Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Băng Bắc Cực tan nhanh kỷ lục

  Thanh Thủy,  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 28/08/2008 Cập nhật lần cuối ngày  20/10/2009 17:04 TU

Giới khoa học Mỹ hôm 27/08/08 đã lên tiếng báo động. Các phóng ảnh vệ tinh cho thấy là trong tháng 8/2008, diện tích dải băng tại vùng Bắc Cực đã bị thu hẹp đáng kể dưới tác động của hiện tượng khí hậu bị hâm nóng. Trong vòng 4 tuần lễ đầu tháng tám, trên 2 triệu cây số vuông băng đã bị tan
Theo một thông cáo của Trung tâm Quốc gia Hoa Kỳ về tuyết và đá (National Snow and Ice Data Center) đặt tại bang Colorado, dải băng ở vùng Bắc Cực, đo vào ngày 26 tháng 8, đã giảm diện tích so với diện tích đo vào cùng một thời kỳ cách nay ba năm. Tính từ đầu tháng tám, các tảng đá ở Bắc Băng Dương đã giảm đi hơn hai triệu cây số vuông.

Còn vài tuần lễ nữa đến mùa thu, thời điểm để mặt nước ở Bắc Băng Dương đông trở lại do nhiệt độ xuống thấp. Như vậy là trong mùa hè năm nay, đá có thể đã tan nhiều hơn mùa hè năm 2007, một năm mà diện tích của dải băng đã giảm đi 40% so với diện tích trung bình của các mùa hè từ năm 1979 đến năm 2000.

Băng đá ở vùng Bắc Cực bắt đầu tan vào giữa tháng sáu, đạt diện tích nhỏ nhất vào giữa tháng chín và diện tích lớn nhất vào giữa tháng ba. Nhưng trong thập niên qua, người ta nhận thấy hiện tượng đá tan đã tăng tốc. Theo một nhà băng hà học người Mỹ, Bắc cực có thể tạm thời không còn một tảng băng nào vào tháng chín. Đây sẽ là một sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong thời kỳ đương đại và nó sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong tiến trình tan băng ờ vùng Bắc cực từ mười năm qua, dưới tác động của trái đất bị hâm nóng. Vẫn theo ông này, với đà tan đá hiện nay, từ nay đến năm 2030 Bắc Băng Dương sẽ không còn một mảng đá nào vào mùa hè, và ông nhắc lại là cách nay vài năm kịch bản trên được dự trù cho năm 2050 và năm 2100.

Các dải băng ở vùng Alaska tan biến sẽ gây tổn thất cho nhiều loài gấu đang sinh sống tại đây. Nhưng hiện tượng này cũng có những khía cạnh tích cực như là cho phép mở những hành lang nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, xuyên qua các hòn đảo ở vùng Bắc Cực Canada. Con đường lưu thông trên biển sẽ giúp cho tàu bè không phải đi đường vòng qua kênh Panama hay qua mũi Horn. Mặt khác, ở dưới đáy Bắc Băng Dương có nhiều mỏ dầu và một khi đá tan, việc khai thác các mỏ dầu này trở nên dễ dàng, một điều mà Nga và Canada đang thèm muốn.