![]() |
Đức Tâm
Bài đăng ngày 17/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 17/12/2008 15:49 TU
Chỉ còn hơn một tháng nữa ông Barack Obama vào Nhà Trắng. Vậy giới phân tích của Pháp nhìn nhận tân tổng thống Mỹ ra sao, bình luận gì về việc chỉ định các thành viên nội các, về đường hướng chính sách đối ngoại của ông, trong bối cảnh nước Mỹ đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Chúng tôi xin trích dịch phân tích của một số chuyên gia Pháp tham gia chương trình « Địa lý chính trị » của RFI, phát thanh cuối tuần qua. Đó là các ông Dominique Moïsi, chuyên gia quan hệ quốc tế, sáng lập viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI, Philippe Golub, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Hoa Kỳ ở Paris và Karim Emile Bitar, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược, IRIS.
Nhìn từ Paris, giới chuyên gia Pháp đặc biệt chú ý tới chính sách của Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel, trong quan hệ với châu Âu, Nga và châu Phi.
RFI : Sau hy vọng, phải chăng nước Mỹ đang lo sợ về suy thoái, trưóc khi ông Obama nhậm chức ?
Moïsi : Suy thoái không phải chỉ là một nỗi sợ hãi, đó là một thực tế. Một số người nói rằng đó là một cuộc đại suy thoái. Tôi nghĩ rằng sau một đêm đặc biệt, mồng 4 tháng 11, nước Mỹ đang đứng trước những thực tại kinh tế và xã hội. Và người dân Mỹ có lý khi lo ngại về tương lai. Thách thức mà ông Obama phải đương đầu thật là đặc biệt, nhưng nước Mỹ cũng có một lãnh đạo đặc biệt, trước một hoàn cảnh đặc biệt.
Hiện còn quá sớm để nhận định vai trò của chính sách đối ngoại trong số các ưu tiên của chính quyền mới và trong chính sách đối ngoại này, thì các ưu tiên thực sự là gì. Không nên quên rằng tình hình là một trong số những yếu tố quyết định chính sách. Sự kiện nào sẽ quyết định phương hướng chính sách đối ngoại Hoa Kỳ ? Do vậy, ta cần phải thận trọng khi nhận định vể chính sách đối ngoại của Obama, vì thực ra, chúng ta chưa thể biết được.
RFI : Tuy vậy, cũng có một vài dấu hiệu cho phép chúng ta dự báo. Trong bối cảnh khủng hoảng đang ngày càng nghiêm trọng và tiến triển nhanh, phải chăng nước Mỹ đang hối tiếc là thời gian chuyển tiếp chính quyền quá lâu, hơn hai tháng, sau ngày bầu cử thì ông Obama mới nhậm chức ?
Emile Bitar : Quá trình chuyển giao quyền lực chậm chạp này có nguồn gốc lịch sử của nó. Trước đây, người ta đi bằng xe ngựa chuyển kết quả kiểm phiếu đến thủ phủ mỗi bang, rồi lại chuyển lên thủ đô Wahshington để tổng kết lại.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thời gian chuyển giao dài cũng có những cái hay mà người ta thường ít thấy. Đây là thời gian cho phép đánh giá, tổng kết tình hình, xem xét kỹ lưỡng việc chỉ định thành viên nội các mới. Trong hoàn cảnh hiện nay, có thể điều này lại càng tốt, tránh cho ông Obama, ngay từ tối mồng 4 tháng 11 năm 2008, phải đứng ra cáng đáng sức nặng của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoành hành nước Mỹ. Ông có thời gian để lập một ê-quíp gắn bó, làm việc có hiệu quả, bao gồm những nhân vật ôn hòa, “cánh trung”, không làm cho phe tả trong đảng Dân Chủ thất vọng. Có thể nói, ông đã có thời gian để lập ra một nội các sẵn sàng hành động.
RFI : Thành phần mới gồm có bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng, ông Robert Gates tiếp tục đảm nhiệm chức bộ trưởng Quốc phòng. Một chuyên gia về NATO, ông James Jones làm cố vấn về an ninh cho tổng thống. Ông Timothy Geithner được chỉ định làm bộ trưỏng Tài chính. Các ông bình luận gì về những bổ nhiệm này ?
Golub : Tôi muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng của Mỹ mà của toàn thế giới. Trong bối cảnh này, ông Obama đã chỉ định những nhân vật vừa chịu trách nhiệm xử lý công việc hàng ngày trong quan hệ quốc tế, về an ninh. Ông Robert Gates tiếp tục công việc trong khuôn khổ hoạt động triển khai lại binh sĩ ở Irak, Afghanistan.
