Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Trai thừa gái thiếu : 3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ khó kiếm vợ trong 20 năm tới ?

 Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 21/11/2008 Cập nhật lần cuối ngày 21/11/2008 20:12 TU

Theo tính toán của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch gia đình, nếu đà mất cân bằng nam nữ cứ tiếp tục như hiện nay, đến năm 2030, sẽ có khoảng ba triệu đàn ông Việt Nam tới tuổi lập gia đình sẽ khó mà tìm cho được nguời bạn đời

Ở vùng nông thôn, nhiều thiếu nữ tới tuổi đôi mươi thường mơ tới một người chồng Đài Loan, Hàn Quốc giúp gia đình các cô thoát khỏi cảnh túng thiếu. Ở thành thị, các kiều nữ mơ người chồng phương Tây mà sách báo điện ảnh mô tả là lịch lãm, biết chìu chuộng đàn bà. T

hực tế hơn, qua lời kể của những bạn bè có chồng Âu-Mỹ, nhiều cô gái Việt Nam ước ao có một người chồng suy nghĩ phóng khoáng, biết chia sẻ việc gia đình với vợ thay vì xử sự theo lối gia trưởng rất thưòng thấy trong gia đình người Việt.

Xem ra bây giờ đàn ông Việt Nam đã khó kiếm vợ, trong hai mươi năm tình cảnh này còn gay go hơn nữa ! 

Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã tới mức báo động.

Năm 1979, cứ 105 bé trai Việt được hạ sinh thì phía bé gái chỉ có 100. Đến năm 1999, tức 20 năm sau đó, tỷ lệ này tăng lên 107 trai trên 100 gái. Năm 2006, chỉ trong vòng 7 năm, tỷ lệ này tiếp tục tăng, lên đến 110/100. Đáng lo nữa là vào năm 2007, mức chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh vẫn theo đà đi lên, thành 112/ 100.

Đây là số liệu do Tổng Cục Dân số - Kế họach hoá gia đình đưa ra tại cuộc hội nghị chuyên ngành ngày 12/11/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo lời ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt có đến 16 địa phương trong tổng số 64 tỉnh thành toàn quốc có tỷ lệ mất cân bằng nam nữ từ 115 đến 128 bé trai trên 100 bé gái. Tỷ lệ này tương đương với số liệu của Trung Quốc vào những năm 1988 - 1990, khi nước này rơi vào giai đọan mất cân bằng giới tính. Theo tính toán của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch gia đình, nếu đà mất cân bằng nam nữ cứ tiếp tục như hiện nay, đến năm 2030, sẽ có khoảng ba triệu đàn ông Việt Nam tới tuổi lập gia đình khó tìm được nguời bạn đời.

Sinh trai hay gái không phải do chế độ dinh dưỡng.

Một thực tế hiển nhiên là dân số Việt Nam tăng rất nhanh , đang ở mức 86,5 triệu nguời, đứng hàng thứ 13 trên thế giới. Một trong những lý do dân số tăng nhanh là có nhiều phụ nữ bước vào độ tuổI sinh nở.

Trung bình cứ một người bước ra tuổi sinh nở là có hơn hai người bước vào lứa tuổi này, do đó số sinh tiềm năng của Việt Nam rất lớn. Ngoài ra, phải tính tới quy luật bùng nổ dân số sau chiến tranh. Về chênh lệch giới tính thai nhi, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng mức sống nâng cao thời hậu chiến làm thay đổI chế độ ăn uống, dinh dưởng và ảnh hưởng đến giới tính thai nhi.

Sách báo y khoa nói nhiều về viêc sinh trai hay gái theo ý muốn,  trong đó có yếu tố chọn lựa thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên kết quả đạt được tới đâu, chưa thấy có tài liệu minh chứng. Về câu hỏi sinh trai hay gái có phải tuỳ thuộc vào yếu tố dinh dưỡng của cha mẹ hay không, bác sĩ Phan Xuân Trung, chủ biên trang web http://www.ykhoa.net/ giải thích :  

"Về nguyên tắc việc định giới tính là do cặp nhiễm sắc thể giới tính quy định. Người nam có một cặp nhiễm sắc thể giới tính ký hiệu XY, và người nữ mang cặp nhiễm sắc thể giới tính ký hiệu XX. Cặp nhiễm sắc thể giới tính này được hình thành từ một chiếc trong trứng của mẹ và một chiếc trong tinh trùng của cha.

