Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

ÂM NHẠC

Fado Bồ Đào Nha, dòng nhạc của hoài niệm

 Bảo Thạch

Bài đăng ngày 21/08/2008 Cập nhật lần cuối ngày 22/08/2008 08:55 TU

Ca sĩ Mariza tại Pavilhão Atlântico, Lisboa.  Ảnh: José Goulão

Ca sĩ Mariza tại Pavilhão Atlântico, Lisboa. Ảnh: José Goulão

Ca sĩ Fado có lối trình diễn rất độc đáo, họ thường thuộc phái nữ, ca sĩ nhắm mắt khi hát như thể chìm đắm trong cơn hôn mê, như thể đã trút bỏ được thực tại bên ngoài để truy tìm điều gì xa thẳm trong ký ức.

Đây không phải chỉ là điệu bộ, nốt nhạc, lời ca, cách luyến láy của Fado cũng hướng về những cực độ để bộc lộ một niềm hoang vắng, một nỗi hoài nhớ. Chẳng vậy mà người nghe không khỏi liên tưởng đến một câu nói nổi tiếng của thi sĩ Bồ Đào Nha Fernando Pessoa rằng : Bất mãn, đó chính là cốt lõi của nhân sinh. Không phải ngẫu nhiên mà Fado, gốc gác của từ ngữ này xuất phát từ tiếng latin fatum có nghĩa là định mệnh. Bất mãn trước định mệnh, dòng nhạc Fado mang tính thống thiết của lời tự sự chất vấn nỗi hoài vọng, nỗi buồn u uẩn mà người Bồ Đào Nha vẫn gọi là Saudade. Mô típ của Fado là tình yêu, sự ghen tuông mất mát, nỗi nhớ, thái độ chờ đợi một điều gì đó sẽ không bao giờ xuất hiện, tất nhiên mô típ luôn ẩn hiện là cái chết.

 

Tại quán Ribatejo, Lisboa, 2005. Nguồn : commons.wikipedia.org

Tại quán Ribatejo, Lisboa, 2005. Nguồn : commons.wikipedia.org

Ngày nay trong những quận bình dân của thủ đô Lisboa, ví dụ như khu Alfama, những buổi tối dịu trời, người Bồ Đào Nha vẫn còn tụ tập trong những tửu quán để hát Fado, giữa các thùng phuy bằng gỗ đựng rượu và các bức tường được trang trí bằng gạch lát vuông men trắng.

Chính ở nơi đây trong các con hẻm đông đúc ở khu Barrio Alto hay Alphama mà dòng nhạc Fado đã nảy sinh vào thế kỷ 19, giữa đám dân bến cảng, những nàng « Kiều », những cô gái ăn sương, những tên anh chị và thủy thủ của Lisboa. Giữa thế kỷ 19, tiếng hát Fado được xem là nghệ thuật dành riêng cho giới ăn chơi giang hồ thuộc hạ tầng xã hội. Nữ ca sĩ đầu tiên lẫy lừng trong truyền thống Fado thời bấy giờ là một cô gái mãi dâm nổi tiếng Maria Severa Onofriana. Người ta quây quần trong tửu quán nghe giọng ca não nùng của nàng trước khi nàng bị ám sát. Vào thời đó Fado được định hình với một giọng hát nữ đệm theo tây ban cầm 12 dây. Nữ ca sĩ mặc trang phục đen, hát phải nhắm mắt.

 

Ca sĩ Mariza tại Liên hoan Rock in Rio - Lisboa, 2004. Ảnh : João Pedro Gonçalves / Wikipiedia

Ca sĩ Mariza tại Liên hoan Rock in Rio - Lisboa, 2004. Ảnh : João Pedro Gonçalves / Wikipiedia

 