RFI : Liệu cuộc khủng hoảng có gây khó khăn hay không cho ông Obama thực hiện mục tiêu khôi phục hình ảnh của nước Mỹ ?
Moïsi : Tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu, dễ làm nhất là tái lập hình ảnh đạo lý của một nước Mỹ trong con mắt cộng đồng quốc tế, như đóng cửa nhà tù Guantanamo, không để tái diễn những gì đã xẩy ra ở nhà tù Abu Ghraib tại Irak. Tất cả những điều này sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng.
Cái khó nhất là tái lập vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ về chính trị và chiến lược. Từ trước tới nay, ngưòi dân Mỹ coi đây như là một sứ mệnh. Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn khi phải hành động trong một thế giới đa cực. Vậy làm thế nào thực hiện sứ mệnh này khi mà sức mạnh của Mỹ đã phần nào suy giảm, Trung Quốc đang mạnh lên, Ấn Độ cũng vậy và trong một chừng mực nào đó là cả Nga nữa.
Có thể nói, nước Mỹ có một vị lãnh đạo đặc biệt, ông Obama. Mọi người hy vọng nhiều, nhưng các phương tiện của nước Mỹ lại bị hạn chế trong bối cảnh một thế giới đa cực đang hình thành.
Ở đây, tôi nghĩ cần phải phân biệt giữa tính đa phương và thế giới đa cực. Giờ đây, Hoa Kỳ thừa nhận sự cần thiết của các tổ chức quốc tế đa phương. Họ nói một cách tích cực về Liên Hiệp Quốc và các tổ chức trực thuộc. Họ chấp nhận G 20. Nhưng đó là đối với các định chế quốc tế, các công cụ của cộng đồng quốc tế.
Điều mà Hoa Kỳ khó chấp nhận hơn cả, đó là sự tồn tại một thế giới đa cực, tức là một thế giới không chỉ quay quanh Hoa Kỳ mà còn có nhiều cực khác. Chuyển từ đơn cực sang đa cực là cả một sự khó khăn về tâm lý đối với Hoa Kỳ.
RFI : Phải chăng mọi việc thay đổi nhanh hơn tâm lý ?
Emile Bitar : Điều đáng chú ý là ngoài các tên tuổi được chỉ định tham gia nội các, ông Obama vẫn tiếp tục tham khảo ý kiến một số các nhân vật biểu tượng cho Realpolitik, như Brent Scowcroft, cựu cố vấn của tổng thống Bush cha, Zbigniew Brezinsky, cựu cố vấn an ninh của tổng thống Carter. Chính những nhân vật này lại ủng hộ mạnh mẽ một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột Palestine-Israel.
Điều trái ngược và thậm chí mang lại hy vọng là cách tiếp cận vấn đề một cách thực dụng như vậy đang dần dần trở thành hiện thực, thông qua đảng Dân Chủ, thông qua ông Barack Obama. Có thể nói, người ta đã tìm ra một cách tiếp cận đúng, vấn đề còn lại là liệu người ta có lòng can đảm để tập trung giải quyết các hồ sơ nóng bỏng hay không, đặc biệt là cuộc xung đột Israel-Palestine.
Golub : Khi xem xét những yếu tố cấu thành sức mạnh, người ta nhận thấy là Mỹ chiếm vị trí thống trị không thể chối cãi được trong hệ thống an ninh thế giới. Chi phí quốc phòng của Mỹ tương đương 48% tổng chi phí toàn thế giới cho quốc phòng. Nếu tính thêm chi phí của các đồng minh của Mỹ, như các thành viên khối NATO và một số nước khác, thì con số này lên tới 85%. Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 6 đến 10%, Liên bang Nga khoảng 6 - 7%. Thế nhưng, nguời ta nhận thấy là hệ thống khổng lồ về an ninh và quốc phòng này giờ đây không phục vụ được gì nhiều cho lắm.
Yếu tố sức mạnh được chú ý rất nhiều trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, chính yếu tố này là cơ sở cho sự hình thành một thế giới đơn cực vơí sự thống trị của Mỹ. Giờ đây, yếu tố sức mạnh này không còn nhiều ý nghĩa. Một thế giới đa cực về kinh tế dẫn tới một sự sắp xếp lại về sức mạnh và các yếu tố cấu thành sức mạnh. Không ai có thể hình dung là sẽ xẩy ra một cuộc đại chiến giữa những cường quốc, ví dụ giữa Nga – Mỹ hay Trung Quốc – Mỹ.
Nhưng theo tôi, cuộc khủng hoảng có thể làm dấy lên tư tuởng bảo hộ mậu dịch, co cụm lại, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trầm trọng hơn ở một số thành phần nào đó, không chỉ ở Mỹ. Hậu quả là hệ thống an ninh quốc tế bị phân chia trầm trọng.
