Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Kinh tế Việt Nam hiện đại ? Con đường còn xa

 Đức Tâm

Bài đăng ngày 08/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 13/12/2008 09:56 TU

Con đưòng tiến tới một nền kinh tế hiện đại của Việt Nam còn rất xa. Đó là nhận định của Ducan Mavin, từ Sài Gòn, đăng trên financialpost.com. Mặc dù có nhiều lợi thế, đầu tư ngoại quốc cao, dân số trẻ, chi phí nhân công thấp, nhưng Việt Nam vẫn chưa thể trở thành một con cọp về kinh tế ở châu Á.

Việt Nam được coi sẽ là nơi xuất hiện một con cọp châu Á mới: Phát triển chín muồi, mở cửa kinh doanh, với đội ngũ dân số trẻ khao khát đất nưóc của mình bắt chước sự phát triển kinh tế kỳ diệu của nước láng giềng Trung Quốc khổng lồ.

Ở đây có tất cả những tín hiệu ban đầu của sự giầu có – hàng dẫy cửa hàng bán đồ thời trang phương Tây như Louis Vuitton và Burberry – trong các thành phố và các nhà đầu tư, ngân hàng phương Tây kéo đến.

Nhưng bất kỳ du khách nào tới thành phố Hồ Chí Minh, trước kia gọi là Sài Gòn, đều có thể thấy rằng Việt Nam vẫn còn cách xa một nền kinh tế hiện đại. Vào 10 giờ tối, đường phố tối om và vắng bóng người đi bộ, các cửa hiệu thì đóng và có rất ít ánh sáng trên các tòa nhà cao tầng, kết quả của chiến dịch tiết kiệm năng lượng của chính phủ. Sân bay tại thành phố Hồ Chí Minh gần như vắng bóng người và lèo tèo vài chiếc xe hơi chạy trên đường vào thành phố, cho dù đây là một thành phố 7 triệu dân – đông gấp ba lần thành phố Toronto.

Các số liệu kinh tế gần đây của Việt Nam cũng ảm đạm, sự lạc quan quá thái đã nhường chỗ cho một cái nhìn thực tế hơn về tương lai đất nước.

Năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có kết quả tồi tệ nhất tại châu Á, với chỉ số tham khảo tuột giảm 67%. Giá địa ốc tại Hà Nội, thủ đô và ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, cũng bị giảm.

Hồi tháng 9, ông Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng đã cảnh báo, « Chúng ta đang phải đối phó với những thách thức trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển các nguồn nhân lực và nâng cấp cơ sở hạ tầng trong lúc chúng ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới. »

Đầu năm nay, lạm phát là mối lo ngại chính của Việt Nam, lên tới 28% trong tháng 8. Lạm phát đã giảm nhẹ, xuống còn 24,2% trong tháng 11 và tăng trưởng giờ đây là vấn đề lớn. Một phần năm tổng xuất khẩu của Việt Nam là sang Hoa Kỳ và cũng như các nước láng giềng châu Á đang trỗi dậy, Việt Nam sẽ chịu tác động nếu tình trạng suy giảm trên thế giới kéo dài ngăn cản đầu tư và thu hẹp nhu cầu của các nước phát triển đối với các hàng hóa xuất khẩu rẻ tiền.

Trong tuần, tại Hà Nội, ông Shogo Ishii, phó giám đốc vụ châu Á Thái Bình Dương Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nói, « sự suy giảm trầm trọng trên thế giới - đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển, những thị trường quan trọng đối với xuất khẩu và cung ứng vốn của Việt Nam – sẽ có tác động cụ thể đối với Việt Nam ».

Với nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang trục trặc, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, sau khi tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2008, giờ đây đã 4 lần giảm lãi suất tham khảo kể từ cuối tháng 10. Thế nhưng, theo thẩm định của công ty môi giới chứng khoán châu Á CLSA, thì tổng sản phẩm quốc nội có thể sẽ giảm từ 8,5% trong năm 2007 xuống còn 5% trong năm nay và 4% trong năm 2009.

Ông Anthony Nafte, chuyên gia phân tích thuộc CLSA nói rằng « năm nay, thâm thủng cán cân vãng lai đang tiến một cách đáng sợ tới mức bằng 19% tổng sản phẩm quốc nội ». Việt Nam đang đứng trước « một con đường dài để thoát ra khỏi khủng hoảng. »

Đầu năm 2008, nhiều người lạc quan sẵn sàng không biết đến những vấn đề mới xuất hiện trong nền kinh tế đang trỗi dậy của Việt Nam.

