Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

XÃ HỘI

Ngành xa xỉ phẩm của Pháp sớm thoát khỏi khủng hoảng nhờ Trung Quốc

  Thanh Thủy

Bài đăng ngày 06/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày  06/02/2010 17:29 TU

Tăng trưởng của lĩnh vực hàng xa xỉ bị khựng lại trong năm 2008 và giảm sút từ 6 đến 7% trong năm 2009. Nhưng nhờ vào mức cầu tăng vọt của Trung Quốc, ngành xa xỉ phẩm của Pháp đã vớt lại được mức lỗ lã và hy vọng ra khỏi khủng hoảng trong năm nay.

Cách nay hai tuần, báo chí Pháp đưa tin là trong năm qua du khách viếng thăm nước Pháp và tiêu xài nhiều nhất là du khách đến từ Trung Quốc.

Hôm nay, trang nhất của tờ Le Monde chạy một hàng tựa nhấn mạnh trên vai trò của Trung Quốc đã giúp cho ngành xa xỉ phẩm Pháp ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là hai nhãn hiệu Vuitton và Hermès.

Tăng trưởng của lĩnh vực hàng xa xỉ bị khựng lại trong năm 2008 và giảm sút từ 6 đến 7% trong năm 2009. Nhưng trong quý tư năm ngoái, nhờ vào mức cầu tăng vọt của Trung Quốc, ngành xa xỉ phẩm của Pháp đã vớt lại được mức lỗ lã và theo các chuyên gia của ngành này, lĩnh vực sản phẩm đắt tiền của Pháp hy vọng ra khỏi khủng hoảng trong năm nay.

Tập đoàn LVMH, đứng đầu thế giới về các mặt hàng xa xỉ, vừa loan báo cách nay hai hôm là mức lãi ròng trong năm 2009 bị tụt giảm 13%, với 1,7 tỷ eurô và doanh số trong năm 2009 cũng giảm sút nhẹ, trừ 1%, nghĩa là 17 tỷ eurô.

Tuy nhiên, theo chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn LVMH (chữ tắt của Louis Vuitton, Moet-Chandon và Hennessy), năm 2009 được đánh dấu bằng sự kiện các sản phẩm dẫn đầu như rượu cognac, nước hoa Christian Dior và đồng hồ Tag Heuer và nhất là sự thành công độc đáo của các mặt hàng làm bằng da của Louis Vuitton đã đóng góp vào việc giành thêm thị phần trên thế giới. Đặc biệt là Louis Vuitton tiếp tục có một mức tăng trưởng với hai số mặc dù có cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính.

Nhật Bản không còn là khách hàng sộp của LVMH

Riêng trong năm 2009, chính khu vực Á châu đã giúp cho tập đoàn LVMH hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng.

Cho dù Nhật Bản không còn là một khách hàng sộp, số bán của LVMH đă tăng 10% nội trong ba tháng chót của năm ngoái. Một mình thị trường Trung Quốc đã bảo đảm 6% số lượng bán của tập đoàn LVMH mà sản phẩm đứng đầu là rượu cognac của hãng Hennessy. Hiệu giày đắt tiền Berluti cũng đang phát triển mạnh tại Trung Quốc.

Về phần Louis Vuitton, có mặt tại Trung Quốc từ năm 1992, hãng này sẽ mở thêm cửa hàng tại ba thành phố lớn và sẽ tăng cường sự có mặt tại Thượng Hải với hai địa điểm quan trọng trước ngày khai mạc Hội chợ toàn cầu được tổ chức tại thành phố này từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10.

Một năm sau không ai biết nhà đối lập Cao Trí Thịnh bị giam cầm ở đâu               

Về tình hình nội bộ Trung Quốc, báo Le Figaro chú ý trên trường hợp của luật sư Cao Trí Thịnh bị bắt giam từ một năm nay nhưng không một ai biết số phận của ông ra sao. Tờ báo đăng tấm ảnh, chụp một người dân Hồng Kông, cầm một tấm biển có hình ông Cao Trí Thịnh và bên cạnh là hàng chữ kêu gọi trả tự do cho ông.

