Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Tại Việt Nam, giáo dân Loan Lý đương đầu suốt ba ngày với công an để bảo vệ ngôi trường

  Tú Anh

Bài đăng ngày 20/09/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/09/2009 14:15 TU

Công an tiến vào khu vực trường Loan LýẢnh : vietcatholic.net

Công an tiến vào khu vực trường Loan Lý
Ảnh : vietcatholic.net

Theo nguồn tin của thông tấn xã Công giáo Việt Nam, mặc dù huy động một lực lượng an ninh hùng hậu, phải mất ba ngày, chính quyền huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, mới lấy được trường tiểu học của giáo xứ Loan Lý, làng Lăng Cô.

Vào lúc âm vang cuộc đàn áp giáo dân và linh mục trong vụ nhà thờ Tam Tòa, tỉnh Quảng Bình, tạm lắng dịu, thì cách đó không xa, ở Thừa Thiên-Huế, một vụ xung đột khác đã xảy ra.

Đêm 13 rạng 14 tháng 9, vào lúc mọi người đang ngủ, chính quyền huy động khoảng 200 công an cũng như những thành phần không rõ danh tính, trang bị dùi cui điện và gậy, xâm nhập giáo xứ chiếm một cơ sở giáo dục của nhà thờ. Một giáo dân kéo chuông nhà thờ báo động. Toàn thể tín hữu, từ người già đến phụ nữ khoảng 400 người chạy ra đã nắm tay nhau bảo vệ ngôi trường của giáo xứ được xây dựng từ năm 1956 và bị chính quyền trưng dụng sau 30 tháng 4 năm  1975.

Cuộc kháng cự của giáo dân kéo dài suốt đêm đã đẩy lùi được công an. Sáng thứ hai 14 tháng 9, chính quyền tăng thêm lực lượng bao vây giáo xứ, canh giữ trước nhà dân và đóng chốt trên quốc lộ 1. Lần này có thêm gần 100 cảnh sát cơ động võ trang lựu đạn cay, dùi cui, khiên mộc, xe cần cẩu, xe vòi rồng, để đàn áp. Theo sau lực lượng công an là những phương tiện cơ giới chở vật liệu xây cất để gấp rút xây hàng rào chung quanh ngôi trường.

Cuộc đề kháng của giáo dân Loan Lý kéo dài ba ngày thì thất bại trước một lực lượng công an được tăng cường đông hơn gấp 4 lần. Đến ngày 16/09, lực lượng chính quyền xây xong bức tường bao bọc chung quanh ngôi trường. Giáo dân đặt tên hàng rào cao ba thước này là « bức tường ô nhục ».

Cũng theo bản tin của Thông tấn xã Công Giáo, ngôi trường này từ sau 1975 tuy bị nhà nước trưng dụng, nhưng ngày Chủ nhật vẫn để cho giáo xứ sử dụng dạy giáo lý cho trẻ em. Hai sinh hoạt song song rất hài hòa.

 Trong những năm gần đây, Giáo xứ làm đơn xin lấy lại cơ sở để sửa chữa làm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng phía chính quyền không trả cũng không cho sửa chữa.

Mùa sinh hoạt năm nay, chính quyền thị trấn Lăng Cô và linh mục quản xứ Phaolô Ngô Thanh Sơn đồng ý giữ nề nếp cũ, ngày Chủ nhật dành cho giáo lý. Nhưng bất ngờ, học sinh bị bắt đi học ngày Chủ nhật cả sáng lẫn chiều, trong khi đây là ngày nghỉ hàng tuần của cấp tiểu học. Cha quản xứ không chấp nhận. Trưa ngày 13/09, cha nhận  được văn thư « cấm dạy và học giáo lý tại trường ». Buổi chiều, Linh Mục Ngô Thanh Sơn về Huế tường trình cho Tòa Giám Mục, nhưng cả Đức Tổng Giám Mục và Phụ tá đều vắng mặt, một vị đi họp tại Đài Loan, một vị đi Philippines.

Đêm 13/09 cũng là đêm chính quyền huy động công an đến chiếm trường học và xung đột với giáo dân .

Linh mục Gioan Nguyễn Đức Tuân, hạt trưởng Giáo Hạt Hải Vân nghe chuyện đã đến tận nơi khuyên cán bộ tôn trọng dân chúng, nhưng cha cũng bị xô đẩy không nương tay.

Trong những ngày qua, truyền thông nhà nước đưa ra luận điểm chính thức, theo đó, xung đột xảy ra là do giáo xứ Loan Lý và cha sở có « thái độ khiêu khích lực lượng an ninh và cản trở công việc sửa chữa trường học ».

Vào năm 1999, chính quyền địa phương dự trù lấy đất của nhà thờ để mở rộng diện tích khách sạn Hương Giang mà giáo dân nói là tài sản của bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn. Kế hoạch chiếm đất bất thành, vì giáo dân chống đối quyết liệt và kịp thời rào lại khuôn viên nhà thờ.

Liên quan đến tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng « Chính quyền sẽ không nhượng bộ trên vấn đề đất đai » kể cả trước « áp lực của tòa thánh Vatican ».

Trong nhiều tháng qua, giáo dân ở Việt Nam tổ chức nhiều cuộc tranh đấu, đòi lại tài sản của Giáo Hội bị đảng Cộng sản Việt Nam tịch thu tại miền Bắc năm 1954 và tại miền Nam năm 1975.

Hôm qua, trong cuộc họp báo tại Budapest nhân chuyến công du Hungari, ông Nguyễn Tấn Dũng lập luận rằng trên lãnh thổ Việt Nam, đất đai là của nhà nước.