Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu khiến xuất khẩu Việt Nam giảm sút mạnh.

 Thanh Phương

Bài đăng ngày 18/11/2008 Cập nhật lần cuối ngày 19/11/2008 15:15 TU

Cũng như những nước đang phát triển khác trên thế giới, Việt Nam không tránh khỏi tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà hiện đang đẩy nhiều cường quốc kinh tế vào suy thoái. Trong chuyên mục trên mạng của RFI Việt ngữ hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn với một trong những kinh tế gia hàng đầu của Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh

18/11/2008

RFI : Kính thưa tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện nay nền kinh tế các nước công nghiệp phát triển đang lần lượt đi vào suy thoái do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này chắc chắn đang tác động đến các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là về mặt xuất khẩu. Xin ông trình bày cụ thể về tác động này ?

TS Lê Đăng Doanh : Nền kinh tế toàn cầu đang bị tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính và các nền kinh tế phát triển đã lần lượt đi vào suy thoái. Hiện nay thì khối Liên minh châu Âu ( EU ) đã rơi vào suy thoái rồi . Chỉ có nước Pháp tuyên bố còn giữ mức tăng trưởng 0,14% ( trong quý ba 2008 ), chứ còn Đức thì đã rơi vào suy thoái, sau khi đã giảm hai quý liền. Tình hình này tác động đến Việt Nam rất là nhiều mặt, đặc biệt là xuất khẩu.

Việt Nam là một nước rất là mở về mặt thương mại, có nghĩa là hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam chiếm đến khoảng từ 65 đến 68% GDP và nhập khẩu trên dưới 80% GDP, tức là cộng lai, xuất nhập của Việt Nam chiếm 160 % GDP của mình. Xuất khẩu cũng tạo công ăn việc làm cho Việt Nam. Tác động đến xuất khẩu của Việt Nam là qua nhiều mặt. Một là số lượn đơn đặt hàng dệt may, da giày. Sức mua và nguồn nhập khẩu trên thị trường thế giới nay bị hạn chế rất nhiều. Từ quý ba trở đi và từ quý bốn này, số đơn đặt hàng về dệt may, về da giày, về đồ gỗ và ngay cả thủy sản cũng giảm.

Thứ hai là giá bị giảm sút rất rõ rệt, đặc biệt là dầu thô. Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô ở một mức độ khiêm tốn, nhưng nguồn thu từ dầu thô chiếm khoảng 22 đến 23% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đóng góp một phần đáng kề vào nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam. Giá dầu thô đã giảm từ 147 đôla/thùng vào tháng bảy, nhưng bây giờ đã giảm xuống dưới 60 đôla, tức là giảm trên 100% và tác động rất mạnh đến nguồn thu ngoại tệ của Việt Nam. Đó là những cái điều đáng phải chú ý.

RFI : Thưa ông , còn về tác động đối với đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam thì sao?

TS Lê Đăng Doanh : Việt Nam trông chờ rất nhiều vào giải ngân từ những cam kết rất lớn của vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cam kết và các nguồn vốn của những dự án đầu tư nước ngoài trong nước mà tăng vốn, cộng lại có lẽ là lên đến 61 tỷ đôla. Việc giải ngân những nguồn vốn đó đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, nhưng trong điều kiện hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu những dự án đầu tư lớn đó hội được đủ vốn để giải ngân hay không ? Thường những dự án đầu tư nước ngoài không phải lúc nào họ cũng có sẳn vốn trong tay. Khi có một dự án hấp dẫn, họ sẽ lập ra một tổ hợp và sẽ thu hút vốn của các nhà đầu tư.

Câu hỏi lớn là liệu các nhà đầu tư có đủ thanh khoản để cung cấp cho các dự án đầu tư đó và giải ngân một cách kịp thời hay không. Vấn đề thứ ba là về các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư tài chính, nguồn vốn đầu tư gián tiếp, một số nhà đầu tư đã bán một phần vốn và rút vốn ra. Điểm cuối cùng là nguồn thu về du lịch đối với Việt Nam chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng. Nguồn kiều hối, mà năm ngoái đạt 6 tỷ đôla, năm nay dự kiến đạt 8 tỷ đôla, thì không biết là có đạt được hay không. Đấy là những vấn đề mà Việt Nam hiện đang cố gắng để giải quyết để bảo đảm công ăn việc làm, bảo đảm nguồn thu ngân sách và bảo đảm kế hoạch đầu tư và tăng trưởng.

