Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Môi trường bị hủy hoại : mặt trái của tăng trưởng tại Việt Nam

 Mai Vân

Bài đăng ngày 05/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 05/12/2008 20:39 TU

Sông biến thành bãi rác.(Ảnh : Vũ Thế Long)

Sông biến thành bãi rác.
(Ảnh : Vũ Thế Long)

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất ngoạn mục, nhưng giá phải trả là môi trường bị tàn phá. Trong một phóng sự vào thượng tuần tháng 12/2008, hãng tin AFP đã nêu bật tác hại của việc chạy theo tăng trưởng kinh tế mà thiếu quan tâm bảo vệ môi trường : khu vực''chết'' chung quanh nhà máy phân bón Lâm Thao (Phú Thọ), hay tình trạng ô nhiễm nặng của sông Thị Vải (Đồng Nai) do chất thải từ nhà máy bột ngọt Vedan.

Dưới tựa đề : ''Làng ung thư'', bộ mặt đen đúa của công nghệ hoá tại Việt Nam'', thông tín viên Frank Zeller của hãng AFP đã tìm đến xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu xem nơi này hiện giờ ra sao, ba năm sau khi được báo chí Việt Nam nêu bật thành điển hình của tác hại của tình trạng ô nhiễm môi trường trên sức khoẻ con người.

Theo lời kể của một cư dân 62 tuổi về thăm lại làng quê của mình, thì cách đây hơn 40 năm, Thạch Sơn là một ngôi làng xanh tươi, với lũy tre, vườn tược đầy cây ăn trái như chuối, mít, nhãn... Nhưng đó là trước khi nhà máy phân bón Lâm Thao, xây dựng xong vào năm 1962, bước vào hoạt động.  Giờ đây, nơi này đã trở thành vùng đất chết. Ngôi nhà cũ của ông bây giờ là một khoảng đất trống lầy lội, chất đầy gạch.

Chất thải từ nhà máy gây ung thư chết người

Theo lời nhân chứng này, môi trường của làng ông đã thay đổi nhanh chóng sau khi nhà máy do Liên xô xây cất xả nước thải vào các con rạch, vào đồng ruộng, và nhả khói đen ra không khí : ''đi đâu cũng ngửi thấy mùi khói. Người dân trong làng bắt đầu ho, cây cối chết dần, mà không ai hiểu vì sao.  Cách đây 15 năm, chính quyền đã cho di dời dân làng đi nơi khác. Nhà của ông, cũng như của những người dân khác trong làng bị phá hủy.

Nhà máy phân bón Lâm Thao thải thẳng chất độc hại ra khu vực chung quanh.

Nhà máy phân bón Lâm Thao thải thẳng chất độc hại ra khu vực chung quanh.

Nhân chứng này cho biết là người con trai của ông đã chết vì bệnh ung thư cuống họng vào năm 2000, lúc 23 tuổi. Ông nghĩ là do môi trường bị ô nhiễm, nhưng không có bằng chứng khoa học để chứng minh điều này. Theo Bác sĩ Lê Văn Tôn,  lãnh đạo bệnh viện điạ phương, số người bị chết do ung thư  ở trong xã bao gồm khoảng 7000 dân này, tăng gần như là  đều đặn mỗi năm từ gần một thập niên qua. Nếu vào năm 1999 có 3 trường hợp, thì năm ngoái đã có đến 15 người. Hiện nay thì ông đang chữa trị cho 41 bệnh nhân, trong đó có một em học sinh tiểu học. Theo vi bác sĩ này, những ngưòi mắc bệnh đều sống gần nhà máy phân bón.

Trường hợp Thạch Sơn không phải mới đươc nêu bật hiện nay. Chính báo chí Việt Nam đã đặt tên ''làng ung thư '' cho Thạch Sơn từ mấy năm qua, từ năm 2005. Vấn đề là chính quyền đã có biện pháp gì ? Theo ông Nguyễn Văn Thắng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, các viên chức nhà nước đã đến tận nơi, lấy mẫu nước để thử nghiệm, xem qua các bảng thống kê tình trạng sức khỏe, bệnh tật. Họ rời xã và cho đến nay thì vẫn không thấy phản hồi gì cả.

Hàng trăm nhà máy thải nước độc hại thẳng xuống sông

Theo AFP, Thạch Sơn là một ví dụ của mặt trái công cuộc phát triển của Việt Nam, mà tăng trưởng nhanh đã dẫn đến việc môi trường bị hủy hoại, tác hại đến sức khoẻ người dân. Việt Nam hiện nay, có hàng trăm khu công nghiệp, hàng ngàn nhà máy, nhưng theo Frank Zeller, chính quyền Việt Nam đã công nhận là chỉ có không đầy 1/3 là xử lý nước thải trước  khi cho thoát ra ngoài sông ngòi.

Chất thải được đổ thẳng xuống sông không cần xử lý.(Ảnh : Vũ Thế Long)

Chất thải được đổ thẳng xuống sông không cần xử lý.
(Ảnh : Vũ Thế Long)

Tình trạng nước thải gây ô nhiễm đã lên đến mức báo động. Nguyên nhân từ đâu ? Theo quy định, các thanh tra môi trường phải thông báo trước việc đến kiểm tra nhà máy. Mức tiền phạt đối với kẻ vi phạm lại rất thấp cho nên nhiều công ty thà chấp nhận đóng phạt hơn là trang bị những hệ thống lọc nước và khí thải rất tốn kém.

