Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Quan hệ Trung - Việt vẫn còn chua hơn ngọt

 Đức Tâm

Bài đăng ngày 18/11/2008 Cập nhật lần cuối ngày 18/11/2008 15:40 TU

Tranh cãi ầm ỉ từ lâu về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nay lại nóng lên. Đó là nhận định của nhà báo Roger Mitton về quan hệ Trung-Việt trong thời gian gần đây. Bài đăng trên www.asiasentinel.com ngày 14/11/2008. Xin giới thiệu cùng quý vị.

Quần đảo Trưòng Sa

Quần đảo Trưòng Sa

Bất chấp những ý định của giới chức muốn che dấu các bất đồng, mối quan hệ bất hòa kéo dài trong lịch sử giữa Bắc Kinh và Hà Nội gần đây lại có một bước ngoặt tồi tệ hơn liên quan đến một loạt các bãi đá không có ý nghĩa gì về mặt địa lý nhưng lại quan trọng về mặt chiến lược trong vùng Nam Hải Trung Quốc, mà bất kỳ nước nào gần những hòn đảo này cũng đòi chủ quyền của mình.

Những quần đảo có tranh chấp này nằm ở giữa các tuyến giao thông hàng hải chiến lược và các vùng đánh bắt hải sản trù phú và được coi là nơi giầu trữ lượng về dầu lửa và khí đốt. Mặc dù Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines cùng đòi chủ quyền, nhưng tranh chấp chủ yếu là giữa Trung Quốc và Việt Nam, cả hai đều khẳng định chủ quyền của mình đối với gần như toàn bộ những chuỗi đảo này.

Tháng 12 vừa qua, sau khi Trung Quốc đặt những cột mốc mới đánh dấu chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa, Hà Nội đã có phản ứng công khai hiếm thấy và chính thức cho phép những cuộc xuống đường phản đối ầm ĩ trước các phái bộ ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bắc Kinh đã bực bội khẳng định lại quyền của mình đối các hòn đảo và cảnh cáo Việt Nam không nên đi quá xa. Gọi các quần đảo này theo tên Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lưu Kiến Siêu đã nói : « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa, và chúng tôi có tất cả những bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh điều này. »

Do vậy, những vụ đụng độ trên quy mô nhỏ và sự thù hận thâm căn cố đế vẫn tiếp tục diễn ra.

Trong sự cố gần đây nhất, một tầu đăng ký tại Na Uy do Nga thuê tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi cho Việt Nam đã bị các tầu Trung Quốc ngăn chặn và ra lệnh phải rời khỏi khu vực này nếu không sẽ bị bắn.

Tầu Na Uy đã nhanh chóng rời khu vực, làm tăng thêm sự thất vọng của Hà Nội, vẫn đang còn cay đắng về quyết định của công ty dầu lửa khổng lồ Mỹ ExxonMobil đột ngột chấm dứt các kế hoạch phối hợp thăm dò với PetroVietnam. Quyết định của ExxonMobil trong tháng 7, cũng giống như công ty dầu lửa Mỹ ConocoPhilips đã làm trong tháng 5, là do áp lực của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã cho biết rằng bất kỳ một công ty nào tiến hành thăm dò trong vùng biển ngoài khơi có tranh chấp chủ quyền thì sẽ không còn một cơ hội nào làm ăn với Trung Quốc.

Có tin nói rằng, để củng cố lập trường cứng rắn, đầu năm nay, Trung Quốc đã điều động năm tầu chiến và hai tầu ngầm tới vùng biển quanh Hoàng Sa. Gần đây hơn, một số nguồn tin quân sự nói rằng họ cho là Trung Quốc có thể triển khai tầu ngầm nguyên tử JIN Class 094 tới vùng biển này, cho dù có những nguời hoài nghi là vùng biển quanh quần đảo tương đối nông và không đủ độ sâu cho hoạt động của tầu ngầm.

Hơn nữa, hậu quả lập trường cứng rắn của Trung Quốc là làm cho Việt Nam, một nước đang khát nhiên liệu và mong muốn một cách tuyệt vọng khai thác các mỏ dấu lửa và khí đốt ở ngoài khơi, một lần nữa nổi đóa. Các đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam đã bầy tỏ sự bực bội của mình một cách mạnh mẽ tại hội nghị toàn thể (Ban Chấp Hành Trung ương) được triệu tập một cách vội vã từ mồng 2 đến mồng 4 tháng 10 tại Hà Nội. Trước hội nghị này, ông Vũ Dũng, thứ trưởng ngoại giao đã được cử sang Bắc Kinh với tư cách là đặc phái viên của ban lãnh đạo Hà Nội để chuyển một công hàm của Việt Nam về tình trạng quan hệ song phương.

