Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Năng lượng sinh học tại Việt Nam : nhiều tiềm năng nhưng thiếu phát triển

 Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 14/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 14/12/2008 19:50 TU

Ngày 15/9/2008, Hà Nội cho bán thí điểm xăng pha ethanol dưới tên gọi Gasohol E5.

Ngày 15/9/2008, Hà Nội cho bán thí điểm xăng pha ethanol dưới tên gọi Gasohol E5.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng về sản xuất năng luợng sinh học. Trong tình hình giá dầu tăng cao như mới đây, trong bối cảnh cả thế giới đang lo lắng trước hiện tượng khí hậu bị hâm nóng do con người sử dụng quá nhiều năng lượng hoá thạch gây ô nhiễm, việc phát triển nhiên liệu sinh học đã trở thành cần thiết, vừa có giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, đã có những cố gắng thúc đẩy nhiên liệu sinh học, nhưng cho đến nay chưa đạt kết quả vì không được quan tâm đúng mức.

Ngày 15/09/2008 , Hà Nội bắt đầu bán thí điểm xăng pha ethanol để chạy xe hơi, có tên thương mại là Gasohol E5. Dự kiến ban đầu là thử nghiệm rồi sau đó phát triển đại trà. Thế nhưng, không đầy một tuần sau, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh tạm ngừng việc bán loại xăng này với lý do là  chưa kiểm tra đầy đủ về chất lượng, chưa có quy chuẩn cho đúng luật.
Thái độ ngập ngừng nêu trên cho thấy rõ là vấn đề nhiên liệu sinh học còn tương đối mới đối với Việt Nam, cho dù về mặt khoa học, công việc nghiên cứu đã được tiến hành từ nhiều năm qua, và một số nơi đã bắt đầu ứng dụng vào sản xuất.

Tiềm năng sản xuất năng lượng sinh học ở Việt nam rất lớn

Đứng về mặt địa dư, Việt Nam là một quốc gia vùng nhiệt đới, có rất nhiều điều kiện để phát triển năng lượng sinh học. Mặt khác, hoạt động sản xuất nông nghiệp hay ngư nghiệp của Việt Nam hàng năm tạo ra rất nhiều chất thải hữu cơ, nếu quyết định tận dụng, chế biến thành nhiên liệu, thì đây sẽ là một nguồn năng lượng đáng kể.

Theo thống kê chính thức năm 2005, Việt Nam còn khoảng 4,3 triệu ha đất đồi núi chưa được khai phá. Một cách cụ thể, miền Tây Bắc Việt Nam chẳng hạn có 1,26 triệu hécta, miền Đông Bắc còn 1,26 triệu. Đi xuống phiá Nam, các khu vực như Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên cũng còn gần 2 triệu hécta đất chưa trồng trọt. Theo các chuyên gia, nếu từ nay đến năm 2020, khoảng 1 triệu ha trong khoảng diện tích bỏ hoang đó được biến thành đất canh tác các loại cây dùng để làm nguyên liệu chế tạo nhiên liệu sinh học như bio diesel, thì sản lượng sẽ rất lớn.

Cây jatropha curcas còn gọi là cây dầu mè hay cây cọc rào rất dễ trồng và chịu hạn cao.

Cây jatropha curcas còn gọi là cây dầu mè hay cây cọc rào rất dễ trồng và chịu hạn cao.

Trong những năm gần đây, giới nghiên cứu tại Việt Nam và chính quyền đã rất chú ý đến một loại cây mang tên khoa học là jatropha curcas, tên tiếng Việt là ''cây cọc rào, cây cọc giậu hay cây dầu mè'', còn gọi nôm na là ''cây diesel'' do khả năng cho dầu của nó.

Theo Tiến sĩ Lê Võ Định Tường thuộc Phân viện hoá học các hợp chất thiên nhiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, đặc điểm của loại cây này là sức chịu hạn rất cao, có thể sống ở những nơi ít mưa (250mm/năm), hạn hán 8 - 9 tháng vẫn không chết, cho nên rất dễ trồng. Loại cây này cho rất nhiều hạt, khi ép ra có thể thu được dầu diesel sinh học với tỷ lệ từ 1 đến 3 tấn cho mỗi hécta. Dầu thu được lại không cần chế biến phức tạp, có thể dùng thẳng cho các loại động cơ diesel, hoặc pha chung với diesel từ dầu mỏ.

