Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

THẾ GIỚI

Nguy cơ thiếu nước đe dọa ổn định toàn cầu

  Tú Anh

Bài đăng ngày 16/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  16/03/2009 12:59 TU

Nước ngọt, tài sản quý giá của nhân loại(Ảnh : Walter J. Pilsak/ Licence de documentation libre GNU, version 1.2)

Nước ngọt, tài sản quý giá của nhân loại
(Ảnh : Walter J. Pilsak/ Licence de documentation libre GNU, version 1.2)

Thế giới bị đe dọa thiếu nước ngọt để sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi.Trong nỗ lực tìm một giải pháp lâu bền để cứu nguy nhân loại trước thách thức khổng lồ này, Diễn Đàn Thế Giới về Nước được tổ chức tại Istanbul, Thỗ Nhĩ Kỳ từ ngày 16-22/03/2009.

Theo một kết quả nghiên cứu với nội dung báo động của Liên Hiệp Quốc, nếu tiếp tục quản lý nguồn nước một cách vô tội vạ, « không biết lo xa và thiếu quân bình » thì nhiều vùng đất trên địa cầu sẽ không tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng cho an ninh, kinh tế  và cho con người.

Trong nỗ lực tìm một giải pháp lâu bền để cứu nguy nhân loại trước một thách thức khổng lồ này, Diễn Đàn Thế Giới về Nước được tổ chức 3 năm một lần, diễn ra tại Istanbul, Thỗ Nhĩ Kỳ từ ngày 16 cho đến 22 tháng 3.

Ba ngàn tổ chức và hơn 10 ngàn người trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng môi trường trên toàn cầu về dự đại hội do Liên Hiệp Quốc triệu tập.

Hiện nay trên địa cầu có gần một tỷ người không có nguồn nước uống và hai tỷ rưỡi người trên tổng số 6 tỷ không có nước sinh hoạt.

Việt Nam may mắn không nằm trong vùng khô hạn trường kỳ hay mưa nắng thất thường. Nhưng theo báo cáo của Liên Hiệp quốc, Việt Nam bị thiếu nước sạch trầm trọng do thiếu đầu tư. Hai ngày trước khi Diễn đàn thế giới về nước khai mạc, người dân Sài Gòn được tin giá nước sinh hoạt sẽ tăng 75%, từ 2.700 đồng một mét khối lên đến 4.725 đồng. Nguồn nước ô nhiễm, theo Liên Hiệp Quốc, giết người nhiều 10 lần hơn là chiến tranh.

Nhưng điều nguy hiểm hơn nữa là thiếu nước để trồng trọt và chăn nuôi. Dân số địa cầu tăng thêm mỗi năm 80 triệu, do vậy nhu cầu sử dụng nước cũng tăng thêm 64 tỷ mét khối mỗi năm.

Tại Châu Phi cũng như châu Á, nước đã trở thành khan hiếm do nhiều yếu tố nhân quả : dân số tăng, khí hậu thay đổi làm tình hình chính trị và kinh tế căng thẳng thêm  đặt biệt là ở những vùng biên giới. Vùng châu Phi da đen gần như rơi vào tình trạng cực kỳ đen tối vì công cuộc quản lý nguồn nước xuống cấp. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng xẩy ra « bạo loạn vì nước » tương tự như « bạo loạn vì đói » hồi năm 2008

Tại Trung Quốc, một nửa lãnh thổ phía bắc trong đó có thủ đô Bắc Kinh nằm trong vùng « khô hạn thường trực ». Những nơi không bị hạn hán, thì nước ô nhiễm. Trong tình thế này, Tây Tạng được xem là « hồ nước của Á châu » trở thành bảo vật sinh tử của Trung Quốc. Do vậy Bắc Kinh bằng mọi giá phải kềm giũ Tây Tạng trong tay.

Cũng vì thế mà Ấn Độ rất lo ngại khi thấy Bắc Kinh chuyển nước từ vùng cao nguyên Himalaya đem về trung nguyên.

Việt Nam cũng bị đe dọa vì các chương trình đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mêkông. Theo nhật báo Pháp Le Figaro, Hà Nội thấy được mưu mô của Bắc Kinh kiểm soát hết nguồn nước nuôi sống Việt nam. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào nước khan hiếm, thì mơi ấy sẽ làm sống lại những hiềm khích cũ trong lịch sử.

Hiện thời, bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc chưa nói đến khả năng chiến tranh. Nhưng hệ quả được mô tả là rất đáng ngại.

Theo Liên Hiệp Quốc, thách thức hiện nay, là chính phủ các nước phải đưa chính sách quản lý nước vào nhật thứ ưu tiên ngang hàng với phát triễn kinh tế, năng lượng và an ninh. Hợp tác quốc tế  là giải pháp hay nhất để phòng ngừa xung đột  dành nhau một nguồn tài nguyên càng ngày càng hiếm.