RFI : Liệu nước Mỹ có co cụm lại do khủng hoảng hay không ?
Moïsi : Không, tôi không tin vào khả năng này. Tôi cũng không tin là nưóc Mỹ sẽ quay trở lại những hình thức bảo hộ mậu dịch cổ điển. Đây là những lo ngại hơi thái quá. Chúng ta đã rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng 1929. Chúng ta biết điều gì đang xẩy ra hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện những hình thức bảo hộ mậu dịch khác, chẳng hạn như trợ cấp cho những ngành công nghiệp quan trọng, ngành xe hơi v.v.
Nhưng câu hỏi thực sự là thái độ của của châu Âu. Liệu có châu Âu mong muốn Hoa Kỳ giữ vai trò trung tâm hay châu Âu sợ hãi điều này ? Hồ sơ xung đột ở Trung Cận Đông là một ví dụ điển hình.
RFI : Về quan hệ với Nga. Phải nói là từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, quan hệ Mỹ-Nga đã không được quan tâm. Phải chăng là ông Obama muốn xem xét lại quan hệ với Matxcơva và nếu vậy thì sẽ làm bằng cách nào ?
Moïsi : Hoa Kỳ đón nhận sự sụp đổ của Liên Xô với tâm trạng xen lẫn giữa thở phào nhẹ nhõm, có phần thờ ơ, với chút ít tư tưởng gia trưởng. Còn châu Âu thì bỏ lỡ cơ hội quan hệ với Nga trong vòng 15 năm qua. Châu Âu đã coi Nga như là một lá bài phục vụ cho lợi ích của phương Tây. Mỹ cũng có chính sách tương tự.
Thế nhưng, chúng ta đã lầm. Nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô, nhất là khi giá một thùng dầu lửa chỉ khoảng 40 đô la. Tuy vậy, phải biết cách đối xử với một nước Nga đầy mặc cảm, đặc biệt là tâm trạng nhục nhã sau khi Liên Xô sụp đổ. Đồng thời cũng phải làm cho Matxcơva hiểu được rằng họ không thể muốn làm gì thì làm và bằng bất cứ cách nào.
RFI : Ý ông muốn nói đến cuộc chiến tại Gruzia hè vừa qua ?
Moïsi : Ngoài vấn đề Gruzia, còn có những tuyên bố của Nga về Ukraina, về Belaruss, với đầy những mâu thuẫn. Theo tôi, phương Tây cần phải xác định lại những nguyên tắc trong quan hệ với Nga. Có thể không nên nhấn mạnh đến việc mở rộng khối NATO, như phương Tây đã làm một cách thiếu thận trọng.
RFI : Hình như mọi người đều hiểu ra điều này.
Moïsi : Đúng vậy. Tiến trình mở rộng khối NATO đã bị dừng lại sau những biến động tại Kavkaz và cuộc phiêu lưu tự sát của tổng thống Gruzia mà Nga đã khai thác một cách tàn nhẫn. Nhưng đồng thời, châu Âu cần phải làm cho Nga hiểu rằng tham vọng trở thành một siêu cường của họ cũng có giới hạn. Phải chăng tư duy của Nga là “tôi làm các anh sợ, vậy tôi tồn tại”. Nếu vậy, thì phải nói cho nước Nga biết là họ có thể tồn tại một cách khác và tốt hơn.
Emile Bitar : Tôi nghĩ trong quan hệ với Nga, vấn đề biểu tượng, quan hệ cá nhân có vai trò quan trọng. Mọi người còn nhớ là sau loạt khủng bố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, tổng thống Putine đã gọi điện thoại cho tổng thống Bush, đã yêu cầu cơ quan tình báo Nga hợp tác với các đồng nghiệp Mỹ, ông ta có thái độ rất cởi mở. Quan hệ cá nhân giữa hai người được thiết lập trong thời kỳ này và khá tốt đẹp. Sau đó, đã xẩy ra một loạt những trục trặc, không hiểu nhau.
Do vậy, trong thời gian tới, điều cơ bản là những tình cảm, những biểu tượng, các quan hệ cá nhân mà ông Obama có thể thiết lập với phần còn lại của thế giới. Nếu ông duy trì được sự ủng hộ như hiện nay, thì điều này có thể tạo ra nhiều hy vọng.
RFI : Cũng có thể Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi “châu Âu tồn tại một cách khác”. Chẳng hạn Hoa Kỳ sẽ yêu cầu châu Âu tham gia nhiều hơn vào Afghanistan ?