Nhân cuộc họp thường kỳ của Diễn Dàn Doanh Nghiệp Việt Nam Vietnam Business Forum, mở ra hôm 01/12/2008 tại Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ý hết sức lo ngại trước tình trạng môi trường ngày càng bị hủy hoại. Trong bản báo cáo về ngành công nghiệp Việt Nam của Diễn Đàn VBF, ông Fred Burke, luật sư của công ty Baker & MacKenzie nhấn mạnh : ''Khối lượng chất gây ô nhiễm công nghiệp thải vào nguồn nước sinh hoạt đã đến mức đáng báo động, phá hoại ngành nuôi cá và môi trường canh tác nông nghiệp của hàng triệu nông dân. Vấn đề đáng ngại, theo ông Burke, là các nhà máy sản xuất sẽ không bị thiệt hại gì nhiều khi coi thường luật chống gây ô nhiễm, nhất là khì đó là một công ty quốc doanh.

Tại những thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, nơi mà nhiều hộ gia đình nhà còn lấy nước từ giếng lên để sử dụng, thì sông rạch đã biến thành nơi tiếp nhận trực tiếp rác rưởi và nước thải, chẳng khác gì những ống cống lộ thiên. Theo các nhà khoa học địa phương, nơi này đã biến thành những vùng chết về mặt sinh hoá.

Ô nhiễm còn xuất phát từ những sinh hoạt thường nhật (Ảnh : Vũ Thế Long)

Ô nhiễm còn xuất phát từ những sinh hoạt thường nhật
(Ảnh : Vũ Thế Long)

Môt báo cáo trước đây đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo là sông ngòi Việt Nam đang trở thành những dòng nước''chết'' vì ô nhiễm do các chất độc hại bị các nhà máy thải ra. Trong lúc đó, người dân càng lúc càng phải gánh chiụ hậu quả. Tại Nghệ An, trong đợt dịch tả mới xẩy ra vào năm ngoái,  có 23 người mắc bệnh di vi khuẩn tìm thấy trong cá và sò đánh bắt từ sông Mai Giang ô nhiễm.

 

Chính quyền còn quá dễ dãi đối vớI các công ty gây ô nhiễm

Trái với những gì đang xẩy ra ở Trung Quốc, Việt Nam chưa phải đối phó với những cuộc biểu tình phản đối những nhà máy gây ô nhiễm, hay những sự kiện khác tác hại đến sinh thái. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Việt Nam đã có đầu hiệu nhận thức được là không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc môi trường bị tàn phá.

Trong những tháng gần đây, chính quyền đã tung ra những chiến dịch chưa từng thấy nhắm vào những đại gia gây ô nhiễm. Tập đoàn Vedan của Đài Loan, chuyên sản xuất bột ngọt, đặt cơ sở tại Đồng Nai, đã bị phạt sau khi bị phát giác vào đầu tháng 9/2008, là đã thải ra sông Thị Vải, 100.000 mét khối nước bẩn qua những đường ống  ngầm, làm chết hẳn một đọan sông.

Người dân tại đây đã than phiền, kêu ca rất nhiều về những hậu quả do tình trạng ô nhiễm đó từ lâu, nhưng chính quyền vẫn không làm gì cho đến khi mà các công ty tàu chở hàng thông báo họ không cập bến ở cảng trên sông gần đấy vì nước bị ô nhiễm quá mức làm hư hại vỏ tàu của họ !

Nhà máy Vedan tại Đồng Nai(Nguồn : vedan.com)

Nhà máy Vedan tại Đồng Nai
(Nguồn : vedan.com)

Bộ trưởng môi trường Việt Nam, đầu tháng 10/2008 đã ra chỉ thị cho công ty Vedan, buộc họ phải ngưng việc đổ nước thải ra sông. Thế nhưng, vài tuần lễ sau đó, chính quyền địa phương đã cho biết là họ không có thẩm khả năng buộc Vedan thi hành chỉ thị hay buộc đóng cửa nhà máy. Từ đó đến nay, theo báo chí Việt Nam, Vedan đã bớt việc đổ nước thải ra sông. Hãng AFP đã muốn tìm hiểu thêm nhưng tập đoàn Vedan đã từ chối trả lời phỏng vấn.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn  Dũng, phát biểu trước Quốc Hội trong tháng 11/2008, đã xác định là cần phải bảo vệ môi trường, nhưng trong trường hợp Vedan thì cũng cần bảo vệ công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân làm việc tại nhà máy của tập đoàn này.

Cần phải phát huy vai trò các hội đoàn bảo vệ môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam như vậy đã đến mức đáng báo động và đã tác hại đến sức khỏe con người. Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia môi trường tại Úc, theo dõi sát tình hình tại Việt Nam đã xác định rằng trường hợp ''Làng ung thư'' như ở Thạch Sơn không phải là cá biệt trong bối cảnh nạn ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Theo ông Hiệp, vì đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu, người ta đã lơ là vấn đề bảo vệ môi sinh. Tuy nhiên đó là một cách nhìn thiển cận, vì ô nhiễm sẽ làm cho một quốc gia tốn kém nhiều hơn so với các lợi ích thu hoạch được.Chính quyền Việt Nam đã có đề ra luật bảo vệ môi trường. Trên giấy tờ thì rất gắt gao, nhưng việc thực thi lại không hiệu quả, thiếu đồng bộ.

Để hỗ trợ cho Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường, theo ông Nguyễn Đức Hiệp, cần phải phát huy thêm vai trò các hội đoàn bảo vệ môi trường để giúp chính quyền làm những công việc mà Nhà nước không làm được. Sau đây, mời quý vị nghe toàn văn bài phỏng vấn với chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp.

Nguyễn Đức Hiệp tại Úc.

05/12/2008 Mai Vân