Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

KINH TẾ VIỆT NAM

Kiều hối chuyển về Việt Nam có nguy cơ sụt giảm trong năm 2009

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 07/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày  07/09/2009 18:27 TU

Các công ty chuyển ngân quốc tế đều có mặt tại Việt Nam như Western Union hay Moneygram

Các công ty chuyển ngân quốc tế đều có mặt tại Việt Nam như Western Union hay Moneygram

Năm 2008, Việt Nam đứng thứ 10 trên thế giới về kiều hối nhận được, với ít nhất 7,2 tỷ đô la. Năm 2009 lượng ngoại tệ ''cho không'' này có thể giảm từ 10% đến 20%. Một trong những nguyên nhân quan trọng là khủng hoảng kinh tế tác động mạnh đến Hoa Kỳ, nguồn kiếu hối chính gởi về Việt Nam. Từ California, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích về vai trò của

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố vào trung tuần tháng 7/2009, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nước nhận được lượng kiều hối nhiều nhất trên thế giới vào năm 2008. Với tổng tri giá ước lượng là 7,2 tỷ đô la. Mức tăng này được đánh giá là đáng kể so với năm 2007, khi lượng kiều hối gởi về Việt Nam cũng đã rất khả quan, đạt 5,5 tỷ đô la, một khoản tiền mà theo Ngân hàng Thế giới tương đương với 8% GDP của Việt Nam.

Tuy nhiên trong năm 2009 này, tình hình sẽ xấu đi hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động nặng nề đến các nước Âu Mỹ, nơi xuất phát của nguồn kiều hối gởi về các quốc gia đang phát triển. Ngân hàng Thế giới dự báo là tổng trị giá kiều hối nói chung sẽ giảm từ 7% đến 10%, trước khi vươn lên trở lại vào năm 2010 và 2011.

Ngân hàng Thế giới không đưa ra dự báo cụ thể cho Việt Nam, nhưng theo Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam thì tỷ lệ sụt giảm của kiều hối trong năm nay có thể xuống tới 20% so với năm ngoái. Trung tuần tháng 7 vừa qua, theo hãng Reuters, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Trung Ương Việt Nam đã dự đoán là trong năm 2009, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ chỉ đạt từ 5,8 tỷ đến 6 tỷ đô la.

Dự báo của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam xuất phát từ tình hình thực tế là trong 6 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được chỉ là 2,83 tỷ đô la.

Giải thích về nguyên nhân khiến cho kiều hối chuyển về Việt Nam giảm sút, giới quan sát đã nêu bật yếu tố khủng hoảng toàn cầu. Kiều hối nói chung xuất phát từ hai nguồn chính : tiền dành dụm của người Việt Nam trong nước đi xuất khẩu lao động gởi về cho gia đình, và tiền của người Việt định cư ở nước ngoài gởi về giúp đỡ thân nhân trong nước.

Do khủng hoảng kinh tế, nhiều nước trước đây thu nhận nhiều lao động Việt Nam đã bắt đầu sa thải nhân viên có sẵn, hay đình chỉ việc thu nhận nhân công mới. Hệ quả là nguồn kiều hối đến từ giới này cạn dần. Theo một ghi nhận của chính bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam vào đầu tháng 9, thì trong 8 tháng đầu năm nay, mới chỉ có hơn 45.000 lao động Việt Nam được gởi ra nước ngoài làm việc, trong lúc chỉ tiêu toàn năm của Nhà nước là xuất khẩu được 90.000 lao động. Trước đó, báo chí Việt Nam liên tục loan tin về những trường hợp công nhân Việt Nam từ Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Cộng Hoà Séc, Slovakia... phải hồi hương vì bị mất công ăn việc làm.

Tuy nhiên, số tiền gởi về nước của các lao động Việt Nam hiện ở nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ trong số kiều hối gởi về nước. Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal, gần 2 phần ba lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được trong thời gian qua đến từ Hoa Kỳ, nơi có một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo. Kinh tế Hoa Kỳ đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nạn thất nghiệp gia tăng, các yếu tố này tất nhiên tác động đến lượng tiền gởi về Việt Nam. Theo Wall Street Journal, chính quyền Mỹ đã ước tính là kiều hối mà cộng đồng người Việt tại Mỹ chuyển về Việt Nam trong năm nay có thể giảm khoảng 10%.

Cho dù sút giảm, nhưng kiều hối vẫn được xem là một nguồn ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được dự báo sẽ sút giảm mạnh. Chỉ tiêu chính phủ Việt Nam đề ra cho năm 2009 này là 20 tỷ đô la đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép, không bằng 1/3 số liệu của năm ngoái (hơn 66 tỷ đô la).