Quay lại hồi tháng tư, trong một nghiên cứu của mình, tập đoàn Goldman Sachs đã tái khẳng định điệp khúc « một con cọp châu Á đang hình thành » và nhận định là tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam sẽ tăng trung bình 8% trong 14 năm tới.

Bản nghiên cứu của Goldman Sachs ghi, « Chúng tôi chia sẽ những lo ngại về các rủi ro tiềm tàng, bao gồm cả sự bùng phát gần đây về lạm phát và những thách thức trong chính sách thuế khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhờ tiến trình cải cách vững chắc cho đến nay. »

Thực vậy, quốc gia cộng sản này đã khởi động tiến trình tự do hóa kinh tế vào giữa những năm 1980 và rất gần đây đã bắt đầu có những bước tiến rất lớn, nhất là sau khi được chấp nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới, năm ngoái.

Đặc biệt, Việt Nam dồi dào nhân công giá rẻ và bắt đầu khai thác nguồn nhân lực này vào đúng lúc các công xưởng tại Trung Quốc phải hứng chịu những luật lệ mới về lao động gây tốn kém hơn làm giảm khả năng cạnh tranh.

Khi những doanh nhân các nước giầu đến gõ cửa, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tăng lên, và theo công ty tư vấn Deloitte, Việt Nam là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đông Nam Á trong năm 2007 và trong 6 tháng đầu năm 2008. Gần một phần ba tổng đầu tư tư nhân nước ngoài tại Đông Nam Á trong giai đoạn này là đổ vào Việt Nam.

Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện và chắc chắn là Việt Nam cũng có những vấn đề, thậm chí còn trước cả khi suy giảm kinh tế toàn cầu lan rộng xẩy ra vào cuối năm nay.

Đó là hố ngăn cách giầu nghèo ngày càng rộng, cũng như tình trạng thiếu trầm trọng nhân công có tay nghề trong nhiều lĩnh vực. Theo ông Matthias Duehn, luật sư Đức thuộc văn phòng DFDL Mekong, tại thành phố Hồ Chí Minh, « nếu trình độ tay nghề tại châu Âu là 100%, thì Việt Nam chỉ là 30%. »

Tham nhũng là một vấn nạn, đứng hàng thứ hai trong số các vấn đề kinh doanh mà Việt Nam phải đối mặt, theo một cuộc thăm dò ý kiến các nhà đầu tư ngoại quốc do Economist Intelligence Unit thực hiện. Mối lo ngại của quốc tế về vấn nạn này thể hiện ở việc Nhật Bản, nước đã cam kết 1,1 tỷ đô la tín dụng, lãi suất thấp cho Việt Nam vào năm ngoái, thì trong tuần trước, đã đình chỉ cấp tín dụng mới cho Hà Nội cho đến khi nào chính phủ có những bước tiến « có ý nghĩa » nhằm loại trừ tham nhũng trong các dự án công cộng.

Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu loại cơ sở hạ tầng để thu hút mạnh hơn các xí nghiệp chế biến của tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc và những nơi có chi phí sản xuất thấp ở châu Á, tới xây dựng các nhà máy tại đây.

Chủ nhân một công ty đầu tư trong lĩnh vực cổ phiếu, có trụ sở tại Hồng Kông, vừa đi Việt Nam với tràn đầy những dự tính. Khi trở về, ông hiểu ra rằng có lẽ khoảng một thập niên nữa hoặc hơn thế thì Việt Nam mới cạnh tranh được với những cơ sở chế biến đặt tại miền nam Trung Quốc.

Con đường cao tốc chính nối liền thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội – với khoảng cách hơn 1110 km, thì chật hẹp và gập ghềnh. Không có tầu điện ngầm hay giao thông công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh, đường xá ở đây thì tắc nghẽn và ô nhiễm bởi khói xe gắn máy, còn hệ thống đường sắt thì không đáng kể. Cho dù có nhiều dầu lửa, Việt Nam lại không có nhà máy lọc dầu – nhà máy đầu tiên dự trù sẽ hoạt động vào năm tới – và là nước nhập nhiều nguyên liệu, những thứ mà Việt Nam có nhiều trữ lượng.