Với những lời lẽ mạnh mẽ bất thường, bản Công hàm đã đề cập đến nhiều vấn đề nhậy cảm, bao gồm cả những sự cố gần đây xẩy ra tại các nơi có tranh chấp ở biển Nam Hoa và những mối đe dọa nhắm vào các công ty dầu lửa ngoại quốc làm thuê cho Việt Nam.

Báo chí do Nhà nưóc Việt Nam kiểm soát nói rằng ông thứ trưởng và người đồng nhiệm Trung Quốc đã tiến hành « các cuộc thảo luận thẳng thắng về vấn đề biển Đông. »

Sau đó, hai bên nói rằng đã thỏa thuận tiến hành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện theo phương châm « láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. » Cụ thể là thỏa thuận mơ hồ này có ý nghĩa gì trên thực tế thì không rõ.

Chắc chắn là sẽ có những điềm không tốt lành, nếu vấn đề phân định biên giới trên bộ, kém nhậy cảm hơn nhiều, lại diễn ra một cách chậm chạp. Khi quay về Hà Nội ngày 27 tháng 9, ông thứ trưởng nói rằng hai bên đã thỏa thuận đẩy nhanh công tác phân định đường biên giới trên bộ dài 1350 km nhằm hoàn tất công việc này vào cuối năm nay – thời hạn này đã được đề ra cách nay một thập niên.

Nhưng Việt Nam nghi ngại là thời hạn cuối cùng này sẽ không được tôn trọng. Ngoài ra, Việt Nam nói rằng Trung Quốc giả dối – như cắm lại cột mốc đã được đặt đúng chỗ trước đó và nhắm mắt làm ngơ để cho công dân của họ canh tác và thậm chí chôn xác người bên phía đất của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Negroponte, Hà Nội, ngày 11/09/2008Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Negroponte, Hà Nội, ngày 11/09/2008
Ảnh: Reuters

Hà Nội đã quyết định không thể khoanh tay ngồi yên và chấp nhận những chiến thuật rắn tay của Trung Quốc, đặc biệt là tại các vùng ngoài khơi đang có tranh chấp chủ quyền. Và Việt Nam hướng sang củng cố các liên minh chiến lược. Quan hệ với Nga, Hoa Kỳ và Ấn Độ đang được nỗ lực bồi đắp và các nước này đã đáp ứng một cách tích cực bởi vì họ thấy Việt Nam như một hàng rào tiềm tàng chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Ngay trước hội nghị toàn thể (Ban Chấp hành Trung Ương) hồi tháng 10 tại Hà Nội, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã đi thăm Nga và Belaruss, hai trong số những nước chính cung cấp vũ khí, thiết bị hải quân và vũ khí hạng nặng của Việt Nam. Cuối tháng trước, cuộc đối thoại về an ninh Mỹ-Việt đầu tiên đã âm thầm diễn ra và những cuộc thảo luận sắp tới về an ninh khác cũng đã được lên kế hoạch.

Vấn đề cơ bản liên quan đến việc các công ty dầu lửa Mỹ bị Trung Quốc buộc phải rời khỏi các vùng biển mà Việt Nam đang đòi chủ quyền đã nằm trong chương trình nghị sự của cuộc đối thoại về an ninh và trong chương trình làm việc của thứ trưởng ngoại giao Mỹ John Negroponte khi ông tới thăm Hà Nội hồi tháng 9. Các nguồn tin thông thạo cuộc đàm phán nói rằng ông Negroponte không giấu diếm sự thông cảm đối với lập trường của Hà Nội và thậm chí Hoa Kỳ có thể làm những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam, nhưng không đi đến mức công khai phản đối Trung Quốc.

Sự ủng hộ ngầm này đã dẫn đến việc Hà Nội khéo léo dàn xếp lại chuyến viếng thăm của khu trục hạm phóng lôi USS Mustin vào tháng trước.

Nguồn tin của bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) khẳng định, theo lịch trình ban đầu, tầu USS Mustin có 32 sĩ quan và 348 thủy thủ và là một bộ phận của Hạm đội 7, sẽ đến cảng thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 10. Thế nhưng, sau cuộc tấn đe dọa của Trung Quốc nhắm vào tầu thăm dò dầu khí của Na Uy, Việt Nam đã đề nghị Hoa Kỳ đổi hải trình, đưa tầu tới cảng Tiên Sa Đà Nẵng.

