Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

ĐÔNG NAM Á

Vấn đề tôn giáo xâu xé xã hội Malaysia

  Mai Vân

Bài đăng ngày 30/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày  30/01/2010 16:12 TU

Dưới tựa đề "Malaysia xâu xé vì tên gọi Allah", Le Figaro trong bài phóng sự dài đã nêu bật những mối quan hệ căng thẳng và ngày càng xấu đi hơn giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo tại quốc gia Đông Nam Á có đa số dân cư là người Hồi giáo. Những hành động phá hoại nhắm vào nhà thờ gia tăng trong thời gian qua.

Malaysia điều tra về vụ tấn công nhà thờ (Ảnh : Reuters)

Malaysia điều tra về vụ tấn công nhà thờ
(Ảnh : Reuters)

Mở đầu bài báo, Florence Compain, đặc phái viên của Le Figaro, mô tả cảnh lễ cầu nguyện tại nhà thờ Assomption, Kuala Lumpur. Tác giả nghe thấy trong những lời cầu nguyện nào những từ lạ thường : ''bom xăng, kinh ngạc, tự do tôn giáo bị đe doạ''. Mới đây, nhà thờ nói trên, đã bị những kẻ lạ mặt đến phá hoại, và giáo dân sáng sớm tinh mơ đến đây bàn tán về sự kiện dẫn đến tình hình căng thẳng mà họ phải gánh chiụ hậu quả : đó là cuộc tranh cãi về tên gọi Allah, đã khiến Malaysia đứng trước một làn sóng bạo động chưa từng thấy nhắm các nhà thờ : chỉ trong vài ngày, 11 nhà thờ đã bị tấn công.

Bài báo trở lại nguyên nhân khởi thủy, đó là là tập san Herald, một tập san thiên chúa giáo, muốn sử dụng từ Allah để chỉ Đức Chúa Trời trong ấn bản bằng tiếng Mã Lai, dành cho tín đồ Thiên chúa giáo trên lãnh thổ Malaysia ở đảo Kalimantan.

Sau một cuộc đấu tranh gay go trên mặt pháp lý, rốt cuộc toà án Kuala Lumpur cuối tháng 12 vừa qua, đã cho phép việc sử dụng từ này, nhưng trước sự tức giận của các tổ chức Hồi giáo cũng như sức ép của chính quyền, cảnh báo về mối căng thẳng giữa các cộng đồng tôn giáo, toà án Kuala Lumpur, thượng tuần tháng giêng đã thay đổi ý kiến, không cho phép nữa, trong khi chờ đợi quyết định kháng cáo.

Bài báo nêu bật quan điểm hai bên : đối với linh mục Larry Tan thuộc nhà thờ Assomption, thì nếu họ nhượng bộ trên vấn đề này thì tất họ sẽ bị lấn át và thụt lùi trong việc hành đạo. Còn theo ông Muhammad Faizal Abdul Aziz, chủ tịch một hiệp hội sinh viên Hồi giáo, việc người Thiên chuá giáo sử dụng từ Allah có thể gây nhầm lẫn, dẫn đến việc lạm dụng từ chỉ đấng tối cao của người Hồi giáo.

Tác giả bài báo nhắc lại là tại nhiều quốc gia nói tiếng Ả Rập, những người không phải là Hồi giáo vẫn sử dụng từ Allah để chỉ đấng tối cao trong tôn giáo của họ. Nhưng tại Malaysia thì không. Le Figaro nêu bật đánh giá của một nhà chính trị học Malaysia, nhận thấy là các sự kiện trên phản ánh một thực tế : tôn giáo đã trở thành một yếu tố chia rẽ xã hội Malaysia.

Quốc gia đa chủng tộc, từng đoàn kết trước đây, nay đang bị cấu xé giữa 3 cộng đồng chủng tộc : cộng đồng người Mã Lai Hồi giáo chiếm 60% trong tổng số 28 triệu dân, và các cộng đồng thiểu số người Hoa và người Ấn Độ, với 3 tôn giáo : Thiên chúa giáo (9%), Phật giáo và Ấn Độ Giáo.

