Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

PPM, đơn vị đo lường nồng độ khí thải CO2

  Mai Vân

Bài đăng ngày 09/12/2009 Cập nhật lần cuối ngày  09/12/2009 18:07 TU

Để tránh thảm hoạ cho hành tinh do khí hậu nóng lên, một viễn ảnh, mà theo nhiều người  có thể diễn ra vào cuối thế kỷ này, nếu chúng ta tiếp tục thải khí gây hiệu ứng nhà kính như hiện nay. Để cứu vớt hành tinh, các nhà khoa học kêu gọi giới hạn mức khí thải CO2 trong không khí ở mức 450ppm từ đây đến năm 2050. Có như thế mới hy vọng nhiệt độ trái đất chỉ nóng lên 2 độ mà thôi, vì nếu vượt quá nhiệt độ này hành tinh  sẽ chiụ những hậu quả thật ghê gớm.

Theo báo cáo năm 2008 của nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu IPCC (tiếng Pháp là GIEC), vào năm 2020, phải giảm được 40% lượng khí thải so với mực 1990, mới hy vọng giữ nồng độ CO2 trong khí quyển dưới ngưỡng 450ppm đó.

Nếu trong thiên niên kỷ trước đây, hàm lượng CO2 trong khí quyển vẫn cân bằng ở mức 280 ppm, thì hàm lượng này đã tăng nhanh, lên mức 360ppm vào năm 2001, 380 trong năm 2004, 383 năm 2007. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE, từ đây đến năm 2050, việc thải khí CO2 sẽ tăng 130%. Theo ước tính của IPCC, mực độ khí thải như thế  sẽ lên đến 900 ppm, cao gấp đôi hàm lượng không đươc vượt quá. Nói cách khác, cuộc sống của chúng ta tùy thuộc vào lượng ppm của các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính,  CO2 cũng như những khí khác mà giới khoa học còn gọi là CO2 tương đương.

PPM là gì ?

Đây là từ viết tắt của part per million. Theo từ điển, ppm là đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng hay thể tích của một chất trong một hỗn hợp có chứa chất đó, tính theo phần triệu.  Đơn vị đo lường này thường đươc sử dụng trong phép phân tích vi lượng, (nồng độ của chất trong hỗn hợp rất nhỏ). Người ta sử dụng đơn vị ppm trong nhiều ngành, từ hoá học, vật lý, cho đến điện tử, luyện kim... và nhất là dùng ppm để đo nồng độ các loại khí thải, khí gây ô nhiễm, và tính trên thể tích một lít.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia môi trường khí, tại Úc giải thích rõ thêm như sau về ppm :

Chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp, Úc

09/12/2009

- PPM tức là đơn vị về nồng độ, tiếng Anh gọi là part per million, tức là 1 phần trên một triệu phần. Thí dụ khi tính toán phần CO2 trong không khí, thì ta sẽ đo coi có bao nhiêu phân tử CO2 trên tổng số phân tử của không khí. Không khí có oxygen, có nitrogen, có rất nhiều loại khí khác, thì phải đo xem là CO2 chiếm bao nhiêu phần trên phần triệu của những cái phần của khí khác.

Hiện nay, nếu tỷ trọng CO2 trong không khí càng tăng, thì hiệu ứng nhà kính càng mạng và sẽ làm cho trái đất càng bị hâm nóng thêm. Từ cả thế kỷ nay, lượng CO2 đã từ từ gia tăng, nhưng đặc biệt trong mấy thập niên vừa rồi, đà tăng rất nhanh.

RFI : Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đưa ra chuẩn mực là 450 ppm, mức này có cao quá hay không ?

Nguyễn Đức Hiệp : 450ppm là quá cao rồi, nhưng đã được coi là chuẩn mực hiện nay, và tất cả các nước ít ra là phải đạt được chuẩn đó. Hiện nay, thì các nhà thương lượng trên thế giới muốn đạt cái chuẩn mực đó, và phải giảm khí thải theo tỷ lệ ít nhất là 40% theo mức của năm 1990. Tuy nhiên, hy vọng này cũng rất mong manh vì phải tính tới lượng khí ''CO2 tương đương''. Gọi là tương đương vì không chỉ có CO2 là gây ra hiệu ứng nhà kính mà còn có những khí khác như methan chẳng hạn, được chuyển thành CO2 tương đương.

Methan có hiệu ứng nhà kính rất cao, cao hơn CO2 gấp bội, nhưng vì CO2 là loại khí được con người phát thải ra nhiều hơn, cho nên khi tính toán, người ta chuyển khí methan ra thành khí ''CO2 tương đương'', để tính gộp được tất cả khí gây hiệu ứng nhà kính.

Vấn đề quan trọng hiện nay là mặc dù mỗi nước đang cố gắng để giảm mức thải khí CO2 ra không khí, nhưng có một vấn đề rất khó khăn là làm sao kiểm tra được rằng là mức giảm này là đúng như vậy. Muốn vậy thì phải ấn định cách đo làm sao, tính toán làm sao. Đó là chuẩn sẽ được bàn thảo ở Hội Nghị Copenhagen.