Cách nay đúng một năm, cảnh sát đã, giữa đêm, đến nhà ông Thịnh tại quê của ông ở Thiểm Tây và dẫn ông đi với lý do là để có một cuộc trao đổi ngắn với ông. Thế rồi từ đó đến nay, không một ai, trong gia đình cũng như trong số bạn bè của ông có tin tức về vị luật sư nổi tiếng này, chuyên hoạt động bảo vệ nhân quyền.

Là cựu đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc, vào năm 2001 ông Cao Trí Thịnh đã từng được bộ tư pháp xếp vào danh sách mười luật sư xuất sắc nhất ở Trung Quốc nhờ tài biện hộ cho những nạn nhân của các vụ sai phạm trong ngành y tế và những vụ chiếm đoạt đất đai một cách bấp hợp pháp.

Thế nhưng rồi sau đó ông bị chính quyền theo dõi vì ông dính líu vào những hồ sơ bị đánh giá là nhạy cảm, khi ông biện hộ cho những người thiên chúa giáo thuộc giáo hội thầm lặng hay cho những thành viên giáo phái Pháp Luân Công, bị cấm hoạt động từ năm 1999.

Bắc Triều Tiên giúp cho chương trình hạt nhân bí mật của Miến Điện ?

« Miến Điện bị nghi ngờ là có một chương trình hạt nhân bí mật », hàng tựa trên tờ Le Figaro.

Trích dẫn một bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu và an ninh quốc tế (ISIS) của Hoa Kỳ, tờ báo cho biết là một trong những chế độ độc tài nhất thế giới đang có những ý đồ đen tối trong lĩnh vực hạt nhân vì Miến Điện đã nhập khẩu rất nhiều vật liệu thuộc công nghệ hạt nhân, có thể được sử dụng cả về mặt dân sự và quân sự.

Đồng thời bản báo cáo kể trên nêu lên những dấu hiệu cho thấy một sự hợp tác quan trọng với một công ty Bắc Triều Tiên, bị liệt kê trong danh sách đen của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về những hoạt động phổ biến hạt nhân, trong đó có Syrie.

Đối với Cơ quan Quốc tế về Năng lượng Nguyên tử, đặt trụ sở tại Vienne, rõ ràng là thành phố Nay Pyi Daw, vốn đã thay thế Rangoon trong vai trò thủ đô của Miến Điện từ năm 2005, đã tìm cách, từ 10 năm qua, có được một chương trình hạt nhân.

Đồng eurô bị các thị trường tài chính tấn công

Tình hình Âu châu nổi bật với sự kiện đồng eurô đang bị mất giá.

Một hàng tựa thật lớn nằm trên trang nhất của báo Le Monde : « Các thị trường tài chính tấn công đồng eurô và đe dọa sự phục hồi kinh tế » của khu vực sử dụng đồng tiền này.

Còn hàng tựa, cũng thật lớn, trên trang nhất của Libération viết : « Các thị trường tài chính chĩa súng vào đồng eurô ». Trong tiểu tựa, tờ báo nói rõ là các thị trường chứng khoán và đồng eurô tụt giảm do sự thâm thủng ngân sách của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Trong xã luận, Le Monde nhận định là cuộc khủng hoảng cho thấy một nhược điểm khá trầm trọng của khu vực đồng eurô : đó là « sự thiếu vắng của một túi đựng dụng cụ cấp cứu để chữa trị bệnh nhân …  Sự kiện Hy Lạp phải tự xử lý các vấn đề kinh tế tài chính của nước này là một điều không thể hiểu được về mặt chính trị cũng như về mặt kinh tế ».

Kết luận của bài xã luận là nếu như vùng eurô không có một đường lối lãnh đạo tốt hơn thì khối Âu châu tiếp tục vận hành theo phương châm « mạnh ai nấy lo » với những hậu quả khủng khiếp.