Thế kỷ 20 đã khác, dòng nhạc Fado được công nhận là tiếng hát xuất phát từ đáy lòng dân tộc, thể hiện những trớ trêu của định mệnh và tâm hồn yêu thương mãnh liệt của Bồ Đào Nha. Fado đã được « quốc hữu hóa » chẳng khác chi điệu Flamenco của Tây Ban Nha hay điệu Tango của Achentina. Nhưng mấy ai còn nhớ dòng nhạc Fado ra đời nhờ sự cộng hưởng giữa lối hát Brasil xa xôi được các nô lệ Phi châu đưa vào Bồ Đào Nha khi được mang trở về đây và nhịp điệu Fandango của Tây Ban Nha pha lẫn với tiết tấu của điệu vũ Fofa Bồ Đào Nha. Dòng nhạc này ngày nay được xem là ngọn cờ của cả dân tộc, tiêu biểu cho quốc hồn quốc túy của Bồ Đào Nha, phản ánh khá đầy đủ lịch sử cận đại của các dòng giao lưư văn hóa nhào nặn lên quốc gia châu Âu này. Có lẽ không thừa khi nhắc lại ngay cả cái tên Alfama khu dân cư đông đúc của thủ đô Lisboa, nơi phát sinh dòng nhạc Fado cũng là một sản phẩm kết hợp hai nền văn hóa. Alfama nguyên gốc là tiếng Ả rập al-hamma có nghĩa là suối nước ấm. Cái tên Alfama đã được lưu lại từ thời người Ả rập chiếm cả miền nam lục địa châu Âu.

 

O Fado (1910). Tranh  José Malhoa. Nguồn:  Rei-artur

O Fado (1910). Tranh José Malhoa. Nguồn: Rei-artur

 

Thế mà gần đây, trong thế kỷ 20, điệu hát Fado xuýt bị bỏ quên sau khi nền độc tài của Salazar kết thúc. Lý do là vì trong suốt thời gian hàng chục năm ông Salazar cai trị Bồ Đào Nha bằng bàn tay sắt cho đến năm 1968, ông đã biến nghệ thuật Fado thành một thứ quốc giáo và ràng buộc dân Bồ Đào Nha vào hệ tư tưởng ba ngôi : Fado – Football – Fatima tức là Fado, Bóng đá và Đức mẹ Fatima. Di sản này đã bị thế hệ trẻ ruồng bỏ sau 1968. Đây là thời gian suy đồi của môn nghệ thuật này, bị xem là cổ lỗ, chỉ còn thu hút được khách du lịch hay thế hệ già nua của Bồ Đào Nha.

 

Bẵng đi hơn 20 năm, vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, điệu hát Fado được giới trẻ khám phá trở lại và cải tiến. Hàng lọat ca sĩ trẻ Fado xuất hiện trong lúc mà nhà điện ảnh Đức Wim Wenders góp công giới thiệu nền nghệ thuật này với khách quốc tế qua bộ phim Lisbon Story. Các nghệ sĩ trẻ ngày nay như nữ ca sĩ Cristina Branco, nam ca sĩ Camané hay ban nhạc Madredeus, mỗi người một hướng, đã khôi phục lại điệu hát dân gian này.

 

Ca sĩ Cristina Branco. Ảnh: Astur / Trabayu propiu

Ca sĩ Cristina Branco. Ảnh: Astur / Trabayu propiu

Đặc điểm của họ là giảm bớt những thanh sắc bi ai khi trình diễn, ít cường điệu hóa những đoạn crescendo khi giọng hát phải bay vút lên cao, nhưng họ vẫn giữ được tiết tấu đặc thù của Fado và tinh thần khi mãnh liệt khi dịu dàng của môn hát này. Họ bảo vệ được cốt cách đặc sắc của Fado là tính trữ tình, họ phát triển nét thi ca trong Fado khi chuyển ngữ vào Fado những bài thơ tình của William Shakespeare hay của Fernando Pessoa. Đa số trong họ vẫn nhắm mắt, đặc biệt là nam ca sĩ Camané khi ngân nga một bài Fado. Họ đã biết khi hát Fado phải truyền tải được những tình cảm sâu lắng, nghệ sĩ Fado phải là con người có kinh nghiệm.

 

Ca sĩ Debora Rodrigues trình diễn tại Lisboa. Nguồn : commons.wikimedia.org

Ca sĩ Debora Rodrigues trình diễn tại Lisboa. Nguồn : commons.wikimedia.org

 

Xin sử dụng lại hình ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tạm kết luận là trong tiếng hát Fado, trong giọng tâm tình của Fado phải nghe thấy "màu tàn phai"