Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Kích thích tiêu thụ, một trong những biện pháp chấn hưng kinh tế

  Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 02/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  03/03/2009 12:02 TU

Khủng hỏang kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu ngưng lại nếu không nói là càng trầm trọng thêm ở một số quốc gia. Ngày càng có nhiều kinh tế gia, thuộc đủ trường phái, đề cập tới một biện pháp ngăn cản suy thóai kinh tế được coi là hữu hiệu : kích thích tiêu thụ.

RFI phỏng vấn giáo sư kinh tế Vũ Quốc Thúc.

Mua sắm quà Giáng Sinh tại một trung tâm thương mại ở Thượng Hải(Ảnh : Reuters)

Mua sắm quà Giáng Sinh tại một trung tâm thương mại ở Thượng Hải
(Ảnh : Reuters)

Khủng hỏang kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu ngưng lại nếu không nói là càng trầm trọng thêm ở một số quốc gia.

Cuối tháng hai, theo bản tin tổng hợp của AFP, tình trạng đình đốn kinh tế đã được xác nhận tại Nhật Bản ; tại châu Âu, Phần Lan và Đan Mạch bị suy thóai trong lúc Thụy Điển lún sâu thêm trong khi chính phủ các nước tiếp tục chi những khỏan tiền khổng lồ trong kế hoạch chấn hưng kinh tế.

Không ít nhà lãnh đạo đã nói tới một tương lai có thể còn tệ hại hơn cuộc đại khủng hỏang năm 1930. Trong hòan cảnh hiện tại, ngày càng có nhiều kinh tế gia, thuộc đủ trường phái đề cập tới một biện pháp ngăn cản suy thóai kinh tế mà họ cho là hữu hiệu hơn cả : đó là kích thích tiêu thụ.

Hiệu quả của biện pháp kích cầu

Tay bút bình luận có uy tín của tờ báo Mỹ Financial Times, Martin Wolf mới đây đã nhận định ‘’nên làm mọi cách để đảo ngược tình thế sụp đổ mức cầu hiện nay thay vì nỗ lực cải tổ cơ cấu kinh tế thế giới’’ Nhà bình luận kêu gọi các chính phủ dành những phương tiện mạnh nhất, tung ra một chiến dịch kích cầu đại quy mô gây sốc và kinh ngạc.

Nhìều nhà kinh tế cũng chia sẻ nhận định là những biện pháp chấn hưng kinh tế khác như cải tổ hệ thống ngân hàng, điều tiết thị trường chứng khóan không thể giải quyết nhanh chóng tình trạng suy thóai kinh tế bằng biện pháp kích thích tiêu thụ.

Đây cũng là nhận xét của Giáo sư kinh tế Vũ Quốc Thúc khi nói về các phương thức phổ biến hiện nay tại một số quốc gia như tặng phiếu mua hàng, giảm thuế trị giá gia tăng TVA, tăng tiền trợ cấp cho các gia đình nghèo v.v..

Mục đích của những biện pháp đó là để kích cầu. Những biện pháp này đều cần thiết và sẽ mang lại hiệu quả không ít thì nhiều. Những biện pháp này bắt nguồn từ học thuyết kinh tế John Maynard Keynes. Như ta đã biết kinh tế gia này đã làm cả một cuộc cách mạng tư tưởng trong khoa kinh tế học.

Chính từ học thuyết Keynes ta mới quen phân tích những gì ta quen gọi là thị trường. Người ta vẫn biết thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung với cầu, mà nói nôm na hơn là nơi gặp gỡ thương lượng giữa người mua với người bán mà trước kia người ta chỉ quen với khảo hướng gọi là vi mô, nghĩa là chỉ phân tích, xét đóan tâm lý từng cá nhân hay từng xí nghiệp một.

Nhưng học thuyết John Maynard Keynes đã đưa ra cái nhìn mới đó là nhìn tòan thể nền kinh tế quốc gia, trong đó thị trường là nơi gặp gỡ của khối lượng cung cấp của tòan quốc, với số cầu cũng là tổng hợp của tòan quốc.

Số cầu bắt nguồn từ đâu ra ? Đó là sự chi tiêu của tất cả các hộ gia đình, các xí nghiệp và luôn của chi tiêu của các cơ quan nhà nước trên thị trường của nước đó. Vượt xa hơn nữa đó là sự giao thương của quốc gia đó với ngọai bang.

Khi kinh tế suy trầm, sự trao đổi trên thị trường giảm bớt đi. Người tiêu dùng bớt mua sắm, vì thu nhập kém hoặc vì tâm lý lo ngại ; các nhà buôn tồn đọng hàng nên không nhập thêm nữa. Số chi tiêu để mua hàng hóa, dịch vụ hoặc số chi tiêu của nhà nước đều giảm bớt đi, sự suy thóai của kinh té thấy rất rõ. Trong tình hình này, kích cầu là biện pháp cần thiết.

