Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Việt Nam tránh được khủng hoảng tài chánh, nhưng đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế

 Mai Vân

Bài đăng ngày 18/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 18/12/2008 20:33 TU

Lúa gạo Việt Nam xuống giá vào cuối năm 2008.(Ảnh : Reuters)

Lúa gạo Việt Nam xuống giá vào cuối năm 2008.
(Ảnh : Reuters)

Vào giữa năm 2008, nhiều người đã dự báo ''thảm họa tài chánh'' cho Việt Nam. Sáu tháng sau, thực tế cho thấy Việt Nam đã cải thiện được tình hình. Điều này đã được hãng tin Đức DPA (15/12/2008) xem là một thành công của Việt Nam trong năm 2008. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ ứng phó thế nào vơí tác hại dự báo là nặng nề hơn, từ cuộc khủng hoảng toàn cầu.
''Dù né được cuộc khủng hoảng tài chánh trong nước, Việt Nam vẫn bị tổn thương''. Dưới tưạ đề trên đây, hãng thông tấn Đức DPA đã tổng kết tình hình kinh tế Việt Nam năm 2008, nêu bật thành công của Việt Nam trong
việc hoá giải nguy cơ khủng hoảng tài chánh đến từ nạn lạm phát phi mã, nhưng đồng thời tự hỏi là Việt Nam sẽ làm thế nào để khắc phục tác hại đến từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tác giả bài phân tích trước tiên đã ghi nhận dự đoán bi quan khá vội vã của một số định chế tài chánh vào giữa năm 2008, khi tốc độ lạm phát tại Việt Nam tăng nhanh đều đặn.

Ba định chế dự báo thảm họa đều bị khủng hoảng

Ngày 28 tháng 5, một chuyên gia phân tích ngoại hối của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley đã tung ra một báo cáo gây chấn động tại Việt Nam. Theo báo cáo này, với nạn lạm phát và thâm thủng mậu dịch tăng vọt, đồng tiền Việt Nam bị đe doạ nghiêm trọng, tỷ giá đồng bạc Việt Nam so với đồng đô la sẽ rơi mạnh trong vòng 12 tháng, xuống còn  23.000 đồng đổi lấy một đôla, 50% hơn giá chính thức là 16.600 đồng. Theo báo cáo này, nếu Việt Nam không nhanh chóng để cho đồng tiền của mình giảm giá, thì, đồng bạc Việt Nam sẽ có thể sụp đổ vào cuối năm.

Bià bản báo cáo của Merrill Lynch về cú sốc lạm phát tại Việt Nam.

Bià bản báo cáo của Merrill Lynch về cú sốc lạm phát tại Việt Nam.

Báo cáo của Morgan Stanley nằm trong một loạt những dự báo đen tội về Việt Nam tung ra vào giữa năm. Ngân hàng Đức Deutshe Bank tiên đoán là đồng bạc Việt nam sẽ mất giá đến 30%, Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch thì nói đến ''một cú  sốc lạm phát'' có thể dẫn đến hiện tượng thất thoát vốn ồ ạt.
Nhìn lại các sự kiện diễn ra từ lúc đó đến nay, tác giả bài phân tích của hãng DPA nhận định một cách hóm hỉnh  : ''6 tháng sau, Merril Lynch đã phải tự bán mình cho ngân hàng Bank of America để tránh phá sản, trong lúc Morgan Stanley và Deutsche bank bị thua lỗ nặng đã phải cắt xén tiền lương lãnh đạo của họ''. Còn Việt Nam, thì một mặt đã giảm được lạm phát, mặt khác bảo vệ được tiền đồng không suy sụp và vẫn giữ được mức giá  của tháng 5. Bài viết cho là ''Việt Nam vẫn có một thái độ khiêm tốn của Khổng giáo, cho nên khó mà thấy lãnh đạo Việt Nam nói nhũng điều như 'đấy chúng tôi thì có lý, còn các anh thì lại vỡ nợ''.
Hơn nữa, cũng theo DPA, nỗ lực của Viêt Nam trong việc chống lạm phát và đồng thời duy trì chính sách tiền tệ của mình, đã có dáng dấp của một tiền lệ về những kiểu chính quyền can thiệp mà người ta đang thấy lan tràn trong các nền kinh tế khác trên thế giới từ lúc đó đến nay. Thay vì phải  đứng ngoài, không can dự vào việc điều hành ngành tài chính, ngược lại, chính phủ Việt Nam đã can thiệp rất mạnh. Trong lúc giới phân tích còn chưa nhất trí với nhau về hiệu quả chung cuộc của các biện pháp này, thì phương thức Việt Nam áp dụng đã tỏ ra đủ hiệu nghiệm để tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính trong nước. Vấn đề bây giờ chỉ còn là đối phó với khủng hoảng toàn cầu !

