Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM - BAUXITE

Công luận thế giới tiếp tục quan tâm đến cuộc chiến chống bauxite của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 13/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày  13/07/2009 16:45 TU

Ảnh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chụp năm 2008(Nguồn : Ricardo Stuckert (PR/ABr/Brazil)/Wikipedia)

Ảnh Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chụp năm 2008
(Nguồn : Ricardo Stuckert (PR/ABr/Brazil)/Wikipedia)

Trong những ngày qua, từ Mỹ qua Pháp, cho đến Singapore, Canada, nhiều cây bút tên tuổi trong làng báo quốc tế đã chú mục đến hồ sơ bauxite tại Việt Nam. Người giúp thu hút mối quan tâm của quốc tế là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đã nhiều lần công khai lên tiếng phê phán đề án đang được chính quyền Việt Nam triển khai tại vùng Tây Nguyên.

Không hẹn mà gặp, vào cuối tháng 06, đầu tháng 07/2009, hai nhà báo nổi tiếng với những phân tích sâu sắc về tình hình Việt Nam, Seth Mydans của Mỹ và Jean-Claude Pomonti của Pháp đã cùng chú ý đến vai trò của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đấu tranh chống kế hoạch khai thác bauxite tại Cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Nếu nhà báo Mỹ Seth Mydans nêu bật sự kiện '''Người hùng trong cuộc chiến ở Việt Nam buộc chính quyền phải lắng nghe'' (War Hero in Vietnam Forces Government to Listen), tựa bài viết trên nhật báo Mỹ New York Times, ngày 29/06, thì nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti phân tích kỹ hơn về nhân tố Trung Quốc trong hồ sơ Bauxite đã khiến tướng Giáp phải lên tiếng cảnh báo. ''Việt Nam, Trung Quốc và bauxite'' (Le Vietnam, la Chine et la bauxite), đây là tựa bài phân tích của Pomonti đăng ngày 03/07 trên trang blog của nguyệt san Pháp Le Monde Diplomatique. 

Vai trò quan trọng của tướng Giáp cũng xuất hiện trong tựa lớn một số bài báo gần đây. Nhật báo Singapore The Straits Times (30/06), khi đăng lại bài viết trên tờ New York Times đã chạy tựa ngắn gọn : ''Người Hùng trong cuộc chiến chỉ trích đề án (War hero criticises project), nhật báo Canada Vancouver Sun (06/07) thì nêu bật đối tượng bị phê phán : ''Vị tướng anh hùng của Việt Nam thách thức Đảng Cộng Sản'' (Vietnam's hero general takes on the Communist Party).

Tại Pháp, ngoài bài báo của Jean-Claude Pomonti, trên website thông tin về chinh trị Rue89, nhà báo Pierre Haski, nguyên phó chủ bút nhật báo Libération, từng là thông tín viên thường trực tờ báo này tại Trung Quốc trong 5 năm, thì chỉ rõ nguyên nhân : ''Một hợp đồng với Trung Quốc đã buộc Tướng Giáp rời nơi ẩn dật'' (Un contrat avec la Chine fait sortir le Général Giap de sa retraite).

Đóng góp ý kiến trong tư thế một người trung thành với nước

Đối với giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc, từ ngày ông chính thức về hưu, đây không phải là lần đầu tiên mà tướng Giáp can thiệp vào một vấn đề mà ông cho là hệ trọng đối với đất nước Việt Nam. Theo giáo sư Thayer, dù tuổi tác đã cao (98 tuổi), nhưng tướng Giáp vẫn đủ minh mẫn để hiểu được rằng uy tín của ông sẽ giúp cho ý kiến của những người quan ngại về tác hại của kế hoạch khai thác bauxite được chính quyền lắng nghe. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Thayer nhận định :

Từ khi tướng Giáp về hưu cách đây hai thập niên, ông vẫn phục vụ đất nước Việt Nam trong tư cách một trung thần, đóng góp ý kiến trên nhiều vấn đề hệ trọng. Ông Giáp đã từng than phiền về việc sử dụng các cơ quan tình báo không đúng chỗ. Việc ông can thiệp hiện nay trên vấn đề bauxite nằm trong truyền thống đáng kính của các nhà lãnh đạo về hưu, nêu lên quan điểm của mình một cách ''mạnh bạo và không thiên kiến''.

Ông Giáp đã gởi ít nhất là 3 bức thư ngỏ đến giới lãnh đạo Việt Nam về vấn đề bauxite. Rõ ràng là ông phản ánh quan điểm những nguời thân cận với ông, vốn rất quan ngại trước tác hại về mặt kinh tế, môi trường và an ninh quốc gia khi chính phủ giao hợp đồng khai thác bauxite cho phiá Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, các nhân tố tiến bộ tại Việt Nam từng ủng hộ cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và những nhận định phê phán thẳng thắn của ông về chính sách nhà nước. Chẳng may là ông Võ văn Kiệt đã qua đời, vì thế giới cải tổ ở Việt Nam mất đi tiếng nói của người đàn anh uy tín nhất của họ.

