Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM - NGA

Việt Nam vươn lên thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trong năm 2009

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 24/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  24/01/2010 16:33 TU

Chiến đấu cơ Sukhoi 30 của Nga (DR)

Chiến đấu cơ Sukhoi 30 của Nga (DR)

Sự kiện Trung Quốc chuyển từ chủ trương ngoại giao mềm sang một chính sách cứng rắn hơn ở khu vực Biển Đông, đã gây lo ngại cho nhiều nước trong vùng. Sau Úc, Indonesia và Malaysia, đến lượt Việt Nam tìm cách phát triển hạm đội tàu ngầm và nâng cao tiềm lực quân sự.

Với hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ đô la đặt mua tàu ngầm, cùng với 500 triệu đô la khác để mua chiến đấu cơ, Việt Nam trong năm 2009 đã vươn lên thành bạn hàng mua vũ khí quan trọng nhất của Nga. Trên đây là kết luận hôm 22/01/2010 của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ CAST (Center for Analysis of Strategies and Technologies) một tổ chức tham vấn độc lập, trụ sở tại Maxkơva. CAST là một trung tâm chuyên theo dõi hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga.

Việt Nam tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự

Đối với các nhà quan sát, các hành động lấn lướt áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa trong một số năm gần đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam phải tăng cường tiềm lực quân sự để phòng ngừa hậu hoạn.

Được tiết lộ từ giữa năm ngoái, hợp đồng đặt mua 6 chiếc tiềm thủy đình loại Kilo chạy bằng động cơ diesel đã được chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng công khai xác nhận nhân chuyến công du Liên Bang Nga vào trung tuần tháng 12 vừa qua. Phiá chính phủ Việt Nam không cho biết chi tiết về trị giá hợp đồng cũng như số lượng tầu ngầm đặt mua, nhưng phiá Nga đã tiết lộ con số 2 tỷ đô la Mỹ, với sáu chiếc tiềm thủy đỉnh sẽ được giao theo tốc độ mỗi năm một chiếc.

Ngoài tàu ngầm, từ đầu năm 2009, Việt Nam cũng đã đặt mua 12 chiến đấu cơ Sukhoi SU 30MK2 với trị giá 500 triệu đô la, bắt đầu được giao kể từ năm nay. Bên cạnh đó, nhân chuyến công du của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng theo báo chí Nga, Việt Nam còn chuẩn bị một hợp đồng mua thêm 12 chiến đấu cơ SU 30 khác.

Theo một bài báo đăng trên website Defense News ngày 21/01, với trị giá các vũ khí đạt mua, Việt Nam đã qua mặt tất cả các bạn hàng mua vũ khí cỡ lớn của Nga trong thời gian gần đây để vươn lên đứng hàng thứ nhất trong năm 2009. Theo sau là các nước như Ấn Độ, Algérie, Venezuela và Trung Quốc.

Đối với chính quyền Nga, hợp đồng của Việt Nam đặt mua tầu ngầm có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Trung tâm CAST, đây là hợp đồng lớn thứ hai từ gần một thập niên qua của Maxkơva, sau thương vụ bán 8 chiếc tiềm thủy đỉnh cho Trung Quốc vào năm 2002. Điểm quan trọng là việc đặt mua tầu ngầm còn kèm theo theo việc mua trang thiết bị và thuê người huấn luyện cho hải quân Việt Nam.

Nga sẽ giúp Việt Nam thiết lập căn cứ tầu ngầm

Theo trung tâm CAST, Nga sẽ có thêm 2 tỷ đôla khác để giúp Việt Nam thiết lập một căn cứ tầu ngầm, cung cấp thiết bị bảo trì và sửa chữa, thành lập một trung tâm truyền tin, và huấn luyện các cán bộ chuyên môn cho Việt Nam. Sở dĩ Việt Nam rất cần đến điều này, đó là vì Hải quân Việt Nam chưa có nhân sự cho một lực lượng tàu ngầm.

Theo các chuyên gia phân tích, sự kiện Việt Nam mua vũ khí của Nga đang được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh nước này càng lúc càng có thái độ cứng rắn, áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam.

Trong một bài báo mới đây, tuần báo Time của Hoa Kỳ đã cho rằng chính các hành động của Trung Quốc đã khiến cho Việt Nam phải đặt mua một khối lượng vũ khí lớn của Nga để tăng cường sức mạnh hải quân của mình. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam cũng đã vạch ra những kế hoạch nhằm cải thiện việc bảo vệ vùng duyên hải cũng như các đội tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.

Nhận định của Time cũng không khác quan điểm của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trước đó. Theo tờ báo này, chính việc Trung Quốc chuyển từ chủ trương ngoại giao mềm trong một thập kỷ trước đây qua một chính sách cứng rắn hơn ở khu vực Biển Đông đã gây lo ngại cho Việt Nam và nhiều nước khác.

Nhật báo này ghi nhận là Việt Nam là nước mới nhất trong vùng tìm cách phát triển hạm đội tàu ngầm. Trước Việt Nam, Úc, Indonesia và Malaysia cũng đã có những kế hoạch tương tự. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại về khả năng uy lực truyền thống của Hải quân Hoa Kỳ, vốn giữ vai trò chủ đạo trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, sẽ bị hải quân Trung Quốc vươn lên đe dọa.