Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Lưu vực sông Mêkông : "kho báu sinh học" cần bảo tồn

 Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 19/12/2008 Cập nhật lần cuối ngày 19/12/2008 19:08 TU

Dòng Mêkông, khúc chẩy qua biên giới Lào-Thái lan(Ảnh : WWF-Canon/Gerald S Cubbit)

Dòng Mêkông, khúc chẩy qua biên giới Lào-Thái lan
(Ảnh : WWF-Canon/Gerald S Cubbit)

Trong vòng 10 năm (1997-2007), giới nghiên cứu đã khám phá ra hơn một nghìn loài thực vật và động vật mới tại vùng lưu vực sông Mêkông bao gồm 6 nước Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc. Khi công bố các phát hiện nói trên ngày 15/12/2008, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF đã báo động : kho tàng sinh học vô giá này có thể bị công cuộc phát triển kinh tế hủy hoại nếu không được quan tâm bảo vệ đúng mức.

Khu vực sông Mêkông chảy qua, được gọi chung dưới tên Tiểu Vùng Sông Mêkông, nổi tiếng là một nơi cực kỳ đa đạng về mặt sinh học, với khoảng 20.000 loài cây cỏ, 1.300 loài cá, 1.200 loài chim, 800 loài rắn, ếch nhái, 430 loài động vật có vú... Nếu tính về chiều dài, dòng Mêkông là con sông có tính chất đa dạng sinh học cao nhất hành tinh, có mật độ thực vật và động vật còn dầy dặc hơn cả sông Amazon vùng Nam Mỹ.

Bià bản báo cáo ''Tiếp xúc đầu tiên với Tiểu Vùng Mêkông'' của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF.(Nguồn : WWF)

Bià bản báo cáo ''Tiếp xúc đầu tiên với Tiểu Vùng Mêkông'' của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF.
(Nguồn : WWF)

Tính chất phong phú của vùng lưu vực sông Mêkông vừa được nêu bật thêm với bản báo cáo mới nhất của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF theo đó trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2007, các nhà khoa học đîa phương và quốc tế đã phát hiện thêm 1068 loài sinh vật mới trong vùng, bao gồm 519 loài cây cỏ, 279 loài cá, 88 loài ếch nhái, 88 loài nhện, không kể đến hàng chục loài rắn rết, thằn lằn, chuột, dơi, chim chóc... Đây quả là một khám phá chưa từng thấy.

Có loài tưởng là đã tuyệt chủng từ hàng triệu năm trước đây  

Loài chuột đá tìm thấy ở Lào được xem là thuộc giống loài đã tuyết chủng 11 triệu năm trước đây.(Ảnh : WWF)

Loài chuột đá tìm thấy ở Lào được xem là thuộc giống loài đã tuyết chủng 11 triệu năm trước đây.
(Ảnh : WWF)

Theo ông Stuart Chapman, giám đốc Chương trình của WWF tại vùng lưu vực sông Mêkông, ''những phát hiện với số lượng to lớn như vậy chỉ thấy trong sách lịch sử mà thôi''. Nhất là khi trong những giống vật tìm thấy, có một loài tưởng như đã tuyệt chủng từ hàng triệu năm nay. Đó là trường hợp một loài chuôt đá ở Lào, tên khoa học là laonastes aenigmamus, được ghi nhận là đại diện duy nhất của một giống chuột đã biến mất trên trái đất cách nay 11 triệu năm.

Giới nghiên cứu đã quan tâm đến các sinh vật tại vùng lưu vực sông Mêkông từ thế kỷ thứ 19, với một số chuyến khảo sát khoa học được thực hiện. Thế nhưng do khu vực liên tiếp bị chiến tranh, công cuộc tìm hiểu đã không tiến triển được bao nhiêu. Phải chờ đến thập niên 1990, khi hoà bình trở lại trong vùng, việc nghiên cứu mới được tái lập.

Nghiên cứu tiến mạnh sau khi tìm ra con sao la ở Việt Nam

Chính vào thời điểm đó mà một số phát hiện tại Việt Nam đã thú hút sự chú ý của cộng đồng khoa học thế giới tới vùng lưu vực sông Mêkông. Sau 50 năm trời chỉ tìm thấy một loài động vật lớn mới thuộc loại có vú trên toàn trái đất, các nhà nghiên cứu đã bất ngờ khám phá ra ba giống động vật có vó mới tại cùng một điạ điểm ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là con sao la (tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis), được phát hiện vào tháng 5/1992 trong Khu bảo tồn thiên nhiên Vụ Quang ở miền Bắc Trung bộ Việt Nam.

Con sao la, động vật có vó tìm thấy ở Việt Nam năm 1992.(Ảnh : WWF)

Con sao la, động vật có vó tìm thấy ở Việt Nam năm 1992.
(Ảnh : WWF)


Chính các khám phá này đã khiến giới khoa học hết sức phấn chấn và liên tiếp tổ chức những chuyến khảo sát trong toàn vùng. Bản báo cáo ngày 15/12/2008 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF là một phần kết quả thu hoạch được.

