Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Châu Á giảm dự báo tăng trưởng kinh tế

 Thanh Hà

Bài đăng ngày 11/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 11/12/2008 16:08 TU

Theo Ngân hàng thế giới, « Do nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái, khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã không có đủ sức mạnh để chống lại cơn bão kinh tế này ».

(Ản:Reuters)

Sau ngân hàng thế giới World Bank, đến lượt một định chế tài chính quốc tế khác là Ngân hàng phát triển Á Châu, ADB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Theo báo cáo ngân hàng ADB vừa công bố ngày 11.12.2008, « 2009 sẽ là một năm đầy thách thức với toàn khu vực » do khủng hoảng toàn cầu đang tác hại mạnh vào ngành xuất khẩu của Á Châu.

Tỷ lệ tăng trưởng tại các nền kinh tế tại đang trỗi dậy tại khu vực Đông Á - bao gồm 10 thành viên  Asean, cộng thêm các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc- sẽ rơi xuống còn 5.7% vào năm tới thay vì 6.9 trong năm 2008. Đáng nói hơn cả là tình hình đã sa sút rõ rệt kể từ 3 tháng trở lại đây : so với bản báo cáo đã được công bố hồi tháng 6 vừa qua, Ngân hàng phát triển Á Châu giảm dự phóng tăng trưởng cho toàn khu vực gần hai điểm.

Tuy nhiên theo ADB, các nước Đông á nói riêng và ở toàn châu Á nói chung tương đối có khả năng tránh được những tác động xấu nhất do khủng hoảng gây nên, với điều kiện lãnh đạo các nước này phải làm tất cả để kích thích tiêu thụ nội địa và gia tăng các khoản chi tiêu công cộng, mạnh dạn tiến hành các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp sức cho nền kinh tế tư nhân đang cạn kiệt vốn.

Nguồn : AFP

Nguồn : AFP

Về phần Ngân hàng thế giới, cách nay hai ngày; định chế tài chính đa quốc gia này cũng khẳng định : « Do nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái, khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã không có đủ sức mạnh để chống lại cơn bão kinh tế này ».

Trung Quốc một cột trụ kinh tế của châu Á đang lung lay ?

Ngân hàng phát triển Á châu đặc biệt tỏ ra quan ngại về tình hình Trung Quốc vốn được coi là một trong những cột trụ vững chắc của khu vực. ADB giảm dự phóng tăng trưởng của Trung Quốc cho năm 2009 xuống còn 8.2% thay vì 9.5% vào năm nay. Trước đó, World Bank còn bi quan hơn với đánh giá : tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc sang năm chỉ tăng 7.5%.

Đây là lần đầu tiên trong 19 năm vừa qua Trung Quốc có một tỷ lệ tăng trưởng thấp như vậy. Bản thân Bắc Kinh, cách nay hai hôm (09.12.08) đã phải loan báo một số tin không vui : như là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua giảm đi 36.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Một sự kiện hiếm có khác là kim ngạch xuất khẩu của nước này đã tuột dốc mất 2.2% so với hồi tháng 10 và kim ngạch nhập khẩu giảm đi 17.9%

Chính vì muốn vực dậy khu vực xuất khẩu cho nên từ nhiều ngày qua, Trung Quốc đã bắt đầu có những biện pháp gọi là phá giá đơn vị tiền tệ, với hy vọng, một đồng nhân dân tệ « rẻ » hơn so với đô la và nhất là euro sẽ giúp hàng xuất khẩu « made in China » trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Nam Bình, giáo sư đại học New South Wales, Úc, thì đây là một tính toán sai lầm :

« Bình thường thì trong trường hợp xuất khẩu và đầu tư gập khó khăn, những biện pháp được đề nghị là gia tăng ngân sách nhà nước, kích cầu bằng cách giảm thuế đánh vào tư nhân và doanh nghiệp. Về biện pháp giảm giá đồng tiền để tăng khả năng cạnh tranh của hàng Trung Quốc, tôi nghĩ biện pháp này chỉ có tác dụng rất giới hạn vì hai lý do :

-         Xuất khẩu của Trung Quốc qua thị trường Âu Mỹ sụt giảm vì mức cầu ở hai khu vực này giảm xuống, chứ không phải do hàng Trung Quốc quá đắt

-         Chính sách phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu có mang lại hiệu quả mong muốn hay không, điều ấy còn tùy thuộc vào mức độ co giãn giữa giá cả với mức cầu (élasticité de la demande par raport au prix hay pricewise supply elasticity)

