Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM TRONG DÒNG THỜI SỰ

Việt Nam vẫn bất lực trước trình trạng nhập siêu từ Trung Quốc

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 08/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày  08/02/2010 15:53 TU

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn còn hai nguy cơ lớn : lạm phát có thể tăng trở lại và nhập siêu vẫn ở mức cao. Với hiệp định tự do mậu dịch Trung Quốc- ASEAN, mức nhập siêu này sẽ còn cao hơn nữa. Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A.

Xưởng may hàng xuất khẩu của Việt Nam

Xưởng may hàng xuất khẩu của Việt Nam

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm ngoái, nhập siêu, tức là thâm thủng mậu dịch, của Việt Nam trong năm 2009 đã  lên tới hơn 12 tỷ đôla, tuy thấp hơn so với mức 18 tỷ đôla của năm 2008, nhưng vẫn là vượt quá chỉ tiêu đề ra. Điều đáng nói hơn hết đó là trong năm qua, nhập siêu từ Trung Quốc nay đã chiếm tỷ lệ tới gần 90% tổng nhập siêu của Việt Nam.

Như vậy là kể từ năm 2001, mức nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng đều đặn mà Việt Nam vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ hạn chế được mức nhập siêu đó.

Về những nguyên nhân khiến nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng, tác giả Mạnh Quân trong một bài báo đăng trên trang web của tờ Sài Gòn Tiếp Thị ngày 1/2 cho biết : trước hết, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc thường là những mặt hàng mà Trung Quốc dư khả năng sản xuất, nên khó mà cạnh tranh nổi. Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như than, dầu thô, thì lại đang có xu hướng giảm.

Cũng theo tác giả Mạnh Quân, về nhập khẩu, một số mặt hàng từ Trung Quốc là những mặt hàng mà Việt Nam chưa sản xuất được. Hàng Trung Quốc lại rẻ và gần Việt Nam, nên nhiều doanh nghiệp thích mua hàng từ đây.

Tác giả bài báo trích dẫn một số chuyên gia của Hiệp hội Cơ khí cho biết là trong tổng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các mặt hàng cơ khí, máy móc chiếm tỷ lệ rất lớn. Cho nên, một trong những giải pháp chống nhập siêu từ Trung Quốc có thể là phải đầu tư thêm cho việc sản xuất hàng cơ khí, máy móc nộI địa để thay thế hàng nhập khẩu.

Trong vấn đề này, không chỉ có trách nhiệm của chính phủ mà của cả doanh nghiệp Việt Nam, như nhận định chung của tiến sĩ Nguyễn Quang A. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Sài Gòn vào thứ 5  tuần trước, ông Nguyễn Quang A trước hết cho rằng với hiệp định tự do mậu dịch Trung Quốc- ASEAN, mức nhập siêu này sẽ còn cao hơn nữa :

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A-Hà Nội

08/02/2010

Nhưng ở trên, chúng tôi chỉ mới đề cập chủ yếu tình trạng nhập siêu qua giao thương chính ngạch, còn trên thực tế, có thể nói là hiện nay hàng hoá Trung Quốc tràn ngập Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch và đáng ngại hơn cả là hàng lậu, giả của Trung Quốc chiếm chủ yếu trong số hàng lậu, hàng giả đi vào thị trường Việt Nam.

Tờ báo trên mạng vnexpress ngày 21 tháng 1 vừa qua trích lời Phó Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Xuân Đài cho biết là các mặt hàng Trung Quốc, chủ yếu là vải, quần áo, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, đồ điện gia dụng, phụ tùng xe các loại,... , tràn lan trên thị trường thành phố. Các hàng hoá này được phân phối qua một hệ thống rất chặt chẻ từ Trung Quốc, qua các tỉnh biên giới, rồi đến Sài Gòn.

Bên cạnh đó, dư luận ở Việt Nam trong thời gian gần đây còn được báo động liên tục về những hàng giả đặc biệt gây độc hại như trà sữa trân châu polymer, hoa quả chứa chất bảo quản gây ung thư, sữa nhiễm melamine, v.v. . . Nhưng hết mặt hàng độc hại này thì lại xuất hiện mặt hàng độc hại made in China khác, không bao giờ dứt. Việt Nam có một biên giới khá dài với Trung Quốc, nên rất khó mà ngăn chận sự xâm nhập của những thứ độc hại này.

Hiệp định tự do mậu dịch Trung Quốc-ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Riêng bốn nước nghèo nhất khu vực là Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Miến Điện,  thì đến 2015 mới áp dụng hiệp định, tức là kể từ thời điểm đó, 90% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thuế suất từ 0 đến 5%.

Như vậy là trong 5 năm nữa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt hơn của hàng hóa Trung Quốc. Liệu trong thời gian 5 năm đó, họ có nâng cao được năng lực cạnh tranh hay không, điều đó dĩ nhiên tùy thuộc một phần vào chính họ, nhưng chủ yếu vẫn là phải tạo ra được một môi trường thuận lợi cho giới doanh nghiệp, với sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, như phía Trung Quốc đã làm từ nhiều năm qua. Mặt khác, Việt Nam hãy còn thiếu hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa khỏi những hàng giả, hàng độc hại từ phía Trung Quốc.

Trong vấn đề này, có lẽ cũng nên khơi dậy tinh thần dân tộc, không phải là khuyến khích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nhưng phải làm cho mọi người thức tỉnh về nguy cơ hàng hóa nội địa bị hàng Trung Quốc đè bẹp, phải nỗ lực vận động người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam. Nhưng bản thân hàng Việt Nam cũng phải được sản xuất đàng hoàng, đúng tiêu chuẩn, giá phải chăng, thì mới hy vọng thu hút được người tiêu dùng trong nước.