Trong cuộc tranh cãi từ ngữ nói trên, nhiều người còn ghi nhận vấn đề chính trị : đó là cách để khẳng định bản sắc và vai trò thống trị của người Mã Lai trên sân khấu chính trị. Vấn đề bản sắc và tôn giáo này, theo bài báo, đang dẫn đến tình hình đáng ngại là hiện tượng chia rẽ, hiềm khích tăng lên giữa các cộng đồng.

Le Figaro nêu một ví dụ : tại khu đại học Hồi giáo Quốc tế, các cuộc thảo luận về bản sắc và tính ưu việt của người Mã Lai đã kích động thái độ hận thù đối với người Thiên chúa giáo. Sự kỳ thị những người không phải là hồi giáo lên cao đến mức mà những người này không còn cảm thấy họ là người của nơi mà trước đây họ xem là đất nước. Bài báo lo ngại là sẽ có sự bùng nổ trong xã hội Malaysia do vấn đề bản sắc này.

Trung Quốc: bất bình về khu nhà riêng cho khách nước ngoài

Ngoài Malaysia, tờ Le Figaro còn nhìn sang Trung Quốc, nơi một đề án quy hoạch thành phố đã gây phẫn nộ trong dân chúng : đó là đề án ở Thành Đô, Tứ Xuyên, muốn xây dựng một nơi dành riêng cho người nuớc ngoài.

Tác giả bài báo Arnaud Rodier, trình bày sự vụ một cách hóm hỉnh : Thành Đô hiện là một trong những thủ phủ mà Bắc kinh đã chọn lựa để thực hiện chiến dịch chinh phục Miền Tây, làm đối trọng với Thượng Hải ở ven bờ biển phiá Đông. Nhưng kể từ hôm 29/01, thành phố này đã trở thành trung tâm một vụ xì căn đan.

Nội vụ, theo bài báo, xuất phát từ việc lãnh đạo Thành Đô muốn làm hài lòng số 20.000 người nước ngoài ở đây, cho nên đã quyết định dành một khu nhà ở mệnh danh là "Tianfu International Community" cho người nước ngoài. Khu dinh thự này "rất sang trọng" sẽ đón khoảng 5000 cư dân. Có điều đây chỉ có người ngoại quốc, người Âu Mỹ, là đươc đến đấy ở mà thôi, còn người Trung quốc thì bị cấm hoàn toàn.

Vào lúc mà từ trước đến nay, những người ngoại quốc và cư dân địa phương, khoảng 12 triệu người, vẫn chung sống hòa bình bên nhau, tác giả bài báo cho là không cần phải nói ra nhưng quyết định đó đã làm dấy làn sóng phản đối mãnh liệt.

Người ta nhắc đến thời thuộc điạ khi những nơi ở của người nước ngoài ''cấm người Trung Hoa và chó".

Arnaud Rodier mỉa mai là pho tượng to của Mao Trạch Đông ngay giữa trung tâm Thành Đô, với cánh tay phải giơ lên, có lẽ phải che mặt lại vì xấu hổ. Theo bài báo, người ngoại quốc ở Thành Đô cũng đã cho biết rõ là họ sẽ không dọn đến khu dinh thự Tianfu đó.

Pháp : dư luận ngán ngẩm vì vụ Clearstream kéo dài

Về nước Pháp, các báo hôm nay trở lại hồ sơ Clearstream. Nhưng với sự kiện Viện Công tố Paris quyết định kháng lại bản án của Toà Tiểu hình tha bổng cưụ thủ tướng de Villepin, hôm 28/01 vừa qua. Nhìn chung các báo lấy làm tiếc trước việc hồ sơ nặng trĩu này tiếp tục kéo dài.

Nhật báo Le Monde nêu bật diễn biến mới nhất trong vụ Clearstream ngay trong hàng tựa lớn trang nhất : ''Clearstream : quyết định kháng án khởi động trở lại vụ án và cuộc đấu tay đôi'', ý nói tới đương kim Tổng thống Sarkozy và cựu Thủ tướng de Villepin.