Bí quyết chống lạm phát tại Việt Nam

Khó khăn của Việt Nam khởi sự ngay từ đầu năm 2008. Trước đó, nước này vẫn là con cưng của các nhà đầu tư thế giới, và nhận được  hơn 20 tỷ đôla tiền cam kết đầu tư trực tiếp mới trong năm 2007, với hơn 6 tỷ đã được tháo khoán. Trong một nền kinh tế trị giá 80 tỷ đôla, khoản tiền như thế rất lớn.

Tỷ giá  tiền Đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ vào cuối năm 2008 gần tương đương với mức giữa năm.(Ảnh : Reuters)

Tỷ giá tiền Đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ vào cuối năm 2008 gần tương đương với mức giữa năm.
(Ảnh : Reuters)

Ngoại tệ đổ vào Việt Nam khiến đồng bạc tăng giá, đe doạ sức cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã hạ hối suất bằng cách tung tiền đồng mua lại đôla từ các ngân hàng.
Điều này đã khiến các ngân hàng thương mại Việt Nam tràn ngập tiền đồng, và họ lại đổ trở lại ra thị trường, gây ra lạm phát.

Vào tháng 2, lạm phát tăng lên 15%, qua tháng 5, giá cả tăng 3,9% trong vòng 1 tháng. Giá cả cũng tăng do giá dầu và lương thực thế giới tăng lên. Việt Nam, nước xuất khẩu thứ nhì thế giới cũng đã đóng góp phần làm tình hình nghiêm trọng hơn, khi quyết định vào tháng 3, tạm ngưng xuất khẩu để bảo đảm an toàn lương thực trong nước. Giá gạo thế giới đã tăng gấp đôi.

Chính phủ Việt Nam đã tìm cách làm giảm giá, khống chế giá cả các mặt hàng cơ bản như dầu hoả và thép, nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để thu hồi lượng tiền dư, đồng thời nâng lãi suất, bước đầu lên 12% vào tháng 5, sau đó lên 14% vào tháng 6. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại lên đến 21%.

Cuối cùng thì chính phủ Việtnam đã làm một việc mà nhiều chinh phủ phương Tây có thể cho là kỳ quái : đó là ra lệnh cho ngân hàng ngưng cho vay quá nhiều, đồng thời yêu cầu các công ty nhà nước ngưng chi tiền trong những vụ đầu cơ không liên quan gì đến hoạt động chính của họ.

Vấn đề chưa rõ ràng, theo hãng tin DPA, là liệu pháp của chính phủ Việt Nam có kết quả đến đâu. Theo chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus vào vào thời đó, thì cách làm như trên thường nằm trong quan điểm truyền thống của Việt Nam, nhưng các nhà kinh tế cho là khó thể chứng minh hiệu quả. Nhưng cho dù có phải là vì các tập đoàn Nhà nước đã đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ và giảm các chi tiêu không cần thiết, hay là vì giá lương thực và dầu hoả thế giới đã giảm đi, hoặc là lãi suất cao đã khiến tín dụng hiếm đi, dẫu sao thì trong thực tế, lạm phát bắt đầu giảm.

