Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Tranh chấp đền thờ Preah Vihear giữa Thái Lan - Cambốt : hậu quả việc phân định biên giới thời thuộc điạ Pháp

 Mai Vân

Bài đăng ngày 22/11/2008 Cập nhật lần cuối ngày 22/11/2008 18:24 TU

Cờ Căm Bốt bên cạnh cờ ''di sản thế giới Unesco'' phất phới trên đền Preah Vihear

Cờ Căm Bốt bên cạnh cờ ''di sản thế giới Unesco'' phất phới trên đền Preah Vihear

Chưa bao giờ quyết định của Unesco đưa một điạ điểm vào danh sách di sản thế giới lại gây căng thẳng giữa hai nước, như việc chọn đền Preah Vihear nằm giữa biên giới Thái Lan - Căm Bốt vào tháng 7 năm 2008. Ngay sau khi quyết định được thông báo, tranh chấp bùng lên, hai bên đều dàn quân trong khu vực, chạm súng đã nổ ra gây thiệt hại nhân mạng vào trung tuần tháng 10. Sau sự cố đẫm máu đó, chính quyền hai quốc gia đang cố đàm phán nhằm giải quyết một tranh chấp bắt nguồn từ cách nay một thế kỷ.
Tình hình căng thẳng hiện nay giữa Thái Lan và Căm Bốt về chủ quyền khu vực đền thờ Preah Vihear đã khiến mọi người bất ngờ vì từ một thập niên qua, hai quốc gia láng giềng này trên nguyên tắc đã là đồng minh thân thiết với nhau, cùng nằm trong một tổ chức khu vực là Asean. Ngoài ra, vấn đề này dù đã tồn tại từ lâu, không tạo ra sự cố gì lớn trong quan hệ hai bên, thế nhưng tại sao nó lại nổi cộm lên, gây đổ máu vào lúc này.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính tạo ra mối bất hòa hiện nay giữa hai bên là tình hình chính trị nộI bộ ở cả hai nước, với giớI lãnh đạo tại Bangkok và Phnom Penh đều muốn kích động tinh thần dân tộc để phục vụ các tính toán chính trị.

Preah Vihear : báu vật ngàn năm

Ngôi đền gây tranh chấp nằm ở khu vực biên giới giữa tỉnh Preah Vihear ỏ phiá Bắc Cambốt và tỉnh Thái Lan Sisaket miền Đông Nam Thái Lan.

Ảnh vệ tinh Google Earth cho thấy rõ vị trí đền Preah Vihear nằm ngay trên biên giới Thái Lan - Căm Bốt (vạch màu vàng)(Google Earth)

Ảnh vệ tinh Google Earth cho thấy rõ vị trí đền Preah Vihear nằm ngay trên biên giới Thái Lan - Căm Bốt (vạch màu vàng)
(Google Earth)

Đây là một ngôi đền theo kiến trúc Ấn Độ Giáo, thờ thần Shiva, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 11, thời quốc vương Khmer Suryavarman đệ nhất, trên một ngọn đồi cao hơn 400 mét, kiến trúc rất gần với đền Angkor tọa lạc cách đấy 250 cây số về phiá Tây Nam.

Khu đền Preah Vihear ở trên đồi, nhìn xuống bình nguyên Căm Bốt.

Khu đền Preah Vihear ở trên đồi, nhìn xuống bình nguyên Căm Bốt.

Đền thờ chính cùng với các ngôi đền nhỏ hơn, được nối liền với nhau bằng những bậc thang đá, bằng những lối đi khác nhau với hình thức rất đa dạng. Tất cả tạo thành quần thể Preah Vihear, chạy dài trên khoảng một cây số, với tổng diện tích chừng 150 ha. Nhìn từ không trung, khu vực ngôi đền giống như một dải đất hẹp.

 

Quần thể khu đền Preah Vihear nhìn từ trên không.

Quần thể khu đền Preah Vihear nhìn từ trên không.

Dù rất cổ kính, nhưng đền Preah Vihear đã được bảo quản rất tốt.
Theo giớI quan sát, sở dĩ ngôi đền được bảo quản tốt như vậy, đó là vì vị trí khó tiếp cận của công trình. Từ phiá Căm Bốt, chỉ có một con đường duy nhất dẫn lên ngôi đền, và lại phải leo dốc rất cao. Tới đền từ phiá Thái Lan dễ hơn, thế nhưng trong thời gian trước đây, chính quyền Thái Lan ít quảng bá cho ngôi đền. Thực tế đó đã giúp cho khu vực không bị khách du lịch ào ào tới phá phách. Mặt khác, cư dân chung quanh đền, từ người Căm Bốt đến người Thái, tất cả đều tôn kính và cố sức chăm sóc nơi thờ cúng thiêng liêng đó.

