Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

ĐÔNG NAM Á

Đời sống hàng chục triệu cư dân vùng lưu vực sông Mêkông bị đe dọa vì mực nước hạ thấp đáng kể

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 26/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày  26/02/2010 15:08 TU

Đời sống cư dân hạ nguồn Mêkông đang bị đe dọa (DR)

Đời sống cư dân hạ nguồn Mêkông đang bị đe dọa (DR)

Theo Ủy ban Sông Mêkông, tình trạng mực nước sông Mêkông xuống đến mức thấp kỷ lục, đang đe dọa vấn đề giao thông và cung cấp nước sinh họat cho hàng chục triệu con người mà cuộc sống tùy thuộc vào dòng sông này.

Trả lời hãng tin Pháp AFP hôm 26/02/2010, ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ủy Ban Sông Mêkông đã xác nhận : ''Mực nước sông Mêkông đã xuống tới mức thấp hơn rất nhiều so với mức thấp nhất kể từ ngày chúng tôi bắt đầu có dữ liệu thống kê từ cách nay 20 năm''. Ông nói tiếp : ''Điều chúng tôi ghi nhận là lưu lượng con sông đã giảm sút đáng kể''.

Là người đứng đầu định chế liên chính phủ, bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan, chuyên theo dõi các hoạt động liên quan đến sông Mêkông, trong đó có các vấn đề như đánh cá, nông nghiệp, xử lý lũ lụt, ông Bird đã không che giấu nỗi lo ngại cho đời sống của hàng chục triệu cư dân trong khu vực.

60 triệu người ở vùng hạ nguồn lệ thuộc vào sông Mêkông

Theo ước tính của Ủy ban Sông Mêkông, hiện có hơn 60 triệu người ở vùng hạ nguồn sông Mêkông mà cuộc sống hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào con sông. Dòng nước này là một tác nhân kinh tế quan trọng trong khu vực, vừa là nguồn cung cấp lương thực cho cư dân hai bên bờ, vừa là trục giao thông thiết yếu.

Tác hại của việc mực nước sông Mêkông bi hạ thấp đã có những biểu hiện rất cụ thể. Theo ông Jeremy Bird, gần đây, đã có ít nhất 21 chiếc tàu chở hàng bị mắc cạn ở vùng Vân Nam Trung Quốc do việc mực nước sông bị hạ thấp. Còn tại Lào và Thái Lan, các hãng tổ chức du lịch trên sông Mêkông đã phải hủy bỏ các chương trình đưa du khách từ cố đô Lào Luang Prabang đến Thành phố Huay Xai ở vùng biên giới với Thái Lan.

Vì sao mà mức nước Sông Mêkông bị cạn kiệt ? Theo Ủy Ban Sông Mêkông, thì lý do chủ yếu là tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong vùng. Theo ông Jeremy Bird, khó có thể nói một cách chính xác là hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, nhưng thực tế là lượng mưa tại Vientiane vào mùa mưa năm ngoái thuộc loại ít kỷ lục. Những cơn mưa đến sau đó vào cuối năm 2009 và đầu năm nay cũng nhỏ hơn mức bình quân thường thấy. Kết quả là lưu lượng sông Mêkông bị hạ thấp.

Đập Trung Quốc lưu giữ nước sông trên thượng nguồn ?

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với lời giải thích của Ủy ban Sông Mêkông. Theo các tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan, thì sở dĩ mực nước sông Mêkông bị cạn kiệt bất thường, đó là vì nước sông bị các con đập do Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn lưu giữ. Hiện có đến tám đập thủy điện to lớn đã hay đang được Bắc Kinh xây dựng ở trên dòng chảy chính của sông Mêkông.

Những con đập đã đi vào hoạt động lẽ dĩ nhiên đã hút nước sông Mêkông vào các hồ chứa của mình, qua đó giảm bớt lượng nước thoát xuống phiá dưới. Nhật báo Thái Lan The Nation cho biết là chính quyền Bangkok sẽ yêu cầu Ủy ban Sông Mêkông đàm phán với Trung Quốc để nước này xả bớt nước trong hồ chứa các con đập, để giúp các nước hạ nguồn đối phó với tình trạng khô hạn.

Đối với ông Jeremy Bird, khó có thể gắn liền sự kiện mực nước sông Mêkông bị hạ thấp với các con đập trên thượng nguồn. Thế nhưng ông cho rằng : việc hút nước cho đầy các hồ chứa của các con đập trong mùa khô là một điều bất thường. Theo ông, nếu Thái Lan có yêu cầu chính thức, thì Ủy ban Sông Mêkông sẽ thương lượng với Trung Quốc về khả năng xả nước.

Trong khi chờ đợi, đời sống của cư dân vùng hạ nguồn sông Mêkông tiếp tục bị chi phối nặng nề. Theo nhật báo Lào Vientiane Times, mực nước sông Mekong chảy qua nhiều địa phương của Lào tiếp tục xuống thấp chưa từng thấy, giảm 10cm mỗi ngày, các trạm thuỷ lợi ở thủ đô Lào đã không đủ nước hoạt động, đe dọa nặng nề vụ mùa của năm huyện ven sông của Vientiane. Theo các chuyên gia thủy văn Lào, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn vào tháng 4 và 5.

Một bản thông cáo của Uỷ Ban Sông Mêkông xác định : Hạn hán nặng nề sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, an toàn lương thực, đến vấn đề nước uống cho cư dân, đến việc lưu thông trên sông. Điều này tác hại đến sự phát triển kinh tế của những người vốn đã phải đối phó với tình trạng nghèo khó.