Tuy nhiên, như ghi nhận của WWF, công cuộc nghiên cứu hệ sinh thái khu vực sông Mêkông chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, và kết quả thu được mới chỉ là bề mặt rất mỏng của cả một kho báu sinh học to lớn. Vấn đề đặt ra là trong thời gian gần đây, chính quyền các nước đã đề ra nhiều biện pháp nhằm khai thác khu vực về phương diện kinh tế, đe doa tính chất đa dạng sinh học của toàn vùng.

Năm loài vừa được tìm thấy (từ T qua P) : hoa; cóc; tôm; rắn lục; nhện.(Nguồn : WWF)

Năm loài vừa được tìm thấy (từ T qua P) : hoa; cóc; tôm; rắn lục; nhện.
(Nguồn : WWF)

 

Các mối đe dọa đã xuất hiện

Bản báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF nêu bật tính chất phong phú và độc đáo của thực vật và động vật sinh sống trong vùng sông Mêkông, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải bảo vệ kho tàng này chống lại nguy cơ hủy diệt đến từ những chính sách phát triển kinh tế thiếu bền vững, chạy theo lợi ích thương mại trước mắt mà lơ là những tác hại lâu dài.

Trước hết, WWF nêu bật tệ nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực một cách quá đáng, vượt quá mức cần thiết cho nhu cầu tại chỗ. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, tác hại của hiện tượng đó ngày nay càng lúc càng được thấy rõ khi nhiều nước trong vùng xuất khẩu những khối lượng lớn tài nguyên thiên nhiên qua Trung Quốc.

Sông Cửu Long là nguồn cung cấp kế sinh nhai và thực phẩm cho khoảng 60 triệu người sinh sống bằng nghề đánh cá. Chỉ riêng người Cambốt thôi cũng đã bắt hàng năm khoảng 2 triệu tấn cá từ sông Mêkông. Thế nhưng, theo tạp chí The New Scientist, số ra tháng 07/2007, do nguồn cá bị cạn đi, hàng năm có tới 7 triệu con rắn nước bị đánh bắt ở vùng Biển Hồ.

Tác hại từ 150 đập nước

Đập Mạn Loan ở Trung Quốc

Đập Mạn Loan ở Trung Quốc

Thế nhưng, ngoài việc nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, theo WWF, vùng lưu vực sông Mêkông còn phải đối phó với nhiều mối đe doạ nghiêm trọng hơn nhiều. Hiện nay, có đến 150 đập thủy điện thuộc loại lớn đã, đang và sẽ được xây dựng trong toàn vùng. Ngoài việc trực tiếp gây tổn hại cho sự đa dạng sinh thái, hủy diệt môi trường sinh sống của nhiều giống loài, những công trình này còn tác hại đáng kể đến nghề cá, đến lưu lượng con sông, cũng như làm sói mòn bờ sông và bờ biển.

Phá rừng làm đồn điền cũng góp phần hủy diệt môi trường sống các loài động thực vật.(Ảnh : WWF-Canon/Alain Compost)

Phá rừng làm đồn điền cũng góp phần hủy diệt môi trường sống các loài động thực vật.
(Ảnh : WWF-Canon/Alain Compost)

Các khu rừng nhiệt đới không gì thay thế được ở trong khu vực cũng đang bị nguy cơ phá hủy. Theo WWF, tình từ thập niên 1990 đến nay, mỗi năm Đông Nam Á bị mất trắng 2,7 triệu hécta rừng. Nguyên nhân chính là việc phá rừng lập đồn điền trồng cacao, cà phê, trà, hạt điều, dừa, cọ để lấy dầu, cao su, miá. Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, việc phá rừng làm đồn điền trồng cây công nghiệp tại các nước Cam Bốt, Lào, Miến Điện, và ở một quy mô ít hơn tại cao nguyên Trung phần Việt Nam và ở tỉnh Vân Nam Trung Quốc, đã làm giảm diện tích rừng mạnh hơn rất nhiều so với việc khai thác gỗ.

Một cửa hàng bán da thú tại Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992(Ảnh : WWF/Canon - Adam Oswell)

Một cửa hàng bán da thú tại Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992
(Ảnh : WWF/Canon - Adam Oswell)

Việc phá rừng làm đồn điền, cũng như việc đốn gỗ, đã mở đường tiến vào nhiều khu vực hẻo lánh, với hệ quả là kích thích tệ nạn buôn lậu gỗ quý và động vật hoang dã. Theo WWF, 70 % loài động vật có vú đặc thù của vùng sông Mêkông bị đe dọa do tệ nạn buôn lậu trên toàn cầu. Trong số này có cả con sao la và 5 loài khỉ vượn chỉ có ở Việt Nam. Ngoài ra còn có các loài cọp, voi, bò rừng đều bị nguy cơ săn bắt quá mức.

Xuất phát từ các nhận xét nêu trên, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF đã kêu gọi các quốc gia trong khu vực nỗ lực hợp tác để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên rất quý giá cho nhân loại.