Nhờ được bảo quản tương đối tốt, đền Preah Vihear đã trở thành một bảo vật văn hoá và nghệ thuật rất quý giá mà cả Phnom Penh lẫn Bangkok đều muốn giành giật về mình.

Tranh chấp xuất phát từ đường ranh giới đầu thế kỷ 20

Thực ra tranh chấp về đền thờ Preah Vihear đã xuất hiện từ cách nay một thế kỷ, từ thời thuộc điạ, khi chính quyền bảo hộ Pháp tại Đông Dương phân định lại ranh giới giữa Vương quốc Xiêm (tức là Thái Lan ngày nay) và Căm Bốt. Trong hiệp định tháng 3 năm 1907, ký giữa Pháp và Vương quốc Xiêm, đền Preah Vihear nằm trên lãnh thổ Căm Bốt. Theo giáo sư Olivier Guillard, thuộc trường Ngôn Ngữ và Văn Hoá Đông Phương INALCO tại Paris, chính đường phân ranh từ thời thuộc điạ đó là mầm mống tạo nên tranh chấp.

Trả lời RFI, ông phân tích : ''Khi ấy, để phân định biên giới, chính quyền thuộc địa Pháp đã dựa theo địa hình khu vực, căn cứ vào một con sông phân cách miền Bắc Căm Bốt với miền Nam Thái Lan. Đường ranh này rủi thay đã không chú ý đến vị trí khu vực ngôi đền Preah Vihear nằm ngay giữa lằn ranh. Ngày nay, nhiều người đã nói, giá mà vào đầu thế kỷ trước, khi phân định ranh giới, chính quyền thuộc điạ Pháp nhích chừng một vài độ lên phiá Bắc hoặc xuống phiá Nam thì rõ ràng là tranh chấp sẽ không xuất hiện''.

Preah Vihear : báu vật của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ Giáo

Preah Vihear : báu vật của nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ Giáo

Đối với Thái Lan, dù đã ký kết hiệp định với Pháp, nhưng ngay từ đầu, nước này đã tỏ ý rất bực tức, vẫn xem khu vực đền Preah Vihear là của họ. Giáo sư Guillard cho biết : '' Ngay từ khi đường ranh giới được chính quyền thuộc địa Pháp vẽ ra vào năm 1907, phiá Thái Lan đã tỏ ý không hài lòng. Họ đã không ngừng yêu cầu điều chỉnh lại. Đến khi chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương cáo chung, vào khoảng những năm 1953,1954, khi quân đội Pháp rút khỏi khu vực đền Preah Vihear, lập tức lực lượng Thái Lan đã ào tới chiếm cứ khu vực.  Sau đó chính quyền  Căm Bốt đã phải hết sức kiên trì, đưa được vấn đề ra Toà Án Quốc Tế La Haye để có được một phán quyết nửa vời vào những năm đầu thập niên 60. Tóm lại, có thể nói là tranh chấp giữa hai dân tộc, hai chính quyền đã có từ nửa thế kỷ nay, và gần đây đã bùng lên trở lại''.

Chính quyền Cambốt đã nộp đơn kiện Thái Lan trước Toà Án Quốc Tế La Haye về vấn đề đền Preah Vihear từ năm 1959. Đến năm 1962, trong phán quyết của mình, Toà Án Quốc Tế đã giải quyết phần nào vấn đề, xác nhận ngôi đền chính và vùng sát cạnh đền là thuộc chủ quyền Căm Bốt. Dưới sức ép của Hoa Kỳ lúc ấy, không muốn gây xích mích với quốc vương Sihanouk vào thời điểm chiến tranh Việt Nam, Thái Lan đã miễn cưỡng chấp nhận phán quyết của Toà Án La Haye.
Tuy nhiên có một khu vực khoảng 5 cây số chung quanh đền chưa được xác định rõ ràng là thuộc quốc gia nào. Chính đây là mấu chốt cuộc tranh chấp. Bangkok đã dựa trên yếu tố này để phản đối bản đồ năm 1907 mà Phnom Penh sử dụng để khẳng định chủ quyền trên di tích lịch sử.

Cuộc tranh chấp đã lắng diụ trong một thời gian dài, nhưng đã bùng lên sau khi Unesco xếp đền Preah Vihear vào danh sách di sản thế giới. Ngay từ khi Cambốt đưa đơn lên Unesco để công nhân Preah Vihear là di sản văn hoá thế giới, Bangkok đã lên tiếng phản đối, và trong hai năm 2006, 2007, đã ngăn chặn được việc công nhân này.