Trong tình hình như vừa kể, khả năng kiều hối giảm sút trong năm nay không chỉ gây khó khăn cho những gia đình ở Việt Nam là người nhận số tiền này, mà còn có thể ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ mà nền kinh tế Việt Nam đang cần. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California đã giải thích rõ hơn về ích lợI và vị trí của kiều hối trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California

07/09/2009


Trọng Nghĩa: Thân chào anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa anh, theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới thì từ năm 2001 đến nay, lượng kiều hồi gởi về Việt Nam đã tăng thường xuyên, đạt 7,2 tỷ đô la Mỹ trong năm 2008. Nhưng năm 2009 này, cũng theo Ngân Hàng Thế Giới thì lượng tiền này có thể giảm sụt. Trước hết, xin anh cho biết kiều hối là gì và giúp ích gì cho kinh tế Việt Nam ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có ba cách nhìn vào sự việc Việt Nam vẫn nhận được một nguồn ngoại tệ do thân nhân gửi về cho mà không đòi hoàn lại.

- Thứ nhất, trong quan hệ giữa các nền kinh tế, Việt Nam có thể thu ngoại tệ nhờ ba ngả chính là thứ nhất qua xuất nhập khẩu; thứ hai là do đầu tư từ nước ngoài đổ vào với hy vọng kiếm lời; thứ ba là do người Việt từ bên ngoài gửi về cho gia đình mà không chờ đợi sẽ được hoàn lại, tức là một hình thức kinh tế gọi là “tặng dữ”.

- Cách nhìn thứ hai là về các khoản tiền từ ngoài đem vào Việt Nam với tính cách tặng dữ này. Việt Nam được nhiều quốc gia viện trợ, tiền viện trợ ấy có thể là cho không vì mục tiêu nhân đạo nhưng không nhiều; hoặc có thể là cho vay dài hạn và nhẹ lãi, gọi là viện trợ phát triển như ODA - viện trợ chính thức - khi yếu tố cho không này phải tối thiểu là 25%. Người ta tính ra "yếu tố tặng dữ" đó khi so sánh lãi suất rất thấp, thời hạn cho vay rất lâu với sự mất giá của đồng bạc trong thời hạn hoàn trả này. Bây giờ, không phải là một quốc gia mà là cộng đồng người Việt gửi tiền về nhà với mục đích tặng dữ coi như 100%. Trong số này, ta không kể loại tiền bạc người Việt đem về giúp thân nhân mở cơ sở làm ăn, là một hình thức đầu tư từ nước ngoài.

Nói chung trên toàn thế giới thì từ năm 1996 trở về sau, lượng tiền tặng dữ ấy đã vượt qua số tiền viện trợ chính thức của các nước giàu cho các nước nghèo. Cho nên các nước giàu đã quan tâm theo dõi và đặt ra chính sách nâng đỡ vì là tiền viện trợ của tư nhân cho tư nhân thay vì chính phủ phải lấy tiền thuế của dân viện trợ cho xứ khác thì bị ràng buộc rất nhiều.

- Cách nhìn thứ ba là khi ta so sánh với nhiều xứ khác. Đa số các nước trên thế giới mà nhận được tiền gọi là "kiều hối" là do người bản xứ đi lao động ở nước ngoài rồi gửi về cho gia đình. Riêng lực lượng lao động ở nước ngoài của Việt Nam, tại vài nước như Đông Á, Trung Đông hay Đông Âu, thật ra không đông. Khoản tiền họ gửi về không nhiều và suốt năm qua, cuộc sống và việc làm của họ còn bấp bênh, và nhiều người đã bị trả về. Cho nên nguồn tiền gửi về chủ yếu là do cộng đồng người Việt, đa số là dân tỵ nạn đã thụ đắc quốc tịch nước ngoài và sẽ sống vĩnh viễn tại nước ngoài nên không thể gọi họ là "Việt kiều" được.

