Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Nhà máy lọc dầu Dung Quất : bước ngoặt trong ngành dầu khí Việt Nam dù hiệu quả kinh tế vẫn mơ hồ

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 03/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  03/03/2009 19:06 TU

Ngày 22/02/2009, Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đã chính thức khởi động. Sự kiện này được tất cả các nhà quan sát đánh giá là một khúc quanh trong tiến trình phát triển ngành dầu khí tại Việt Nam. Tuy vậy, một số chuyên gia vẫn duy trì quan điểm hoài nghi về hiệu quả kinh tế của nhà máy này.

Bên trong nhà máy lọc dầu Dung Quất nhân ngày chính thức khởi động 22/02/2009(Ảnh : Reuters)

Bên trong nhà máy lọc dầu Dung Quất nhân ngày chính thức khởi động 22/02/2009
(Ảnh : Reuters)

 Khi khánh thành nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hạ tuần tháng 2 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá rằng đây là một công trình thiết yếu, giúp Việt Nam bảo đảm được vấn đề an toàn năng lượng. Trị giá ba tỷ đô la, sau 15 năm thai nghén và xây dựng, tính từ lúc dự án được đưa ra, Dung Quất khi vận hành được với toàn bộ công suất, sẽ cung cấp khoảng 6 triệu rưỡi tấn sản phẩm mỗI năm, tức là gần 150.000 thùng mỗI ngày. Khối lượng đó tương đương với một phần ba nhu cầu của Việt Nam hiện nay.

Nghịch lý : xuất khẩu dầu thô nhưng lại phải nhập xăng dầu

Đối với chính phủ Việt Nam, đây là một bước chuyển quan trọng vì điều đó cho phép Việt Nam giảm lượng xăng dầu nhập khẩu vốn rất tốn kém cho ngân sách nhà nước, đăc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng phải tăng cao để phục vụ phát triển.

Francis Perrin, chủ bút chuyên san ''Pétrole et Gaz Arabes''

Francis Perrin, chủ bút chuyên san ''Pétrole et Gaz Arabes''

Trả lời phỏng vấn của RFI, chuyên gia Francis Perrin, chủ bút tập san về dầu khí ''Pétrole et Gas Arabes'' tại Paris, đã cho rằng khi quyết tâm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của mình, bất chấp các khó khăn trong việc tìm đối tác, Việt Nam đã xoá bỏ được nghịch lý tồn tại trong thờI gian qua : là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng lại phải nhập xăng dầu để sử dụng :

Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta đã có nghịch lý sau đây : đó là một quốc gia sản xuất dầu hỏa, nhưng lại không có nhà máy lọc dầu trên lãnh thổ của mình. Tình hình đó đã buộc Việt Nam phải nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ và họ đã phải chi phí rất tốn kém.

Việt Nam đã chờ đợi nhà máy này từ rất lâu, vì họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn đầu tư ngoại quốc cho nhà máy. Giới đầu tư nước ngoài không muốn bỏ tiền vào nhà máy vì vị trí của nó ở miền Trung quá xa các mỏ dầu, Nhiều tập đoàn dầu hỏa sau khi xem xét đề án đã từ chối vì cho rằng nhà máy này không có hiệu năng kinh tế.

Việt Nam như vậy đã thành công trong việc tự xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên cho mình. Một nhà máy thứ hai đang được khởi công, một nhà máy thứ ba cũng được dự trù. Theo tôi, như vậy là Việt Nam đang tìm cách khắc phục một cách nghiêm túc vấn đề thiếu nhà máy lọc dầu, và chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng trong một vài năm tớI đây, hầu như toàn bộ vấn đề này sẽ được giải quyết.

Ngay từ đầu, điểm cốt lõi trong công cuộc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất tuy nhiên lại là vấn đề hiệu năng kinh tế. Chính dựa trên tính toán này mà tất cả các tập đoàn dầu khí lớn của ngoại quốc, từ Total của Pháp, cho đến Zarubezhneft của Nga, đều đã từ chối đầu tư vào công trình Dung Quất, buộc chính quyền Việt Nam phải trang trải toàn bộ chi phí.

Điểm yếu của Dung Quất : vị trí địa dư bất lợi

Theo các tập đoàn này, địa điểm đặt nhà máy ở Quảng Ngãi không có lợI về mặt kinh tế vì vừa cách xa khu vực có mỏ dầu là bờ biển miền Nam Việt Nam, vừa cách xa hai trung tâm tiêu thụ chủ chốt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, khiến cho việc khai thác không có lời.

