Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên vẫn sống như thời kỳ Cộng sản thập niên 1950

  Mai Vân

Bài đăng ngày 20/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 15:44 TU

Lính biên phòng Bắc Triều Tiên tại biên giới Trung Quốc. Reuters

Lính biên phòng Bắc Triều Tiên tại biên giới Trung Quốc.
Reuters

Mặc dù đã có một vài nét hiện đại hóa, Bắc Triều Tiên là một quốc gia mà cuộc sống vẫn còn ngưng đọng lại ở thời kỳ Cộng sản những năm 50 thế kỷ trước. Không nơi nào mà sự tôn sùng lãnh đạo còn nặng nề như tại nước này. Đây là ghi nhận của Arnaud de La Grange, tác giả bài phóng sự dài, đăng trên nhật báo Le Figaro mang tựa đề : ''Chuyến du hành ngược dòng thời gian tại vương quốc đỏ cuối cùng''.

Mở đầu bài viết, tác giả mô tả cảnh nông thôn Bắc Triều Tiên không khác gì  thời xa xưa, với phụ nữ mang trên lưng  những chiếc gùi bằng gỗ, mà ngay tại Bình Nhưỡng, người ta chỉ cho du khách xem ở viện bảo tàng. Trong công việc đồng áng,  trâu bò là một loại xa xỉ phẩm, máy cày là một giấc mơ.

Còn tại Bình Nhưỡng, Arnaud de La Grange có cảm giác như đặt chân đến những thành phố Liên Xô cũ như Minks (Belarus) hay Đông Âu, như Sofia (Bulgari) những năm 50, từ kiến trúc các toà nhà, tàu điện hay những cửa hàng ở tầng hầm. Những tấm quãng cáo duy nhất thấy trên đường phố là những tấm bảng ca ngợi chế độ.

Bình Nhưỡng trong mắt tác giả bài báo, là một thành phố đặc biệt yên tĩnh, với những đại lộ rộng lớn thoáng mát, ngược lại với những hình ảnh thường thấy với những đám đông chen chúc trên những đường phố xám xịt. Trên đường phố Bình Nhưỡng, Arnaud de La Grange đã thấy những viên chức  mặc complê, những phụ nữ duyên dáng, chưng diện như ở mọi nơi, những đôi tình nhân ở công viên hay trên bờ sông Taedong.

Nhưng bài báo cũng nhắc lại là Bình Nhưỡng là thủ đô, là chiếc tủ kính của chế độ, khác hẳn ở địa phương. Chỉ cần nhìn vùng ngoại ô thủ đô thôi, thì thấy quang cảnh có khác, với hình ảnh dòng người mệt mõi chờ đợi xe búyt ọp ẹp, những bà già còng lưng dưới túi vải nặng triũ, chứa đựng cả gia tài của mình. 

Thủ đô Bắc Triều Tiên hiện nay cũng tô điểm lại gương mặt của mình với những công trình xây cất ráo riết, trùng tu khách sạn, sơn phết lại các mặt tiền, màu hồng hay xanh lơ nhẹ. Mục tiêu là  mừng sinh nhật lần thứ 100 vào năm 2012 tới đây của cố chủ tịch Kim Nhật Thành.

Theo tác giả bài báo, năm 2012 này là một chân trời đặc biệt quan trọng đối với Bắc Triều Tiên. Nếu không có sự cố gì quan trọng, thì việc thừa kế cũng sẽ được giải quyết vào thời hạn này. Từ đây đến đấy, việc quan trọng là  phải củng cố chế độ.

Theo nhận định của Arnaud de la Grange, người dân Bắc Triều Tiên vẫn tôn sùng, xem ông Kim Nhật Thành là người lãnh đạo thực sự của họ, cho dù ông đã qua đời từ năm 1994. Khách nước ngoài đến Bình Nhưỡng thường được mời đến đặt hoa và nghiêng mình trước tượng của ông. Đây là yếu tố bảo vệ  tính chính đáng cho chế độ Bắc Triều Tiên.