Washington hoan hỉ chấp nhận và hoàn toàn biết rõ ý nghĩa của sự thay đổi này. Không chỉ có bộ Tư lệnh quân khu 5 đặt đại bản doanh ở Đà Nẵng mà còn có cả bộ Tư lệnh Hải quân vùng 3, đơn vị phụ trách tuần tra vùng biển có tranh chấp quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho dù tầu chiến Mỹ, về mặt chính, chỉ tới thăm và tham gia vào các dự án mang tính quan hệ cộng đồng và đoàn thủy thủ của tầu chơi bóng chuyền với các thủy thủ của hải quân Việt Nam, nhưng ai cũng hiểu được biểu tượng của chuyến viếng thăm Đà Nẵng vào thời điểm đó.

Chỉ huy tầu USS Mustin James Jones nói : « Chuyến thăm này nhấn mạnh đến sự hợp tác gia tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. »

Khu trục hạm USS Mustin DDG-89Nguồn : Defence Talk

Khu trục hạm USS Mustin DDG-89
Nguồn : Defence Talk

Nguồn tin của SACOM khẳng định là cũng đã kiểm tra tin về vụ đụng độ liên quan đến tầu thăm dò của Na Uy và cho biết là việc tầu USS Mustin đổi hải trình chuyến viếng thăm Việt Nam từ 18 đến 21 tháng 10 đã được sắp xếp để đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc.

Sau khi gửi thông điệp này, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng lên đường sang Trung Quốc để dự Hội Nghị Á –Âu lần thứ 7. Ông tới Bắc Kinh ngày 21 tháng 10, sớm hơn một ngày so với kế hoạch ban đầu. Điều này cho phép ông có thêm một ngày trước khi Hội Nghị bắt đầu, để thảo luận về những bùng phát mới trong hồ sơ chủ quyền với người đồng nhiệm Ôn Gia Bảo và phản đối hành động nhắm vào con tầu Na Uy.

Đây là chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của ông Dũng kể từ khi ông lên làm thủ tướng vào tháng 7 năm 2006. Các nhà quan sát nói rằng việc trì hoãn hơn hai năm trước khi đến thăm thủ đô nước láng giềng khổng lồ phương bắc chứng tỏ mức độ to lớn của mối quan hệ cực kỳ nhậy cảm giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ảnh hưởng của việc ông chậm trễ đến Trung Quốc càng gia tăng bởi việc là trong hai năm qua, ông Dũng không chỉ thấy rằng việc đến thăm những nơi khác như Dublin và Canberra còn quan trọng hơn là Bắc Kinh, mà còn ở sự kiện ông đã quyết định, trên cương vị thủ tướng, tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Nhật Bản, địch thủ của Trung Quốc trong khu vực.

Những sự kiện nhỏ nhặt này được chủ ý thực hiện rõ ràng và chắc chắn là Bắc Kinh đã ghi nhận, phản ánh sự hận thù thâm căn cố đế của tất cả người Việt Nam đối với Trung Quốc và sự cực kỳ nhậy cảm của bất kỳ thay đổi nào trong quan hệ Trung – Việt. Tuy vậy, theo các thông tin thì trong cuộc gặp giữa hai người, ông Dũng và ông Ôn đã chứng kiến việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai công ty dầu lửa quốc gia, China National Offshore Oil Corp và PetroVietnam, nhưng nội dung cụ thể của thỏa thuận không được tiết lộ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và thủ tướng Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ngày 22/10/2008Ảnh : Reuters

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) và thủ tướng Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ngày 22/10/2008
Ảnh : Reuters

Và điều có thể còn có ý nghĩa hơn là bản thân bản thỏa thuận đã không được công bố sau cuộc hội đàm song phương ngày 22 tháng 10 của ông Dũng như vẫn được làm như thường lệ, mà thay vào đó, việc công bố này được lùi lại sau khi Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEM kết thúc vào 25 tháng 10, ngày ông Dũng rời Trung Quốc. Và khi được công bố, bản thỏa thuận với những ngôn từ chung chung, nói rằng cả hai bên mong muốn nâng cao hợp tác kinh tế và đưa thương mại song phương đạt 25 tỷ đô la vào năm 2010.