Quan điểm của các tập đoàn xăng dầu quốc tế vào khi ấy đã được một số định chế tán đồng. Năm 1997, Ngân Hàng Thế Giới đã cho rằng đề án Dung Quất ''sẽ không mang lại lợI ích gì cho kinh tế Việt Nam''. Quỹ Tiến Tệ Quốc Tế cũng ra lờI chỉ trích. Năm năm sau, vào năm 2003, đến lượt Liên Hiệp Quốc nêu đích danh đề án này để kêu gọi Việt Nam đừng lao vào các ''dự án đầu tư có lợi ích kinh tế thấp''.

Cánh đồng ngay cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi)(Ảnh : Reuters)

Cánh đồng ngay cạnh nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi)
(Ảnh : Reuters)

Bất chấp các lời can gián kể trên, chính quyền Việt Nam, thông qua tập đoàn đầu khí nhà nước PetroVietnam vẫn quyết định xúc tiến việc xây dựng, và thuê tập đoàn Technip của Pháp thi công. Mục tiêu của chính quyền Việt Nam rõ ràng là muốn thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền Trung, thường được xem là nghèo nhất nước, giúp vùng này vươn lên ngang bằng với miền Nam và miền Bắc trù phú hơn.

Chủ tịch PetroVietnam, ông Đinh La Thăng, đồng thờI là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác nhận : "Trước khi xây dựng nhà máy lọc dấu tại Dung Quất, chúng tôi đã phải tính toán đến tất cả các yếu tố, bao gồm cả kinh tế, xã hội, đến chính trị''. Theo ông, nhà máy Dung Quất sẽ tạo ra động lực kéo cả miền Trung Việt Nam đi lên.Trước mắt, theo hãng AFP, chính quyền Việt Nam hy vọng là với việc Dung Quất đi vào hoạt động, khu vực kinh tế bao quanh nhà máy này sẽ phát triển thêm với hơn 20.000 công ăn việc làm được tạo ra.

Sau khi nhà máy được khánh thành, câu hỏi đang được giớI quan sát đặt ra là liệu những lời báo động về hiệu quả kinh tế thấp của cơ sở này có sẽ được thực tế kiểm nghiệm hay không ?

Xăng dầu Dung Quất làm ra không rẻ hơn hàng nhập ?

Câu trả lời đầu tiên đã được chính báo chí Việt Nam loan tải : do chi phí vận chuyển, xăng dầu nội địa do nhà máy Dung Quất sản xuất ra sẽ không rẻ hơn xăng dầu nhập từ ngoại quốc.

Theo một viên chức trong ban quản trị nhà máy, vấn đề lớn nhất là khoảng cách quá xa giữa nơi đặt nhà máy ở Quảng Ngãi vớI mỏ Bạch Hổ nguồn cung cấp dấu thô cho Dung Quất. Mỏ này lại ở ngoài khơi tỉnh Bà Rîa  Vũng Tàu ở phiá Nam, cách Quảng Ngãi tới 5 tỉnh. Sau đó, sản phẩm xăng dầu do Dung Quất làm ra lại phải được vận chuyển ngược lên phiá Bắc hay xuôi xuống phiá Nam tới hai thị trường chính là Hà Nội và Sài Gòn. Nhìn chung đoạn đường vận chuyển chẳng ngắn hơn hành trình giữa Việt Nam và Singapore, nơi Việt Nam mua 90% sản phẩm xăng dầu mình cần, do đó, chi phí chuyên chở không khác nhau nhiều.

Một vấn đề thứ hai là giá xăng nội địa liệu có rẻ hơn xăng nhập hay không khi mà dầu thô sử dụng để lọc đến từ mỏ Bạch Hổ. Câu trả lới trước mắt cũng là không, vì giá dầu thô mà nhà máy phải mua tương đương vớI giá dầu nhập từ ngoại quốc.

Cư dân Quảng Ngãi vẫn gặp khó khăn khi tìm việc tại Dung Quất

Trên một bình diện rộng hơn, chính quyền Việt Nam hy vọng là nhà máy và khu công nghiệp lân cận sẽ góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho ngườI dân, đặc biệt là cư dân vùng Quảng Ngãi, qua đó giúp cho vùng đất còn nghèo này phát triển lên.

