Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ sống sót sau cuộc khủng hoảng ?

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 16/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  16/03/2009 17:12 TU

Ảnh : Reuters

Ảnh : Reuters

Những khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng ra sao đến vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc ? Vai trò của tầng lớp trung lưu trong việc tạo ra những khả năng thay đổi tại Trung Quốc ? RFI phỏng dịch bài viết của nhà nghiên cứu MINXIN PEI, thuộc Trung Tâm Carnegie, được đăng trên Tạp Chí Đối Ngoại-http://www.foreignaffairs.com/, ngày 12 tháng ba 2009

Cho đến gần đây, đa số các nhà nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc đã nghĩ rằng đảng cộng sản Trung Quốc có khả năng biến báo tốt. Qua học hỏi và thích ứng, dường như cái chế độ độc đảng gần như đầy quyền lực và lớn nhất thế giới đã trở nên hoạt bát về mặt chính trị và đủ khéo léo để vượt qua những khó khăn.

Trong hai thập niên, đảng cộng sản đã hoàn tất một danh sách gây ấn tượng về những thành tích: trong nước, đảng cộng sản đã giữ được nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng rất cao, ở hai số, còn ở nước ngoài, đảng tiếp tục một chính sách đối ngoại thực dụng, tránh đối đầu với Hoa Kỳ và từng bước nâng cao uy tín và ảnh hưởng của mình.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, Bắc Kinh đang ở trong tình trạng rối bời. Có nhiều vấn đề lớn đặt ra : xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm, hàng chục trong số hàng triệu lao động từ nông thôn lên thành thị bị mất việc, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp không thể tìm được việc làm, khả năng sản xuất đang bị giảm lạm đe dọa và khu vực địa ốc một thời nóng bỏng giờ đây đang ỉu xìu. Mức độ tăng trưởng không chắc chắn đang là một trắc nghiệm hóc búa nhất về khả năng biến báo của đảng cộng sản Trung Quốc.

Đương nhiên, nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thất ít hơn so với các nước khác. Khu vực ngân hàng khép kín của Trung Quốc vẫn gần như tránh được tác động. Hơn nữa, cán cân thu chi của chính phủ vẫn thừa đủ để tài trợ cho gói kích thích kinh tế 580 tỷ đô la (cho dù chỉ có một phần tư trong số này thực sự là các khoản chi mới.) Dự trữ ngoại tệ khổng lồ 1,9 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc là một sự bảo đảm chắc chắn chống lại biến động tài chính toàn cầu và Trung Quốc cần phải có đủ khả năng tránh được một cuộc suy thoái toàn diện.

Lao động từ nông thôn lên thành thị chờ tìm việc làm trên đường phố, Thành Đô, Tứ Xuyên, ngày 02/02/2009Ảnh : Reuters

Lao động từ nông thôn lên thành thị chờ tìm việc làm trên đường phố, Thành Đô, Tứ Xuyên, ngày 02/02/2009
Ảnh : Reuters

Thế nhưng, chỉ riêng việc giảm tỷ lệ tăng trưởng hàng năm – giờ đây xuống còn khoảng 7% thay vì hơn 11% trong nhiều năm qua – cũng đủ đề gây ra rối loạn. Hàng năm, thị trưòng lao động Trung Quốc có thêm hơn 10 triệu lao động và phần lớn trong số này là những người rời bỏ thôn quê lên các khu đô thị để tìm kiếm việc làm. Khi tổng sản phẩm quốc nội tăng 1% thì tạo ra thêm khoảng một triệu việc làm, điều đó có nghĩa là Trung Quốc cần có tổng sản phẩm nội địa tăng ít nhất là 10% mỗi năm để hấp thụ được số người gia nhập thị trường lao động.

Với việc không thấy ánh sáng cuối đường hầm trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhiều người đang hỏi là khó khăn kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài đến lúc nào và tác động chính trị của tình trạng đình trệ kinh tế sẽ ra sao. Suy nghĩ thông thường là tăng trưởng thấp sẽ làm xói mòn tính chính đáng về mặt chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc và gây ra những rối loạn xã hội, chẳng hạn như những người lao động từ nông thôn lên thành thị giờ đây bị thất nghiệp và những sinh viên tốt nghiệp không có việc làm sẽ tỏ thái độ bất bình qua những vụ nổi loạn và phản đối. Cho dù dự báo này không hẳn là sai lầm nhưng nó chưa đầy đủ.