Trái cây jatropha curcas còn gọi là cây ''diesel''.

Trái cây jatropha curcas còn gọi là cây ''diesel''.

Dầu diesel sinh học từ cây jatropha lại chứa oxy trong phân tử và không có sulfur nên được đốt cháy hết, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính và khí gây ung thư. Bên cạnh đó, cây jatropha có thể được dùng là phân hữu cơ, làm thức ăn gia súc, và sinh khối biomasse của vỏ, quả, thân, lá có thể được dùng để sản xuất biogas.

Ngoài loại cây mới như cây cọc rào jatropha, để đẩy mạnh sản xuất năng lượng sinh học, Việt Nam cũng có thể phát triển các loại cây truyền thống quen thuộc như sắn (khoai mì), miá, để làm cồn ethanol, theo gương Brazil, hay trồng trọt các loại cây có củ khác.

Tận dụng phụ phẩm thải ra từ sản xuất nông ngư nghiệp

Phát huy năng lượng sinh học còn cho phép hạn chế được việc một số ngành sản xuất hàng đầu tại Việt Nam thải ra môi trường một số sản phẩm thừa gây ô nhiễm, qua việc xử lý tích cực các chất thải này để biến chúng thành nhiên liệu phục vụ cho đời sống.
Một trong những phụ phẩm có thể trở thành nguồn nhiên liệu sinh học sau khi được xử lý là mỡ cá tra và cá ba sa.

Cá tra và cá ba sa xuất khẩu phải lọc đi toàn bộ phần mỡ.

Cá tra và cá ba sa xuất khẩu phải lọc đi toàn bộ phần mỡ.

Trong một vài năm gần đây, ngành nuôi cá tra và cá basa của Việt Nam phát triển rất nhanh. Ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, từ hơn 250 ngàn tấn một năm, tổng sản lượng loại cá này đã lên tới cả triệu tấn hiện nay, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, để xuất khẩu, người ta chỉ giữ lại phần thân cá, còn phải lọc bỏ đi các phần đầu,đuôi, da, xương và đặc biệt là phần mỡ cá. Tính ra hàng năm, Đồng Bằng sông Cửu Long thải ra ít nhất là 30 ngàn tấn mỡ cá tra và ba sa. Lẽ dĩ nhiên là loại mỡ này đã được dùng vào việc sản xuất mỡ bôi trơn máy móc, hoặc là tái chế thành thức ăn gia súc. Tuy nhiên, nhiều khi mỡ thừa không bán được, bị thải hẳn ra môi trường, vừa phí phạm, vừa gây ô nhiễm.

Vì lý do đó, một số doanh nhân đã kết hợp với giới nghiên cứu khoa học để tìm cách tận dụng nguồn mỡ cá ba sa, đưa vào chế tạo diesel sinh học. Có thể kể đến các nỗ lực của Trường Đại Học An Giang, của Công ty Agifish, của Phân viện khoa học vật liệu tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Khoa Học Việt Nam.

Phụ phẩm thứ hai có thể được tận dụng là vỏ cà phê. Trong một thờI gian rất ngắn, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, chỉ thua có Brazil.
Cũng như trong trường hợp cá ba sa, tiến trình trích hạt cà phê để xuất khẩu đã để lại rất nhiều vỏ, nếu bỏ đi tất yếu gây ô nhiễm. Theo ước tính của giớI chuyên gia, hàng năm, ngành cà phê thải ra khoảng 400 ngàn tấn vỏ. Loại vỏ này lại có đặc điểm là thời gian phân hủy lâu hơn các loại vỏ khác, gây ô nhiễm cho môi trường.

Phần vỏ chiếm khoảng từ 40% đến 45% hạt cà phê : nguồn nguyên liệu dồi dào để làm nhiên liệu sinh học.

Phần vỏ chiếm khoảng từ 40% đến 45% hạt cà phê : nguồn nguyên liệu dồi dào để làm nhiên liệu sinh học.

Theo các nhà khoa học, vỏ cà phê thuộc loại chất hữu cơ hoàn toàn có thể được dùng để cho lên men, chuyển hoá thành cồn ethanol.
Trên đây chỉ là hai phụ phẩm nổi bật, vì liên quan đến các mặt mạnh trong ngành xuất khảu của Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều phế phảm khác cũng có thể tận dụng như vỏ hạt điều, trấu, mùn cưa đề có thể được tận dụng để làm nhiên liệu sinh học.

