sinh, đại học Trung Nam Tài Chính ở Vũ Hán.

Vào bài, giáo sư Kiều Tân Sinh viết : Mùa xuân 2009 thật đen tối. Hàng loạt xí nghiệp xuất khẩu ở miền duyên hải phá sản. Hàng loạt công nhân gốc nông thôn  phải trở về quê ăn Tết sớm hơn dự kiến. Trước tình hình này, nhiều chủ xí nghiệp đòi phải ngưng áp dụng luật hợp đồng lao động . Đáp ứng yêu cầu của giới chủ xí nghiệp, một số cơ quan của đảng chỉ thị cho các cơ quan tư pháp quan tâm đến "nhu cầu vi phạm pháp luật" của doanh nhân. Và tránh dùng biện pháp nghiêm khắc gây hại cho "sinh hoạt xã hội". Rõ ràng là nhà nước Trung Quốc thiên vị giới chủ và giảm thiểu quyền lợi của người lao động.

Theo giáo sư Kiều Tân Sinh, tình hình khủng hoảng buộc mọi tầng lớp xã hội phải chung vai sát cánh vượt khó khăn. Nếu hành pháp và tư pháp thiên vị kẻ nắm tiền trong tay thì uy tín của chính quyền sẽ tiêu tan và sẽ tạo ra căng thẳng trong sinh hoạt kinh tế.

Tầng lớp lao động tại Trung Quốc là khâu yếu nhất trong xã hội. Nếu họ được đại diện xứng đáng tại Quốc hội, nếu có luật buộc chính quyền các cấp phải tham khảo công nhân thì có đâu bộ máy đảng và nhà nước hành xử một cách xất xược như vậy với tầng lớp lao động.

Cuối cùng tác giả mời chính quyền Trung Quốc phải nhanh chóng thiết lập một chế độ dân chủ. Ông viết : Tại mọi nước trên thế giới, người ta thấy chung một hiện tượng trong quá trình phát triển kinh tế. Hố sâu giàu nghèo không ngừng cách biệt : người nghèo nhất luôn bị thiệt thòi nhất và bị hy sinh trước tiên. Nếu không có cãi cách để cụ thể hóa nguyên tắc "dân làm chủ" và bảo vệ quyền cơ bản của người dân thì chắc chắn căng thẳng ngày càng nhiều và sớm muộn gì cũng xảy ra hổn loạn xã hội. Không có một chính quyền và bộ máy tư pháp tôn trọng công lý, doanh nhân lúc nào cũng phập phòng, còn người lao động bị áp bức mãi có nguy cơ trở thành cực đoan.                           

Tại Pháp, công luận nghĩ gì về giới lãnh đạo chính trị ?

Theo tuần báo Le Nouvel-Observateur, trong tình hình khủng hoảng, người dân càng ít tin tưởng vào thành phần lãnh đạo chính trị. Sau cuộc tổng đình công 29 tháng giêng, uy tín của tổng thống Sarkozy xuống thật thấp. 58% người dân cho rằng ông nói nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu. Le Point nhắnc lại lời tuyên bố của tổng thống cách nay 10 hôm : "Mọi người đều lo ngại, tôi cũng vậy".

10 ngày sau buổi trả lời phỏng vấn trực tiếp truyền hình, người dân không cảm thấy được thuýet phục và mối bi quan của họ càng lớn. Khủng hoảng không có dấu hiệu suy giảm, phải tìm cho ra một thủ phạm. Tuần báo L’Express tố cáo một tên : Đó là các tay trách nhiệm quản lý ngân hàng . Họ bị tờ báo mô tả như là những kẻ "ngạo mạn, vô tài, vô trách nhiệm…".

Lên án lãnh đạo ngân hàng nhưng phải cứu ngân hàng. L’Express hoan nghênh tổng thống Mỹ Barack Obama giới hạn lương bỗng của giới chủ nhân xí nghiệp và ngân hàng tại Mỹ không được qua 500 ngàn đô la mỗi năm, nếu công ty của họ nhân tiền hổ trợ của nhà nước.