Trứng của mẹ (giao tử cái) chỉ cung cấp một chiếc nhiễm sắc thể X. Tinh trùng cha (giao tử đực) có 2 loại là X và Y.

- Tinh trùng cha chứa X gặp trứng mẹ chứa X thì tạo thành cặp XX, tức sinh con gái.

- Tinh trùng cha chứa  Y gặp trứng mẹ chứ Y thì tạo thành cặp XY, tức sinh con trai

Như vậy chính tinh trùng của cha quyết định giới tính của con. Mẹ không có vai trò quyết định giới tính.

Mổi lần phóng tinh có hàng tỷ tinh trùng được phóng ra để tranh nhau kết hợp với trứng. Trong hàng tỷ tinh trùng đó có phân nửa mang NST X và một nửa mang NST Y. Như vậy xác suất để sinh ra bé trai và bé gái là ngang nhau, tỷ lệ 1:1. Chính điều này đã giúp cho 2 giới luôn luôn ngang nhau. Điều này dễ hiểu như là ta thảy một đồng tiền xu. Cơ hội để được mặt sấp hay được mặt ngửa là ngang nhau.

Việc chọn lựa giới tính trước khi giao hợp là tìm cách để tinh trùng Y có cơ hội gặp trứng nhiều hơn. Ví dụ ta cho con trai là mặt sấp và con gái là mặt ngửa của đồng xu. Không có cách nào để đồng xu rơi xuống mà chỉ xảy ra mặt sấp. Người ta có thể ăn gian bằng cách bẻ cong đồng xu để mặt sấp xảy ra nhiều hơn mặt ngửa. Tuy vậy mặt sấp chỉ xảy ra nhiều hơn chút nào thôi chứ không hoàn toàn chỉ xảy ra toàn mặt sấp.

Đối với việc chọn sinh trai hay gái, người ta đã nghĩ ra đủ thứ mánh lới nhằm tạo điều kiện cho tinh trùng Y có cơ hội gặp trứng nhiều hơn ví dụ như chọn thức ăn, chọn tư thế giao hợp, chọn ngày rụng trứng…  Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy thức ăn nào hay tư thế giao hợp nào giúp tinh trùng Y chạy nhanh hơn tinh trùng X. Người ta hy vọng thức ăn sẽ làm biến đổi môi trường acid – base hoặc độ đặc, lỏng của tinh dịch để tạo điều kiện cho tinh trùng Y chiếm ưu thế trong cuộc đua tay đôi với tinh trung X. Cho đến nay chưa có kết quả nào được như ý.

Tuy nhiên người ta nhận thấy một đặc tính có thể lợi dụng được, đó là sức bơi của tinh trùng Y nhanh hơn tinh trùng X và tuổi thọ của nó lại ngắn hơn. Nghĩa là tinh trùng Y lợi thế trong cuộc đua cự ly ngắn, còn tinh trùng X lợi thế trong cự ly dài. Khi trứng đã hiện diện sẵn thì các chú tinh trùng Y sẽ vượt nhanh hơn trong cuộc đua và có cơ hội xâm nhập trứng và kết quả là sinh được bé trai. Ngày nay với kỹ thuật siêu âm thì việc xác định thời điểm rụng trứng là không khó. Tuy nhiên, việc này cũng tùy thuộc vào tay nghề của BS siêu âm.

Nhân nói về siêu âm, một trong những nguyên do mà giới hữu trách dùng để giải thich tình trạng bất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh hiện nay, đó là do tập quán thích có con trai nên nhiều bậc cha mẹ thuờng hủy thai nhi gái sau khi siêu âm. Đây cũng chỉ là một giả thuyết và nếu đó là sự thật thì nhà nuớc chỉ có cách vận động sao cho các gia đình Việt Nam gác qua thói quen yêu chuộng con trai nối dõi hơn là có con gái .

Đàn ông độc thân vẫn có thể sống vui vẻ, hạnh phúc.