Tuy nhiên theo các thuyết học kinh tế, những biện pháp mang tính ngắn hạn thường đưa đến những hậu quả tai hại trong một quá khứ xa hơn. Tôi nghĩ là phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu là một biện pháp ngắn hạn để giải quyết vấn đề. Nhưng về lâu về dài thì sẽ kéo theo những vấn đề khác, nghiêm trọng hơn, không chỉ riêng đối với Trung Quốc mà cho cả thế giới »

Tập đoàn sản xuất xe hơi số 1 thế giới phải giảm dự phóng tăng trưởng cho năm 2009 (Ảnh : Reuters)

Tập đoàn sản xuất xe hơi số 1 thế giới phải giảm dự phóng tăng trưởng cho năm 2009
(Ảnh : Reuters)

Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai của thế giới đang lún nhanh vào suy thoái :

Theo thống kê vừa được Tokyo vừa công bố tổng sản phẩm nội địa của Nhật trong quý ba vừa qua đã giảm mạnh đến trừ 0.5% thay vì 0,1% như dự báo ban đầu. Tính theo tỷ lệ thường niên, tăng trưởng của Nhật Bản bị co cụm lại đến 1.8% trong năm nay. So sách suy thoái của ba nền kinh tế lớn ở Đông Bắc Á ( Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), giáo sư Trần Nam Bình cho rằng tình hình của Nhật đáng quan ngại hơn cả :

 « Trong ba nước vừa nói, Nhật Bản là quốc gia gập khó khăn hơn cả vì đã chính thức rơi vào suy thoái. Trong khi đó tại Trung Quốc và Hàn Quốc, tỷ lệ tăng trưởng mới chỉ chậm lại. Nguyên nhân chính cũng khá đơn giản : GDP của mỗi quốc gia kể trên tùy thuộc nhiều vào hai yếu tố đó là đầu tư và xuất khẩu. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, xuất khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc sang hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu liên tục suy giảm và gập rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó đầu tư nước ngoài vào Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng tăng lên rất chậm, thậm chí còn giảm đi vì những lý do như sau :

-         Các ngân hàng Âu Mỹ không dễ dàng cấp tín dụng như xưa

-         Các công ty, với bối cảnh u ám như hiện nay không muốn đầu tư thêm.

Sau cùng, cũng phải nói thêm là đối với hai nền kinh tế nặng ký ở Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia này có hệ thống tài chính rất gắn bó với Hoa Kỳ, cho nên nợ xấu của Mỹ cũng đã xâm nhập vào ngân hàng hai nước nói trên. Về Trung Quốc : từ 10 năm nay tỷ lệ tăng trưởng ở nước đông dân nhất địa cầu rất là cao  -trên dưới 10%-  và chúng ta biết, thành quả này có được chủ yếu là nhờ vào xuất khẩu qua Hoa Kỳ, Bắc Mỹ và Châu Âu. Cho nên ngành xuất khẩu của nước này đang bị tác động mạnh ».

Chợ quần áo ở Seoul-Hàn Quốc Nguồn : www.adb.org

Chợ quần áo ở Seoul-Hàn Quốc
Nguồn : www.adb.org

Đương nhiên là để thoát khỏi bế tắc hiện nay, ba nước nói trên cùng đưa ra những biện pháp chấn chỉnh kinh tế hết sức quy mô : trong số này phải kể đến kế hoạch mở rộng tài khóa của Trung Quốc trị giá 586 tỷ USD, trong đó ¼ do chính phủ trung ương cung cấp và phần còn lại do hệ thống ngân hàng cung cấp.

Giáo sư Trần Nam Bình nhận xét : « Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như Nhật Bản, cả ba đã tung ra những kế hoạch quy mô để vực dậy kinh tế của họ. Trong số này có các đề án gia tăng chi tiêu công cộng - như trường hợp của Trung Quốc- ; giúp các công ty dễ có thêm tiền mặt qua việc kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp ;  khuyến khích tiêu thụ của tư nhân qua việc giảm thuế thu nhập, hay gia tăng các khoản trợ cấp xã hội v.v.  Nói chung đây là những biện pháp « cổ điển » để kích cầu. Có khác chăng là ở mức độ quy mô »

Khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ và Châu Á :

Theo giải thích của Ngân hàng thế giới : « Tâm của cơn bão là các quốc gia phát triển, nhưng nó đã nhanh chóng lan ra khắp toàn cầu. Sự thất bại của các định chế tài chính quan trọng trong các hệ thống tài chính lớn đã làm đóng băng các thị trường tín dụng và liên ngân hàng, đồng thời điều chỉnh giá của rủi ro theo hướng đi lên, gây ra tình trạng thiếu khả năng thanh khoản trên toàn cầu.

Trong rất nhiều nguyên nhân thì sự tìm kiếm để bù đắp khả năng thanh khoản trên khắp thế giới đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán cổ phiếu và chứng khoán nợ, đồng thời rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, gây ra sự bất ổn định trong các hệ thống ngân hàng nằm cách xa trung tâm khủng hoảng.

Việc các quốc gia phát triển tăng cường thúc đẩy khả năng thanh khoản và bơm vốn vào các định chế tài chính đáng lẽ sẽ có thể đẩy lui sự tan rã ngấm ngầm của các thị trường tài chính, nhưng sự ngoảnh mặt làm ngơ và trốn tránh nguy cơ rủi ro gia tăng trên toàn thế giới đã và đang khiến cho dòng vốn rời bỏ các quốc gia đang phát triển và chi phí tài chính tăng cao.

Sự thiếu lòng tin, sự tan rã của các thị trường tài chính và rút ngắn các khoản vay ngân hàng đã giáng một đòn mạnh vào đầu tư, sản xuất và thương mại, làm cho sự tăng trưởng của toàn cầu nhanh chóng chậm lại. Nhật Bản và châu Âu đã bắt đầu rơi vào suy thoái và Hoa Kỳ được cho là sẽ tiếp nối con đường này trong một thời gian ngắn sắp tới.

Dự đoán cả Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng hơn trong năm 2009, khiến cho nhu cầu nhập khẩu suy giảm và, lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ, khối lượng mậu dịch của toàn thế giới sẽ bị giảm sút »     

Mức độ khó khăn khác nhau :

Nhìn tổng thể, Ngân hàng thế giới dự trù tốc độ tăng trưởng GDP thực tế tại các nước Đông Á đang trỗi dậy có sẽ chỉ còn là  6,7% năm 2009 thay vì 10,5% năm 2007 ; 8,5% năm 2008. Giáo sư kinh tế Trần Nam Bình, phân tích riêng về trường hợp của ba nước thuộc khối ASEAN :  

« Dĩ nhiên là những quốc gia như Việt Nam, Indônêxia, Malaysia không thể nào tránh khỏi tác động do khủng hoảng gây nên, bởi vì tăng trưởng ở những nước này cũng tùy thuộc nhiều vào xuất khẩu. Ngoài xuất khẩu thì còn có vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như là trường hợp của Việt Nam. Tuy nhiên cũng có một điểm may cho những nước nhỏ ở Đông Nam Á : do hệ thống tài chính của họ chưa hội nhập vào với thế giới, nên họ ít bị các khoản nợ xấu tác động trực tiếp.

Theo tôi biết thì tỷ lệ tăng trưởng ở những nước như Việt Nam, Indônêxia hay Malaysia cũng sẽ bị chậm lại tuy nhiên họ có khả năng đối phó với khủng lần này tốt hơn so với khủng hoảng tài chính Á châu 10 năm trước đây. Đơn giản là do khủng hoảng lần này đến từ ‘’bên ngoài’’ chứ không phải là xuất phát từ bên trong. Ngoài ra, nhìn chung thì kinh tế của họ ổn định hơn,  ngân sách nhà nước cũng ít bị thâm thủng hơn so với giai đoạn 1997/1998 ».

Về điểm này trong báo cáo cách nay hai hôm Ngân hàng thế giới đã ghi nhận :

« Các quốc gia Đông Á bước vào cuộc khủng hoảng này với sự chuẩn bị tốt hơn so với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tài chính công, cân bằng đối ngoại, và bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng và doanh nghiệp đã được củng cố và tăng cường trong thập kỷ vừa qua nhờ những cải tiến trong chính sách cơ cấu và kinh tế vĩ mô, nhờ sự chặt chẽ hơn trong cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng, điều hành doanh nghiệp tốt hơn, và quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư nước ngoài rút lại đột ngột các tài sản lưu động, kết hợp với việc người đầu tư trong nước tháo chạy vốn ở một số nước đã đẩy các nền kinh tế này quay lại vùng nguy hiểm mà họ chỉ vừa mới thoát ra vài năm trước đó ».

