Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM - BIỂN ĐÔNG

Việt Nam cần tranh thủ thời cơ Hoa Kỳ cải thiện quan hệ với Đông Nam Á để hạn chế sức ép từ Trung Quốc

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 27/07/2009 Cập nhật lần cuối ngày  28/07/2009 18:23 TU

Trong bối cảnh Việt Nam càng lúc càng phải chịu sức ép của Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông, giới phân tích thẩm định : Việt Nam cần nắm lấy cơ hội Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề an ninh chung tại vùng biển Đông Nam Á, để đối phó với sức uy hiếp đến từ Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại lễ ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN ngày 22/07/2009 (Nguồn : 14thaseansummit.org)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại lễ ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN ngày 22/07/2009
(Nguồn : 14thaseansummit.org)

Trong vòng không đầy 10 ngày vào trung tuần tháng 07/2009, Hoa Kỳ liên tiếp tung ra ba tín hiệu hướng về phiá các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, theo một kịch bản càng lúc càng cụ thể.

Thoạt đầu là cuộc điều trần hôm 15/07/2009 tại Thượng Viện Mỹ về tranh chấp hải phận và vấn đề chủ quyền tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó hai phó trợ lý bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Hoa kỳ đã xác định chủ trương củng cố trở lại sự hiện diện của Mỹ trong vùng Đông Nam Á.

Chủ trương chung này đã được cụ thể hoá một tuần sau đó bằng sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Thái Lan ký kết Hiệp định "bất tương xâm" với khối các nước Đông Nam Á Asean hôm 22/07.

''Chính sách Đông Nam Á'' mới của Hoa Kỳ cùng một lúc đã được cụ thể hoá hơn nữa với Hội nghị đầu tiên giữa Hoa Kỳ và 4 nước Hạ nguồn sông Mêkông là Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan, bên lề Hội nghị Diễn đàn An ninh Khu vực Asean (ARF). Nhân cuộc họp đầu tiên này, phiá Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch hợp tác, trị giá hơn 160 triệu đô la riêng cho năm 2009, để chi viện cho các chương trình môi trường, y tế và giáo dục trong vùng Hạ lưu sông Mêkông.

Theo các nhà quan sát, căn bản chính sách Đông Nam Á của chính quyền Barack Obama đã bộc lộ rõ trong cuộc điều trần tại Thượng Viện Mỹ ngày 15/07, trong đó hai đại diện cao cấp bộ Ngoại Giao và bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cùng với ba chuyên gia đã nêu bật xu hướng bành trướng thế lực đáng quan ngại của Trung Quốc trong vùng châu Á Thái Bình Dương, từ việc tăng cường tiềm lực hải quân, cho đến những hành động lấn chiếm hay uy hiếp cụ thể nhằm xác lập chủ quyền của họ trên những hòn đảo hay vùng biển đang tranh chấp với các láng giềng, không kể đến những hành vi xách nhiễu liên tiếp nhắm vào tàu hải quân Mỹ tại vùng Biển Đông.

Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đe dọa quyền tự do thông thương

Trong cuộc điều trần, các hành động gần đây của Trung Quốc nhằm chèn ép Việt Nam như hù dọa các tập đoàn dầu khí quốc tế không cho họ kinh doanh với Việt Nam hay việc chận bắt ngư dân Việt Nam, đã được các diễn giả nêu bật thành những thí dụ cho thấy là những hành động của Bắc Kinh đe dọa đến quyền tự do thông thương trong vùng, qua đó đụng chạm đến quyền lợi nước Mỹ.

Chính là xuất phát từ tình hình đó mà đại diện bộ Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ đã xác định rõ ràng là chính quyền Mỹ rất quan ngại trước chính sách bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.  Dù chủ trương không can thiệp vào hồ sơ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như các nước khác, nhưng phiá Hoa Kỳ cho rằng các đòi hỏi của Bắc Kinh về lãnh hải chẳng hạn không phù hợp với luật lệ quốc tế.

Các hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á, và cả đối với Hải quân Mỹ, đe dọa an ninh chung của khu vực và quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ là quyền tự do lưu thông trên biển. Tình hình đó đòi hỏi Hoa Kỳ phải duy trì một lực lượng hải quân hùng mạnh trong vùng để bảo đảm quyền tự do đi lại, củng cố quan hệ với các đối tác từ Indonesia, Philippines, cho đến Malaysia, Việt Nam, và lẽ dĩ nhiên đối thoại với Trung Quốc để ngăn ngừa bất trắc.

Để tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các động thái ngoại giao gần đây của Hoa Kỳ hướng về Đông Nam Á, Ban Việt Ngữ RFI đã phỏng vấn giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc Đại Học George Mason ở tiểu bang Virginia, và giáo sư Ngô Vĩnh Long chuyên gia về Trung Quốc và châu Á tại Đại Học Maine, Hoa Kỳ.

"Cần nắm lấy thời cơ Hoa Kỳ lưu tâm đến an ninh khu vực''

Đối với cả hai giáo sư, trong bối cảnh Việt Nam càng lúc càng phải chịu sức ép của Trung Quốc, đặc biệt trong vần đề tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông, Việt Nam cần nắm lấy thời cơ Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề an ninh chung tại vùng Đông Nam Á, để đối phó với sức uy hiếp đến từ Bắc Kinh.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng(Ảnh : Trọng Nghĩa/RFI)

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng
(Ảnh : Trọng Nghĩa/RFI)

Trả lời câu hỏi của RFI, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt ghi nhận mối quan tâm đặc biệt mà Hoa Kỳ dành cho Việt Nam trong hàng loạt những động thái hướng về Đông Nam Á trong thời gian gần đây mà rõ ràng nhất là cuộc họp giữa bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với bốn đồng nhiệm Việt Nam Lào Cam Bốt và Thái Lan bên lề Hội nghị Asean ngày 23/07 vừa qua. Bên cạnh đó, công cuộc hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt vẫn tiến triển dù chậm chạp, mà dấu hiệu mới nhất là các cuộc thảo luận vào cuối tuần trước giữa không quân hai nước.

Trong tình hình Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng củng cố lực lượng trong vùng, thắt chặt thêm quan hệ với các nước đối tác trong khu vực Đông Nam Á, để bảo đảm quyền tự do thông thương, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để hạn chế sức ép đến từ Bắc Kinh.

Sau đây là bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trường Đại Học George Mason, Virginia. 

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng tại Hoa Kỳ

27/07/2009 Trọng Nghĩa

Giáo sư Ngô Vĩnh Long(Nguồn : umaine.edu)

Giáo sư Ngô Vĩnh Long
(Nguồn : umaine.edu)

Cùng quan điểm với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư Ngô Vĩnh Long đã ghi nhận tính chất quan trọng của các chuyển đổi mới đây trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Nam Á, nhất là khi cuộc điều trần ở Thượng Viện Mỹ hôm 15/07 đã nêu bật những hành động ''quá trớn" của Trung Quốc không chỉ với các nước làng giềng, mà cả với Hải quân Mỹ.

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, tín hiệu mà Hoa Kỳ bắn đi, không chỉ đơn thuần nhắm vào Trung Quốc để nước này giảm bớt các hành động quá đáng, mà còn nhắm tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để các nước này biết rõ là Hoa Kỳ sẽ không từ nhiệm trong vai trò cường quốc duy nhất có khả năng tạo thế cân bằng với uy lực đang lên của Trung Quốc tại Châu Á.

Theo giáo sư Long, Việt Nam trong thế đang bị Trung Quốc ''ức hiếp'' cần phải nắm lấy thời cơ này để có chính sách thỏa đáng nhằm giải tỏa được sức ép từ phiá Bắc Kinh, bảo vệ được tư thế độc lập của mình.

Sau đây là bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại Học Maine.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ

27/07/2009 Trọng Nghĩa