Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHÂU Á

Trung Á, trung điểm trong chính sách Afghanistan của Mỹ

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 18/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày  18/03/2010 15:30 TU

Tướng Petraeus tại Kyrgyzstan Reuters

Tướng Petraeus tại Kyrgyzstan
Reuters

Trong khi huy động những nỗ lực to lớn nhằm bình định Afghanistan, hơn bao giờ hết, chính quyền Mỹ buộc phải quan tâm chú trọng đến các đồng minh tại Trung Á. Tuy nhiên, chính sách phát triển quan hệ hữu hảo của Hoa Kỳ với các nuớc trong khu vực này đang vấn phải sự cạnh tranh, cản phá mạnh mẽ từ phía Nga và Trung Quốc.

Từ hơn một năm nay, Washington đã triển khai các hoạt động ngoại giao, không ngần ngại chi ra những khoản tiền lớn, từ bỏ việc chỉ trích các vụ vi phạm nhân quyền, phi dân chủ tại Kyrgyzstan và Uzbekistan. Đổi lại, Mỹ được quyền duy trì căn cứ không quân và có thể tiến hành tiếp tế bằng đường bộ cho các lực lượng liên quân đang tham chiến tại Afghanistan.

Theo chuyên gia Paul Quinn-Judge, đại diện trung tâm phân tích thuộc International Crisis Group, tại Bichkek, thủ đô Kyrgyzstan, được AFP trích dẫn, thì kết quả là Hoa Kỳ chấp nhận các chế độ toàn trị và tham nhũng nhất thế giới.

Chính sách ngoại giao thực dụng này ngày càng được Mỹ áp dụng. Bởi vì, sau vụ đàn áp đẫm máu những người biểu tình tại Uzbekistan, năm 2005, Washington đã lên tiếng chỉ trích gay gắt. Hậu quả là chính quyền Tashkent đã ra lệnh đóng cửa một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, nằm gần khu vực biên giới chung với Afghanistan.

Bên cạnh đó, Nga ráo riết gia tăng các hoạt động ngoại giao, tác động đến các chính quyền trong khu vực, ngăn cản sự thâm nhập của Hoa Kỳ. Đối với Matxcơva, thì Trung Á thuộc Liên Xô cũ vẫn là vùng ảnh hưởng truyền thống, tự nhiên của mình.

Cách nay một năm, chính quyền Kyrgyzstan đe dọa đóng cửa căn cứ quân sự của Mỹ tại Manas. Các nhà phân tích cho rằng có bóng dáng của Nga đứng đằng sau, bởi vì lời tuyên bố hăm dọa này trùng hợp với thời điểm Matxcơva chấp nhận cấp những khoản tín dụng cho Bichkek.

Được mở cửa từ năm 2001, Manas là một căn cứ trung chuyển rất quan trọng, phục vụ cho hoạt động tác chiến tại Afghanistan. Hàng tháng có khoảng 35.000 binh sĩ ghé qua nơi đây khi ra vào Afghanistan. 30% nguồn nhiên liệu tiếp tế cho các loại xe quân sự và vận tải ở Afghanistan đến từ Manas.

Cuối cùng, chính quyền Bichkek đã thay đổi thái độ, cho tiếp tục duy trì căn cứ Manas sau khi Washington chấp nhận trả thuê tăng gấp ba, lên tới 60 triệu đô la mỗi năm và cấp viện trợ trị giá 110 triệu đô la.

Tuy nhiên, Trung Á còn là nơi giàu có tài nguyên. Từ 2009, Mỹ và Nga phải tính đến sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực như xây dựng đường ống dẫn khí đốt, khai thác các mỏ khí và uranium tại Kazakhstan và Turkmenistan, xây dựng hệ thống đường bộ để chuyên chở hàng hóa của Trung Quốc tới Tajikistan và Kyrgyzstan. Do vậy, Bắc Kinh đã trở thành một đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư không thể thiếu vắng tại Trung Á.

Hơn nữa, các thể chế độc tài, toàn trị trong khu vực lại ưa thích phương pháp của Trung Quốc : Sẵn sàng mở hầu bao mà không đưa ra những đòi hỏi cải thiện về các quyền tự do cơ bản của công dân, về dân chủ, nhân quyền, nhân danh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.

Ông Alexander Cooley, chuyên gia phân tích chính trị thuộc đại học Columbia, ở New York, nhấn mạnh: « Trước đây, Nga là cường quốc thống trị trong khu vực, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã làm suy giảm sức mạnh kinh tế của Matxcơva », do vậy, Trung Quốc đã ký được một loạt các thỏa thuận thương mại với nhiều nước Trung Á.

Theo giới phân tích, vì lý do đối nội, Bắc Kinh ngày càng có xu hướng thỏa mãn các đòi hỏi và thậm chí giúp củng cố các chính quyền tại Trung Á, qua đó, tránh được nguy cơ bùng nổ bạo động do những phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành trên lãnh thổ Trung Quốc và có thể lan rộng đến sát khu vực biên giới chung với Trung Á.

Về mặt địa lý, Kyrgyzstan, Kazakhstan và Tajikistan nằm sát khu tự trị Tân Cương, nơi có cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, sắc dân nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi. Theo Bắc Kinh, tại khu vực này, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang hoạt động với mục đích đòi ly khai.

Chính vì vậy, theo chuyên gia Cooley, « Bắc Kinh coi các nước Trung Á như là một vùng đệm quan trọng cho phép ổn định và phát triển tỉnh Tân Cương ».