Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

TRUNG QUỐC - VIỆT NAM

Bắc Kinh ép buộc các tập đoàn dầu khí quốc tế ngưng cộng tác với Hà Nội tại Biển Đông

 Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 24/07/2008 Cập nhật lần cuối ngày 15/09/2008 17:19 TU

Exxon Mobil

Exxon Mobil

Ngày 24/07/2008, Việt Nam xác nhận ý định tiếp tục làm việc với tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ Exxon Mobil Corporation để thăm dò dầu khí tại một khu vực trên Biển Đông. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng, công cuộc hợp tác với ngoại quốc trong lãnh vực dầu hỏa đều được tiến hành trong các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước đó, Bắc Kinh đã phản đối một kế hoạch giữa Exxon và Petro Vietnam, cho rằng điều đó vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược đánh bật các tập đoàn quốc tế ra khỏi các hợp đồng khai thác dầu khí với Việt Nam ở vùng Biển Đông.

Ngày 22/7/2008, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã xác nhận nguồn tin báo chí theo đó các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Washington đã liên tục phản đối tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon về thoả thuận hợp tác sơ bộ đã ký với Petro Vietnam. Theo Bắc Kinh, hợp tác thăm dò ngoài khơi này vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Vấn đề là Bắc Kinh không chỉ phản đối suông, mà họ lại kèm theo những lời đe dọa. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 20/07/2008, Bắc Kinh đã cảnh báo tập đoàn dầu khí Mỹ là công việc làm ăn của Exxon tại Trung Quốc trong tương lai có thể bị tổn hại.

Một loạt hành động gây sức ép

Hành vi bắt bí các tập đoàn dầu khí ngoại quốc để buộc họ hủy bỏ các kế hoach thăm dò dầu khí với Việt Nam không phải là mới. Vào tháng tư năm 2007, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn không cho tập đoàn Anh Quốc British Petroleum thăm dò tại lô 5.2, cách bờ biển miền Nam Việt Nam 370 cây số, nằm giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa. Sau khi bị Bắc Kinh đe đọa, tập đoàn BP đã đình chỉ công việc thăm dò địa chấn tại vùng này, để cho Petro Viêt Nam một mình đảm trách.

Trước đó, vào năm 2006, sau khi tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC được Việt Nam giao quyền khai thác hai lô 127 và 128 ngoài khơi miền Trung Việt Nam, Sứ quán Trung Quốc tại New Delhi cũng lên tiếng phản đối với giới lãnh đạo tập đoàn Ấn Độ, cho rằng hành động của Việt Nam không hợp pháp.

Theo giới quan sát, các hành động liên tiếp trên đây của Bắc Kinh nhằm gây sức ép trên Việt Nam trong bối cảnh hai bên vẫn tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cụ thể là ở vùng quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Trong một bài phân tích ngày 21/07/2008, báo trên mạng Investor's Business Daily, đã cho rằng Trung Quốc đang tìm cách khẳng định uy lực của mình trong khu vực bằng cách sử dụng sức mạnh. Chứ còn về lý thì Bắc Kinh rất yếu. Tác giả bài báo đã trích dẫn một cơ quan nghiên cứu tư nhân Global Security, theo đó các lập luận của Trung Quốc về chủ quyền của họ ở Biển Đông vừa quá rộng, vừa mơ hồ, vừa thiếu cơ sở pháp lý. Lập luận này khó có thể đứng vững nếu sự việc được đưa ra trước một toà án quốc tế.

Ép Việt Nam chọn đối tác Trung Quốc trong lãnh vực dầu khí ?

Một nguyên nhân khác cũng được nêu lên để giải thích hành động của Bắc Kinh : đó là tìm cách ngăn chặn không cho các tập đoàn nước ngoài làm ăn với Hà Nội trong lãnh vực dấu khí để có thể ép buộc Việt Nam chọn các công ty Trung Quốc làm đối tác. Hiện nay các tập đoàn dầu khí Trung Quốc đang trong xu hướng bành trướng hoạt động ra ngoại quốc, kể cả ở những vùng xa xôi. Nếu được Việt Nam nhận làm đối tác thì mối lợi cho các hãng Trung Quốc sẽ rất lớn.

Riêng đối với Việt Nam, giới quan sát cho rằng nếu không hợp tác được với các tập đoàn dầu khí Âu Mỹ, vốn có những công nghệ hiện đại, Hà Nội sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển ngành công nghệ dầu khí của mình.

Dẫu sao thì áp lực mới đây của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông cũng khiến cho giới quan sát lo ngại. Trong bài viết ngày 22/07/2008, tờ báo trên mạng Asia Times nhận đinh rằng sự kiện đó "chỉ có thể khiến cho quan hệ Việt Trung căng thẳng thêm, trong bối cảnh cả hai nước đều có một quân đội hùng hậu".