Vi Mạnh
Bài đăng ngày 10/10/2008 Cập nhật lần cuối ngày 27/08/2009 17:11 TU
Một chiếc ghế bành mà thoáng nhìn giống như là một cái giỏ úp ngược đan bằng mây tre. Một cái muỗng sành cong tròn như vỏ ốc. Một cái ấm trà bằng sắt màu lục sẩm, ở phiá dưới có khắc nhiều hình vân nhấp nhô như ngọn sóng. Đó là những vật dụng thường thấy ở các vùng nông thôn Nhật bản, khá tiêu biểu cho ngành thủ công nghệ xứ hoa anh đào, còn được gọi vắn tắt là mingei.
Tính tổng cộng có hơn 150 vật dụng khác nhau, trong đó có đồ gốm, đất nung, khắc gỗ, đồng thanh, sơn mài, tranh lụa, vân vân. Nét tương đồng ở đây là hầu hết các tác giả đều là nghệ nhân vô danh nhưng lại có nghề gia truyền, từ nhiều thế hệ.
Các vật dụng đôi khi đã có từ nhiều thế kỷ trước, lưu truyền cho đến ngày nay. Lối thiết kế đơn giản nhưng lại rất tiện dụng giải thích phần nào vì sao các vật dụng này hiện vẫn còn rất phổ biến, và ảnh hưởng nhiều đến các nhà thiết kế đương đại trong cách vẽ mẫu đồ dùng trong nhà hay trang trí nội thất.
Chẵng hạn như lọai ấm trà kyusu bằng đồng của người Nhật xuất phát từ đầu thế kỷ thứ 11 thịnh hành cho đến khi thủ đô Edo được đổi tên thành Tokyo (1868).
Thời xưa, ở các vùng nông thôn, dân làng thường dùng kiểu ấm trà này vừa để đựng nước sôi vừa để có hơi sưởi ấm ở trong nhà. Ấm trà bằng sắt lúc nào cũng để trên bếp than, nên nước trà lúc nào cũng có sẵn. Khác với đất nung hay bình sứ, ấm đồng còn được dân thôn quê gọi là “bình trà không có trí nhớ”, tức là không lưu lại mùi hương của trà, uống xong loại này rồi pha tiếp loại khác cũng được, chứ không nhất thiết phải súc bình cho thật sạch.
Yanagi : cánh chim đầu đàn
Các truyền thống dân gian Nhật Bản đã có từ lâu, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20 mới được khôi phục qua phong trào mingei, do giáo sư Soetsu Yanagi chủ xướng. Sinh năm 1889, mất năm 1961, ông Soetsu sinh thời viết sách và dạy đại học.
Ông là một trong ngòi bút phê bình trên tạp chí văn học nghệ thuật Shirakaba, nổi tiếng nhờ viết tiểu luận về thi hào Walt Whitman và họa sĩ William Blake, giới thiệu nhiều trường phái hội họa và điêu khắc Tây Phương. Nhưng công trình lớn nhất trong đời ông là việc thành lập viện bảo tàng nghệ thuật dân gian Mingeikan tại Tokyo vào năm 1936.
Thời thanh niên, ông Soetsu Yangi bắt đầu sưu tầm đồ thủ công nghệ từ đảo Hokkaido ở phiá Bắc cho đến quần đảo Ryukyu ở phía Nam, tìm hiểu nguồn gốc các vật dụng xứ hoa anh đào, kết hợp nhiều ảnh hưởng văn hóa đến từ bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Vào thời bành trướng của đế chế Nhật Bản, quân đội Thiên Hoàng đô hộ nhiều quốc gia châu Á, giáo sư Soetsu Kanagi đi nguợc lại với luồng tư tưởng cực kỳ bảo thủ thời đó, khi công nhận tầm quan trọng của các nền văn hóa láng giềng.
Sau đệ nhị thế chiến, Nhật Bản bước vào giai đoạn tái thiết, ngành công nghiệp phát triển rất mạnh, đồ đạc và sản phẩm được sản xuất dây chuyền, xã hội đi theo xu hướng Âu-Mỹ. Nhiều mặt hàng thủ công dần dần bị mai một. Viện bảo tàng Mingeikan trở thành dấu gạch nối, dung hoà xưa và nay, ứng dụng vật liệu và công nghệ mới để phục hồi và phát triển nghệ thuật dân gian. Trong giai đọan này, giáo sư Soetsu làm việc với hai nghệ nhân đồ gốm là Kawai Kanjiro và Hamada Shoji, từng đuợc đào tạo tại trường cao đẳng kỹ thuật Tokyo Kogyo Daigaku để duy trì nghề thủ công cổ truyền.
Ghế đẩu cánh bướm
Tại viện bảo tàng Quai Branly, khách xem triển lãm phải tinh ý lắm mới nhận thấy những điểm khác biệt nho nhỏ giữa những vật dụng làm bằng tay có từ vài thế kỷ trước, với các sản phẩm design, hiện đại hơn nhưng vẫn được chế tạo bằng tay, dựa theo hình mẫu của các nhà thiết kế. Đồ trang trí thời nay bắt chước các món cổ vật, tinh xảo và khéo léo nên chẳng dễ phân biệt, đâu là mới đâu là cũ.
Một trong những vật trưng bày đẹp mắt nhất là chiếc ghế đẩu hình cánh bướm Butterfly Tabouret của nhà thiết kế Sori Yanagi, con trai ruột của giáo sư Soetsu Yanagi. Đường nét của chiếc ghế đẩu hết sức đơn giản nhưng vô cùng tài tình, chỉ có hai tấm ván gỗ uốn nắn, ghép nối bằng một thanh sắt. Sản phẩm này có thể được làm bằng tay, nhưng khi đuợc sản xuất theo kiểu hàng lọat, ghế đẩu cánh bướm trở thành một trong những sản phẩm nổi tiếng của Nhật Bản thời hậu chiến, còn nhà thiết kế Sori Yanagi là gưong mặt tiên phong ngành design.