Ngư dân vùng Dung Quất (Quảng Ngãi) lo ngại tiếng ồn nhà máy sẽ đuổi cá đi xa(Ảnh : Reuters)

Ngư dân vùng Dung Quất (Quảng Ngãi) lo ngại tiếng ồn nhà máy sẽ đuổi cá đi xa
(Ảnh : Reuters)

Theo hãng tin AFP, ông Bruno Le Roy, kỹ sư Pháp phụ trách giám sát giai đoạn cuối của công trình xây dựng nhà máy Dung Quất đã nhận xét rằng ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được nhân công lành nghề trong số dân địa phương, vì thế ông thường phải thuê ngườI từ nơi khác đến. Trả lờI câu hỏi của phóng viên hãng AFP, một số dân chúng ngay tại Quảng Ngãi cũng tỏ ý thất vọng vì không thể nào tìm được việc làm trong các nhà máy hiện có ở khu công nghiệp Dung Quất. Lý do là vì họ không có tay nghề cần thiết.

Trong tương lai, vớI các đề án mở trung tâm huấn nghệ tại đây, khi có thêm các công ty khác đến Dung Quất đặt cơ sở, tình hình có thể khả quan hơn.

Bài học rút ra từ Dung Quất

Dẫu thì nhìn ở đại thể, sự kiện nhà máy lọc dầu Dung Quất khởi động đã đánh dấu một bước chuyển mới của ngành đầu khí Việt Nam, không còn phải lệ thuộc 100% vào xăng dấu ngoại nhập. Mặt khác, theo ghi nhận của hãng Reuters, dù không nói ra, chính quyền Việt Nam đã rút tỉa được kinh nghiệm từ bài học Dung Quất, đặc biệt là từ việc phải chọn lấy một địa điểm thích hợp hơn.

Hai nhà máy lọc dầu tới đây mà Việt Nam chuẩn bị xây dựng, với công suất lớn hơn, sẽ được đặt ở những nơi thuận lợI hơn : nhà máy Nghi Sơn ở Thanh Hoá, không xa Hà Nội, và nhà máy Long Sơn ở Bà Rîa Vũng Tàu, sát cạnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt khác, các đối tác nước ngoài trong nhà máy Nghi Sơn, đặt ở một địa điểm không tốt lắm, sẽ được quyền tham gia vào việc phân phối sản phẩm làm ra, điều mà trước đây hai tập đoàn Zarubezhneft và Total không được hưởng khi chú ý đến đề án Dung Quất.

Người dân Dung Quất buồn vui lẫn lộn

Nhà báo Thanh Thảo

Nhà báo Thanh Thảo

Nếu công trình xây dựng nhà máy ở Dung Quất được hầu hết mọi người hoan nghênh, thì trong cư dân ngay tại chỗ, tâm trạng không hoàn toàn mừng rỡ nhất là những người bị truất hữu đất đai để nhường chỗ cho khu công nghiệp. Trả lời câu hỏi của RFI, nhà báo Thanh Thảo, cư ngụ ngay tại Quảng Ngãi, ghi nhận :

Tâm trạng người dân Quảng Ngãi nói chung rất phấn khởi, nhưng người ở tại Dung Quất, phải rời xa mãnh đất của họ để nhường đất lại cho nhà máy lọc dầu và khu kinh tế xung quanh thì có rất nhiều tâm trạng.
Trước mắt đời sống họ cũng rất  khó khăn. Tiền đền bù cũng ít ỏi, mau hết, trong khi họ phải di dời sang một điạ điểm khác, tại nơi đó điều kiện sinh sống khó khăn.
Họ quen sống với ruộng vườn, bây giờ thiếu ruộng thiếu vườn, hoặc là chất lượng đất canh tác không được tốt, hay là người đánh cá làm nghề cũng khó khăn, thì nhũng người như  thế rất nhiều tâm trạng  không phải tất cả đều vui thú về cái chuyện nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Nhưng mà nhìn đại cục thì nhà máy Dung Quất mọc lên là điều tốt đẹp cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cho miền Trung nói chung vì co thể coi nó như cái đầu tàu kích hoạt toàn bộ kinh tế Miền Trung. Mặc dù nó chỉ sản xuất các chế phẩm từ dầu thôi, nhưng cùng vơí nó sẽ có nhiều dịch vụ khác, các tuyến dịch vụ khác, các tuyến nhà máy khác, dưạ theo đó mà phát triển.

Chỉ tiêu tạo thêm 20.000 việc làm khả thi không ?