Nội dung bài báo nhắc lại hai sự kiện nổi bật : Viện Công tố Paris quyết định kháng lại bản án tha bổng ông de Villepin, một quyết định bị cựu thủ tướng Pháp tố cáo là mang tính chất chính trị. Trong bài xã luận mang tựa đề ''Bướng bỉnh'', Le Monde đã không ngần ngại phê phán quyết định kéo dài vụ án Clearstream

Bài xã luận ghi nhận trước tiên một thực tế : Tại Pháp, đời sống chính trị vẫn chưa hết bị vụ án Clearstream bí hiểm khuấy động. Sau sáu năm bị chi phối bởi những mối nghi ngờ, những thủ đoạn và những lời cáo buộc nhau là có mưu đồ chính trị, vụ này đã dẫn tới một phiên toà khá lạ lùng, với người đi kiện nổi bật là đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy, trong lúc người bị cáo chủ chốt là cựu thủ tướng Dominique de Villepin.

Khi tha bổng một cách không mập mờ cựu thủ tướng Pháp, Tòa Tiểu hình Paris hôm 28/01 có vẻ như muốn kết thúc câu chuyện tư pháp nhiều tập này và chuyển cuộc đọ sức giữa hai ông Sarkozy và Villepin qua địa hạt chính trị, mà mục tiêu nhắm tới là cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Theo Le Monde, thực tế đã nhanh chóng cho thấy là Toà án Paris đã phí công. Sự kiện Viện Công tố Paris kháng án sẽ khởi động lại guồng máy tư pháp. Đây là một điều đáng tiếc vì theo Le Monde, do việc tổng thống Sarkozy làm dân sự nguyên cáo trong vụ này, mỗi lần vụ án có chuyển biến là mổi lần chức năng tổng thống của ông bị hạ thấp.

Dù tổng thống Pháp lần này không còn đứng đơn nguyên cáo trong vụ kháng án, nhưng điều đó vẫn không xoá được mối nghi ngờ là ông tiếp tục sử dụng công cụ tư pháp. Điều đó theo Le Monde, chỉ có lợi cho đối thủ của ông là cựu thủ tướng Villepin, sẽ tiếp tục tuyên bố như vào tháng 9 năm 2009 rằng ông là : ''nạn nhân của sự truy bức đến từ một người : ông Nicolas Sarkozy''.     

Báo Libération thì quy trách nhiệm cho tổng thống Pháp, chạy hàng tựa chiếm gần cả trang nhất "Tổng thống muốn nuôi dưỡng mối thù hằn hơn là đứng ra bảo đảm cho công lý". Tờ báo chú thích phiá bên dưới : cưụ thủ tướng Villepin khẳng định là quyết định kháng án là do ông Sarkozy đưa ra. Điện Elysée phản ứng, cho đấy là những lời ''viện dẫn dối trá''. Trong hàng tựa trang trong, Libération nhận thấy là hai bên sẽ đọ sức đến cùng, cho đến ''khi chết'', chết đây phải hiểu là trên sân khấu chính trị.

Le Figaro cũng đánh giá tương tự như hai đồng nghiệp. Đối với ông Villepin, tình thế có thể bất lợi : do phải ra toà trở lại, sớm nhất là vào đầu năm 2011, ông de Villepin, sẽ không tập trung được sức lực như ông mong muốn cho cuộc đấu tranh chính trị của ông. Tuy nhiên, theo Le Figaro, quyết định kháng án của Viện Công tố sẽ tạo cho ông một diễn đàn miễn phí một năm trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Điều khiến cho Le Figaro tiếc nhất, đó là sự kiện ''nền hòa bình giữa những con người dũng cảm" vĩnh viễn không thể xẩy ra. Nói cách khác sẽ không hy vọng gì hồ sơ kết thúc trong sự hoà giải giữa hai bên.

Ngoài ra, tờ báo cũng tự hỏi là viện Công tố sẽ chứng minh thế nào là ông Villepin có tội, khi mà không có yếu tố mới nào đươc tìm thấy từ đây đến lúc xét xử lại.