Có âm dương, có vợ chồng

Dẫu trong thiên địa cũng vòng phu thê

Người ta vẫn hay trêu chọc phụ nữ có tuổi nhưng không có chồng là những cô gái già, khó tính trái nết. Nhưng trai già thì sao ? Trên báo có nhiều bài viết lo ngại là trong vài mươi năm nữa, những thanh niên không tìm được vợ sẽ trở thành những con nguời mất quân bình về mặt sinh hoạt tình dục, từ đó họ đâm ra cáu kỉnh, thô bạo và biết đâu có nguời sẽ phạm pháp trong một lúc bốc đồng nào đó. Đàn ông không có vợ hay bạn tình có lâm vào tình trạng rối loạn đòi sống thể xác và tinh thần hay không ? Câu trả lời của Bác sĩ Phan Xuân Trung có thể trấn an bạn đọc.

"Tạo hóa đã tạo ra loài người với 2 giới nam và nữ và tạo ra sự phối hợp giữa 2 giới này để duy trì sự sống. Dĩ nhiên là có sự khác nhau giữa đời sống  độc thân và đời sống có hôn nhân dù sự khác nhau này rất khác nhau giữa những người khác nhau. Có những người cảm thấy hạnh phúc hơn, cũng có người cảm thấy bất hạnh hơn sau khi kết hôn. Tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào yếu tố tinh thần hơn là vấn đề thể chất.

Bản năng sinh dục của đàn ông tùy thuộc vào lượng nội tiết tố nam (hormon sinh dục nam). Khi hormon sinh dục tiết nhiều thì tác động đến việc sinh tinh dịch (bao gồm tinh trùng và tinh tương). Tinh dịch sinh ra sẽ làm căng đầy túi tinh và gây cảm có nhu cầu giải thoát, như thể ta mắc tiểu khi bàng quang đầy vậy. Sự phóng tinh để làm giảm áp lực trong túi tinh có thể xảy ra một cách vô thức (mộng tinh), hoặc có ý thức (giao hợp, thủ dâm).

Một số quan niệm y học cổ xưa thì cho rằng bảo tồn tinh dịch sẽ có lợi cho sức khỏe (bế tinh, dưỡng khí, tồn thần). Một số quan điểm hiện này thì cho rằng việc giao hợp giúp cơ thể lấy lại thăng bằng. Cả 2 quan điểm này đều phiến diện. Khi cơ thể suy yếu (bệnh, già) thì việc cố phóng tinh sẽ gây hao hụt năng lượng, tiêu hao các chất vi lượng, gây mệt mỏi cho cơ thể. Mặt khác hành động giao hợp gắng sức sẽ có tác dụng như lao động nặng gây tác động xấu đến tim mạch. Đối với điều kiện này thì quan niệm “bế tinh” để bảo tồn sức khỏe là đúng. Đối với người trẻ, sức lực sung mãn thì việc phóng tinh giúp họ có được khoái cảm, giải phóng bớt năng lượng thừa. Hiện tượng phóng tinh sẽ làm cho cơ thể thư giãn hoàn toàn và kích thích cơ thể tái lập hoạt động mới".

Phân tích trên đây chỉ nói đến tác động về mặt sức khỏe trong hiện tượng xuất tinh chứ không nói đến vai trò hôn nhân.

Qua đó, dù người đàn ông trưởng thành có gia đình (hôn nhân xã hội) hay không thì cơ thể vẫn hoạt động một cách bình thường phù hợp với sức khỏe và tinh thần của họ.

Về phương diện tình dục – tâm thần người ta đã biết có một số bệnh liên quan ở nam giới như hiện tượng sưu tầm bái vật (lấy cắp đồ lót nữ), hiện tượng “khoe của quý” … Ở nữ giới như chứng Hysterie. Tuy nhiên các bệnh này xảy ra trên những người bị lệch lạc nhân cách mà không phải do hậu quả của đời sống hôn nhân hay đời sống độc thân.

Nghĩa là sẽ không đến nỗi sẽ xảy ra nạn trai Việt Nam chạy sang nuớc láng giềng bắt cóc phụ nữ về làm vợ như ý tưởng ngộ nghĩnh của một thính giả RFI khi bàn về nguy cơ trai thừa gaí thiếu trong vài thập niên tới. Không có vợ, đàn ông cũng vẫn có thể sống vui như lờI bác sĩ Phan Xuân Trung. Dù sao nguờI viết bài này vẫn mong mỗi nguời đàn ông đều có cơ hội sống yên vui với nguờI đàn bà yêu thương của mình, không ai dư hay thiếu.