Gần đây, chính phủ Việt Nam thông báo sẽ chi ra 2,2 tỷ đô la từ nay đến 2020 để nâng cấp mạng lưới giao thông đuờng thủy. Nhưng hiện nay, các cảng của Việt Nam không đủ sâu để đón nhận các tầu container hạng nặng chuyên chở các loại hàng hóa.

Theo ông Duehn, « anh có thể có nhân công giá rẻ để làm giầy dép nhưng chẳng có gì hay ho nếu anh không có cảng nước sâu để chuyên chở giầy dép xuất khẩu. »

Các tập đoàn lớn chuyên bán lẻ như Carrefour và Wal-mart vẫn chưa có cửa hàng tại Việt Nam, một dấu hiệu cho thấy Việt Nam còn đứng xa đằng sau các nước châu Á khác. Cho dù có những thông tin trái ngược, nhưng một phát ngôn viên của Wal-smart nói với Financial Post là họ không có những kế hoạch cụ thể để vào Việt Nam. Tập đoàn khổng lồ chuyên bán lẻ của Mỹ này có hơn 200 cửa hàng tại Trung Quốc.

Cũng không thể xếp Việt Nam trong chỉ số Big Mac – một cách tính đơn giản nhưng hiệu quả, được sử dụng rộng rãi để so sánh chi phí sinh hoạt ở hai địa điểm trên cơ sở chi phí làm một cái bánh burger của McDonnalds. Tập đoàn bán đồ ăn nhanh của Mỹ có mặt khắp nơi trên thế giới, lại chưa có cửa hàng tại đây. Bạn cũng không thể đến tán gẫu trong một cửa hàng Starbucks bởi vì tập đoàn bán cà phê này, cho đến tận năm ngoái mới mở một điểm bán hàng ở Bắc Kinh, không hề có một cửa hàng nào tại Việt Nam – cho dù Highland Coffee, một công ty địa phương do ông David Thái, người Mỹ gốc Việt lập ra, đã bắt chước khá tốt.

Đối vơí những người lạc quan về Việt Nam, thì đây là cơ hội. Ông Thomas Delahaye, giám đốc Việt Nam thuộc tập đoàn tư vấn chiến lược Secor Canada, nói rằng các công ty bán lẻ, bao gồm cả các công ty của Canada nên quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Theo ông, « người dân có đủ tiền mua xe máy, vô tuyến, và có thể gửi con cái vào các trường học tại Anh quốc. Đó là điều không thể có được cách đây 5 năm.»

Vả lại, điều hấp dẫn nhất đối với nhiều nhà đầu tư nưóc ngoài là tiền năng của Việt Nam. Đặc biệt, nưóc này có một vài lợi thế về dân số. Việt Nam có 85 triệu dân, trong đó 3/4 chưa đến 35 tuổi. Tuổi trung bình chỉ là 25. Mỗi năm, có thêm một triệu trẻ ra đời và hàng năm, có một triệu người gia nhập thị trường lao động. Việt Nam có tỷ lệ cao về giáo dục, xóa nạn mù chữ và biết tiếng Anh. Tại thành phố Hồ Chí Minh và ít nhất là tại Hà Nội, tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người vượt quá 1000 đô la Mỹ - một con số thần kỳ thường được coi là bước đầu trên con đường tiến tới một xã hội tiêu thụ hiện đại.

Cũng còn có một lợi thế khác tại nước này. Việt Nam có được sự ổn định tương đối về chính trị và điều này thấy rõ khi so với những vụ lộn xộn gần đây tại Thái Lan. Bất chấp nạn tham nhũng lan rộng và những quan ngại về tự do báo chí, pháp quyền, Việt Nam cũng chứng tỏ đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây – tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 160% tổng sản phẩm nội địa.

Trên thực tế, theo một nghiên cứu của The Economist Intelligence unit, các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây đã xếp Việt Nam như là nơi « cung cấp nhiều cơ hội nhất (so với bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào), trên nhiều lĩnh vực trong ba năm tới, từ các loại hàng tiêu dùng và y tế cho đến công nghệ cao. »

Nhìn dưới một góc độ khác để đánh giá những tiến bộ của Việt Nam, ông Delahaye nêu ra lĩnh vực tư vấn mà ông đang làm. Ông cho biết là các công ty tư vấn quốc tế lớn như Bain, McKinsey và Boston Consulting Group vẫn chưa đặt những cơ sở làm việc thường xuyên tại Việt Nam. Với rất nhiều việc phải giải quyết, thì chuyện đặt cơ sở tại đây chỉ còn là vấn đề thời gian.