Tình hình nội bộ tại Thái Lan và Căm Bốt khơi dậy tranh chấp

Tình hình căng thẳng hiện nay, một mặt là do mối hiềm khích giữa hai dân tộc vốn không ưa thích nhau. NgườI Thái thường mang mặc cảm tự tôn, coi thường ngườI Căm Bốt, vì thế họ rất bức tức khi thấy đền Preah Vihear mà họ cho là bảo vật quốc gia lại lọt vào tay ngườI Căm Bốt sau quyết định của Unesco. Tuy nhiên mặt khác, quyết định của Unesco, cũng đã được Bangkok và Phnom Penh khai thác vì những mục tiêu chính trị nộI bộ.

Trước tiên là phiá Thái Lan : phe đối lập chống đối chính quyền thân Thaksin, phong trào PAD và đảng Dân chủ, đã sử dụng yếu tố này để tấn công vào chính phủ thủ tướng Samak Sundaravej còn tại chức vào tháng 7/2008.

Lính Thái Lan được cử đến khu vực ngôi đền Preah Vihear đang tranh chấp với Cam Bốt.Reuters

Lính Thái Lan được cử đến khu vực ngôi đền Preah Vihear đang tranh chấp với Cam Bốt.
Reuters

Theo Arnaud Dubus, thông tín viên RFI tại Bangkok, đấy chính là ngòi nổ làm tranh chấp bùng lên trở lại : ''Tranh chấp về đền thờ Preah Vihear trong thờI gian từ tháng 7 cho đến đầu tháng 11 này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu thêm hai chính quyền thân Thaksin của ông Samak Sundaravej và Somchai Wongsawat. Bị tác động mạnh nhất là thủ tướng từ nhiệm Samak, vì chính quyền của ông đã ký tại Paris một thoả thuận cùng vớI Căm Bốt để ủng hộ viẹc ghi tên đền Preah Vihear vào danh sách di sản thế giớI của Unesco. Đối vớI phong trào Liên Minh Nhân Dân vì Dân Chủ PAD, gồm những nguờI rất quốc gia chủ nghĩa  thì đấy là một hành động phản bội không thể tha thứ được. Việc Thái Lan bị mất đi những lãnh thổ họ kiểm soát trước đây vẫn để lại một vết thương trong tinh thần người Thái, và đối với họ quyết định của Toà Án Quốc Tế La Haye năm 1962 hoàn toàn bất công và dựa trên một sai lầm về mặt pháp lý''.

Quân đội Cam Bốt tại khu đền thờ Preah Vihear(Ảnh Reuters)

Quân đội Cam Bốt tại khu đền thờ Preah Vihear
(Ảnh Reuters)

Còn đối vớI Căm Bốt, quyết định của Unesco rơi đúng vào thờI điểm nước này bầu lại quốc hội. Việc tạo ra căng thẳng vớI Thái Lan trên hồ sơ đền Preah Vihear sẽ tạo thuận lợi cho thủ tướng Hun Sen để giúp đảng Nhân Dân Căm Bốt của ông đại thắng.

 

 

Giải pháp nào cho cuộc tranh chấp ?

Trước mắt  thì giới quan sát không có vẻ lo ngại là tranh chấp sẽ trở thành nghiêm trọng hơn. Theo họ, hai bên vẫn duy trì đối thoại, và dù cho đã xẩy ra xung đột chết ngưòi như vào trung tuần tháng 10/2008, tình hình đưọc đánh giá là không mấy đáng ngại. Tuy nhiên hiện nay, chưa ai thấy rõ phương thức giaỉ quyết một cách dứt khoát cuộc tranh chấp.
Theo một số đề nghị, như ý kiến của khối Asean, cả hai quốc gia nên cùng hợp tác trong một kế hoạch chung để bảo vệ và tôn tạo đền Preah Vihear, khai thác nguồn lợi du lịch. Đây có thể là một giải pháp tối ưu, nhưng rất khó thực hiện vì Thái Lan cảm thấy họ phải nhượng bộ, chấp nhận thoả hiệp, trong lúc đối phương Căm Bốt thì toàn thắng.

Tuy nhiên, tại chỗ, như  ngoại trưởng Thái Lan Sompong Amornviwat đã tuyên bố tuần qua sau cuộc họp với ngoại trưởng Cambốt Hor Nam Hong tại Siem Reap, hai bên đã đồng ý giảm quân trong khu vực và sẽ ưu tiên đàm phán về việc phân định ranh giới chung quanh đền Preah Vihear. Thương thảo sẽ bắt đầu vào trung tuần tháng 12, đồng thời với việc hai bên cùng bắt tay vào việc tháo gỡ mìn chung quanh đền. Một cuộc họp khác giữa hai bên cũng được dự trù vào tháng giêng 2009.