Trọng Nghĩa: Vị trí của nguồn tiền do người Việt ở nước ngoài gởi về cho thân nhân ở trong nước như thế nào so với các nguồn ngoại tệ khác dồn vào Việt Nam ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về ngoại thương, Việt Nam đang bị nhập siêu đến hơn 16%, tức là nhập nhiều hơn là xuất cảng, nên bị thiếu hụt ngoại tệ. Trong sáu tháng đầu năm thì hụt mất ba tỷ tư. Tình trạng này đang bào mỏng khối dự trữ ngoại tệ của ViệtNam và gây khó khăn về ngoại hối làm đồng bạc bị sụt giá. Thứ hai, lượng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào cũng giảm mạnh và số cam kết trong sáu tháng đầu năm chỉ còn chừng 10 tỷ, quy ra cả năm thì được hơn 17 tỷ, chỉ bằng 26% của năm ngoái. Cam kết rồi, nhà đầu tư mới bỏ tiền khởi công sau đó thì tiền giải ngân trong sáu tháng đầu năm mới chỉ có bốn tỷ sáu, quy ra toàn năm thì được tám tỷ là may, so với năm ngoái thì sụt hơn 30%. Thứ ba, Việt Nam có được các nước cam kết viện trợ chừng năm tỷ đô la, nhưng vì ách tắc của mình nên sổ giải ngân nhận được chỉ bằng phân nửa, tức là hơn hai tỷ đô la. Bây giờ, người Việt ở ngoài mà gửi về sáu bảy tỷ đô la như một khoản viện trợ miễn phí, thì đấy là một nguồn lợi đáng kể về kinh tế.

- Nhìn cách khác, khi Việt Nam nói là đã đạt tốc độ tăng trưởng là 7% cho một nền kinh tế có sản lượng chừng 90 tỷ đô la theo cách tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI - tức là làm giàu thêm được hơn sáu tỷ đô la - thì sự giàu có phụ trội này xuất phát từ nguồn viện trợ miễn phí của người nước ngoài gửi về cho thân nhân ở nhà!

Trọng Nghĩa:  Nhiều người cho rằng lượng kiều hối chính thức thống kê được thấp hơn so với thực tế. Nhận xét này có đúng không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng như vậy. Số liệu ước lượng cho năm ngoái có thể đã lên tới tám tỷ đô la chứ không phải bảy tỷ hai như Ngân hàng Thế giới mới công bố hôm 13 tháng Bảy. Thứ nữa, đấy là những khoản tiền gửi chính thức qua nhiều ngả khác nhau có được bút ghi hẳn hoi, chứ ta không quên nhiều cách chuyển khác qua ngả không chính thức và càng không quên là hàng năm, mấy trăm ngàn người từ bên ngoài về thăm nhà cũng trực tiếp đem tiền làm quà cho thân nhân, giả dụ như mỗi người chừng ngàn đô la chia cho cả đại gia đình. Những số tiền ấy tất không được ghi trong sổ sách ngân hàng hay thống kê nhà nước, cho nên số tiền tặng dữ này thật ra rất cao, năm ngoái thì xấp xỉ 10 tỷ chứ không ít và tối thiểu cũng hơn 10% Tổng sản lượng Nội địa PIB hay GDP.

Trọng Nghĩa: Xin anh nói về xuất xứ của nguồn tiền đó. Nơi nào gửi tiền về nhiều nhất, có phải là Hoa Kỳ không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo số ước lượng của các ngân hàng hay công ty chuyển tiền chính thức thì từ 75 đến 80% số tặng dữ xuất phát từ cộng đồng người Việt tại Mỹ. Người Việt tại Mỹ có dân số gần hai triệu, bằng hai phần ba dân số người Việt ở nước ngoài, họ lại có lợi tức trung bình ngang ngửa với người Mỹ da trắng và như vậy là khá cao so với người Việt nơi khác. Trong thành phần người Việt tại Mỹ thì có lẽ dân Việt ở California - tiểu bang có mật độ cao nhất - gửi về bằng gần 80% số tiền từ Mỹ gửi về, là hơn 60% tổng số tặng dữ gửi từ nước ngoài về.

- Cũng nói về xuất xứ, đa số lượng tiền tặng dữ không gửi qua hệ thống ngân hàng mà qua các hãng chuyển tiền quốc tế, tư nhân gốc Việt hay đường dây riêng nên thường cao hơn con số chính thức. Thành phần lao động ở nước ngoài có thể vẫn gửi qua hệ thống ngân hàng và bị kiểm soát kỹ từ gốc, chứ các thành phần kia thì không mấy tin vào ngân hàng trong nước nên tìm ngả nhanh gọn, kín đáo và đáng tin hơn, chưa kể là hoa hồng còn rẻ hơn.