Phải tính là phát triển phải có lộ trình, và phải thực sự phát triển được thì mới thu hút đông ngưòi như thế. Hiện nay thì chưa có, nhưng dù sao trong quá trình xây dựng thì cũng thu hút nhân công xây dựng, xây dựng xong rồi thì có thể thu hút lao động ở chỗ khác, tức là sự vận hành của nhà máy lọc dầu sẽ kéo theo nhũng dịch vụ phục vụ nhà máy, cái này kéo cái kia.
Cái đấy mà tính ra được bao nhiêu người tham gia, sống nhờ hoặc khá giả lên thì theo tôi không thể tính chính xác được.
Nó còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó cơ bản nhất là cái nhà máy lọc dầu này nó phải thực sự trở thành động lực cho cả cái khu vực chung quanh, cái vòng vành đai của nó càng lan toả rộng  bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, còn không lan toả được thì cũng rất khó nói có bao nhiêu vạn người được hưởng lợi, có công ăn việc làm gì đó.

Nhiều người cho là tạo hàng ngàn công việc làm ở Dung Quất là một vần đề khả thi, nhưng bản thân cư dân Quảng Ngãi không được thừa hưỏng ?

Đúng rồi, bởi vì cái nhà máy nó tinh lọc cái người làm việc ở đó rất ghê, vì  người làm việc phải có chuyên môn cao, nhiều chuyên môn chứ không phải một chuyên môn, nhưng mà chuyên môn nào cũng đòi hỏi phải cao.
Và nó cũng nhũng rào cản khó vượt, đầu tiên là ngoại ngữ để tiếp xúc vơí người nước ngoài, và còn nhiều cái khác nữa.
Theo nguời ta nói thì người Quảng Ngãi chiếm được 15 hay 20% lao động đó là quá cao rồi, và tôi sợ là không hơn được, tới mức đó cũng là tốt rồi. Nhưng cái quan trọng là từ nhà máy lọc dầu, nó phát triển lên, tạo những công ăn việc làm khác ở phiá ngoài nhà máy, liên lạc xa, liên lạc gần hoặc nó chỉ kích động thôi, không phải trực tiếp, nhưng tạo được những cái kênh thu hút công ăn việc làm.

Cái đó mới là cái quan trọng và cần thiết cho Quảng Ngãi. Còn nhà máy sản xuất rồi bán sản phẩm ra, nếu chỉ hiểu như vậy thì nó có thể mang lại một ngân sách cho tỉnh, tiền thuế mà tỉnh thu về, khá cho tỉnh, chứ  nói có nhà máy lọc dầu, người dân đươc lợi trực tiếp từ nhà máy, thì tôi nghĩ là không có, gián tiếp thì có.

Ví dụ từ ngày xây dựng nhà máy đến nay, dịch vụ như khách sạn ở Quảng Ngãi mộc lên khá nhiều, Lần đầu tiên người ta thấy Quảng Ngãi thường xuyên bị ''cháy phòng khách sạn'', tức là thiếu phòng.  Xưa nay không có chuyện đó. Kinh doanh khó khăn lắm. Vài năm gần đây tự nhiên khác hẳn.

Một điểm nữa chẳng hạn : các cửa hàng ăn uống, bán rất được, rất chạy, thậm chí giá cao hơn so với tỉnh bạn, Quảng Nam, Bình Định, nhất là cao hơn Thừa Thiên Huế. Điều đó chưa từng xẩy ra. Một bát bún ở Quảng Ngãi đắt hơn ở Đà Nẵng hay Quy Nhơn. Tức là lãnh vực làm ăn được lắm. Nó gắn nhưng mà xa lắm vơí nhà máy lọc dầu. Người ta về làm việc đông thì nó kéo theo những lãnh vực khác. Mình tính là tính cái đó.

Nhưng mà không phải là tất cả người dân Quảng Ngãi có thể tham gia vảo các dịch vụ đó đâu. Chỉ một số mà thôi nhưng cũng đã tốt rồi, từ đó nó lan toả ra. Nhưng đời sống đã đắt đỏ lên, và cái đó là cái điều phải thấy. Nó là quy luật, phải chiụ đựng. Những ngưòi không hưởng được lợi từ du lịch hay từ nhà máy lọc dầu, người ta sẽ còn thiệt hơn, nhưng dầu sao thì ngày càng đông người có cơ hội để làm ăn thì rất tốt. 

Nhà báo Thanh Thảo tại Quảng Ngãi

03/03/2009 Trọng Nghĩa