Khi tổng kim ngạch tương đối lớn thì điều này rất có lợi cho Trung Quốc. Năm ngoái, thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc lên tới 9 tỷ đô la và dự báo lên tới 13 tỷ đô la trong năm nay.

Ngược lại, quan hệ ngày càng nồng ấm của Việt Nam với Hoa Kỳ lại gắn chắc với dư thừa thương mại trong trao đổi với Mỹ, lên tới 12 tỷ đô la trong năm ngoái. Thực ra, hiện nay trao đổi thương mại với Mỹ chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam, trong khi với Trung Quốc chỉ là 15%.

Quan hệ thương mại của Việt Nam và tổng kim ngạch trong trao đổi với Đài Loan cao hơn nhiều so với Trung Hoa lục địa. Đài Loan vẫn là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, trong lúc Trung Quốc tụt xuống hàng thứ 10. Hơn nữa, hiện nay có nhiều chuyến bay từ Việt Nam sang Đài Loan hơn là tới Trung Hoa lục địa.

Do vậy, cho dù là có bản thỏa thuận với những lời lẽ mơ chung chung vào tháng trước, bầu không khí giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong vấn đề chủ quyền ở ngoài khơi vẫn ô nhiễm độc hại. Tuy nhiên, để giải độc phần nào và nhằm trấn an các lo ngại của Trung Quốc về việc phát triển quan hệ hải quân với Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ, Hà Nội vừa mới chấp thuận cho phép tầu huấn luyện hải quân Trung Quốc Trịnh Hòa thực hiện một chuyến thăm ngắn ngày cảng Đà Năng, bắt đầu từ 18 tháng 11.

Tầu chiến Trung Quốc Trịnh Hòa (Zhenghe) ghé thăm cảng Sihanouville, Căm Bốt, ngày 05/11/2008 Ảnh : Tân Hoa Xã

Tầu chiến Trung Quốc Trịnh Hòa (Zhenghe) ghé thăm cảng Sihanouville, Căm Bốt, ngày 05/11/2008
Ảnh : Tân Hoa Xã

Trong những năm gần đây, tầu chiến của Ấn Độ, Thái Lan, Úc, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã nhiều lần ghé thăm các cảng của Việt Nam nhưng kể từ khi Hà Nội và Bắc Kinh bình thường hóa quan hệ song phương, năm 1991, thì đây mới chỉ là lần thứ hai tầu chiến Trung Quốc tới thăm Việt Nam. Ý thức được những nhậy cảm, Việt Nam đã cẩn thận sắp xếp chương trình viếng thăm của tầu Trịnh Hòa giống hệt như đối với tầu USS Mustin trong tháng trước. Các sĩ quan của tầu sẽ gặp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các đồng nghiệp quân sự trong khi các thành viên trong đoàn thủy thủ sẽ chơi bóng chuyền với các thủy thủ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong lúc các hoạt động vui vẻ hữu nghị này được tiến hành thì các trang web tại hai nước tiếp tục đưa ra những thông điệp mang tính dân tộc chủ nghĩa quyết liệt nói rằng các vùng biển ngoài khơi đang có tranh chấp là lãnh thổ hoàn toàn thuộc chủ quyền của nước mình và mặt khác cố đưa ra lời đe doạ chiếm thêm đất. Điều trớ trêu là khi thủ tướng Dũng tỏ ra có những cử chỉ hòa giải qua việc ký kết bản thỏa thuận hợp tác và chấp nhận chuyến thăm của tầu Trịnh Hòa, thì việc ông đã từng học tập tại Trung Quốc vào cuối những năm 1960 vào lúc việc học hành ở miền Bắc Việt Nam gặp khó khăn do chiến dịch ném bom của Mỹ, càng làm cho ông phải cực kỳ thận trọng, để không tỏ ra là người quá thân Trung Quốc.

Không một lãnh đạo Việt Nam nào có thể duy trì vị trí của mình trong đảng và trong công luận nếu không tỏ rõ lập trường kiên định trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Cách nay vài năm, khi ông Dũng tới thăm trường học cũ tại tỉnh Quảng Tây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa nhiều bài tường trình sự kiện này cùng với các bức ảnh chụp lãnh đạo Việt Nam cổ đeo hoa, thế nhưng không có một bài tường trình hay bức ảnh nào xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước Việt Nam khi ông Dũng về nước. 

Bài tiếng Anh tại : http://www.asiasentinel.com