Giới khoa học nghiên cứu, giới sản xuất thử nghiệm

Nhận thức về lợi ích của năng lượng sinh học đã có từ một thập niên nay tại Việt Nam. Tại một số trung tâm nghiên cứu hay các trường đại học, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về hướng phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Nhiều cơ quan thuộc các bộ, các ngành như giao thông vận tải, nông nghiệp, năng lượng cũng đã quan tâm đến lãnh vực này.
Tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, đã có một nhóm cán bộ nghiên cưú thành công ép hạt dầu jatrophra để làm diesel sinh học.

Đặc biệt trong năm năm gần đây, nhiều công trình nghiên cứu năng lượng sinh học cũng đã rời phòng thí nghiệm để được giớI sản suất ứng dụng trong thực tế. Báo chí Việt Nam đã nhắc đến các doanh nghiệp như công ty miá đường Lam Sơn ở Thanh Hoá, hay Sài Gòn Petro, Công ty rượu Bình Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã bắt đầu làm ethanol. Còn tại khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long, ở Cần Thơ có những công ty đã thử sản xuất ra loại dầu bio diesel, làm từ mỡ cá tra và cá ba sa. Từ năm ngoái chẳng hạn, công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Tú đã khởi công làm nhà máy sản xuất dầu bio diesel, đầu tư một khoảng tiền khá lớn 12 tỷ đồng.
 
Nhiên liệu sinh học chưa phát triển vì thiếu đồng bộ

Nhận thức đã có, tiềm năng cũng có, nghiên cứu khoa học cũng có, các thử nghiệm ban đầu cũng đã mang lại kết quả, tại sao việc sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam chưa phát triển. Theo các nhà quan sát đó là vì vấn đề còn quá mớI mẻ, các nỗ lực, sáng kiến vẫn còn mang tính chất cục bộ, chưa đồng bộ.

Quyết định tạm ngừng sử dụng xăng pha ethanol, sau khi thử tung ra thị trường Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua đã phản ánh rõ tình hình này, vì sau khi cho bán thí điểm, nhiều ngườI đã cho rằng vấn đề nghiên cứu chưa thấu đáo, chưa lường hết cái hại đối vớI các loại động cơ sử dụng nhiên liệu này, vấn đề liều lượng cồn ethanol pha vào xăng cũng chưa xác định cụ thể.

Hay là việc sử dụng dầu diesel làm từ mỡ cá basa để chạy máy nổ ở miền Nam, thoạt đầu cũng đã gặp chống đối vì bị cho là làm máy hỏng hóc, sau đó khi tìm hiểu thêm thì mới vỡ lẽ là hiện tượng đó do một số thương nhân hám lợi, đã trộn hẳn mỡ cá chưa xử lý vào dầu diesel khoáng sản rồi bán ra cho khách hàng.

Trung Tâm Hỗ trợ các Chương trình Phát triển Xã hội tại Hà Nội.

Trung Tâm Hỗ trợ các Chương trình Phát triển Xã hội tại Hà Nội.

Theo anh Vũ Thế Long, Phó giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ các Chương trình Phát triển Xã hộI tại Hà NộI, một ngườI rất quan tâm đến vần đề bảo vệ môi trường, thì các trục trặc kể trên là lẽ thường tình khi ta lao vào một lãnh vực mới. Vấn đề là ngay từ lúc này, phải chú ý nhiều hơn đến lãnh vực năng lượng sinh học để giảm bớt tác hại cho môi trường. Trả lờI phỏng vấn của RFI, anh Vũ Thế Long trước tîên xác định là Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương phát triển năng lượng sinh học. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực hiện các chính sách đó vì còn nhiều điểm phải giải quyết thích đáng.