RFI : Thưa ông, về lĩnh vực ngân hàng, thì tuy hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa có liên hệ nhiều đến thị trường thế giới, nhưng nó có bị tác động gián tiếp của khủng hoảng tài chính không ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh : Theo tôi không có một nước nào trên thế giới tự coi là miễn dịch với khủng hoảng tài chính, bởi vì tất cả đều bị tác động của việc xáo động tỷ giá. Giá đồng đô la và các đồng tiền khác giảm. Một số ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản, cho nên có tin là các ngân hàng Việt Nam đã phải rút vốn từ một số ngân hàng về nước. Nhưng rút số vốn đó về thì phải phải sử dụng nó như thế nào, chứ đừng để số vốn nằm chết. Đấy cũng là vấn đề mà Việt Nam đang phải giải quyết.

RFI : Thưa ông, khủng hoảng này chắc chắn sẽ còn kéo dài ít ra là vài năm nữa, vậy thì Việt Nam phải thi hành những biện pháp gì để hạn chế phần nào tác động của khủng hoảng ?

TS Lê Đăng Doanh : Việt Nam trước hết phải tiếp tục nỗ lực xuất khẩu, nhưng chỉ tiêu xuất khẩu cho năm 2009 là chỉ tăng có 13%, so với mức tăng xuất khẩu năm nay là khoảng 52%. Như vậy là Việt Nam đã có đánh giá hiện thực hơn rất nhiều. Thứ hai là Việt Nam phải kích động thị trường trong nước và tăng thêm sức mua của thị trường trong nước. Nhưng vấn đề ở đây là những người lao động làm việc cho các hãng xuất khẩu chắc chắn là sẽ gặp khó khăn. Chẳng hạn như các hãng lắp ráp xe hơi nay không bán được xe như trước trước nữa, cho nên họ đã bắt đầu giản thợ, bắt đầu một tuần chỉ làm một hoặc hai ngày. Đó là những vấn đề khó mà tránh khỏi. Vậy thì có có một vấn đề lớn đó là phúc lợi xã hội, tức là trợ cấp để giúp người lao động vượt qua những khó khăn này.

RFI : Với khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu kéo dài như vậy, chắc là Việt Nam sẽ khó mà trở lại mức tăng trưởng kinh tế 8 hay 9 % như những năm qua ?

TS Lê Đăng Doanh : Quốc hội Việt Nam đã chuẩn y mức tăng trưởng cho năm tới là 6,5%. Theo tôi đã là mục tiêu đã giảm nhiều và đã tính đến những yếu tố như tôi đã nói ở trên. Nhưng Việt Nam có thể tìm cách tận dụng các thị trường mà hiện nay ít bị tác động, như Trung Quốc, Ấn Độ ( những nước vẫn còn giữ được mức tăng trưởng nhất định ) , hoặc khu vực các quốc gia sản xuất dầu hỏa ( tuy giá dầu giảm sút nhưng họ vẫn có một nguồn ngoại tệ lớn ) hoặc những quốc gia có nguồn xuất tài nguyên rất lớn, thậm chí còn có thặng dư ngân sách như Úc.

Tôi nghĩ là Việt Nam có thể tận dụng những nền kinh tế đó để duy trì xuất khẩu ở mức độ có thể chấp nhận được. Nhưng về lâu về dài, Việt Nam phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, tức là tập trung vào phát triển công nghệ, tận dụng những công nghệ mới hơn, để tạo ra một giá trị gia tăng cao hơn, trên một đơn vị nguyên vật liệu và năng lượng. Ví dụ như hiện nay chúng ta xuất khẩu gạo, thì cũng phải xuất khẩu bún khô và mì ăn liền, xuất khẩu cà phê hạt thì cũng phải xuất khẩu cà phê hòa tan, xuất khẩu hải sản đông lạnh thì cũng phải xuất khẩu tôm bao bột sơ chế, tức là các sản phẩm đã được chế biến khác , để qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.