Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Ngân hàng Việt Nam : Tiến trình chuyển đổi

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 06/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  08/03/2009 08:21 TU

Đối phó của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng nước ngoài và Việt Nam, vai trò của nguồn kiều hối... RFI xin giới thiệu bài viết đăng trên tạp chí The Banker, ngày 01/03/2009, đề cập đến những vấn đề này.

Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới đáng lo ngại, bầu không khí trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam vẫn lạc quan vơí lý do xác đáng. Đa số các ngân hàng Việt Nam thông báo có được những khoản lợi nhuận đáng khâm phục (nếu như không phải là sáng chói) trong năm 2008 cho dù phải đương đầu với hàng loạt những khó khăn trong năm qua. Những khó khăn này bao gồm cả môi trường lãi suất dao động – lãi suất cơ bản tăng từ 8,25% lên 14% trong sáu tháng đầu năm, trước khi rơi xuống mức như cũ trong nửa cuối của năm – và việc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (vào tháng năm 2008) áp đặt mức lãi trần cho vay, ở mức 1,5 lần so với lãi suất cơ bản. Và với tỷ lệ lạm phát vượt quá 20% trong suốt nhiều tháng, điều này có nghĩa là lãi suất các khoản tiền gửi, trên thực tế là âm, trong một số tháng của năm 2008.  

 

Hậu quả là mức lãi đã bị cắt giảm, nhưng đa số các ngân hàng Việt Nam dường như rất khéo léo tìm cách tạo thu nhập thông qua các hoạt động trong những linh vực khác, như kinh doanh vàng, địa ốc và các hoạt động khác không liên quan đến tín dụng. Đối vơí những ngân hàng đã phải vật lộn chống chọi này, thì nguồn tài chính ngắn hạn hỗ trợ mà Ngân Hàng Trung Ương cung cấp đã giúp họ vượt qua cơn bão. Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cũng cho biết là các ngân hàng nhỏ phải nâng thêm mức vốn lên đến 1000 tỷ đồng Việt Nam (57 triệu đô la), mức vốn pháp định tối thiểu,  kể từ tháng giêng, và các ngân hàng đã làm được việc này. Đến 2010, mức vốn pháp định tối thiểu sẽ tăng lên 3000 tỷ đồng Việt Nam.

 

Trong những tháng gần đây, năm ngân hàng nước ngoài được Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chấp thuận cho chuyển đổi các chi nhánh đại diện thành các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Điều này được thúc đẩy bởi việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại Quốc Tế đầu năm 2007 và cam kết của Hà Nội mở cửa lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính thúc đẩy cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng mất gần hai năm để điều này trở thành hiện thực khi mà ngân hàng trung ương không vội vàng gì trong việc ban hành những quy định liên quan và cấp các giấy phép đầu tiên.     

 

Trụ sở ngân hàng HSBC tại Sài Gòn

Trụ sở ngân hàng HSBC tại Sài Gòn

 

Ngân hàng đầu tiên hoàn tất quá trình chuyển đổi thành một doanh nghiệp Việt Nam là HSBC, với ngân hàng đầu tiên mở cửa từ mồng một tháng giêng năm nay. Bốn ngân hàng khác, hy vọng sớm nhận được giấy phép là : Standard Chartered Bank, ANZ Bank, Shinhan Bank của Hàn Quốc và Hong Leong Bank của Malaysia

 

Những lợi thế tại chỗ

 

Sự hấp dẫn chủ yếu khi trở thành một doanh nghiệp Việt Nam là khả năng mở rộng chi nhánh và mạng lưới phân phối, cho dù phải theo nhịp độ thận trọng được ấn định bởi các nhà quản lý thuộc ngân hàng trung ương. Trong năm đầu tiên, một ngân hàng mới chỉ được lập hai chi nhánh, ngoài trụ sở chính và có thể được phép hiện diện tại ba tỉnh hoặc thành phố. HSBC Vietnam đã lựa chọn đặt trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, với một chi nhánh ở thủ đô Hà Nội và một chi nhánh mới sẽ được mở tại tỉnh công nghiệp Bình Dương, ở ngay phía bắc thành phố Hồ Chí Minh.