Tướng Giáp hiện nay cho thấy là ông vẫn còn rất minh mẫn và ông cũng rất hiểu là uy tín của ông rất cần thiết để cho ý kiến của những người chống đối chính sách bauxite hiện nay đuợc lắng nghe.

Đối với giáo sư Thayer, quyết định của can thiệp của Tướng Giáp là một hậu thuẫn tốt cho những người lo ngại trước tác hại tiếm tàng của kế hoạch khai thác bauxite tại Việt Nam.

Hiển nhiên là có rất đông đảo người thấu hiểu vấn đề trong giới khoa học gia, giới nghiên cứu môi trường, các nhà kinh tế.v.v... Họ rất bức xúc trước chính sách khai thác bauxite của chính phủ, và sự can thiệp của Tướng Giáp đã mang lại thêm tính chính đáng cho nhũng ai muốn nêu lên quan điểm của mình. Với công trạng và uy tín vốn có của ông, khó có thể gạt bỏ ý kiến của Tướng Giáp qua một bên.

Giải thích về thái độ kiên quyết xúc tiến kế hoạch bauxite của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, giáo sư Thayer ghi nhận :

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy ông là một lãnh đạo cương quyết, không phản ứng nhẹ nhàng trước các lời chỉ trích, phản đối mặc dù ông là một người có tiếng là cải tổ. Thủ tướng Dũng đã đặt uy tín của mình lên bàn cân khi khuyến khích đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam và cổ vũ cho việc khai thác bauxite. Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam cũng vậy. Và chắc chắn là những đồng chí trong đảng của thủ tướng Dũng đã gây sức ép để ông giữ thái độ cứng rắn. Tuy nhiên dù kiên quyết, nhưng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hoàn toàn cứng ngắt. Ông đã đề cử một phó thủ tướng để xử lý vấn đề này.

Từ khi Tướng Giáp quyết định dấn thân vào hồ sơ bauxite, công luận quốc tế đã càng lúc càng được đánh động, đặc biệt là cộng đồng các quốc gia và định chế từ trước đến nay vẫn tài trợ cho công cuộc phát triển Việt Nam. Theo giáo sư Thayer, do quy mô to lớn của kế hoạch bauxite, chính quyền Việt Nam cần phải nhờ đến tài trợ từ bên ngoài, do đó sẽ phải lưu tâm đến các khuyến cáo trên hồ sơ này :

Bây giờ thì các chính phủ nước ngoài, các cơ quan viện trợ của họ cũng như các định chế tài chính quốc tế đã thấy các vấn đề mà việc khai thác bauxite đặt ra, và họ sẽ nêu lên mối quan ngại khi thảo luận với lãnh đạo Việt Nam. Mỏ bauxite là một đề án dài hạn có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam. Để khai thác bauxite Việt Nam cần những khoản tài chính rất to lớn, cho nên chính quyền Việt Nam sẽ phải lưu ý đến quan điểm các nhà tài trợ nước ngoài. 

Sự tham gia của Trung Quốc vào đề án bauxite bị phản đối

Trong tất cả các bài viết mới đây về kế hoạch khai thác bauxite trên vùng Tây nguyên Việt Nam đang được chính quyền Việt Nam xúc tiến, tất cả các nhà quan sát đều nêu bật yếu tố ''Trung Quốc''. Nhân tố này, đã được nhà báo kỳ cựu Pomonti của Pháp phân tích kỹ lưỡng trong bài ''Việt Nam, Trung Quốc và Bauxite''.

Pomonti đã ghi nhận trước tiên dư luận phản đối kế hoạch khai thác bauxite trên Tây Nguyên ngày càng lan rộng tại Việt Nam. Nhà báo Pháp đặc biệt chú ý đến sự kiện khoá họp Quốc hội Việt Nam hồi tháng Sáu vừa qua đã nhiều lần nêu lên kế hoạch này. Ngoài quần chúng, thì hôm 16/06, đã xuất hiện một số khẩu hiệu như kêu gọi đình chỉ việc khai thác bauxite, hay làm xanh trở lại vùng Tây Nguyên trong một cuộc biểu tình của giáo dân Công giáo Hà Nội mà mục tiêu là để đòi lại tài sản của Giáo hội. Quyết định can thiệp của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp lẽ dĩ nhiên cũng được nhắc đến.