Để cho công bình, tuần báo Mỹ Newsweek phân tích, chính sách can thiệp vào kinh tế của tổng thống Obama hiện được đa số công luận hoan nghênh thật ra là phát xuất từ tổng thống Pháp. Sự can thiệp của nhà nước không còn làm cho công luận Mỹ ngỡ ngàng nữa. Tuy nhiên Newsweek tiên đoán rằng, dù mai đây các tập đoàn chế tạo xe hơi hay ngân hàngcó bị quốc hữu hóa đi chăng nữa, thì đây chỉ là một biện pháp tạm thời. Và ở Hoa Kỳ không bao giờ xuất hiện những đại công ty nhà nước như ở châu Âu. Nhưng nếu tổng Thống Obama tìm ra được con đường trung dung giữa "lợi thế an toàn" theo kiểu châu Âu và "tự do canh tân và linh động" theo mô hình đã đưa nước Mỹ vào phồn vinh thịnh vượng, thì quả là một sự "đổi mới" lớn lao, và chúng ta có được bằng chứng cụ thể là trong giải pháp kinh tế , có vai trò của chính phủ. Tờ báo hàm ý : không phải "thị trường tự điều chỉnh".

"Cám ơn khủng hoảng". 

Cũng trong không khí khủng hoảng này, xin gởi đến quý thính giả một cách nhìn khác, tương đối lạc quan hơn như dân gian Việt Nam thường nói : trong các rũi có cái may.

Trang bìa tuần báo Le Courrier international đề tựa đậm : "Cám ơn khủng hoảng". Và bên trong hơn tám trang bài vở trích dịch từ báo chí Âu Mỹ Á, nêu lên những lý do giúp chúng ta sống lạc quan, vì như một người bị bệnh tim phải bỏ thuốc lá, phải bớt ăn nhậu. Nói chung , khủng hoảng là dịp để chúng ta bỏ đi thói quen xấu, tiêu dùng phung phí, để sống một cách đơn giản hơn.

Nếu độc giả chưa rõ tác hại của khủng hoảng đã đến mức độ nào, xin lược sơ qua thôi một vài con số : Tại Trung Quốc, 20 triệu công nhân gốc nông dân bị mất việc làm. Tại Tây Ban Nha, tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 13,9% trong quý tư năm 2008. Tại Nga, không một người dân nào tránh được tác động của khủng hoảng. Tại xứ hoa anh đào, thị trường bán xe mới giảm 27,9% trong tháng giêng. Gần 600 ngàn việc làm bị mất đi tại Hoa Kỳ trong tháng đầu năm. Vô địch sản xuất cơ khí, nước Đức, sinh hoạt công nghiệp giảm 12%. Tại Ý, hãng Caterpillar chế tạo cơ khí xây dựng hủy bỏ 22 ngàn việc làm.

Trong bầu không khí bi thảm này, báo The Nation của Thái Lan và tờ  El Pais của Tây Ban Nha nhận định. Không nên lo thái quá, vì thời thế sẽ tạo anh hùng. Một loại tư bản mới sẽ xuất hiên. Một thế hệ lãnh đạo mới sẽ lên ngôi. Như Obama của Hoa Kỳ. El Pais của Tây ban nha còn lạc quan hơn với nhân định, sau thời khủng hoảng, sẽ có nhiều canh tân cải tiến hơn. Và nhất là con người sẽ bao dung, và nhân ái hơn với đồng loại. 

Newsweek dự báo con người sẽ tiết kiệm hơn trong khi tờ báo Nga  Vzgliad nhận định xã hội con người không phải chỉ dựa trên giá dầu. Quan hệ con người xây dựng trên những phẩm chất đặc biệt . Nhà báo Nga trích lời cha đẻ chủ thuyết tư bản Adam Smith : "trong quan điểm lợi ích kinh tế, thì dù có bị lừa nhiều lần, con người nếu giữ lòng tin cậy với nhau thì vẫn có lợi hơn là co cụm, nghi ngờ".

Bất hạnh của nhân loại là lầm tưởng rằng mình có thể sống an toàn một mình nếu xây được cho mình một ốc đảo thiên đường. Khủng hoảng hiện nay làm cho nhiều người ở Nga ý thức thế nào là lòng tương trợ. Nhà báo Nga Andrei Arkhangueilski thú nhận, ông đang thiếu tiền thuê nhà, nhưng bà chủ nhà không một lời phiền trách.