Thành tựu nổi bật về kinh tế là gần như là cội nguồn quan trọng duy nhất tạo tính chính đáng cho đảng cộng sản Trung Quốc, do vậy, tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài sẽ mang lại mối nguy hiểm về sự thất vọng của giới trung lưu đang ngày càng đông đảo và được ru ngủ bởi sự phồn vinh của những năm sau biến cố Thiên An Môn. Và các chính sách kinh tế tạo thuận lợi cho tầng lớp giầu có đã tha hóa tầng lớp công nhân và nông dân ở nông thôn, những tầng lớp trước đây là cơ sở xã hội của đảng. Ngay cả trong những năm phát triển mạnh gần đây, số các vụ nổi dậy của tầng lớp bần hàn rất cao, hàng năm có gần 90 000 vụ nổi loạn, đình công, biểu tình và phản đối tập thể. Những vụ bất bình như vậy sẽ gia tăng cường độ trong thời buổi khó khăn.

Có lẽ hợp lý hơn là chờ đợi những thách thức đến từ tầng lớp trung lưu bất mãn ở thành thị, từ giới sinh viên thất vọng và từ phía những người lao động từ nông thôn ra thành thị bị mất việc làm và đó sẽ là môí đe dọa chính đối với sự cầm quyền của đảng. Nếu những nhóm người này tạo thành trên thực tế một liên minh mạnh mẽ thì đảng cầm quyền lâu nhất trên thế giới này có thể rơi vào rối loạn trầm trọng. Thế nhưng điều này sẽ không xẩy ra. Một kịch bản cách mạng như vậy coi nhẹ hai yếu tố chủ chốt ngăn cản sự thay đổi về chính trị tại Trung Quốc và trong những chế độ chính trị độc đoán tương tự : Đó là khả năng của chế độ tiến hành đàn áp và sự đoàn kết trong giới chóp bu.

Khủng hoảng kinh tế và nổi loạn xã hội có thể gây khó khăn cho đảng cộng sản Trung Quốc trong việc lãnh đạo, nhưng điều đó không làm cho đảng buông thả quyền lực. Nhìn vào các nước như Zimbabwe, Bắc Triều Tiên, Cuba và Miến Điện cho thấy tầng lớp chóp bu tương đối đoàn kết trong việc kiểm soát quân đội và cảnh sát và có thể bám víu vào quyền lực nhờ vào sức mạnh tàn bạo, ngay cả trong khi đối mặt với thất bại kinh tế trầm trọng. Mặt khác, sự chia rẽ trong giới chóp bu sẽ làm giảm khả năng trấn áp của chế độ và thông thường báo hiệu sự diệt vong của những kẻ lãnh đạo.    

Đảng cộng sản Trung Quốc đã chứng minh khả năng phi thường của mình trong việc ngăn chặn và trấn áp những vụ phản đối xã hội mạnh mẽ và các phong trào ly khai trên quy mô nhỏ. Chế độ duy trì lực lượng Công An Nhân Dân Vũ Trang bao gồm 250 000 người, được huấn luyện và trang bị tốt chống bạo loạn. Thêm vào đó, công an chìm của Trung Quốc là một trong những lực lượng có khả năng tốt nhất trên thế giới và được mở rộng thông qua mạng lưới chỉ điểm. Cho dù Internet có thể làm cho việc kiểm soát thông tin khó khăn hơn nhưng các nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc vẫn có khả năng phản ứng nhanh và hoàn toàn chặn đứng được việc phát tán những thông tin nguy hiểm.

Kể từ sau vụ đàn áp Thiên An Môn, chính phủ Trung Quốc đã khéo léo cải thiện khả năng trấn áp. Việc hàng năm phải đối phó với hàng chục ngàn vụ nổi loạn đã khiến cho Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có kinh nghiệm nhất trên thế giới trong việc tăng cường luật pháp để kiểm soát và giải tán đám đông. Các cơ quan an ninh của nhà nước Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật “chặt đầu chính trị” mang lại hiệu quả to lớn, bằng cách nhanh chóng bắt giữ những người lãnh đạo nổi dậy, làm cho những người tham gia bị rối loạn, mất tinh thần và bất lực. Nếu những điều kiện kinh tế tồi tệ dẫn đến tình hình có nguy cơ bùng nổ về chính trị, đảng sẽ áp dụng những biện pháp đã được kiểm nghiệm có kết quả nhằm  ngăn ngừa bất kỳ một phong trào có tổ chức nào chống lại chế độ 

Nếu như sự nổi dậy của dân chúng không phải là mối đe dọa thực sự đối với sự lãnh đạo liên tục của đảng vậy thì cái gì sẽ đe doạ ? Câu trả lời duờng như là sự phân rã trong giới chóp bu của đất nước. Những người nói đến sự “biến báo của chế độ độc tài” Trung Quốc coi sự thống nhất trong giới chóp bu là một những thành công gần như quan trọng nhất của đảng cộng sản Trung Quốc trong những thập niên qua, với bằng chứng là sự thống trị của giới kỹ trị, thiếu vắng tranh luận về hệ tư tưởng, tạo ra những quy trình chuẩn hóa trong việc thăng cấp và nghỉ hưu đối với các quan chức cao cấp và việc chuyển giao lãnh đạo tương đối êm thấm từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào.   