Riêng về kế hoạch khai thác bauxite, Pomonti nhắc lại rằng đây không phải là một sáng kiến mới, mà là một dự án đã có từ lâu, từng được nhắc lại hồi đầu thập niên 80 nhưng đã bị gác qua một bên. Có hai lý do khiến chính quyền Việt Nam thời ấy dè dặt. Trước hết là chí phí đầu tư rất lớn, lên đến 15 ty đô la trải dài trong 15 năm, nhưng lợi ích kinh tế thu được lại không bảo đảm vì lệ thuộc vào giá nhôm trên thị trường quốc tế. Mặt khác, việc khai thác bauxite lại là một bài toán nan giải về mặt môi trường, mỏ bauxite khai thác lộ thiên, trong lúc bùn đỏ bắt nguồn từ việc xử lý quặng nhôm lại rất độc hại, cần phải trữ cẩn thận để bảo vệ đất và nguồn nước.

Bảo đảm tôn trọng môi trường từ phiá Trung Quốc rất khả nghi

Thế nhưng đến năm 2007, chính quyền Việt Nam đã quyết định xúc tiến việc khai thác này bằng cách ký kết với Trung Quốc một kế hoạch hợp tác liên quan đến hai mỏ Nhân Cơ (Đắc Nông)  và Tân Rai (Lâm Đồng). Theo Pomonti, chính sự tham gia của Trung Quốc vào đề án này đã làm dấy lên tranh luận. Các chuyên gia, kể cả những người làm việc cho Nhà nước, đã bày tỏ mối lo ngại trước sự kiện Bắc Kinh đã đóng cửa các mỏ bauxite tại Trung Quốc vì các tổn hại gây ra cho môi trường. Các bảo đảm phiá Trung Quốc đưa ra trong đề án khai thác tại Việt Nam do đó rất khả nghi.

Mặt khác, theo Pomonti, từ năm 1979, khi Trung Quốc mở cuộc chiến tranh tuy ngắn ngủi nhưng cực kỳ tàn khốc tấn công vào Việt Nam ở vùng biên giời phiá Bắc, sức ép của Bắc Kinh đối với Hà Nội luôn luôn nặng nề. Theo Pomonti, trong vòng hai thập niên gần đây, với uy lực không ngừng gia tăng, Trung Quốc càng lúc càng xem vùng Đông Nam Á như là vùng ảnh hưởng của riêng họ. Việt Nam là đối tượng đầu tiên bị Trung Quốc lưu ý vì Bắc Kinh không bao giờ tha thứ cho hành động của Hà Nội can thiệp quân sự vào Cam Bốt trong những năm 1978-1989.

Sức ép của Trung Quốc trên Việt Nam ngày càng tăng

Hải quân Trung Quốc đã được tăng cường đáng kể và hiện diện càng lúc càng nhiều ở vùng Biển Đông, nơi hai bên tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tầu tuần tra của Trung Quốc đã chận bắt tàu đánh cá của Việt Nam, trong những khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình, tức là khoảng 80% diện tích vùng Biển Đông.

Chính trong bối cảnh tế nhị đó mà chính quyền Việt Nam đã giao cho Trung Quốc quyền khai thác mỏ bauxite ở Tây nguyên. Đối với Pomonti, khả năng sinh lợi của công việc này cho Việt Nam không có gì là chắc chắn. Chỉ cần giá nhôm, vốn đã suy sụp từ năm 2007, giảm đi một chút là toàn bộ đề án bị rơi vào vòng thua lỗ.

Việc khai thác mỏ đầu tiên tại Tân Rai đã bắt đầu làm dấy lên nhiều mối lo ngại. Về mặt môi trường, đây là khu vực không có nhiều nước, và giới trồng cá phê và trà ở đấy đã phải lấy nước từ một cái hồ. Thế nhưng hồ này có thể bị biến thành hồ chứa "bùn đỏ", tạo ra nguy cơ ô nhiễm cho các nguồn nước.

Tướng Giáp, theo Pomonti, đã từng nhắc đến nguy cơ tổn hại nghiêm trọng về mặt môi trường. Đức hồng Y Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục địa phận Thành phố Hồ Chí Minh cũng cùng ý kiến và cho rằng tình trạng đó là một mối đe doa cho an toàn của người dân trong vùng.

Việc đưa lao động Trung Quốc đến Tây Nguyên gây nên lo ngại

Theo Pomonti, có một yếu tố thứ hai gây tranh cãi là việc sử dụng lao động đến từ Trung Quốc. Theo lời thừa nhận của một viên chức địa phương, hiện đã có 500 người Trung Quốc làm việc trên Tây Nguyên, trong đó có một số là công nhân bình thường chỉ có visa du lịch mà thôi.

Nhà báo Pháp nhắc lại lời cảnh báo của Tướng Võ Nguyên Giáp : Về mặt lợi ích dân tộc và phát triển lâu dài bền vững, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ có hậu quả nghiêm trọng trên mặt sinh thái, xã hội và an ninh quốc phòng.

Đối với Pomonti, bị đẩy vào thế thủ, chính quyền Việt Nam đã cam kết là sẽ hết sức thận trọng. Tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy là họ sẽ từ bỏ đề án. Trong tình hình đó, bài báo kết luận : "Cuộc tranh luận chắc chắn sẽ còn tiếp diễn".