''Hiện nay tôi được biết là Nhà nước có kế hoạch cho đến năm 2020, năng lượng sinh học được đưa vào sử dụng sẽ lên đến khoảng 20%. Nếu làm được thì rất tốt. Đã có một số công ty chuẩn bị làm nhà máy cồn, vớI nguyên liệu lấy từ sắn (khoai mì).
Trên thế giới hiện đang có tranh luận, nhiều người cho là nếu dùng sắn hay dùng miá, để mà biến thành cồn ethanol chạy xe, thay xăng thì nó sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn lương thực.  Đây là một vấn đề ta phải hết sức thận trọng : không nên hy sinh cây lương thực mà nên chú ý là chỉ vùng nào mà đất cát không thể nào trồng cái khác thì ta nên trồng những cây năng lượng sinh học thì tốt.
Ngoài ra thì còn một vấn đề thứ hai là nếu ta trồng sắn, nhiều quá mà thiếu chú ý đến môi trường, thì loại cây sắn ấy có thể làm đất dai sói mòn. Do đó, phải quy hoạch vùng rừng và những phần đất đai, làm sao cho nó hài hoà, không tổn hại môi trường, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đồng thời giúp ta có môt nguồn năng lượng tự nhiên và chủ động. Lý do là vì trước sau gì, khoảng 20 năm nữa, năng lượng hoá thạch có thể hết đi, cho nên ta phải làm sao có kế hoạch thay thế.

Một đồn điền cà phê ở Việt Nam.

Một đồn điền cà phê ở Việt Nam.

Còn một yếu tố thứ ba : hiện nay ở vùng đồi núi miền Trung, người ta trồng rất nhiều loại cây, nhưng mà khi trồng phải tính vấn đề thu hoạch, luân canh. Ví dụ bây giờ đồng loạt trồng sắn thì nó phủ lên đất đai, đồng loat thu hoạch thì đất lại trọc, thì như thế lại không ổn, cho nên phải có kế hoạch trồng xen kẽ, luân canh như thế nào để môi trường luôn luôn được ổn định, chứ không thì khi thu hoạch sắn xong thì đất bị trơ trụi như bị cạo trọc đầu thì không bảo vệ được môi trường. Đấy là một vần đề ta cần quan tâm.
Sau cùng cũng nên chú ý đến các vùng gọi là bị xa lin hoá, tức là vùng ven biển, nước mặn ngấm vào. Trồng những cây khác không tác dụng gì cả. Trên thế giới hiện nay đã có những kỹ thuật trồng miá hoặc một số loại cây ở chỗ đó để mà nó chiụ được và sinh ra năng lượng, lấy cái đó làm lên men để làm ethanol thì vẫn được''
.

Các sáng kiến cần mở rộng quy mô áp dụng

Đối vớI anh Long, các sáng kiến sử dụng mỡ cá ba sa để làm diesel sinh học, hay việc đẩy mạnh trồng cây jatropha ở các vùng khô cằn để làm nhiên liệu sinh học là những hướng đi rất cần thiết, vấn đề là phải mở rộng trên một quy mô rộng lớn.

''Mỡ cá ba sa thải vào môi trường rất hại. Về kỹ thuật thì các nhà hoá học, các nhà làm sinh hoá thì họ có thể giải quyết được. Khi ta làm thì có thành công, có thất bại. Vả lại mình không phải là người đầu tiên ở thế giớI nghĩ tớI việc này. Tôi thấy ở bên Anh, có những gia đình họ đi thu mỡ ở các quán ăn chuyển thành năng lượng chạy máy kéo của họ. Ở Việt Nam, mỡ trong các nhà hàng Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, rán dầu khét đổ đi, đổ thẳng xuống cống, gây hại rất lớn cho môi trường. Tại sao không tổ chức thu mỡ ăn của từng gia đình, từng nhà hàng, gom lại chuyển thành năng lượng . Điều đó rất hay. Mỡ cá basa là một trong những sản phẩm mà tôi nghĩ là trước sau gì cũng phải xử lý. Và nguờI ta đã làm rồi, nhưng có điều là vận dụng nó vào hệ máy nào, vào động cơ diesel nào, cải tiến cái gì, thì đấy là vấn đề cần phải làm.
Tôi nghĩ là mình phải tổ chức một mạng lướI thật tốt, và có hiệu quả kinh tế. Công ty nào đầu tư thì có lãi, người dân dùng phải có lợi. Chứ bây giờ nghiên cứu về lý thuyết không, không có điều kiện thực hành thì nghiên cứu của chúng ta chỉ để ngăn kéo thôi, được giải thưởng sau đó lại cất đi, rất là tiếc.  Ở Việt Nam, cái khâu ấy chưa đồng bộ, tôi nghĩ trước sau gì cũng phải làm.
Việc trồng cây cọc rào, cây dầu mè Jathropa cũng thế. Đấy cũng là một cái giải pháp bảo vệ môi trường, và sinh ra được một nguồn năng lượng tái tạo sạch sẽ. Cụ thể như là vùng Tây Bắc Việt Nam, hiện có 1,26 triệu ha, mà đất đầu nguồn hay bị xói lở. Vùng đó trồng những cây khác thì khó, nhưng mà cây dầu mè mà trồng ở đó thì có thể đem lại lợI ích cho người nông dân và có thể chế bién thanh cái nguồn diesel rất là lớn cho Việt Nam và bảo vệ được môi trường.
Mấy tháng trước tôi có dịp đi dọc ven biển miền Trung, tôi thấy đây là một cái vùng chan chan nắng cát, không có cây gì mọc được. Thế nhưng ở đấy, cây jatropha vẫn mọc được vì chịu hạn và nó rất dễ sống. Nhưng chỉ còn cái vấn đề là cái năng suất sinh học của nó bao nhiêu mà thôi. Tôi nghĩ cái cây này đem trồng ở vùng cát ven biển chẳng trồng được cây gì khác, thì cũng giúp giữ được độ ẩm, rồi nó sinh ra những cái sinh khối để có thể làm phân bón, đồng thời cái hạt của nó có thể lấy ra ép để mà chế biến thành dầu diesel sinh học, thì cái vùng này có thể có triển vọng. Thế nhưng hiện nay chưa có một cái đầu tư nào để mà thử nghiệm, đi đến cái quy hoạch lớn hơn.''