 

Những ngân hàng mới có vốn nước ngoài này sẽ cạnh tranh với các ngân hàng của Việt Nam trong lúc các ngân hàng Việt Nam đã có đủ thời gian để chuẩn bị cho giai đoạn khởi đầu cuộc cạnh tranh ác liệt hơn. Một số các ngân hàng của Việt Nam đã có những bước đi trước quan trọng nhằm phát triển hơn nữa mạng lưới dịch vụ rút tiền tự động ATM và các chi nhánh, cũng như có được nền tảng vững chắc cho hoạt động ngân hàng qua internet. Ngoài ra, các ngân hàng ngoại thương thuộc sở hữu của nhà nước – những cơ sở này vẫn tiếp tục thống trị lĩnh vực ngân hàng -  tự hào về một mạng lưới các chi nhánh cho phép họ vươn ra xa hơn, vượt ra bên ngoài những trung tâm đô thị lớn.

 

Người ta có thể dự báo một sự xung đột giữa một bên là mạng lưới khách hàng được thiết lập vững chắc của các ngân hàng thương mại của nhà nước và bên kia là những hiểu biết trên phạm vi quốc tế và kinh nghiệm thị trường của các ngân hàng ngoại quốc mới, và một vài cơ sở trong số những ngân hàng tư nhân Việt Nam tốt nhất đang tìm kiếm những cơ hội thích hợp. Nhưng vì đã có các chi nhánh tại Việt Nam từ một thập niên qua hoặc lâu hơn, các ngân hàng nước ngoài mới không phải là tác nhân mới trên thị trường Việt Nam và do vậy cũng sẽ có lợi thế. Tất cả những điều này báo hiệu một điềm tốt lành cho các khách hàng tại Việt Nam.

 

Phạm vi hoạt động

 

Việc mang quy chế là doanh nghiệp Việt Nam cũng cho phép các ngân hàng nước ngoài có phạm vi hoạt động rộng hơn – đặc biệt là trong việc cung ứng những sản phẩm và dịch vụ - hơn là trong trường hợp hoạt động như một chi nhánh ngân hàng ngoại quốc. Chiến trường cạnh tranh chủ yếu là lĩnh vực ngân hàng người tiêu dùng, được coi là có tiềm năng phát triển đáng kể, vào lúc chỉ có 10% trong số 87 triệu dân Việt Nam có một tài khoản ngân hàng. Về nhiều mặt, Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế dùng tiền mặt, cho dù điều này đang từng bước thay đổi. Thẻ tín dụng và khấu trừ đang được sử dụng rộng rãi hơn, nhất là trong số những người giầu có thuộc 30% dân số Việt Nam sống tại các đô thị. Các ngân hàng mới dường như vươn ra ngoài “khu vực an toàn” truyền thống phục vụ các khách hàng doanh nghiệp đã có, nhằm tập trung chú ý tới những cá thể và các công ty nhỏ của Việt Nam.

 

 

 

Mặc dù là một thị trưòng tương đối nhỏ, Việt Nam có khoảng 40 ngân hàng tư nhân, 5 ngân hàng thương mại lớn của nhà nước, khoảng 40 chi nhánh ngân hàng, 6 ngân hàng liên doanh, 12 công ty cho thuê tài chính, và vô kể các quỹ đủ loại. Và số lượng đang còn nhiều thêm. Sau một thời kỳ tạm ngưng, ngân hàng trung ương đã chấp thuận một số ngân hàng mới trong năm ngoái.

 

Ngân hàng mới nhất là Bao Viet Bank, một chi nhánh của tập đoàn bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước, trong đó, HSBC có 10% vốn với tư cách đối tác chiến lược. HSBC cũng có 20% vốn trong ngân hàng tư nhân Techcombank. Không có gì ngạc nhiên khi ông Tom Tobin, chủ tịch tổng giám đốc HSBC Vietnam tuyên bố rằng “HSBC rất tin tưởng rằng tiềm năng kinh tế về lâu dài của Việt Nam là rất lớn”.

 

Một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu của Việt Nam, Sacombank, cũng nhìn nhận ra những cơ hội tại các nước láng giềng. Ngân hàng này gần đây đã khai trương một chi nhánh tại Viên Chăn, thủ đô Lào và vừa được Ngân Hàng Quốc Gia Căm Bốt chấp thuận cho mở một chi nhánh tại Phnom Penh.

 

Điều này phản ánh một xu hướng trong số vài doanh nghiệp Việt Nam muốn sang làm ăn tại Căm Bốt và Lào, nơi có nhiều đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn. Chưa rõ là liệu dịch vụ ngân hàng của một doanh nghiệp Việt Nam có hấp dẫn hay không đối với người dân Lào và Căm Bốt, nhưng các cộng đồng người Việt làm việc tại hai nước này có thể sẽ bị cám dỗ.

