Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VĂN HÓA - XÃ HỘI

"Bóng" phá vỡ bức tường vô hình của sự im lặng

 Bảo Thạch

Bài đăng ngày 22/08/2008 Cập nhật lần cuối ngày 22/08/2008 12:27 TU

Trang bià tập tự truyện "Bóng"

Trang bià tập tự truyện "Bóng"

Đầu tháng 8 vừa qua, "Bóng" tập tự truyện đầu tiên của người đồng tính được xuất bản tại Việt Nam. Dầy hơn 300 trang, nhân vật xưng tôi ở đây là một tiểu thương tại Hà Nội, năm nay 41 tuổi, tên là Nguyễn Văn Dũng. Cuộc đời của anh đã được hai nhà báo chấp bút viết lại

"Bóng" đến tay độc giả đánh dấu một sự kiện xã hội : điều mà các nước phương Tây gọi là "coming out", công khai hóa. Tại Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì? Độc giả có thể phát hiện trong tập tự truyện này nhiều điều về "thế giới thứ ba" tức cộng đồng người đồng tính, nhưng quan trọng hơn nữa là bức tranh mô tả xã hội chung quanh, xã hội đời thường, xã hội của tôn ti trật tự và thuần phong mỹ tục luôn kỳ thị người khác định hướng tình dục.

Ở chỗ này, "Bóng" đã phản ánh được không chỉ những ức chế mà người đồng tính phải chịu đựng, mà cả những bưng bít và ngộ nhận mà Việt Nam cần giải tỏa, thì mới có khả năng vươn lên tầm vóc một xã hội nhân bản.

Nguyễn Văn Dũng kể lại, nhân một lần câu lạc bộ Hải Đăng tổ chức hội thảo ở phường Trúc Bạch Hà Nội, có một bà đại biểu bước lên sân khấu lên án kịch liệt tệ nạn đồng tính luyến ái. Bà này nói : "chúng tôi không chấp nhận. Đây là những người đua đòi, đồi bại, phi đạo đức, ma túy, nghiện hút, mại dâm, Aids". Nguyễn Văn Dũng trả lời : "xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại hàng ngày thưa cô".

Câu nói kể trên đã tóm lược ý nghĩa cuộc cọ xát tư tưởng kéo dài hàng ngàn năm, mà mãi đến gần đây, gần như hầu hết thế giới mới vỡ lẽ : đồng tính là một định hướng tình dục phổ biến ở lục địa nào cũng có, ở giai đọan lịch sử nào cũng tồn tại, chí ít trong các nước độc đoán cũng tối thiểu là 2% dân số, bình thường là 4%, còn trong các xã hội cởi mở như phương Tây ngày nay, thì nhiều hơn, nếu kể cả những người dị tính luyến ái đã từng thử nghiệm tiếp xúc tình dục một lần với người đồng giới.  

Tập tự truyện được viết theo lời kể của Nguyễn Văn Dũng

Tập tự truyện được viết theo lời kể của Nguyễn Văn Dũng

Nguyễn Văn Dũng nói : "Tôi đã chứng kiến cả quá trình, từ chỗ không ai hiểu đồng tính luyến ái là gì, cho đến ngày nay khi xã hội có khái niệm “đồng tính luyến ái”. Quá trình ấy diễn ra ngót một phần tư cuộc đời tôi còn gì. Bản thân tôi cũng mất nhiều năm để hiểu chính mình. Tôi từng nghĩ mình bệnh hoạn. Đến bây giờ, tôi mới thực hiểu: Người đồng tính là người bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ có cái khác là khuynh hướng tình dục bẩm sinh, chúng tôi thích người cùng giới. Sẽ là đơn giản và hồn nhiên nếu nói đây là vấn đề sở thích".

Trong câu nói vừa kể, Nguyễn Văn Dũng đã lột tả được nghịch lý : người đồng tính cũng từng nghĩ rằng mình bệnh hoạn bởi vì họ cũng là những đứa con của một xã hội mang ý thức hệ dị tính. Trong tâm thức người đồng tính, vào lúc bắt đầu nhận diện chính mình là tư tưởng thuộc hệ dị tính luyến ái, do đó mà tư tưởng của họ cũng là công cụ trấn áp, ức chế chính họ.

Hành trình của Nguyễn Văn Dũng cũng là hành trình của phong trào người đồng tính ở Tây Âu, Mỹ Châu hauy Châu Á, từ chỗ ao ước được xã hội công nhận, họ phải đối mặt với sự thật bản thân mình. Từ ấy, họ bắt đầu thóat ra khỏinhững mặc cảm tự ti và cởi trói mình trước khi rút ra kết luận : có phá bỏ bức tường vô hình của sự im lặng thì mới làm chủ được vận mệnh chính mình.

Đó là ý nghĩa đầu tiên của sự kiện "coming out" công khai hóa. Bước đường này, các xã hội phương Tây đã thực hiện cách nay nửa thế kỷ. Ngày nay, các phong trào bảo vệ đồng tính nhắm vào mục tiêu kế tiếp : đó là hội nhập hoàn toàn vào xã hội, với tư thế công dân bình đẳng. Để đạt được diều này, tất yếu phải có nhũng kẻ tiên phong như Nguyễn Văn Dũng.

Sau đây mời quý vị theo dỏi bài phỏng vấn, RFI đã thực hiện với Đoan Trang và Hoàng Nguyên, hai nhà báo đã viết tập tự truyện "Bóng" dựa trên lời kể của Nguyễn Văn Dũng.