Moïsi : Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, Barack Obama sẽ quay sang châu Âu và bảo “Các anh đã ủng hộ tôi, tôi rất cảm động. Giờ đây tôi cần đến các anh. Các anh hãy biến những ủng hộ mang tính biểu tượng thành các hành động cụ thể. Trước tiên là tôi cần thêm binh sĩ tại Afghanistan v.v.”. Hoa Kỳ sẽ có một danh sách dài các đòi hỏi.
Chắc chắn việc ông Obama thắng cử đã tạo một cơ may cho châu Âu và thế giới, nhưng đây cũng là một trắc nghiệm đối với châu Âu. Liệu chúng ta có thể đáp ứng những mong đợi của nước Mỹ ? Liệu có tồn tại một châu Âu như là một đối tác duy nhất trong lĩnh vực an ninh, có thể đảm đương vai trò của mình giống như Mỹ muốn châu Âu hành động trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
RFI : Liệu châu Phi sẽ có được sự quan tâm nhiều hơn của tổng thống Obama ?
Moïsi : Tôi tin chắc là như vậy. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã làm thay đổi mạnh mẽ tình thế của châu Phi. Thắng lợi của ông Obama được coi như một sự trả thù đối với lịch sử. Châu Phi là một lục địa bị lãng quên, ít được quan tâm, bị xỉ nhục. Do vậy, châu lục này coi đó là thắng lợi của một người châu Phi được bầu làm tổng thống nước Mỹ. Đương nhiên, sự việc không phải là như vậy.
Việc ông Obama trở thành tổng thống nước Mỹ không dẫn đến những thay đôỉ cụ thể hàng ngày tại châu Phi. Ngưòi ta vẫn chết vì dịch tả ở Zimbabwe, các vụ tàn sát vẫn xẩy ra ở Dafur, Sudan, dịch SIDA vẫn hoành hành v.v.
Tuy vậy, tôi cho rằng việc ông Obama thắng cử giống như là một liều thuốc bổ được tiêm vào cánh tay châu Phi và tôi nghĩ, một trong những chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Obama sẽ là sang châu Phi. Cách nay vài năm, khi mới là thượng nghị sĩ, ông đã sang châu Phi. Ông rất xúc động khi đến tham quan hòn đảo nơi Nelson Mandela đã bị giam cầm trong nhiều năm trời. Ông sẽ quan tâm đến châu Phi bởi vì ông hiểu được tầm quan trọng của những biểu tượng trong chính sách đối ngoại.
RFI : Liệu nước Mỹ dưới thời tổng thống Obama sẽ can thiệp hoặc gia tăng sự hiện diện tại châu Phi để chấm dứt những thảm họa, những xung đột đang diễn ra ở châu lục này ?
Moïsi : Barack Obama là một ứng cử viên của thế giới nhưng ông là tổng thống nước Mỹ. Ông có trách nhiệm trước tiên đối với nước Mỹ. Đó là một người Mỹ, có cảm xúc tư duy của người Mỹ, nhưng trong quá khứ, nhờ có thời gian sinh sống tại Indonesia, ông hiểu được đạo Hồi. Qua người cha của mình, ông hiểu châu Phi. Tôi nghĩ cần đọc cuốn sách « Giấc mơ của cha tôi » của ông để hiểu được ông. Và điều quan trọng là chúng ta phải hiểu ông ấy.
Ông Obama đã lựa chọn một ê quíp « cánh trung » bao gồm những người có năng lực, thân phe Clinton, để tránh những chỉ trích của cánh hữu đảng Cộng Hòa. Thực ra, Obama là một con người tự do. Có thể nói là rất tự do so với một vị tổng thống Mỹ. Trong một chừng mực nào đó, ông có thể làm những gì ông muốn, với điều kiện là ông phải làm thành công hoặc tạo cho người ta có cảm giác là ông đã thành công.
Golub : Tôi hoàn toàn đồng ý. Chính ông Obama sẽ quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ, chứ không phải các bộ trưởng hay các bộ nào khác. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng Barack Obam được bầu làm tổng thống Mỹ. Ông kế thừa các cơ cấu và lợi ích của cái gọi là « đế chế Mỹ ». Ông không thể từ bỏ hoặc xem xét lại toàn bộ các cơ cấu và lợi ích này.
Vấn đề đặt ra là ông sẽ xử lý các vấn đề ở những nơi khác nhau trên thế giới ra sao. Đương nhiên, ông có kinh nghiệm là một người tiếp thu nhiều nền văn hóa. Nhưng ông không được bầu lên để tiến hành quản lý việc tháo gỡ, từ bỏ những lợi ích mang tính toàn cầu của nước Mỹ, giống như Churchill được chỉ định là thủ tướng vào năm 1942 để thanh lý « đế chế Anh quốc ».
THỜI SỰ
MỖI NGÀY MỘT SỰ KIỆN
PHỎNG VẤN
ĐIỂM BÁO