Về sau, các công ty chuyên làm bàn ghế hay đồ trang trí nội thất ở Đức hay Thụy Điển gợi hứng từ kiểu mẫu này, đôi khi vay mượn sao chép các đường nét tối thiểu trong hàng thủ công Nhật Bản nhưng vẫn không sánh bằng. Chẳng hạn như các loại chum vại, bình chậu, mâm khay dùng để chứa nước, trồng hoa, làm bếp hay đựng rau quả, rồi đến những vật dụng nho nhỏ như lọ đựng tăm, bát đũa, chén trà, tách đĩa. Phong trào mingei cho thấy là bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công thổi một cái hồn sinh động vào các vật dụng rất đời thường, chế biến từ những chất liệu thông dụng nhất.
Vẽ lụa trên quạt
Trong số này có nghệ thuật làm gốm tam thái Kochi Yaki tức là gốm nung gồm ba màu lục, vàng và tím đỏ. Mỗi mầu ngăn cách nhau bằng những đường nét chạm nổi. Hoặc là bát sành thanh nhã và gốm tráng sato, có màu trắng rạn mịn y hệt như ngà cổ. Bên cạnh đó còn có nghệ thuật yuzen dùng để nhuộm tơ và vẻ lụa.
Kỹ thuật này có từ cuối thế kỷ 17, do một nghệ nhân vô danh người Nhật sáng chế để vẽ áo kimono và vẽ lụa trên quạt. Nghệ thuật này cho đến nay vẫn được lưu truyền nhờ gia đình ông Moriguchi Kako. Họa tiết kiểu mẫu có thể thay đổi nhưng về cách thêu dệt phối màu thì vẫn công phu như thời trước cho nên mỗi chiếc kimono trưng bày tại Paris lần này trị giá ít nhất là 50.000 euro.
Phong trào mingei chẳng những được hưởng ứng tại Nhật Bản mà cón tìm được sự đồng cảm tại phương Tây. Hầu như vào cùng một thời điểm, tức là vào những năm 1930, ở châu Âu xuất phát một phong trào tương tự gọi là Arts and Crafts, rồi sau đó có trường phái Art Déco.
Vào thời đó, các nghệ sĩ học giả nào từ phương Tây đến Nhật Bản đều bị lôi cuốn bởi sự tinh tế trong nghệ thuật Nhật Bản. Họ dày công nghiên cứu và giới thiệu cái đẹp trong văn hóa Phù Tang đến Tây phương. Giáo sư Soetsu Kanagi có hai người bạn đồng hành khá tâm đắc.
Trước hết là nhà khảo cổ kiêm dân tộc học người Mỹ Langdon Warner (1881-1955). Ông đã giúp rất nhiều giáo sư Soetsu trong việc kiếm nguồn tài trợ cho Mingeikan, nhờ vậy mà viện bảo tàng tư nhân này không bị đóng cửa. Ông cũng là giáo sư đại học Harvard nên thường mời đồng nghiệp sang Hoa kỳ thuyết trình về nghệ thuật dân gian Nhật Bản. Nổi tiếng ngoài đời là một người thích mạo hiểm phiêu lưu, nên có ý kiến cho rằng Langdon Warner đã gợi hứng cho đạo diển lừng danh Steven Spielberg tạo dựng nhân vật trong lọat phim anh hùng Indiana Jones.
Vô danh nhưng tài hoa
Người bạn đồng hành thứ hai của giáo sư Soetsu là ông Bernard Leach, (1887-1979) nổi tiếng là một nghệ nhân người Anh chuyên về đồ gốm. Ông tốt nghiệp ngành hội họa và khắc tranh ở Anh Quốc rồi sang Nhật Bản sống trong vòng nhiều năm để tầm sư học đạo. Ông từng được một bậc thầy trong dòng gốm Kenzan thu nhận và ban ấn truyền thừa. Trong sự nghiệp của mình, ông từng học cách làm gốm nung, và là bạn thân của đạo sư Shoji Hamada.
Cả hai gương mặt này đều nổi tiếng hàng đầu trong ngành làm gốm hiện đại, ngoài Nhật Bản và Triều Tiên, họ còn thích sưu tầm đồ cổ Việt Nam, tìm hiểu bí quyết làm gốm của người xưa. Năm 1972, ông Bernard Leach dịch sang tiếng Anh nhiều bài viết quan trọng của giáo sư Soetsu rồi tập hợp lại trong quyển sách The Unknown Craftsman "Nghệ Nhân vô danh". Quyển sách này đã giúp phổ biến thêm tư tưởng của phong trào mingei.
Tại Tokyo, bộ sưu tập Mingekan hiện có đến 17.000 vật dụng mà gia đình giáo sư Soetsu Sanagi đã dày công sưu tầm. Cuộc triển lãm ở viện bảo tàng Quai Branly, do chỉ trưng bày một phần mười các tác phẩm, nên khó thể nào mà diễn tả được hết chiều sâu của phong trào mingei. Nhưng ít ra, người đến xem triển lãm hiểu được phần nào cốt lõi của nghệ thuật dân gian Nhật Bản : đằng sau những đường nét tỉnh lược đến mức tối thiểu, là cả một sự phức tạp, vô cùng tinh tế của cuộc sống.
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO