Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Các thủy thủ ''vô hình'' của lực lượng miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam.

 Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 17/11/2008 Cập nhật lần cuối ngày 19/11/2008 14:01 TU

Một chiếc tàu chở hàng bí mật từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Một chiếc tàu chở hàng bí mật từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, miền Bắc đã tiếp tế cho lực lượng của mình tại Miền Nam bằng hai ngã đường bộ và đường biển. Nếu đường mòn Hồ Chí Minh (trên bộ) rất nổi tiếng, thì tuyến hàng hải, gọi là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển lại được nhắc tới rất ít, đặc biệt ở phương Tây. Tạp chí Pháp về lịch sử Geo Histoire trong số mới nhất, vừa bổ khuyết cho thiếu sót này bằng bài phóng sự của nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, một người thông thạo tình hình Việt Nam.

Trong bài báo mang tựa đề Các Thủy Thủ ''vô hình'' trong cuộc chiến tranh Việt Nam, với tư cách là một nhà báo, đồng thời là nhà nhiếp ảnh, Nicolas Cornet đã thực hiện một bài phóng sự khá sống động về con đường Hồ Chí Minh trên biển. Anh đã tìm lại và phỏng vấn trực tiếp nhiều tác nhân đã tham gia chiến dịch tiếp tế, hậu cần trong cuộc chiến tranh, đồng thời đối chiếu với một số tài liệu lịch sử về sự kiện này. Với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, Nicolas Cornet cũng đi theo hai hướng, ghi lại bằng hình ảnh các cuộc gặp gỡ, các điạ điểm chủ chốt trên con đường hàng hải từ miền Bắc xuống miền Nam, và kết hợp các bức ảnh của chính mình với một số hình ảnh tư liệu thời diễn ra chiến dịch. 

Vịnh Hạ Long đã có thời là xuất phát điểm của tuyến hàng hải tiếp viện cho miền Nam.(Ảnh : Nicolas Cornet)

Vịnh Hạ Long đã có thời là xuất phát điểm của tuyến hàng hải tiếp viện cho miền Nam.(Ảnh : Nicolas Cornet)

 

Phóng sự của Nicolas Cornet khởi đầu bằng một bức ảnh lớn của Vịnh Hạ Long. Đây không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, vì đó chính là điểm khởi hành của tuyến tiếp tế cho miền Nam theo đường biển. Ngay từ năm 1962, từ khu vực Hải Phòng và vùng lân cận, quân trang, quân dụng, vũ khí được chuyển lên đủ loại tàu, thuyền to nhỏ, đi xuyên qua vùng biển phiá Bắc đảo Hải Nam của Trung Quốc ra ngoài hải phận quốc tế rồi đánh vòng xuống phiá nam, tỏa vào các khu vực ở miền Nam, từ Nha Trang xuống đến mũi Cà Mau.

Hành trình rất nguy hiểm vì các thủy thủ phải luôn luôn tìm cách tránh né hàng rào phong tỏa của Hải Quân Hoa Kỳ. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng ba tuần lễ, với năm ngày đi dọc theo bờ biển và hai tuần lênh đênh ngoài biển khơi. Riêng trong thời gian từ năm 1962 đến năm 1968, đội tàu thuyền này, trong 58 chuyến công tác đã chuyển được khoảng 6000 tấn đạn dược vũ khí cung cấp cho các mặt trận ở miền nam.

Các thủy thủ vô hình

Tại sao Nicolas Cornet lại gọi những thủy thủ tham gia chiến dịch tiếp tế này là ''vô hình''. Có lẽ là vì họ đều đi trên những còn tàu không biển số, để nơi xuất phát khỏi bị tiết lộ nếu bị quân địch chận bắt.

Nguyễn Văn Đức, một thủy thủ ''vô hình'' trong cuộc chiến vừa qua(Ảnh : Nicolas Cornet)

Nguyễn Văn Đức, một thủy thủ ''vô hình'' trong cuộc chiến vừa qua
(Ảnh : Nicolas Cornet)

Họ là những ai ? Theo tìm hiểu của Nicolas Cornet, thoạt đầu đó là những người tham gia kháng chiến ở miền Nam, nơi có sông rạch chằng chịt, giúp cho việc lẩn tránh các vụ càn quét đễ dàng hơn. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đức, những người trong mặt trận giải phóng đã sớm cần phải được Hà Nội giúp đõ về mặt vũ khí. Đối với họ, đường thủy rất thuận lợi vì cho phép chuyên chở được nhiều thứ .