Công việc thừa kế Kim Jong Il chưa hẳn êm xuôi

Tuy nhiên trở lại với việc thừa kế ở Bình Nhưỡng, tác giả bài báo ghi nhận một số điểm cho thấy công việc không thật êm xuôi. Bài báo nhắc lại việc Kim Jong Il đề cử người con trẻ nhất, Kim Jong-Un, như là người thừa kế. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đưa ra nhiều chỉ thị, và  những bài hát ca ngợi Kim Jong -Un đã vang lên trong thời gian qua.

Thế nhưng gần đây thì tên của người thừa kế trẻ 26 tuổi này, đã biến mất khỏi một số tài liệu. Người dân đang đàm tiếu về sự kiện này, nhưng một cách rất kín đáo. Câu hỏi hiện nay, là phải chăng đây là dấu hiệu sự lùi bước hay việc thừa kế không còn quan trọng nữa ? Vì Kim Jong Il đã lành bệnh và phục hồi tốt, như chính tổng thống Obama đã khẳng định cách đây vài  tuần ?

Về mặt kinh tế, nếu Arnaud de La Grange ghi nhận tình trạng tệ hại, công nghiệp chỉ hoạt động  với15% khả năng của mình, ngươi dân thì vẫn thiếu lương thực. Năm ngoái cơ quan Lương nông Liên hiệp Quốc FAO ước lượng là hơn 8 triệu người Bắc Triều Tiên cần đươc trợ cấp lương thực khẩn cấp, nhưng cũng nhận thấy là một tầng lớp trung lưu đang hình thành ở nước này.

Việc sử dụng điện thoại di động ngày càng nhiều, hệ thống điện thoại này không chỉ có ở Bình Nhưỡng mà đang phát triển ra một số thành phố khác. Về mặt kinh doanh, người dân được mở cửa hàng, nông dân được bán sản phẩm của mình, nhưng việc tự do hoá thật khiêm tốn này bị xem như một mối hiểm nguy đối với chính quyền : người dân Bắc Triều Tiên tiếp cận với bên ngoài : ví dụ như tiếp cận với những băng video Hàn quốc mà họ xem được với các máy nhập từ Trung Quốc.

Trung Quốc muốn ngăn chặn tình trạng sản xuất quá tải

Les Echos chú ý đến nõ lực của Trung Quốc muốn hạn chế những đầu tư dẫn đến hoạt động quá tải của ngành công nghiệp trong một số lãnh vực.

Bài báo nêu một số chủ trương mà Bắc kinh đưa ra hôm qua, muốn hướng đầu tư vào những lãnh vực cần thiết thay vì để dồn vào một số ngành đã quá tải. Les Echos nêu ví dụ  ngành thép : sản xuất Trung Quốc đứng đầu thế giới với  600 triệu tấn mỗi năm. Trên tổng số này thì hết 58 triệu tấn là không có sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Hiện nay theo bài báo chính quyền Trung Quốc lo ngại trước hoạt động quá tải trong 6 lãnh vực, trong đó có thép, ximăng, trang thiết bị điện gió...,  và sẽ yêu cầu các ngân hàng không tài trợ cho những đề án trong các lãnh vực này. Bắc Kinh  cũng ra thông cáo cho lãnh đạo các tỉnh, yêu cầu theo dõi dấu hiệu quá tải trong việc sản xuất nhôm, ngành đóng tàu và đậu nành, nhưng không hạn chế tín dụng như đối với thép hay xi măng như vừa kể.

Theo bài báo, chính quyền Bắc kinh muốn hướng đầu tư vào hệ thống hạ tầng cơ sở, vào công cuộc phát triển nông thôn, vào việc xây dựng nhà ở cho những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo Les Echos, chỉ thị từ trung ương là như vậy,  nhưng không dễ thực hiện, vì quyết định đầu tư đến từ  chính quyền điạ phương, và họ không dễ dàng tuân theo lệnh Trung ương.

