Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA

Hoa Kỳ trấn an đồng minh châu Á về Trung Quốc

 Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 29/05/2008 Cập nhật lần cuối ngày 15/09/2008 17:24 TU

Cuộc đối thoại Shangri La hàng năm tập hợp quan chức quốc phòng cao cấp, kể cả bộ trưởng, đến từ 27 nước chủ yếu ở vùng châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu là để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc phòng đáng quan tâm trong khu vực. Chủ đề thảo luận năm nay tại cuộc đối thoại Shangri-La đã nêu bật mối ưu tư của châu Á hiện nay về đà vươn lên về quân sự của Trung Quốc.

Các thách thức đối với ổn định tại châu Á Thái Bình Dương, tranh chấp trên biển ở vùng Châu Á Thái Bình Dương, phải chăng trong khu vực đang có một cuộc chạy đua võ trang ? Trên đây là một số chủ đề sẽ được Diễn đàn mang tên Đối thoại Sangri-La (Shangri-La Dialogue) thảo luận trong ba ngày, kể từ ngày 30/05/2008 tại Singapore.

Cuộc đối thoại Shangri La hàng năm tập hợp quan chức quốc phòng cao cấp, kể cả bộ trưởng, đến từ 27 nước chủ yếu ở vùng châu Á Thái Bình Dương, trong đó có 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Mục tiêu là để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc phòng đáng quan tâm trong khu vực.

Dù không nói ra một cách rõ ràng, nhưng các chủ đề thảo luận năm nay tại cuộc đối thoại Shangri-La đã nêu bật mối ưu tư của châu Á hiện nay về đà vươn lên về quân sự của Trung Quốc, được cho là đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, cường quốc quân sự số một tại vùng châu Á Thái Bình Dương.

Tiết lộ vào tháng tư vừa qua của Tạp chí Quốc phòng Jane's Intelligence Review về căn cứ hải quân Tam Á mà Trung Quốc đã âm thầm cho xây dựng ở cực nam đảo Hải Nam đã gây lo ngại không ít cho các nước ở châu Á Thái Bình Dương, nhất là các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại vùng Biển Đông. Với khả năng chứa đến 20 tầu ngầm nguyên tử, trong đó có loại tối tân nhất có khả năng phóng tên lửa mang theo nhiều đấu đạn hạt nhân, với bến cảng có thể làm chỗ đậu cho cả hàng không mẫu hạm, căn cứ này sẽ trở thành tiền đồn lý tưởng, giúp Bắc Kinh dễ dàng tung lực lượng hùng hậu đến những chiến trường xa xôi mà không sợ bị cắt đường tiếp liệu hậu cần như hiện nay. Căn cứ này còn cho phép hải quân Trung Quốc mở rộng địa bàn hoạt động xuống đến tận eo biển Malacca, thậm chí qua cả Ấn Độ Dương và khống chế các tuyến hàng hải thiết yếu cho các nước Đông Á và Đông Nam Á khác khi cần thiết.

Hoa Kỳ và Ấn Độ quan ngại

Chính các khả năng tiềm tàng nói trên đã khiến các nước trong vùng lo ngại. Nếu khối ASEAN, với thái độ thận trọng cố hữu, không lên tiếng công khai, thì Án Độ, cường quốc ở vùng Nam Á hay Hoa Kỳ đã có phản ứng. Theo tư lệnh hải quân Ấn Độ, đô đốc Sureesh Mehta, việc căn cứ Tam Á chứa đến hàng chục tàu ngầm nguyên tử là một sự kiện đáng lo vì loại tàu này có tầm hoạt động từ 7000 đến 15000 cây số. Ấn Độ không muốn phải đối phó với sự hiện diện của một khối lượng lớn tầu ngầm nguyên tử bên cạnh mình. Về phần mình, đô đốc Keating, tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Á đã nhấn mạnh đến quyết tâm của Hoa Kỳ duy trì vai trò hàng đầu của mình tại vùng Thái Bình Dương. Theo ông, Bắc Kinh chắc chắn sẽ thất bại nếu tranh đua với Washington về mặt quân sự.

Tiết lộ về căn cứ hải quân Tam Á của Trung Quốc đã nối tiếp theo một loạt thông tin khác về đà tăng cường tiềm năng quân sự của Trung Quốc. Trong bản báo cáo thường niên gởi Quốc hội, bộ Quốc phòng Mỹ đã báo động về việc Bắc Kinh phát triển các loại tên lửa có khả năng tấn công chiến hạm của Mỹ ngay trên biển khơi, các loại hỏa tiễn liên lục địa cũng như vũ khí bắn vệ tinh. Trong tình hình tiềm lực quân sự của BK ngày càng gia tăng, vấn đề đối với Washington là làm sao tái khẳng đinh vai trò hàng đầu của mình tại châu Á, đặc biệt là trấn an các đồng minh đang lo ngại bị Hoa Kỳ lơ là.

Đó là một trong những mục tiêu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần này. Tại Singapore, ông Gates nhấn mạnh đến sự hiện diện bền vững của Hoa Kỳ tại châu Á, bất luận ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây.