Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Cuộc sống người Việt tại Cộng Hoà Séc ngày càng khó khăn

 Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 13/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 13/12/2008 18:57 TU

Nghề kinh doanh đi xuống do khó khăn chung lại thêm cái nhìn khắt khe hơn của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát. Trong hoàn cảnh này nhiều người đã phải tính đến chuyện hồi hương hay chuyển địa bàn họat động.

Cửa hàng hoa tại trung tâm thương mại SapaNguồn : vietmedia.eu

Cửa hàng hoa tại trung tâm thương mại Sapa
Nguồn : vietmedia.eu

Gần đây báo chí trong nước loan tải nhiều tin tức phản ảnh những khó khăn xảy đến cho cộng đồng Việt Nam sinh sống trên đất Cộng Hoà Sec mà bà con vẫn quen gọi tắt là Séc hoặc bằng tên cũ là Tiệp (Khắc).

Tại Việt Nam thì đó là quyết định của tòa đại sứ Cộng Hoà Sec ngưng cấp visa cho người Việt với lý do « ngăn chặn làn sóng tội phạm » . Ngay tại đất nước định cư, sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam cũng chẳng dễ dàng gì.

Nghề kinh doanh đi xuống do khó khăn chung lại thêm cái nhìn khắt khe hơn của các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát. Muốn chuyển ngành xin vào làm việc ở các cơ xuởng thì gặp lúc thất nghiệp gia tăng. Trong hoàn cảnh này nhiều người đã phải tính đến chuyện hồi hương hay chuyển địa bàn họat động. Nhưng đại đa số người Việt sống lâu năm tại Cộng Hòa Sec vẫn tin tưởng ngày mai sẽ tươi sáng trở lại.

Một cộng đồng được tiếng là chuyên cần và hội nhập tốt

Theo lời ông Trần Quang Hùng, sang Tiệp Khắc học về ngành đạo diễn sân khấu cách nay gần 20 năm và hiện là giám đốc điều hành Trung tâm thương mại Sapa tại thủ đô Praha thì hiện nay có khoảng 55.000 người Việt cư trú hợp pháp tại Cộng Hòa Sec. Cội rễ của cộng đồng Việt Nam chủ yếu là những du học sinh, công nhân đi lao động hợp tác. Sau khi định cư và đa số chuyển sang hoạt động kinh doanh thương mại những người Việt Nam này đã hội nhập tương đối dễ dàng  vào xã hội Tiệp Khắc. Họ được tiếng là cần cù trong lao động, chuyên cần trong học tập và thân thiện với người địa phương. Do đó khi có tin đại sứ quán Cộng Hòa Sec tại Hà Nội ngưng cấp visa nhập cảnh cho người Viêt mọi người đều bỡ ngỡ. Ông Trần Quang Hùng phát biểu :

‘’Những du học sinh Việt Nam đầu tiên sang CHSec lúc đó còn mang tên là Liên bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Tiêp Khắc, nếu tôi nhớ không lầm là vào năm 1957 và từ đó đến năm1989, theo hiệp ước ký kết giữa hai nước, hằng năm Tiệp Khắc đón rất nhiều số sinh viên, học sinh Việt Nam sang học. Trước đó, cũng đã có nhiều người Việt sang Tiệp Khắc theo hiệp ước hợp tác lao động.

Người Việt Nam sống tại Cộng Hòa Sec chủ yếu họat động trong lĩnh vực kinh doanh. Ngoài ra còn có nhiều người từ trong nước sang theo diện lao động xuất khẩu theo nhu cầu của các công xưởng, nhà máy Cộng Hòa Sec.

Cộng đồng Việt Nam tại Cộng Hòa Sec hình thành đã lâu và đại đa số là những người chăm chỉ làm ăn, thân thiện với người dân bản xứ. Các nhân vật lãnh đạo cao cấp nước Cộng Hòa Sec và ngay trong các cuộc họp cao cấp Việt Nam – Sec đều có những nhận định rất tốt về cộng đồng Việt Nam. Do đó, khi có quyết định ngưng cấp visa cho người Việt Nam nhập cảnh Cộng Hòa Sec ngay cả chúng tôi cũng rất ngạc nhiên".

Trần Quang Hùng (1)

13/12/2008

Ngoài quyết định cùa chính quyền Cộng Hòa Sec mang lý do khá cay đắng cho người Việt noí chung là để ‘’ngăn chặn làn sóng tội phạm’’ (theo nguồn tin báo chí trong nước ), bản thân người Việt sinh sống và làm ăn lâu nay ở Tiệp, vừa phải chứng kiến cuộc lục soát đại quy mô, do công an, hải quan, sử dụng cả chiến xa, trực thăng nhắm vào một trung tâm thương mại lớn ở Praha. Ngoài là nơi buôn bán tập trung đông đảo doanh nhân châu Á, đông nhất là người Việt Nam, sau đó có cả người Trung Quốc, Mông Cổ… Trung tâm thương mại Praha với diện tích trên 25 hecta còn là địa điẻm sinh hoạt văn hóa, đoàn thể của người Việt ở thủ đô Cộng Hòa Sec.

Cuộc lục soát diễn ra trong lúc tình hình cuộc sống ngày càng khó khăn, do nhiều yếu tố.

Nguồn : vietmedia.eu

Nguồn : vietmedia.eu

Buôn bán gặp ế ẩm, làm công không người thuê

Theo lời ông Trần Quang Hùng sau khi Cộng Hòa Sec gia nhập Liên Hiệp Châu Âu , công việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn trước nhiều. Tự nhận mình không phải là chuyên viên kinh tế, ông chỉ đưa ra những nhận xét của một chứng nhân tại chỗ :

‘’Từ sau khi Cộng Hòa Sec gia nhập Liên Hiệp Châu Âu nhất là từ năm vừa qua, hiệp ước Schengen cho phép đi lại tự do trong 24 nước trong Liên Hiệp thì tình hình buôn bán của ngưòi Việt gặp nhiều khó khăn. Trước đây, giá xăng dầu, quần áo, thực  phẩm ở Cộng Hòa Sec rất rẻ, hấp dẫn người dân các nước láng giềng như Đức, Áo  sang mua. Nhưng khi đã vào Liên Hiệp Châu Âu, mức sinh hoạt ở Cộng Hòa Sec tăng lên,giá cả leo thang không ngừng,  thị trường Sec khôgn còn hấp dẫn như trước nữa. Một số mặt hàng ở Sec bây giờ cũng đắc ngang ngửa, thập chí còn đắc hơn so với hàng bên Đức.

Ngược lại, trong thị truờng nội địa, người buôn bán Việt Nam chịu sức ép lớn khác nữa. Nhiều siêu thị được mở ra ớ Cộng Hòa Sec và họ đi tìm nguồn hàng ngay tại gốc sản xuất, chẳng hạn như từ Trung Quốc, mang về bán. Giá cả tại các siêu thị do đó rẻ hơn, đội khi còn rẻ hơn các mặt hàng do tiểu thương Việt Nam bán ra.

Chính vì vậy, mức buôn bán của doanh nhân Việt Nam tại Cộng Hòa Sec từ năm 2005 và nhất là trong thời gian gần đây đã đi xuống rất là rõ rệt.

Trần Quang Hùng (2)

13/12/2008

Buôn bán khó, nhiều người tính toán muốn xin đi làm công ăn lương trở lại, nhưng không phải đây là giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người. Đây là nhận xét của anh Nguyễn Sơn, xuất thân từ một lưu học sinh được Tổng Cục Hoá Chất Việt Nam gởi sang Tiêp Khắc từ 20 năm trước và nay là một nhà buôn sỉ các mặt hàng quần áo, vải vóc tại Praha

‘’Đối với những người sống lâu năm ở Cộng Hòa Sec, nói chung họ đã quen thuộc với nếp sống ỏ đây, biết ngôn ngữ nước này và có vốn liếng tiền bạc tích luỹ nên họ có thể cầm cự được. Nhưng để làm ra cho được nhiều tiền như trước đây thì không thể được. Chúng tôi đang chuyển hướng hoạt động để thích nghi theo thời cuộc bây giờ. Nhưng đa số kiều bào ở đây đang gặp nhiều khó khăn, muốn xin đi làm công nhân cũng không phải là dễ. Các xí nghiệp đang sa thải người, mức thất nghiệp ở Cộng Hòa Sec hiện đang rất cao. Ngoài ra nói cuộc sống người Việt ở đây gặp khó khăn là vì nhiều người từ trong nước mới sang đây không có tay nghề chuyên môn, không biết tiếng địa phương nên khó xin đuợc việc làm

Nguyễn Sơn (1)

13/12/2008

 

Trung tâm thương Sapa- PrahaNguồn : vietmedia.eu

Trung tâm thương Sapa- Praha
Nguồn : vietmedia.eu

Con sâu làm rầu nồi canh – Một số người Việt họat động phi pháp làm tổn hại hình ảnh cả cộng đồng

Không phải là vô cớ khi chính quyền sở tại thay đổi cái nhìn đối với cộng đồng Việt Nam. Trong tập thể có tiếng chuyên cần, hoà nhập đã có những trường hợp buôn gian bán lận, định cư trái phép, thậm chí buôn bán cần sa ma túy. Tuy các trường hợp phạm pháp chỉ là một con số nhỏ nhưng điều này cũng gây khó khăn chung. Anh Nguyễn Sơn cho biết

‘’ Nói một cách đơn giản, vấn đề nảy sinh trước hết do làn sóng người Việt Nam đi lao động từ  trong nước mới sang. Do chính phủ Cộng Hòa Sec không chủ trương cấp visa lao động nên người trong nước sang đây phải xin xuất cảnh bằng visa kinh doanh, thăm thân nhân hay đòan tụ gia đình. Khi đã sang đến đây, không có giấy phép lao động, những người này chỉ có cách đi làm chui kiếm tiền.

Hai nữa, khi Cộng Hòa Sec gia nhập không gian Schengen , việc đi lại giữa các nước không còn bị kiểm soát ở các cửa khẩu, một số người Việt từ các nước khác tới Cộng Hòa Sec , bỏ tiền ra thuê mướn những đồng bào đang gặp khó khăn-  do không có việc làm hay đang sống không hợp lệ để trồng cần sa cho họ. Cộng đồng Việt Nam ở Cộng Hòa Sec bị mang tiếng xấu từ các hoạt động như thế theo kiểu ‘’con sâu làm rầu nồi canh’’.

Nguyễn Sơn (2)

13/12/2008

Bức bách của đời sống và bó buộc của thủ tục : con đường xuất cảnh bán hợp pháp

Mới đây một viên chức cao cấp của Việt Nam tuyên bố không ai muốn đưa công dân mình đi làm người giúp việc xứ người. Chắc cũng không người lao động nào muốn mang thân đi làm công xa xứ mà phải tốn của đút lót lại phải mạo nhận mục đích chuyến đi.

Chúng tôi có dịp nói chuyện với anh Hoàng Công Hùng, công nhân nhà máy điện tử Foxcon, cách thủ đô Praha 72km. Là nông dân muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo, anh Hùng đã tìm cách sang Cộng Hòa Sec làm công nhân. Vì không có tay nghề chuyên môn, anh chỉ được giao công tác đóng gói bao bì, một công việc giản đơn, dĩ nhiên với mức lương tối thiểu. Không chỉ đơn giản có vậy, trước khi đi anh Hùng đã phải vay mượn kể cả cầm cố nhà cửa để có được 7.000 đô la giao cho người môi giới xin cấp visa sang Tiệp.

Anh Hoàng Công Hùng kể lại

‘’ Em là công nhân nhà máy Foxcon, từ Việt Nam sang với visa doanh nhân. Từ Việt Nam không thể xin visa đi lao động ở Cộng Hòa Sec nên bắt buộc mọi người muốn sang đây phải xin visa kinh doanh. Khó khăn này là từ sứ quán Cộng Hòa Sec tại Việt Nam. Muốn xin visa cững không dễ, phải tốn cho người môi giới 7.000 đô la. Họ sẽ lo cho mình đuợc phỏng vấn và chờ 4 tháng sau, có visa để ra đi.

Khi sang đây lại phải trả tiền nhờ một công ty dịch vụ đưa vào làm trong nhà máy. Vì em đi bằng visa kinh doanh nên một mặt phải đóng thuế kinh doanh và đồng thời phải đóng cả thuế lao động. ‘’

Hoàng Công Hùng (1)

13/12/2008

Ước mơ của anh công nhân Hoàng Công Hùng và có lẽ của những người lao động cùng cảnh ngộ với anh là làm thế nào nhanh chóng kiếm đuợc tiền trả xong nợ và có một khoảng dành dụm kha khá. Anh thuê chỗ ở tập thể, ăn uống tằn tiện, không dám vui chơi giải trí cốt để có đủ tiền chuộc lại căn nhà đã cầm cố và mang vốn về cho gia đình. Nhưng trước hết anh phải được làm việc

‘’Mỗi tháng, nếu có việc làm, lao động 250 giờ thì được lãnh khoảng 15.000 đồng tiền Tiệp, tức là khoảng 700 đô la. Ăn uống chi tiêu hết khoảng 200 đô la, còn dành dụm được 500 đô la. Nhưng có tháng, chỉ lãnh được khoảng 10.000 tiền Tiệp tức là chưa đến 500 đô la, dành dụm chỉ được khoảng 300 đô la. Em đang cố gắng làm thế nào trả cho hết nợ, bây giờ trở về Việt Nam thì nhà cửa cũng đã cầm cố cho ngân hàng. Với tình hình này cũng phải năm năm nữa em mới có hy vọng trở về Việt Nam được. Sống ở đây em chỉ biết làm việc, không dám đi chơi nhiều vì sợ tốn kém. Thứ bảy, chủ nhật có được nghỉ cũng không dám đi đâu.’’

Hoàng Công Hùng (2)

13/12/2008

Theo tin mới nhất, tổng thống Cộng Hòa Sec đã lên tiếng phê phán quyết định ngưng cấp visa nhập cảnh cho người Việt Nam. Đây là một tin vui cho cộng đồng người Việt, không chỉ đơn giản vì rồi đây việc đi lại từ Việt Nam sang Cộng Hòa Sec sẽ dễ dàng trở lại mà đấy là một sự nhìn nhận sự đóng góp của tập thể những con người đã sinh sống làm ăn trên đất nước này. Còn khó khăn về kinh tế, với bản tính cần cù, chịu đựng, gian khổ nào rồi chắc cũng qua !