Trọng Nghĩa: Số tiền viện trợ ấy tất nhiên có ích cho nền kinh tế và xã hội, nhưng một cách cụ thể thì ích lợi như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta không quên Việt Nam vẫn là một nước nghèo, có những địa phương chậm phát triển, và nói chung còn thiếu nhiều dịch vụ an sinh, y tế hay xã hội. Về mặt xã hội đó, ta cũng cần phân biệt là tiền của giới lao động ở nước ngoài gửi về có thể ít hơn mà phân tán rộng hơn tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, trong khi tặng dữ nhiều gấp bội của người Việt hải ngoại lại tập trung vào các tỉnh miền Nam và các thành phố lớn. Hiện tượng ấy có góp phần đào sâu hơn nữa dị biệt về lợi tức của từng vùng là một việc ta cần nghiên cứu thêm. Bây giờ, khi dân trong nước bị sụt lương, thất nghiệp hoặc đau ốm, lao động ở nước ngoài lại mất việc hoặc bị trả về thì nguồn tiền của cộng đồng ở hải ngoại mới là sự cấp cứu nhanh gọn và cấp thiết nhất.

Trọng Nghĩa: Ttrong hoàn cảnh khó khăn kinh tế hiện nay trên toàn thế giới, lượng kiều hối gởi về Việt Nam chắc chắn sẽ giảm sút, mức giảm có thể là bao nhiêu ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta khó biết trước được con số của năm 2009, nhưng cứ theo tình hình kinh tế sa sút của các nước xuất xứ như Mỹ, Âu hay Úc hay Canada và hoàn cảnh khó khăn của người Việt tại đó thì lượng tiền tặng dữ có thể giảm ít ra phân nửa. Riêng tại Mỹ thì tính đến nay đã giảm chừng 40% so với cả năm ngoái. Nếu tổng cộng được năm tỷ đô la là mừng vì kinh tế của các xứ này, nhất là tại Mỹ, phải hồi phục trước thì năm sáu tháng sau cộng đồng người Việt tại đấy mới dễ thở, kiếm ra việc làm để rồi tiếp tục gửi tiền về cho thân nhân. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, tiền tặng dữ qua ngả chính thức sẽ còn giảm, nhưng đấy chưa là vấn đề.

Trọng Nghĩa: Thế vấn đề là gì ?Phải chăng vì nhà nước Việt Nam định giá đồng bạc quá thấp cho hàng rẻ để dễ xuất khẩu nên người ở nhà nhận đối giá tiền Việt quá ít làm cho người ta ngần ngại trong vấn đề gởi tiền về Việt Nam ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ tỷ giá đồng bạc chỉ là vấn đề nhỏ thôi vì đô la Mỹ vẫn còn lên giá. Vấn đề nó nằm ở chỗ luồng tư bản biết chảy ngược và xuôi - chảy vào rồi chảy ra.

- Một thí dụ là khi gửi tiền về nhà, ở ngoài phải trả hoa hồng chừng 1%, từ Việt Nam gửi ra thì mất 5% trị giá số tiền gửi. Điều ấy cho thấy là vẫn có người gửi tiền ra ngoài. Họ là ai? Tất nhiên không là bà con vất vả của những người có từ tâm ở hải ngoại gửi tiền về. Họ là đại gia có tiền. Ta cần thấy nhiều trường hợp mà tiền gửi về nhà chỉ được bút ghi trong sổ mà vẫn nằm ở ngoài vì cơ sở trung gian không bỏ tiền ấy vào cặp đem về đưa người thừa hưởng ở nhà. Trong khi đó, đối tác ở nhà của cơ sở trung gian lại nhận tiền của ai khác để trao lại cho người thừa hưởng. Vì thế, nghiệp vụ chuyển tiền có hai chiều, tiền gửi về nhà cũng là cơ hội cho người ở nhà chuyển tiền ra ngoài! Ở nhà, người nhận và người gửi tiền ra ngoài là hai thành phần khác nhau. Con số bảy tám tỷ gửi về có thể là tặng dữ cho nhiều gia đình đỡ khổ, nhưng đối giá của nó lại là tiền mà kinh tế học gọi là "tẩu tán tư bản" hay "fuite des capitaux", là tiền được rút chạy khỏi Việt Nam. Bây giờ, khi kinh tế bên ngoài sa sút, một số gia đình ở nhà có thể bị lao đao chứ người có chức có quyền, tức là có tiền, thì vẫn không thiếu cách đem tiền ra ngoài, có khi gọi đó là đầu tư! Nhìn lại thì nếu sản lượng kinh tế Việt Nam có gia tăng 6-7% mà lại chỉ bằng với số tiền tặng dữ từ ngoài gửi về thì ta thấy ra một lượng thất thoát tư bản cũng ở khoảng đó. Và đấy mới là vấn đề!