Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Nông nghiệp đủ khả năng sản xuất gạo nuôi dân và xuất khẩu

 Ánh Nguyệt,  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 30/06/2008 Cập nhật lần cuối ngày 30/06/2008 16:42 TU

Đồng ruộng Việt NamWikipedia

Đồng ruộng Việt Nam
Wikipedia

Việt Nam đã chính thức nâng mức xuất khẩu gạo trong năm 2008 lên 4,5 triệu tấn.Tuy nhiên, quyết định trước đây của chính quyền giới hạn xuất khẩu gạo, đã đặt ra vấn đề về khả năng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Mời quý vị nghe ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân.

Ngày 20/06/2008, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức bật đèn xanh cho nâng mức xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2008 lên 4,5 triệu tấn.

Định mức này bằng với lượng dự kiến trước lúc Việt Nam ra lệnh hạn chế xuất khẩu với lý do được nêu lên là để bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước.

Về nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam tái lập và gia tăng mức xuất khẩu gạo, chính quyền giải thích rằng : đó là nhờ đã bảo đảm xong mức cung ứng lương thực cho thị trường nội điạ. Theo chính phủ Việt Nam, vụ thu hoạch lúa năm 2008 rất tốt, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam, sẽ đạt mức 37 triệu tấn, tăng thêm 1 triệu tấn so với năm 2007.

Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, với cung không đáp ứng kịp mức cầu, quyết định nói trên của Việt Nam, nước xuất khẩu gạo hàng thứ hai trên thế giới đã rất được hoan nghênh.

Tuy nhiên, quyết định trước đây của chính quyền, hạn chế mức xuất khẩu gạo, với tất cả những lý do từng được nêu lên, đã đặt ra câu hỏi về khả năng sản xuất gạo của Việt Nam như thế nào, tiềm năng xuất khẩu ra sao, liệu người Việt nam có nguy cơ bị lâm vào tình trạng thiếu ăn như trước đây hay không ?

Đối với giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông học kỳ cựu của Việt Nam, với các tiến bộ đạt được trong lãnh vực nghiên cứu kỹ thuật trồng luá, Việt Nam hoàn toàn có khả năng nâng cao mức sản xuất lúa gạo.

Luá « cao sản ngắn ngày » cho phép trồng 4 vụ một năm

Trả lời câu hỏi của Ánh Nguyệt, giáo sư Xuân nêu bật hướng sử dụng các loại luá ngắn ngày, cho phép trồng tới 4 vụ một năm, qua đó gia tăng được sản lượng. Việc trồng 4 vụ lúa trong năm đương nhiên có nguy cơ làm cho đất bị cằn cỗi. Điều này đòi hỏi nông dân phải sử dụng phân bón mà theo giáo sư Võ Tòng Xuân, cần phải kết hợp hài hòa giữa phân hữu cơ và vô cơ. 

Loại luá gọi là « cao sản ngắn ngày » giúp gia tăng sản lượng hiện đã được triển khai ở khu vực huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam. Đối với giáo sư Võ Tòng Xuân, diện tích trồng chưa nhiều, cần phải mở rộng thêm nếu muốn tăng sản lượng. Chất lượng loại gạo đến từ giống lúa cao sản này chỉ là trung bình. Tuy nhiên nhờ năng suất cao, việc trồng loại luá này sẽ đáp ứng được nhu cầu lương thực trên thế giới vốn đang thiếu gạo.

Căn cứ vào các yếu tố kể trên, giáo sư Võ Tòng Xuân rất yên tâm về năng lực sản xuất lúa gạo của Việt Nam, vừa đủ để nuôi dân, vừa dư để xuất khẩu.

Vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam đương nhiên cũng là ưu tiên hàng đấu của giới nông học. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giáo sư Võ Tòng Xuân ghi nhận lợi thế là vựa luá của cả nước ít khi bị thiên tai tàn phá.

Mặt khác, trước các dự báo đáng lo ngại của giới khí hậu học về nguy cơ Đồng Bằng Sông Cửu Long bị nước biển dâng lên làm ngập mặn, giới nghiên cứu đang tìm phương đối phó bằng cách tạo ra giống lúa thích ứng với nước mặn.

Tóm lại, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, tình hình sản xuất lương thực của Việt Nam, đặc biệt là tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ở miền Nam, không có gì đáng lo ngại.

Mời quý vị nghe bài toàn bộ bài phỏng vấn giáo sư Võ Tòng Xuân do Ánh Nguyệt thực hiện.