Kích thích tiêu thụ bằng cách nào ? Cụ thể nhà nước tìm cách tung tiền ra để lấp khỏang thiếu sót trên số cầu của thị trường theo nhiều cách khác nhau. Có thể bằng cách phát không tiền cho người dân nhân một dịp Giáng Sinh như bên Úc, hay trợ cấp cho dân nghèo mua sắm như bên Đài Loan. Cũng có thể áp dụng biện pháp giảm thuế để người dân lấy số tiền thuế được giảm bớt ấy ra chi tiêu.

Về phần Nhà nước cũng có thể gia tăng chi tiêu qua việc trả lương cho công chức, một hình thức mua dịch vụ của người công chức. Nhà nước cũng có thể tung tiền ra thực hiện một số đai công tác như làm đường xá, xây cầu cống,  tu sửa các hải cảng, phi trường v.v..

Qua các đại công tác đó nhà nước tung tiền ra chi tiêu, tức là tạo công ăn việc làm cho nhiều người như các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu và theo nguyên tắc dây chuyền khỏan chi tiêu đó sẽ tạo rất nhiều công việc làm cho các tầng lớp nhân dân khác mà trong kinh tế học gọi là nguyên tắc số nhân – số nhân về đầu tư cũng như về nhân dụng.

Khuyến khích người dân đến các cửa hàng ăn uống. Ảnh chụp tại Bắc Kinh (Ảnh : Reuters)

Khuyến khích người dân đến các cửa hàng ăn uống. Ảnh chụp tại Bắc Kinh
(Ảnh : Reuters)

Năm biện pháp kích thích người dân tiêu thụ trở lại

Trong không khí kinh tế u ám như hiện giờ với ám ảnh thất nghiệp thường trực làm thế nào khuyến khích người tiêu thụ đổi xe mới, sắm quần áo đẹp hay mua máy móc gia dụng ? Nhiều biện pháp kích cầu đã được đưa ra nhưng tựu trung có năm hướng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia hơn cả.

*Tặng phiếu mua hàng

Nhà nước tăng cho dân chúng những phiếu mua hàng miễn phí có thời hạn nhất định. Đây là biện pháp đã được Đài Loan áp dụng cuối năm ngóai và đạt kết quả tốt. 23 triệu dân Đài Loan đã nhận những phiếu mua hàng trị giá tương đương 80 euro để chọn lựa món hàng ưng ý. Cảnh tổng thống Mã Anh Cửu đi mua sắm xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia cổ vũ cho chiến dịch này.

Hoa Kỳ thì phát tem phiếu thực phẩm cho người nghèo . Kinh tế gia Jean-Louis Mourier thuộc công ty đầu tư Aurel BGC đánh giá cao phương pháp tặng phiếu mua hàng, theo ông rất có hiệu quả vì các hộ được tặng phíếu không có cách dùng nào khác hơn là mang đi mua sắm. Tuy nhiên, dù có cả tính cách xã hội, biện pháp này chỉ sử dụng trong giai đọan chuyển tiếp mà thôi.

* Giảm thuế trị giá gia tăng TVA

Anh quốc đã áp dụng biện pháp này cuối năm 2008. Qua cách giảm một phần hay tòan bộ thuế TVA trên các mặt hàng bán ra trên thị trường chính phủ hy vọng giá bán ra sẽ thấp đi, kích thích ngừơi tiêu dùng mua sắm. Nhưng theo giáo sư André Sapir (Bruxelles) biện pháp chỉ có hiệu quả tạm thời từ sáu tháng tới một năm ví sau đó khách hàng không còn hào hứng. Điểm lợi là vịêc giảm giá hàng do thuế TVA hạ thấp sẽ có hiệu quả ngay tức khắc, phổ biến rộng rãi. Giáo sư André Sapir tính tóan, giảm 2% thuế TVA sẽ giúp tăng trưởng thêm 1%.


*Giảm thuế trực thâu

Đây là lời hứa của tổng thống  Obama : giảm cho mỗi công dân 500 đô la tiền thuế và cho mỗi cặp vợ chồng 1.000 đô la. Tháng giêng năm ngóai, tổng thống  Bush trước khi rời Nhà Trắng cũng đã áp dụng phương pháp kích cầu này qua cách giảm từ 800 đến 1.600 đô la tiền thuế cho dân Mỹ. Căn cứ trên kết quả cụ thể đây chưa phải là phương pháp mang lại hiệu quả như ý muốn. Trong tâm lý hoang mang lo sợ cho tương lai ngừơi dân có thể tíết kiệm số tiền thuế được giảm thay vì mang ra tiêu xài.

