Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

HOA KỲ

Chủ động đối thoại với Syrie nhằm thúc đẩy hòa đàm tại Cận Đông

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 04/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  04/03/2009 15:37 TU

Chính quyền Mỹ dồn Damas vào tình thế phải lựa chọn hoặc là Syrie nâng cao được hình ảnh và uy tín của mình trên trường quốc tế, hoặc là nước này tiếp tục bị cô lập, nếu vẫn quan hệ chặt chẽ với Iran và ủng hộ những tổ chức chống đối nhà nước Israel

Hôm qua, đang công du Israel, ngoại trưởng Hillary Clinton đã thông báo là Hoa Kỳ sẽ cử hai đặc sứ tới Syrie tiến hành đối thoại trực tiếp với chính quyền Damas về tương lai quan hệ song phương. Hai đặc sứ của Mỹ là Jeffrey Feltman, quyền trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Cận Đông và Daniel Shapiro, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cũng phụ trách hồ sơ này, có thể tới thủ đô Syrie vào cuối tuần.

Mục tiêu cuộc tấn công ngoại giao của Hoa Kỳ là tìm cách cải thiện quan hệ với Syrie, qua đó, thúc đẩy tiến trình hòa đàm tại Cận Đông và cô lập thêm Iran. Ngay sau khi tổng thống Obama nhậm chức, một phái đoàn các nghị sĩ Hoa Kỳ do ông John Kerry, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã công du Cận Đông và tới Syrie.

Theo giới quan sát, qua các hoạt động ngoại giao này, chính quyền Obama dồn Damas vào tình thế phải lựa chọn hoặc là Syrie nâng cao được hình ảnh và uy tín của mình trên trường quốc tế, hoặc là nước này tiếp tục bị cô lập, nếu vẫn quan hệ chặt chẽ với Iran và ủng hộ những tổ chức chống đối nhà nước Israel.

Nói một cách khác, chính quyền Damas sẽ khó khó mà có thể tiếp tục ủng hộ các phong trào cực đoan và tiếp tục liên minh với Teheran, nếu Washington bình thường hóa quan hệ và tìm cách thúc đẩy ký kết hòa bình giữa Syrie và Israel.

Reuters trích dẫn nhận định của ông David Schenker, chuyên gia thuộc học viện Washington về chính sách Cận Đông, nếu chính quyền Obama có thể khởi động được chiến lược lôi kéo Syrie tách ra khỏi Iran, gia nhập phe ủng hộ hòa bình, thì đây sẽ là một đòn đau đối với những tổ chức chiến binh cực đoan trong khu vực.

Tuần trước, ngoại trưởng Mỹ tỏ ra thận trọng khi tuyên bố là còn quá sớm để dự báo tương lai quan hệ với Syrie, sau khi một quan chức cao cấp bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gặp ông Imad Mustafa, đại sứ Syrie tại Washington. Về phần mình, đại sứ Mustafa cho rằng cuộc gặp gỡ đã mở ra một chương mới trong bang giao song phương và Syrie sẵn sàng đối thoại với Mỹ trên mọi chủ đề.

Trong một cử chỉ thiện chí, vừa qua, Hoa Kỳ đã quyết định tài trợ 500 ngàn đô la cho một hiệp hội từ thiện của Syrie mà chủ tịch là phu nhân của tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn để giữ ông Stuart Levey, một quan chức cao cấp của bộ Tài Chính do chính quyền Bush chỉ định, để tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt kinh tế Syrie và Iran.

Vai trò của Syrie trong việc thúc đẩy hòa đàm ở Cận Đông. 

Từ năm 2004, chính quyền của tổng thống George Bush đã ban hành các biện pháp trừng phạt Syrie, với lý do chính quyền Damas đã hỗ trợ các nhóm chiến binh thâm nhập Irak, ủng hộ phong trào hồi giáo cực đoan Palestine Hamas, cũng như tổ chức hồi giáo Hezbollah tại Liban, mà Washington coi đó là những tổ chức khủng bố.

Năm 2005, Hoa Kỳ đã rút đại sứ của mình tại Syrie về nước sau vụ sát hại cựu thủ tướng Liban Rafic Hariri. Nhiều nhân vật trong cơ quan tình báo Syrie và Liban bị nghi ngờ có dính líu đến vụ ám sát này. Tòa án đặc biệt về Liban xét xử vụ sát hại ông Hariri, có trụ sở ở La Haye, Hà Lan, chính thức hoạt động kể từ ngày mồng 1/3 vừa qua.

Tuy nhiên, Syrie giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa đàm giữa Israel và Palestine. Một trong những khó khăn làm cho cuộc thương lượng bế tắc và tình hình căng thẳng là tổ chức cực đoan Palestine Hamas không chịu hợp tác với tổ chức Palestine Fatah của chủ tịch Mamud Abbas, không thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Israel và bác bỏ các thỏa thuận mà Israel và Palestine đã ký kết trước đây. Là đồng minh thân cận, Syrie có thể thúc ép Hamas gia nhập trở lại chính phủ Palestine và qua đó, khởi động được tiến trình hòa đàm với Israel.

Mặt khác, việc cải thiện quan hệ giữa Damas và Washington sẽ giúp thúc đẩy hòa đàm giữa Israel và Syrie. Cũng xin nhắc lại là vào năm 2000, vòng đàm phán giữa Syrie và Israel đã tan vỡ sau gần một thập niên thương thảo dưới sự bảo trợ và thúc giục của Hoa Kỳ. Một trong những nguyên nhân là Israel không chấp nhận trả lại cao nguyên Golan, bị quân đội Israel chiếm đóng từ 1967, cho Syrie.

Cuối cùng, vào lúc Hoa Kỳ và phương Tây đang phải đối phó với các tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran thì sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Syrie sẽ buộc Damas phải có thái độ rõ ràng trong hồ sơ này.

Tuy  nhiên, theo ông Joshua Landis, chuyên gia Mỹ về hồ sơ Syrie, thì chính quyền Damas có thể lo ngại là Washington sẽ sử dụng lá bài đối thoại để kìm giữ Syrie, buộc nước này phải đáp ứng các yêu sách của Mỹ và phương Tây trong vấn đề Liban và giải quyết hồ sơ Palestine - Israel, trong khi đó Damas không đạt được điều gì.