Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC

Bắc Kinh áp dụng chiến lược tuyên truyền mới

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 24/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày  24/07/2009 15:00 TU

Công an Trung Quốc tại một quán cà phê internet ở Bắc Kinh (Reuters)

Công an Trung Quốc tại một quán cà phê internet ở Bắc Kinh (Reuters)

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, kể từ năm 1949, Bắc Kinh đã "mời" các phóng viên trong và ngoài nước lên Tân Cương để đưa tin, ngay sau khi xẩy ra các vụ bạo động đẫm máu ở đây. Phải chăng đây là một thái độ mới, mang tính nhất thời hay là một thời kỳ mới về tự do thông tin được mở ra tại nước này ?

Mặc dù có một vài hiện tượng, chính quyền địa phương và công an ngăn cản các nhóm truyền hình, phóng viên nhiếp ảnh làm việc, nhưng quyết định nói trên đã cho phép các nhà báo tương đối tự do đi lại nhiều nơi ở thủ phủ Địch Hóa, để quan sát, tìm hiểu, gặp gỡ người dân, thậm chí ngay cả trong những lúc tình hình khá căng thẳng, ví dụ như có các cuộc biểu tình của người Hán, đòi trả thù người Duy Ngô Nhĩ, sắc tộc bị tố cáo đã gây ra bạo loạn, theo quan điểm của Bắc Kinh.

Theo nhận định của báo Le Monde, những điều kiện làm việc bình thường được dành cho giới nhà báo là điều chưa từng thấy tại Trung Quốc. Phải chăng đây là một thái độ mới, mang tính nhất thời hay là một thời kỳ mới về tự do thông tin được mở ra tại nước này. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đã và đang từng bước áp dụng một chiến lược mới trong lĩnh vực truyền thông, tuyên truyền, trong bối cảnh công nghệ thông tin, internet phát triển nhanh và mạnh.

Rút bài học từ Lhassa  

Giải thích chiến lược mới này, tờ báo anh ngữ China Daily cho rằng trong trường hợp bạo động ở Địch Hóa, Tân Cương, chính quyền đã "rút ra các bài học ở Lhassa". Sau vụ bạo động ở thủ phủ Tây Tạng, ngày 14 tháng 3 năm 2008, Bắc Kinh đã có phản ứng chậm trễ. Do vậy, theo nhận xét của một giáo sư Trung Quốc thuộc khoa báo chính trường đại học Bắc Kinh, "Nhà nước đã đưa ra sáng kiến cung cấp cho các phóng viên Trung Quốc và nước ngoài những thông tin về những gì xẩy ra tại Địch Hóa. Sự lựa chọn này đối lập mạnh mẽ với cách thức được áp dụng khi có bạo động tại Lhassa".

Ví dụ rõ ràng nhất là chỉ một giờ sau khi xẩy ra bạo động tại Địch Hóa, ngày mồng 5 tháng bẩy, Tân Hoa Xã đã đưa tin. Trong khi đó, sau những sự kiện tại Lhassa, phải đợi tới gần hai tuần, thì một nhóm nhỏ các nhà báo, được lựa chọn cẩn thận, mới được phép đến thủ phủ của Tây Tạng, để tác nghiệp trong khuôn khổ một chương trình do chính quyền định sẵn và kèm cặp chặt chẽ.

Thực ra, việc mở cửa cho truyền thông ngoại quốc, cho dù còn chập chững, đã được khởi động từ đầu năm 2007. Các phóng viên nước ngoài không cần phải xin phép khi ra khỏi thủ đô Bắc Kinh, ngoại trừ đến Tây Tạng. Tuy nhiên, đó không phải là một bước nhẩy vọt dân chủ của chính quyền trong lĩnh vực tự do ngôn luận.

Trái lại, kể từ thời kỳ chuẩn bị cho Thế Vận Hội Olympic 2008 và đặc biệt trong năm nay nhân kỷ niệm Quốc Khánh lần thứ 60, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục đưa ra những tín hiệu độc đoán, cứng rắn trong chính sách tuyên truyền. Thế nhưng, Bắc Kinh hiểu được rằng không thể tiếp tục thực thi chính sách che dấu, bưng bít, bởi vì trong thời đại tin học, thông tin sẽ lọt ra khỏi tầm kiểm soát, được đưa lên internet và phát đi toàn cầu.

Trong vụ Tân Cương, khi chấp nhận "minh bạch hóa", với bộ máy tuyên truyền khổng lồ, Bắc Kinh đạt được mục tiêu nhắm vào công luận trong nước. Báo chí chính thức ào ạt đưa tin là bạo động tại Địch Hóa là do "những phần tử ly khai" Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài xúi giục.

Đồng thời, qua việc này, Bắc Kinh tạo được tiếng vang trong công luận nước ngoài, theo đó, các phóng viên ngoại quốc không bị ngăn cản tác nghiệp, đến được cả thành phố xẩy ra một cuộc bạo động dữ dội nhất trong lịch sử nước Trung Quốc kể từ khi đảng Cộng sản nắm quyền.

Bắc Kinh khó bưng bít thông tin  

Mặc dù chính quyền áp dụng nhiều biện pháp kiểm duyệt trên mạng, nhưng tại một đất nước có tới 250 triệu người sử dụng internet, sự phát triển của mạng thông tin toàn cầu là nguyên nhân chính giải thích sự thay đổi chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh. Thay vì im lặng trước một số sự việc gây ra làn sóng bất bình mạnh mẽ trên mạng, chính quyền Trung Quốc giờ đây bắn tín hiệu cho thấy là họ hiểu được các thông điệp này, qua đó, ngăn cản được những hậu quả khó lường.

Theo ông Eric Sautedé, chuyên gia nghiên cứu tại Học Viện Liên Đại Học Macao, được báo Le Monde trích dẫn, thì vấn đề không phải là "che dấu" sự thật hoặc tạo dựng, "biến đổi" sự thật. Điều cơ bản là luôn luôn kiểm soát được luồng thông tin. Đồng thời, chính quyền buộc phải chú ý tới thực tế và những ràng buộc, thách thức của công nghệ mới.

Chính phủ Trung Quốc "cảm thấy khá mạnh để sử dụng các công nghệ như một vũ khí tấn công trong lĩnh vực tuyên truyền và như một tác nhân có khả năng tự biến đổi", điều này thể hiện đầu óc thực dụng và khả năng thích ứng của chính quyền.