 

Tất cả còn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ cung cấp bởi vì lĩnh vực ngân hàng, nhất là của Căm Bốt, đã có một sự cải thiện đáng kể trong các chuẩn mực dịch vụ phục vụ khách hàng kể từ khi ANZ Royal Bank vào thị trường này cách nay ít năm. Một xu hướng tương tự cũng diễn ra tại Lào, sau đầu tư của ANZ tại Commercial Bank Viên, Chăn, nâng cao chuẩn mực dịch vụ của ngành ngân hàng nước này.

 

Chuyển tiền về nước.

 

Tại Việt Nam, một dịch vụ khách hàng quan trọng khác là chuyển tiền về trong nước của những người Việt Nam định cư ở hải ngoại, ước chừng khoảng 8 tỷ đô la trong năm 2008. Tổng số tiền chuyển về có thể bị giảm nhẹ trong năm 2009 do hậu quả của suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, số người Việt Nam ở nước ngoài với tư cách là lao động trong năm 2008 ít hơn so với năm trước và có ít người Việt Nam định cư ở hải ngoại (như tại Mỹ, Pháp, Úc, Nga và các nơi khác) du lịch về nước nhân dịp lễ đón năm mới trong tháng giêng do túi tiền của họ cũng eo hẹp hơn. Dù sao, thì các khoản tiền chuyển về nước, trước mắt, vẫn sẽ là nguồn vốn lớn cho kinh doanh đối với các ngân hàng. 

 

 

Vào cuối tháng 12, ngân hàng VietinBank của nhà nước rụt rè tiến hành đợt chào bán chứng khoán đầu tiên ra công chúng (IPO) qua đấu giá. Khoảng 4% cổ phiếu của ngân hàng được bán, chủ yếu cho các nhà đầu tư trong nước, huy động được 1100 tỷ đồng. Việc lựa chọn thời điểm đấu giá có thể giải thích vì sao chỉ có ba định chế đầu tư ngoại quốc tham gia gọi thầu. Ngân hàng này vẫn chỉ dành 10% số cổ phiếu cho một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Việc chuyển nhượng một phần vốn của VietinBank là một phần trong chương trình cổ phần hóa của chính phủ đã kéo dài từ rất lâu và không gây được ấn tượng tốt đẹp nào. (Cuối 2007, Vietcombank đã phát hành một đợt IPO tương tự.). Mọi chuyện đã không thuận lợi do thị trường chứng khoán ảm đạm và thiếu thanh khoản; trong năm 2008, chỉ số VNI đã rớt 66%, mức tồi tệ nhất trên thị trường chứng tại châu Á vào năm ngoái.

 

Bắt đầu tác hại

 

Suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu gây tác hại tại Việt Nam. Phần đông các nhà quan sát dự báo là trong năm 2009, Việt Nam sẽ chật vật về xuất khẩu vào lúc nhu cầu của nước ngoài đối với hàng hóa (như quần áo và giầy dép) bị co lại và giá cả chung của nhiều mặt hàng (như hải sản, hạt tiêu, cà phê, dầu và than) đi xuống. Luồng đầu tư ngoại quốc cũng có thể sẽ giảm xuống chỉ còn là cái bóng của những con số khổng lồ trong năm 2008 (khoảng 60 tỷ đô la cam kết đầu tư). Là một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu và dựa vào đầu tư, không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam sẽ bị tác động mạnh mẽ.

 

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách tại Hà Nội đã thông báo là họ sẽ khởi động một kế hoạch kích thích kinh tế và thuế khóa, trị giá 100 000 tỷ đồng, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam hoặc bằng một phần tư tổng dự trữ ngoại tệ của họ.

 

Chi tiết về gói kích thích này vẫn còn chưa rõ ràng, cho dù phần đông các ngân hàng dường như có liên quan đến những biện pháp sẽ đưa ra. Một trong những biện pháp này là thiết lập một cơ chế bảo đảm tín dụng quốc gia lên tới 30 000 tỷ đồng, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm kiếm tín dụng, cho dù trước đây những ý định lập cơ chế như vậy tại Việt Nam đã gây thất vọng.

 

Điều đang gây tranh luận nhiều, có thể, là việc ngân hàng trung ương đưa ra đề nghị tài trợ các khoản tín dụng ngắn hạn (tám tháng hoặc ngắn hơn) cấp cho các doanh nghiệp lựa chọn, với tổng số tiền lên tới 17 ngàn tỷ đồng, với lãi suất 4% trả cho các ngân hàng. Cơ chế ủy thác này sẽ yêu cầu các ngân hàng cấp tín dụng với lãi suất thấp và hoàn trả Ngân Hàng Nhà Nước sau.