Sơ đồ của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho thấy lạm phát tại Việt Nam tăng vọt trong năm 2008 trước khi bắt đầu giảm từ tháng 9.(Nguồn : ADB)

Sơ đồ của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho thấy lạm phát tại Việt Nam tăng vọt trong năm 2008 trước khi bắt đầu giảm từ tháng 9.
(Nguồn : ADB)

Trong tháng 9, lạm phát chỉ còn là 0,2% trong 1 tháng. Qua tháng 10 và 11, giá cả đã giảm. Cách nay vài tháng, giới phân tích lo ngại về tình trạng lạm phát phi mã, giờ đây họ lo sợ nguy cơ giảm phát. Vào tháng sáu, dân chúng ồ ạt đi mua gạo, sợ giá cả tănh mạnh, bây giờ họ đi tìm giá hời, vì giá cả tiếp tục giảm từ tháng này sang tháng nọ.

Tín dụng khó khăn đã giúp Việt Nam giảm được thất thu thương mại.
Vào mùa hè thâm thủng mậu dịch được ước tính 20 tỷ đôla cho năm 2008. Bây giờ người ta nói đến con số không đầy 17 tỷ đôla. Kềm hãm lạm phát, duy trì thất thu thương mại ở mức không quá cao, đeiu này đã giúp Việt Nam tránh được việc bị giớí đầu tư hoàn toàn mất tin tưởng. Tỷ giá đồng tiền Việt Nam vẫn ở mức như vào tháng 5, tức khoảng 16,600 đồng một đôla.

Nhiều áp lực mới

Nhưng với tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, Việt Nam lại đứng trưóc nhiều sức ép mới, trong khi ngay trong ngôi nhà của mình thì cũng còn nhiều vấn đề. ''Nói một cách nghiêm túc, Việt Nam chưa thật sự thoát khỏi bất ổn định kinh tế vĩ mô''. Ông Võ Trí Thành, Viện  Quản lý Kinh tế Trung Ương đã nhận định như trên.

Nhu cầu hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt những sản phẩm gỗ, bắt đầu giảm mạnh vào tháng 9 do kinh tế suy thoái ở Hoa Kỳ và Châu Äu.
Chính phủ Việt Nam đã đối phó với tình hình bằng cách nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất xuống còn 10% và ra chỉ thị cho ngân hàng cho những nhà xuất khẩu nông sản vay vốn với lãi suất thấp.

Với chính sách tiền tệ được nới lỏng thì đồng bạc Việt Nam bắt đầu xuống giá trên thị trường chợ đen, 17,400 đồng ăn một đôla vào ngày 10 tháng 12. Một báo cáo của công ty đầu tư Vietnam Asset Management ghi nhận : chính suy nghĩ là đồng bạc Việt Nam sẽ phải giảm giá để hổ trợ xuất khẩu đã khiến cho đồng tiền Việt Nam tuột giá trên thị trường chợ đen.

Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều rủi ro khi mà lợi tức khách hàng của họ, các nhà xuất khẩu bị giảm sụt. Một bản báo cáo của PricewaterhouseCoopers cảnh báo : ngoài việc phải chịu tác động từ các khó khăn kinh tế vĩ mô, các ngân hàng Việt Nam còn phải chiụ hậu quả các món nợ khó đòi trong quá khứ.

Năm 2009, Việt Nam sẽ phải trầy trật để tìm đuợc nguồn đầu tư nước ngoài, đủ để bù đắp thiếu hụt trong cán cân thương mại. Khó khăn lớn nhất đến từ khủng hoảng tài chính thế giới, khiến cho ít ai hứng thú với việc đầu tư.

Trong phần kết luận bài tổng kết của hãng DPA nhận xét : ''Khi nhìn lại năm 2008, có lẽ các nhà quan sát tình hình Việt Nam, sẽ có lúc phải nghĩ rằng những lời tiên đoán của các bộ óc tinh tế nhất trong nền tài chính thế giới đã không chính xác bằng tiên liệu của chính quyền Cộng sản ở Hà Nội.