Chính vì thế mà vào năm 1957, tướng Võ Nguyên Giáp đã cho thành lập đơn vị hậu cần bí mật mang bí số Đoàn 759, lo việc tiếp liệu cho miền Nam cũng như chuyên chở cán bộ lãnh đạo giữa hai miền.

Nguyễn Tài Lộc, thuyền viên trên một chiếc tàu không số.(Ảnh : Nicolas Cornet)

Nguyễn Tài Lộc, thuyền viên trên một chiếc tàu không số.
(Ảnh : Nicolas Cornet)

Thoạt đầu các thủy thủ tham gia đơn vị này gồm toàn những người miền Nam, tập kết ra Bắc vào lúc trước hay mới ra.  Thế nhưng sau đó, khi chiến sự leo thang, nhu cầu tiếp viện tăng cao, đơn vị này đã bắt đầu thu nhận thêm những người ở miền Bắc, như trường hợp của ông Nguyễn Tài Lộc, quê quán ở Cửa Vạn bên Vịnh Hạ Long mà nhà báo đã tiếp xúc, đã gia nhập đội tàu thuyền này từ năm 1964.

Hành trình của đội tầu thuyền bí mật này cũng phải thay đổi, không còn đi dọc theo bờ biển nữa mà phải tách hẳn ra ngoài hải phận quốc tế để tránh khu vực Đà Nẵng, nơi có lực lượng hải quân Hoa Kỳ hùng hậu trấn đóng nhằm ngăn chặn đường tiếp tế từ miền Bắc.

Đoàn tàu không số

Tuyến đường vòng ra hải phận quốc để xuống miền Nam sau đó mang bí số Đoàn 125, với các chiếc tàu được mệnh danh là Tàu Không Số, với biển số giả mạo, mà đối phương có thể bắn chìm không thương tiếc vì trên nguyên tắc không thuộc nước nào.

Điều đáng nói là phần đông các thủy thủ này không được đào tạo để điều khiển tàu thuyền ngoài biển khơi. Thế là họ phải học hỏi các nguyên tắc lưu thông quốc tế trên biển, cách đọc các bản đồ hàng hải, cách sử dụng la bàn hay compa... Mặt khác, để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho chiến dịch, những thuỷ thủ này không được tiết lộ công việc của mình kể cả cho người thân.

Sau đơn vị 125, đến lượt đơn vị 371 được thành lập, bao gồm những chiếc tàu đánh cá mua tại miền Nam và đăng ký tại miền Nam.

Sông ngòi chằng chịt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn lý tưởng cho du kích quân. (Ảnh : Nicolas Cornet)

Sông ngòi chằng chịt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn lý tưởng cho du kích quân.
(Ảnh : Nicolas Cornet)

 

Hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, những thủy thủ này hiện nay ra sao ? Mỗi người một cảnh ngộ, nhưng theo ghi nhận của Nicolas Cornet, tiền thưởng công cho họ sau thời gian gian khổ chỉ là nửa triệu đồng, tương đương vớI 25 euros, một tấm huy chương ghi nhận công trạng trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, và quy chế cựu chiến binh.

Đôi nét về tác giả bài báo

Nicolas Cornet là báo kiêm nhiếp ảnh gia rất quen thuộc với ngườI Việt Nam. Anh thường xuyên cộng tác vớI các nhật báo hay tạp chí nổI tiếng ở Pháp và Châu Âu như Le Monde, Le Nouvel Observateur, Le Figaro Magazine, Géo, Géo Histoire, Grands Reportages tại Pháp, L'Espresso và  D-La Republica tại Ý, Mare et Merian tại Đức. 

Bìa tập ảnh của Nicolas Cornet, xuất bản năm 2004

Bìa tập ảnh của Nicolas Cornet, xuất bản năm 2004

Bìa tập ảnh thứ hai của Nicolas Cornet, phát hành năm 2007

Bìa tập ảnh thứ hai của Nicolas Cornet, phát hành năm 2007

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bắt đầu tiếp cận với Việt Nam từ năm 1987, Nicolas Cornet đã mau chóng thâm nhập vào cuộc sống của người Việt, ghi lại bằng ống kính những gì anh cảm nhận. Kết quả đã bước đầu được ghi lại trong hai tập ảnh mang tựa đề rất gọn Vietnam do nhà xuất bản Le Chêne tại Paris phát hành vào năm 2004 và 2007.