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích cụ thể

Sau cùng theo anh Vũ Thế Long, để đẩy mạnh việc phát triển năng lượng sinh học, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích cụ thể để loại nhiên liệu này được toàn thể người dân ủng hộ.

'' Tôi nghĩ phải có một chính sách khuyến khích, Nhà nước khuyến khích đồng bộ, để sử dụng những năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng sinh học. Để làm việc này phải tập trung môt số nhà khoa học, cùng ngồi vớI nhau, trong đó có cả giớI khoa học xã hộI lẫn khoa học tự nhiên, bởi vì nếu kỹ thuật xong rồi mà đưa đến ngườI dân, ngườI ta không ủng hộ, thì cũng không thành công.
Tôi lấy ví dụ 1 số cây chúng ta đã trồng mà không thành công, không phải là về năng lượng. Vì sao ? có thể là nghien cưú khoa học chưa thấu đáo, ta trồng nhằm những thứ cây, tốn bao nhiêu sức cuối cùng phá rừng mà chẳng lam gì được. Cách đây 20 năm, một vùng ở miền Trung có dự án trồng cacao. Đây là loại cây rất giá trị trên thế giới. Thế nhưng khi chúng ta trồng thì không tính đến cái chuyện là thu hoạch được thì chế biến như thế nào ? Bà con nhiều khi bỏ vốn trồng xong, đến lúc thu hoạch thì chẳng biết làm thế nào, không biết cho lợn ăn, nó có ăn hay không ? Cái cây đó nó phải có quá trình lên men, chế biến ngay sau thu hoạch, bán nguyên liệu thô cho các xưởng làm chocolat, mình thì chưa có những cái đó. Cho nên những cái thu hoạch đó cũng phải tính toán.
Nhìn chung ta phải tính toán nhiều mặt, phải tính mặt tốt và cả mặt rủi ro. Các cụ hay nói 3 lần đo, một lần cắt. Thì trong kế hoạch về sinh học, môi trường, năng lượng, phải đo rất kỹ, tính rất kỹ và có thực nghiệm, và cần phải có sự phản biện của các nhà khoa học. Chứ không phải hứng lên, đầu tư bừa đi rồi cuối cùng đến khi mà thất bại thì không biết đổ vào đâu và điều đó hại vô cùng. Tôi nghĩ là về chính sách năng lượng chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính nhiều chiều, phải có tính bền vững.  Ta phải tính đến cái mặt khoa học của nó, nhưng mà đồng thờI cũng phải tính đến yếu tố xã hội. Khi có giải pháp khoa học đúng đắn rồi mà không tổ chức xã hội cho họ tuân thủ, họ ủng hộ, và giới sản xuất họ không thấy cái lợi, thì có khi kế hoạch tốt mà họ không làm thì cũng vô ích thôi.''