Bắc Kinh có thái độ mập mờ trên hồ sơ Iran

Tờ Le Monde hôm nay chú ý đến thái độ của Bắc Kinh trên hồ sơ hạt nhân Iran, mà tờ báo gọi là ''nước đôi'', tựa bài báo trang quốc tế. Một mặt Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Iran vì những nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc, nhưng mặt khác thì cố gắng không gây bất bình Washington. Tuy nhiên thái độ này càng làm cho Hoa Kỳ lo ngại vì đối với chính quyền Mỹ, Trung Quốc còn hơn cả Nga, không muốn gây sức ép lên Téhéran.

Le Monde phân tích là Trung Quốc có hai lý do để chống đối việc trừng phạt  Iran. Trước tiên Iran là đối tác kinh tế chiến lược của Trung Quốc. Lý do thứ hai là Bắc Kinh e ngại khả năng một cuộc đọ sức quân sự giữa Hoa Kỳ và Iran trong trường hợp đàm phán thất bại. Chống lại các biện pháp trừng phạt Iran, Trung Quốc theo bài báo, hy vọng đẩy lùi kịch bản đáng ngại một cuộc oanh tạc quốc gia này.

Le Monde kết luân : Trung Quốc đang chơi trò đi dây, khi vừa muốn  bảo vệ đồng minh Iran và đòng thời bảo vệ  uy tín của mình trên chính trướng quốc tế. Tuy nhiên trích dẫn giáo sư Zu Feng, Đại học Bắc Kinh, Le Monde cho là Trung Quốc có thể thay đổi thái độ, tỏ ra mềm dẻo hơn. Theo nhận định ông Zu Feng  :''Nếu Iran tỏ ra không thành thật trong việc tìm ra một giải pháp với các quốc gia Phương Tây, thì ông không nghĩ là Trung Quốc sẽ  tiếp tục chống đối trừng phạt ''.

Chiến dịch gay go của quân đội Pakistan chống lực lượng Taliban

Le Monde trích dẫn các chuyên gia đánh giá bi quan về cuộc chiến mà họ cho là rất gay go đối với quân đội Pakistan. Lý do đập mắt, là vì đối thủ của họ, tập hợp được 10 000 tay súng chiến đấu lão luyện, cộng thêm với cả ngàn người nước ngoài, am tường chiến điạ, những vùng núi ngõ ngách hiểm trở. Trong lúc đó, quân đội Pakistan triển khai trong cuộc tấn công lại gồm những người lính đến từ một vùng khác, vùng Penjab, không quen thuộc với điạ hình vùng bộ tộc Pachtoune, sát biên giới Afghanistan. Theo các chuyên gia, muốn có hy vọng thắng, quân đội Pakistan phải chia rẽ đươc các lực hội giáo tại vùng này.

Còn Libération, trích dẫn trong hàng tựa nhận định của chủ bút báo Pakistan, '' The News'',  ông Yusufzai, thì quân đội Pakistan không đươc quyền  thất bại, họ bắt bắt buộc phải giành  ưu thế,  bằng  không họ sẽ mất hết hậu thuẩn của người dân.''

Theo Libération,  trong khi quân đội mở chiến dịch tấn công vào vùng bộ tộc, người dân Islamabad sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khủng bố. Bộ trưởng nội vụ Pakistan không còn hô hào là kiểm soát đươc tình hình nữa. Bài báo nhắc lại cảnh thứ năm, sau loạt khủng bố ở Lahore,  vị bộ trưởng đã mất tinh thần khi ông thấy cảnh sát của ông khóc trước cơ sở bị khủng bố và 19 đồng nghiệp bị thiệt mạng. Và trên đài truyền hình lãnh đạo ngành an ninh Pakistan phải công nhận ông không còn bảo đảm được ninh ở các thành phố lớn tại Pakistan.