Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

VIỆT NAM TRONG DÒNG THỜI SỰ

Thất nghiệp gia tăng do suy giảm kinh tế toàn cầu

 Thanh Phương

Bài đăng ngày 12/01/2009 Cập nhật lần cuối ngày 12/01/2009 15:49 TU

Theo số liệu do Tổng cục thống kê công bố vào ngày 31 tháng 12 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 chỉ đạt 6,2%, tuy là cao so với nhiều nước, nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức 8,5 % của năm 2007 và là mức thấp nhất từ gần một thập niên qua ở Việt Nam. Xu hướng sụt giảm sẽ còn tiếp diễn vì theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế trong năm 2009, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chỉ đạt 5%.

Công nhân nhà máy Keyhinge Toy ở Đà Nẵng đình công, ngày 30/01/2008.Ảnh : AFP

Công nhân nhà máy Keyhinge Toy ở Đà Nẵng đình công, ngày 30/01/2008.
Ảnh : AFP

Hai nguyên nhân chính khiến mức tăng trưởng chậm lại như vậy đó là lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong năm 2008, mức lạm phát ở Việt Nam đã lên tới gần 23%, tuy thấp hơn một ít so với mức mà người ta chờ đợi, nhưng rõ ràng năm 2008 đã là năm mà vật giá leo thang rất nhiều. Để kềm chế lạm phát, chính phủ đã siết chặt nguồn tín dụng, cho nên các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cỡ nhỏ và cỡ vừa, càng gặp thêm khó khăn trong việc kiếm vốn đầu tư.

Bên cạnh lý do lạm phát, Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm tăng trưởng toàn cầu, nhất là vì kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư ngoại quốc và xuất khẩu ( đặc biệt là sang Hoa Kỳ và châu Âu ). Danh sách các doanh nghiệp phải giải thể, ngưng hoạt động, thu hẹp sản xuất ngày càng nhiều. Hậu quả là nạn thất nghiệp sẽ tăng cao ở Việt Nam trong năm nay.

Ngay từ tháng 12 năm trước, như hãng sản xuất của tập đoàn điện tử Canon tại Hà Nội đã loan báo sẽ cắt giảm 2000 việc làm. Trước đó, hãng Nissei Electric cũng xóa bỏ 300 việc làm tại nhà máy của công ty này ở Hà Nội. Tại Sài Gòn, theo tin từ Liên Đoàn Lao Động của thành phố, chỉ tính riêng trong tháng 11, các chủ doanh nghiệp tại đây đã cắt giảm tổng cộng 30000 việc làm.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, số người thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay là khoảng trên 1 triệu người. Trên báo chí Việt Nam tuần trước, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Việc Làm thuộc bộ Lao Động cho biết là trong năm 2009, sẽ có thêm 300 người thất nghiệp, giảm việc. Nhưng báo chí trong nước dự đoán là con số người thất nghiệp có thể lên tới cả triệu, chứ không phải chỉ có 300 ngàn. Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào tuần trước, kinh tế gia Lê Đăng Doanh cũng cho rằng con số cả triệu người thất nghiệp là không xa với thực tế.

Malaysia, nơi mà bình thường vẫn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất ( khoảng 30000 người ) thì năm qua chỉ tiếp nhận khoảng hơn 7000 người và từ giữa tháng 12 vừa qua đã loan báo tạm ngưng tuyển dụng lao động nước ngoài, do trong nước này thất nghiệp gia tăng. Thị trường Đài Loan trong những tháng đầu năm đã vươn lên đứng đầu về khả năng tiếp nhận lao động Việt Nam, tức là hơn 30000 người, nhưng những tháng cuối năm đã có dấu hiệu chựng lại, do nhiều doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, đóng cửa một phần hoặc toàn bộ các công xưởng.

Tính trên toàn Việt Nam hiện nay có khoảng 44 triệu người trong độ tuổi lao động, chưa kể 1,7 triệu người đến độ tuổi lao động cần có việc làm trong năm nay. Cho nên để ngăn chận nạn thất nghiệp, thì phải sớm vực dậy nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã dự trù một kế hoạch kích thích nền kinh tế với ngân sách lên tới 6 tỷ đôla. Kế hoạch này liệu có thể giúp tạo thêm công ăn việc làm hay không ?

Trước mắt, ai cũng thấy rằng năm 2009 sẽ là năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động. Riêng đối với người lao động bị thất nghiệp, đời sống của họ sẽ ra sao ? Quy định về Bảo Hiểm Thất Nghiệp chỉ mới bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu tháng 1/2009.

Để được lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc. Như vậy, phải đợi đến đầu năm sau mới bắt đầu có người được lãnh trợ cấp thất nghiệp.

Hơn nữa, nghị định này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ có số lao động dưới 10 người. Những doanh nghiệp đó có sức đề kháng yếu nhất đối với khó khăn kinh tế, thế mà lao động tại những nơi này lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, có nhiều lao động ở các làng nghề hay lao động thời vụ cũng sẽ không nằm trong diện được trợ cấp thất nghiệp. Số lao động nông thôn này chiếm đến 36 triệu người. Đồng lương vốn đã thấp, đời sống bình thường đã rất cơ cực, nay lại bị mất việc hay giảm việc, người lao động ở nông thôn sẽ chẳng biết nương tựa vào đâu. Cho nên, theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, không nên chờ đến đầu năm sau mới lo cho những người thất nghiệp năm nay.

 Nhưng trước mắt, thất nghiệp sẽ tăng vọt trong năm nay, trong khi chính sách trợ cấp của Việt Nam chưa được áp dụng ngay, điều này có nguy cơ tác hại đến ổn định xã hội, trong bối cảnh mà những vụ đình công, khiếu kiện, xảy ra ngày càng nhiều và nỗi bất mãn về tham nhũng ngày càng trở nên gay gắt ở Việt Nam

 

Việt Nam trong dòng thời sự_20090112

12/01/2009