Tác giả Hà Kin

Tác giả Hà Kin

Tại sao lại phải đặt ưu tiên phải sinh con trai để có người nối dõi ?

Trở lại với chuyện sinh trai hay gái, Hà Kin, tác giả tiểu thuyết "Chuyện tình New York", từ một tiểu thuyết trên blog được xuất bản thành sách vào hàng ăn khách trong năm 2007 tại Việt Nam cho ý kiến riêng của cô : 

"Cho đến bây giờ, mặc dù chưa lập gia đình, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc mình sẽ “phải” có mấy đứa con, và sẽ “phải” là con trai hay con gái. Tôi đơn giản chỉ nghĩ rằng tôi sẽ chắc chắn “phải” có con, và chả có lý do gì mà đó sẽ là “phải” trai hay gái.

Tôi có một đứa em trai, mặc dù ông bà vẫn cưng thằng em trai hơn tôi “một tí xíu”, đặc biệt là …bà ngoại, nhưng tính ra điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì quá lớn cả, vì trong nhà, quan trọng nhất là bố mẹ, là những người luôn cực kỳ rõ ràng trong việc “con nào cũng là con”. Nếu tôi mà đã nấu cơm thì em trai sẽ phải rửa bát! Đơn giản là thế, nhưng đơn giản thế mà khiến hai chị em rất hòa thuận và “biết vị trí của mình”.

Bản thân mẹ tôi là con cả trong gia đình, lại là người thành đạt nhất nhà, một mình mẹ học hành, phấn đấu, bươn chải, thành đạt, là niềm tự hào của ông bà và dòng họ. Trong khi tôi nhìn thấy rất nhiều gia đình khác, tới 4,5 đứa con trai trong nhà mà rồi chẳng làm được việc gì ra trò trống, thậm chí còn phá hoại. Vậy con trai với con gái mục đích là để làm gì? Chỉ để có cái họ nối tiếp thôi à? Chỉ một cái họ không thể làm thứ đánh đổi cho tất cả thực tế; sức khỏe và kinh tế của những người phải cố đẻ ra con trai, những con người bị phân biệt đối xử cả cuộc đời. những đứa con bất hiếu….

Những tấm gương, những bài học thực tế và sự giáo dục tốt của bố mẹ, cũng như nhận thức của bản thân đủ để tôi không bao giờ có khái niệm sẽ ưu tiên sinh đứa con trai. Tôi luôn phản đối sự trọng nam khinh nữ, nó là một trong những động lực lớn kìm hãm sự phát triển của xã hội, vì nam hay nữ thì trí tuệ cũng là như nhau, đều có thể đóng góp được những điều có ích cho đất nước. Những gì nam nữ có thể bình đẳng được thì xã hội phải càng nên thúc đẩy và khuyến khích. Tôi sẽ không tốn thời gian, sức khỏe cho cái khái niệm mà tôi cho là quá lạc hậu này. Tôi thích mình có những đứa con thật tự nhiên. Và chắc chắn tôi sẽ lựa chọn một người bạn đời có tư tưởng giống như mình.

Thế còn cái cảnh đứa con trai lớn lên chạy tìm nguời bạn đời có làm cho Hà Kin lo âu hay không ?

Nếu sau này tôi có con trai, và vào phải giai đoạn nam nữ mất cân đối trầm trọng như bây giờ ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, tôi nghĩ rằng mình cũng không phải quá lo lắng cho việc con mình sẽ chạy đi tìm vợ được hay không. Mặc dù tương lại không thể nói trước được điều gì, nhưng những gì tôi có thể nghĩ và cố gắng làm, thay vì ngồi đó lo lắng; đó là nuôi dạy đứa con trai mình thật tốt, có nhân cách tốt, có trình độ tốt, đủ là một thành viên có vị trí và có ích trong xã hội. Và nếu đứa con trai của tôi được như vậy, thì chả có lý do gì nó sẽ không tìm nổi một người vợ cả, và sẽ là một người vợ tốt nữa là đằng khác!"

Mượn lời Hà Kin chúng tôi kết thúc câu chuyện hôm nay và tin chắc một điều là người đàn ông tốt không có lý do gì không tìm được vợ cho dù trong hai mươi năm tới, hậu quả của nạn trai thừa gái thiếu hiện ra rõ ràng thêm.