Tuy nhiên, có những lý do để bi quan về sự hài hòa bề ngoài này – đấu đá dàn xếp quyền lực xẩy ra trong những thời kỳ phồn thịnh về kinh tế nhưng thông thường lại không diễn ra khi có khủng hoảng. Ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc là một liên minh được cân bằng một cách tinh tế giữa các vùng, các phe phái và các lợi ích của những định chế mà sự bất đồng sẽ làm cho liên minh dễ bị tổn thương. Trong nhãn quan của đa số các nước phương Tây, Trung Quốc may mắn có những người lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng và quyết đoán. Thế nhưng đối với bản thân những người lãnh đạo Trung Quốc, thì tình hình lại hơi khác một chút. Lý lịch công tác của họ rất giống nhau, đều được ghi như là các quản trị viên. Không một cá nhân nào vượt trội hơn những người khác, tỏ rõ khả năng lãnh đạo, tầm nhìn và thành tích – điều đó có nghĩa là không ai đứng vượt lên trên các thách thức và sân khấu đã sẵn sàng cho những mánh khóe để giành ưu thế.   

Cho đến nay, chất keo sơn thực sự giúp đảng cộng sản Trung Quốc gắn bó là hệ thống ưu đãi rộng lớn được tạo ra nhờ có sự tăng trưởng kinh tế trong một thời gian dài. Chế độ thường sử dụng các nguồn tài chính để cân bẳng các lợi ích trong nước, thỏa mãn các thành phần xã hội khác nhau và mua chuộc sự ủng hộ của thành phần ưu tú trong xã hội Trung Quốc. Thế nhưng, chế độ ưu đãi này rất tốn kém – riêng các khoản chi cho khu vực hành chính chiếm hơn 20% ngân sách chính phủ và hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc đến từ các khoản đầu tư vào phần vốn cố định như nhà máy, kho tàng – một lĩnh vực thống trị bởi nhà nước và với những khoản ưu đãi. Nói một cách khác, những thành phần được coi là ưu tú trong xã hội không bị ý thức hệ ràng buộc đã gắn chặt với đảng bởi vì họ đã được trả giá. Nhưng khi các khó khăn kinh tế làm mất đi những khoản trợ cấp dễ dàng, thì sự ủng hộ và trung thành của nhóm ưu tú này đối với chế độ có thể không còn tiếp tục nữa.

Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào bắt tay đoàn đại biểu Công An Nhân Dân Vũ Trang, tại Đại Lễ Đường ở Bắc Kinh, ngày 22/06/2005Ảnh: english.people.com.cn

Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào bắt tay đoàn đại biểu Công An Nhân Dân Vũ Trang, tại Đại Lễ Đường ở Bắc Kinh, ngày 22/06/2005
Ảnh: english.people.com.cn

Sự bất bình trong xã hội lên cao có thể không đủ để buộc đảng từ bỏ quyền lực, nhưng nó có thể khuyến khích một vài thành viên trong tầng lớp ưu tú khai thác tình hình cho mục đích chính trị của họ. Các doanh nhân chính trị này có thể sử dụng những lời kêu gọi mang tính dân túy để làm yếu kém các đối thủ và cùng với tiến trình này, mở ra những chia rẽ bên trong hàng ngũ chóp bu vốn vẫn đoàn kết trong đảng. Mọi bất bình trong nhóm chóp bu đều có thể dẫn đến sự rối ren và hỗn loạn bên trong bộ máy đàn áp của nhà nước Trung Quốc, làm giảm khả năng ngăn cản bất ổn xã hội và do vậy tạo ra vòng luẩn quẩn các sự kiện có thể dần dần đưa đến tình trạng mất ổn định. Vậy điều đó nghĩa là sự lãnh đạo của đảng cộng sản bị suy giảm ? Chưa. Chính phủ đã thành công, vượt qua được các giai đoạn đầu của khủng hoảng và cho dù các căng thẳng bên trong các hàng ngũ chóp bu có thể dẫn đến một sự nhượng bộ nào đó hơn là thay đổi chế độ. Nhưng khi suy thoái kinh tế tiếp tục, một vài tác động chính trị tại Trung Quốc có thể xẩy ra - và mọi sự thay đổi có thể đến từ hàng ngũ cấp cao hơn là từ phía dưới lên.