Điểm gây lo ngại nhất đối với Ngân hàng thế giới là khủng hoảng hiện nay phá hủy những nỗ lực xóa đói giảm nghèo mà các quốc gia trong khu vực đã thực hiện được trong những năm gần đây.

Bài học nào cho ba nước Đông Nam Á nói trên ?

Đành rằng khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hiện nay đang là một thách thức lớn đối với cả Châu Á (nhưng không chỉ riêng khu vực này) thế nhưng cũng có một số nhà phân tích coi đây là cơ hội để những nền kinh tế « nhỏ » mạnh dạn cải tổ. Giáo sư Trần Nam Bình nhìn nhận :

« Tôi nghĩ là các quốc gia nhỏ không có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu. Cho nên họ không có thể làm gì được nhiều. Nhưng cách phòng thủ hữu hiệu nhất trong đường dài là tiếp tục cải tổ.

Trong trường hợp của Việt Nam hay Malaysia chẳng hạn, họ nên tiếp tục cải cách, tiếp tục giảm bớt vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển các doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa và nhỏ vì chính những công ty này mới có khả năng nâng cao năng suất.

Nhìn xa hơn nữa, những nước nhỏ cũng không thể chỉ trông chờ vào xuất khẩu và coi đây là một yếu tố tăng trưởng lâu dài. Những nước này phải dần dần chuyển đổi để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, chuyển đổi từ sản xuất để xuất khẩu qua các dịch vụ …

Theo tôi, bài học chính chúng ta có thể rút ra được là : một nền kinh tế uyển chuyển, linh động có nhiều khả năng cạnh tranh vẫn là mô hình tối ưu trong mọi tình huống.  Vì vậy, dù có khủng hoảng hay không, cũng phải tìm cách khuyến khích khu vực tư nhân, để tăng khả năng cạnh tranh.

Trong bối cảnh hiện nay không ai có thể lạc quan, nhưng tôi nghĩ bất kỳ bài học nào, cũng có những khía cạnh tích  cực của nó. Đây cũng là một thách thức buộc các chính quyền phải điều hành một nền kinh tế trong mọi điều kiện, chứ không phải lúc nào cũng dễ dàng như ý của các nhà lãnh đạo. Nếu có những biện pháp hành xử đúng đắn, thì đây là một kinh nghiệm quý giá đối với các vị lãnh đạo tại các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như là Việt Nam hay Indonêxia »

Về điểm này, Ngân hàng thế giới ghi nhận : « Các quốc gia trong khu vực sẽ ở vị thế thuận lợi hơn để đối phó với khủng hoảng, chừng nào còn có thể duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển hướng xuất khẩu sang các khu vực tăng trưởng nhanh hơn của thế giới, thay thế cầu bên ngoài bằng cầu trong nước và tiếp tục các cải cách cơ cấu của mình để tăng cường khả năng cạnh tranh ».

Cảnh siêu thị tại Đài Bắc  Nguồn : http://aric.adb.org

Cảnh siêu thị tại Đài Bắc
Nguồn : http://aric.adb.org

Dù sao trong bối cảnh hiện nay, rất hiếm thấy được một bài phân tích lạc quan về tình hình Đông Á. Ngân hàng thế giới đã đưa ra kết luận như sau về viễn cảnh tăng trưởng khu vực trong những tháng tới :

« Trước mắt, nguy cơ đi xuống là rất lớn. Sự thu hẹp đầu ra tại các nền kinh tế phát triển có thể sẽ còn gay gắt hơn và kéo dài hơn so với dự báo hiện nay (…) Điều này sẽ làm chậm đáng kể tốc độ hồi phục tăng trưởng ở Đông Á (…) các luồng vốn đầu tư có nguy cơ suy giảm hơn nữa, thậm chí sẽ lựa chọn khắt khe hơn hiện tại – điều này sẽ gia tăng các thách thức đối với những quốc gia mà thị trường đánh giá là không có khả năng hoặc chưa sẵn sàng tiến hành những điều chỉnh thích hợp trong nước và bên ngoài để ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa có thể tiếp tục sụt giảm nếu tăng trưởng trên toàn cầu suy giảm thêm một cách đáng kể, làm tăng khả năng giảm phát và các thách thức kèm theo. Mặc dù khả năng xảy ra giảm phát đang được dự báo là rất nhỏ, nhưng những ảnh hưởng bất lợi của nó là điều quan trọng khiến cho các quốc gia phải lập sẵn kế hoạch để đối phó với hậu quả giảm phát nếu nó thực sự xảy ra ».