Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

HOA KỲ -TRUNG QUỐC

Thúc đẩy hồ sơ khí hậu

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 06/02/2009 Cập nhật lần cuối ngày  06/02/2009 13:11 TU

Khí thải CO2 gây hiệu ứng lồng kính (Ảnh : Reuters)

Khí thải CO2 gây hiệu ứng lồng kính
(Ảnh : Reuters)

Theo giới chuyên gia, dưới chính quyền Obama, hồ sơ biến đổi khí hậu toàn cầu cần phải trở thành một trong những chủ đề trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia có lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới.

Cho đến giờ, trong các cuộc thảo luận song phương, đại diện của Mỹ và Trung Quốc thường đề cập đến các chủ đề thương mại, tiến trình phi hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, hồ sơ Tây Tạng hay an ninh của Đài Loan. Nhưng từ nay trở đi, theo giới chuyên gia, dưới chính quyền của tổng thống Barack Obama, hồ sơ biến đổi khí hậu toàn cầu cần phải trở thành một trong những chủ đề trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có lượng khí thải CO2 nhiều nhất trên thế giới.

Tổ chức hội nghị cấp cao song phương về hồ sơ thay đổi khí hậu toàn cầu

Hôm qua (06.02.09), Trung Tâm Châu Á về Quan Hệ Mỹ Trung và trung tâm Pew về Thay Đổi Khí Hậu Trên Thế Giới, cả hai có trụ sở tại Mỹ, đã công bố một báo cáo nhan đề « Lộ trình hợp tác Mỹ-Trung về Nhiên Liệu và Thay Đổi Khí Hậu ».

Các nhà quan sát cho rằng bản báo cáo sẽ tác động nhiều đến chính sách về môi trường của Nhà Trắng bởi vì văn bản này được soạn thảo với sự tham gia của giới khoa học và hoạch định chính sách của cả hai nước, dưới sự chỉ đạo của các nhân vật có uy tín và trọng lượng.

Đó là giải Nobel Vật Lý Steven Chu. Ông Chu đã hoàn tất công việc này trước khi được chỉ định làm bộ trưởng Năng lượng Mỹ. Người thứ hai là ông John Thornton, giáo sư tại đại học Thanh Hoa Bắc Kinh. Có tin nói rằng ông có thể được chỉ định làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Một nhân vật khác là ông John Holdren, người được chỉ định làm cố vấn khoa học kỹ thuật cho tổng thống Hoa Kỳ.

Bản báo cáo khuyến nghị Hoa Kỳ và Trung Quốc nên thỏa thuận tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm đề ra kế hoạch giảm thải khí CO2, chỉ định các quan chức và chuyên gia độc lập tham gia vào các nhóm công tác để triển khai kế hoạch nói trên.

Bên cạnh đó, hai nước cũng cần mở rộng các lĩnh vực hợp tác bao gồm cả việc thực hiện những công nghệ giảm thải khí gây ô nhiễm trong việc sử dụng than, quản lý và sử dụng năng lượng có hiệu quả, tiến hành các chương trình phát triển năng lượng thay thế.

Theo tờ International Herald Tribune, thì tại Trung Quốc, giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cũng ủng hộ các đề xuất này và nhấn mạnh là hồ sơ thay đổi khí hậu trên trái đất phải là một ưu tiên trong các cuộc thảo luận giữa chính quyền Obama và Bắc Kinh.

Có nhiều triển vọng Hoa Kỳ và Trung Quốc thay đổi thái độ

Nghị định thư Kyoto có hiệu lực từ tháng 2 năm 2005 và được 172 nước phê chuẩn. Một trong những nội dung chính của văn bản này là 38 nước công nghiệp phát triển cam kết đến năm 2012, sẽ giảm 5,2% lượng khí thải CO2 so với mức của năm 1990.

Thế nhưng, cả Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia có lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới, lại không tham gia văn bản này. Trung Quốc viện dẫn là nước đang phát triển, mới chỉ tiến hành công nghiệp hóa vài chục năm qua, không chịu trách nhiệm chính về tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất. Chính quyền của tổng thống George Bush đã rút ra khỏi nghị định thư với lý do Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước cũng gây ô nhiều ô nhiễm lại không bị giàng buộc giảm thải khí CO2.

Tình hình có triển vọng sáng sủa hơn dưới thời tổng thống Obama. Ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ có những chương trình đầu tư dài hạn phát triển năng lượng tái tạo và giành lại quyền chủ động trong hồ sơ biến đổi khí hậu, nhưng với điều kiện là tất cả các nước phải cùng nỗ lực, hàm ý nhắm vào Trung Quốc, hiện đang đứng đầu thế giới về lượng khí thải làm tăng nhiệt độ trên trái đất.

Vừa qua, thủ tướng Ôn Gia Bảo và một số quan chức cấp cao Trung Quốc nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay tạo cơ hội cho Trung Quốc từ bỏ mô hình tăng trưởng bằng mọi giá, không quan tâm đến môi trường.

Hôm qua, phát biểu tại học viện Brookings, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Chu Văn Trọng, kêu gọi Washington giúp đỡ Bắc Kinh trong cuộc đấu tranh chống hiện tượng hâm nóng trái đất. Theo ông, Trung Quốc chỉ cần duy trì mức phát triển hợp lý để đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhưng Bắc Kinh sẽ có những nỗ lực trong lĩnh vực môi trường. Do vậy, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ với nhau vì có nhiều lợi ích chung và làm gương cho các nước khác.

Vào tháng 12 tới đây, Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức Hội Nghị cấp cao tại Copenhagen, Đan Mạch để hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện cho thời kỳ hậu Kyoto, sau năm 2012. Một số chuyên gia e ngại là vào dịp đó, Trung Quốc khó có thể đưa ra những cam kết cụ thể.

Tuy nhiên, dưới sức ép cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của châu Âu, nhóm quốc gia đi tiên phong, với cam kết cụ thể, là đến năm 2020, sẽ giảm 20% lượng khí thải, thì mọi người vẫn hy vọng là Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ thay đổi chính sách trong hồ sơ này.

Ông Orville Schell, giám đốc Trung Tâm Châu Á về Quan Hệ Mỹ Trung cho biết là trong những cuộc gặp gần đây, các quan chức hai nước đã thừa nhận sự cần thiết phải cùng nhau hành động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.