Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM

Các trang blog sẽ được Nhà nước quản lý

 Thanh Phương

Bài đăng ngày 08/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 08/12/2008 14:34 TU

Nguồn : http://www.conseilsmarketing.fr

Nguồn : http://www.conseilsmarketing.fr

Trước sự bùng nổ các các trang blog ở Việt Nam, mà trong đó ngày càng có nhiều trang đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, xã hội ... Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết sẽ ra một thông tư về việc quản lý các trang blog. Thông tin này ngay sau khi được loan báo đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.

Ngày thứ năm vừa qua, trong phiên xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã y án sơ thẩm hai năm rưỡi tù giam đối với ông Nguyễn Văn Hải, biệt danh trên mạng là Điếu Cày. Ông Điếu Cày đã bị kết án tù với tội danh ''trốn thuế'', nhưng thật ra, lý do khiến ông bị đưa ra tòa đó là vì ông là một  trong những blogger nổi tiếng với những bài viết, đặc biệt là những bài tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.

Blog là một danh từ không thể dịch được sang tiếng Việt cho đủ nghĩa, mà thật ra cũng khó mà có một định nghĩa rõ ràng về blog. Nhưng nói chung ta có thể xem blog là một loại trang web đơn giản, hầu như bất cứ ai có đôi chút kiến thức về tin học đều có thể tự mình tạo ra được. Trên trang blog, ta có thể chia sẽ tất cả những gì mình muốn, từ bài viết, hình ảnh, âm thanh cho đến những đoạn vidéo. Nói nôm na, blog là một trang thông tin điện tử cá nhân.

Nhưng từ lâu, nhiều blog đã vượt qua khỏi khuôn khổ cá nhân, để trở thành gần như là một phương tiện thông tin đại chúng. Trên những trang blog này, nhiều blogger đã trở thành như là những ''nhà báo tự do'' và blog được gọi là ''báo chí công dân''. Hình thức này lại còn phổ biến mạnh mẽ tại những quốc gia chưa có tự do báo chí như ở Việt Nam. 

Theo số liệu của Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), ở Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu blogger, trong đó có đến 80% là dùng dịch vụ blog của nước ngoài, chủ yếu là Yahoo! và Google.  Trước sự bùng nổ các các trang blog ở Việt Nam, mà trong đó ngày càng có nhiều trang blog đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã quyết định quản lý, hay nói đúng hơn là kiểm duyệt luôn cả nội dung của các trang blog này.  Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa cho biết là trong tháng này sẽ ra một thông tư về việc quản lý các trang blog, nhưng thông tin này ngay sau khi được loan báo đã gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam.

Theo giải thích của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, thông tư này chỉ là nhằm '' định hướng cho việc phổ biến thông tin trên các trang blog'', chứ không can thiệp vào các vấn đề riêng tư của các blogger. Ông Đỗ Quý Doãn cho biết thông tư sẽ ''tạo điều kiện phát triển blog và nêu rõ việc nào các blogger nên tránh''. Điều ''nên tránh'' đầu tiên, theo ông là các blog không được đưa thông tin '' kiểu báo chí''.

Nhưng liệu Nhà nước có thể quản lý được hay không đó là lại là chuyện khác. Trong một bài trên đăng vào tháng tám năm ngoái, nhà báo Huy Đức, người đã lập ra trang Osin's Blog, viết : '' Trong một quốc gia tiến bộ, không ai đòi quản lý blog cũng như quản lý việc người dân tiếp cận với Internet. Mỗi ngày, trên thế giới có hàng trăm ngàn blog mới xuất hiện. Quản lý blog giống như là trói chân chim trời''. Theo nhà báo Huy Đức, Bộ Luật hình sự đã có đủ những điều khoản để buộc tội những người loan thông tin xúc phạm nhân phẩm, vu khống một ai đó, chứ đâu cần phải ra một văn bản quản lý Internet hay quản lý blog.

Thông tư về quản lý blog cũng không có sự đồng tình ngay cả trong giới quan chức chính quyền. Trên trang điện tử của tờ Sài Gòn Giải Phóng ngày 2/12/2008  ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quản lý blog là chuyện ''không khả thi''. Theo ông Lê Mạnh Hà, những người lập trang blog có thể dùng tên giả, điạ chỉ giả, hoặc đăng ký ở nước ngoài. Ông cho rằng thông tin trên mạng nói chung và thông tin trên blog nói riêng mang tính không biên giới và tính ảo rất cao, làm sao có thể quản lý được.  Giám đốc  Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn chưa đặt vấn đề quản lý blog bởi vì. Hơn nữa, Việt Nam đã có các nghị định về cung cấp, trao đổI thông tin trên mạng rồi, cần gì phải ra thêm một thông tư nữa.

Mặt khác, làm sao có thể phân biệt rạch ròi đâu là nộI dung có tính chất cá nhân, đâu là thông tin có tính chất ''báo chí''. Trên tờ báo điện tử VietnamNet ngày 3 tháng 12, tác giả Bùi Dũng đã viết : ''Như vậy, trên trang '' nhật ký cá nhân '', mỗi người chỉ được bàn chuyện « của mình », chứ không được bàn chuyện '' thời cuộc'' ( nếu hiểu những thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao là '' thông tin báo chí '' ).

Những hành động mang tính chất cảm xúc cá nhân, như phản ứng, bày tỏ thái độ đối với những hành vi xâm phạm đất nước thì có vượt quá quyền hạn hay đó là '' quyền của mỗi người '' như thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã nhấn mạnh. Trong phần kết luận, tác giả bài báo viết rằng: '' Chính độc giả sẽ ''kiểm duyệt'' mỗi blogger và mỗi blogger tự ''định vị'' bản thân mình là người viết nhật ký đơn thuần hay một '' nhà báo công dân '' ''.

Trong bài phỏng vấn với RFI Việt ngữ vào thứ năm tuần trước, nhà sử học Dương Trung Quốc, kiêm đại biểu Quốc hội, cũng tỏ thái độ dè dặt trước việc ban hành thông tư quản lý blog. 

Phỏng vấn ông Dương Trung Quốc

08/12/2008