* Tăng trợ cấp thất nghiệp

Hầu hết các kinh tế gia đề đồng ý rằng nạn thát nghiệp tác động mạnh hơn cả tới mức tiêu thụ. Thu nhập hằng tháng bị mất đi không biết tới khi nào có lại  làm cho người mất việc không còn và cũng không dám chi tiêu, nhất là tại những nước Anh Mỹ với quy chế trợ cấp thất nghiệp không cao và không kéo dài bằng các nước Tây Âu. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp của thành phần lao động không có tay nghề chuyên môn lại cao hơn các khu vực khác.

Nhà kinh tế Christian Menegatti, công ty phân tích kinh tế tài chính toàn cầu RGE Monitor, trụ sở tại New York nhận định để kích thích tiêu thụ nhất thiết phải ưu tiên giúp đỡ người thất nghiệp. Cụ thể, chính phủ phải cải thiện quy chế trợ cấp thất nghiệp qua việc tăng tìền trợ cấp và thời gian lãnh tiền, một biện pháp mà cố vấn kinh tế Pháp Jacques Attali xem là mang cả hiệu quả xã hội hơn là kích thích tiêu thụ suông.

* Tăng lương cho công nhân viên chức

Có thể nói đây là lá bài tủ của các công đòan, cụ thể ở Pháp, đòi chính phủ tăng lương để bù vào khỏan giảm sút mãi lực của những người làm công ăn lương. Công đòan CGT đòi nhà nước tăng mức lương tối thiểu từ 1.300 euro lên 1.600 euro với lý lẽ, tăng lương như thế không chỉ đơn giản là kích thích tiêu thụ mà còn lành mạnh hóa guồng máy sản xuất qua việc phân phối thu nhập một cách công bằng.

Đó là lý thuyết nhưng trên thực tế các xí nghiệp đang lâm vào cảnh khó khăn làm sao có khả năng tăng lương , chưa kể nhìều nhà máy đang muốn giảm bớt chi phí nhân công để có thể tồn tại.

Tâm lý người tiêu dùng giữ vai trò quan trọng

Dù chỉ có tính cách giai đọan hay lâu dài các biện pháp kích cầu nói trên đều nhằm thúc đảy mức tiêu thụ , đòn bảy kinh tế lợi hại. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là nếu ngừoi dân vẫn không dám chi tiêu rộng rãi vì lo sợ cho ngày mai thì làm thé nào. Giáo sư Vũ Quốc Thúc nhận định

Một kinh tế gia của những năm 1930 có ví von chính sách tung tiền của nhà nước khuyến khích người dân tiêu thụ giống như người ta dắt con bò ra suối cho nó uống nước. Nhưng nếu con bò không chịu uống thì sao ? Trong trường hợp người dân hay xí nghiệp không chi tiêu thì ai cấm nhà nước chi tiêu ?

Chi tiêu vào những đại công trình hay cho tiền trợ cấp với điều kiện người được trợ cấp phải dùng những số tiền ấy để đầu tư hay mua những hàng hóa nhất định  và chỉ có nhà nước mới có thể làm như thế được. Điều quan trọng là khi nhà nước đã đổ tiền ra như thế, nền kinh té có vẻ như khởi sắc trỏ lại, tâm lý người dân mới thay đổi, lạc quan hơn.

Cái lợi của chúng ta ngày nay là nhờ những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông, tin học, tin tức được loan đi rất nhanh, gây  ảnh hưởng tâm lý rất mau lẹ. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, người dân vừa bầu lên một tổng thống da màu, một sự kiện chưa từng có. Điều này  có thể là một yếu tố gây chấn động tâm lý khắp các nơi và ngừơi ta kỳ vọng là với một lãnh đạo như thế, cùng với các biện pháp ông hứa sẽ thi hành, nền kinh tế sẽ khởi sắc và đó là một ảnh hưởng tâm lý quan trọng lắm. Và khi người ta đi từ tâm lý bi quan , chờ đợi tới tâm lý lạc quan, năng động thì nền kinh tế sẽ phục hồi khá dễ dàng.

Quả thực, ngành truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động tâm lý quần chúng. Trong một cuộc thăm dò trên đài truyền hình Pháp France 3, 67% ngừơi tham dự đã nhận xét là báo chí nói quá nhiều về khủng hỏang kinh tế khiến người nghe cảm thấy bi quan hơn thực tế mà họ chứng kíến hằng ngày.

Giáo sư kinh tế Vũ Quốc Thúc

02/03/2009