Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Khủng hoảng kinh tế tại Đông Nam Á càng lúc càng thêm nặng nề

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 17/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  17/03/2009 18:50 TU

Theo số liệu vừa được điều chỉnh của Cơ quan thẩm định kinh tế Anh Quốc Economist Intelligence Unit, các nước Đông Nam Á vẫn lún sâu thêm vào khủng hoảng. Năm 2009, tăng trưởng của Singapore thụt lùi xuống mức -7,5%, Thái Lan co thắt theo tỷ lệ -4,4%. Việt Nam vẫn tăng trường theo số dương, nhưng với vỏn vẹn 0,3%.

Các số liệu thống kê mới công bố trong tháng 3 của Cơ quan thẩm định kinh tế Anh Quốc Economist Intelligence Unit rất bi quan cho vùng Đông Nam Á. Sáu nước có trọng lượng trong Asean, từ Singapore, Thái Lan, Malaysia,cho đến Philippine, Indonesia và Việt Nam đang ngày càng lún sâu thêm vào một cuộc khủng hoảng có phần nghiêm trọng hơn những năm 1997-1998, với tỳ lệ tăng trường suy sụp nặng nề trong năm 2009, theo sau là một đà vươn lên nhưng rất nhẹ, trong năm 2010.

Vấn đề đối với khu vực Đông Nam Á, theo giới phân tích, là các nước trong vùng chưa thể chuyển đổi trong một sớm một chiều mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu, do đó vẫn còn phải nhờ vào lãnh vực này để vươn lên trở lại, cho dù trước mắt các quốc gia đã bắt đầu tung ra một số kế hoạch kích cầu trong nội địa với hy vọng là hạn chế được tác hại của việc xuất khẩu tuột dốc. Vì vẫn phải nhờ vào xuất khẩu để vực dậy nền kinh tế, cho nên chính quyền các nước Đông Nam Á, để tăng sức cạnh tranh, có thể bị biện pháp hạ giá đồng tiền bản xứ cám dỗ.

Singapore suy thoái nặng nề, Việt Nam tăng trưởng mấp mé số không

Trong khối 10 thành viên Asean, Economist Intelligence Unit chỉ thường xuyên theo dõi tình hình 6 nước được coi có trọng lượng nhất. Đó là Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo bản dự báo vừa công bố vào đầu trung tuần tháng 03/2009,  trong số 6 nước được giám sát, chỉ có Việt Nam và Indonesia tránh được suy thoái trong năm 2009. Bốn quốc gia còn lại (Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan) đều ''tăng trưởng'' theo số âm, với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo tỷ trọng của xuất khẩu trong GDP của nước đó.
Điểm đáng chú ý được phản ánh trong bảng dự báo tháng 3/2009 của Economist Intelligence Unit là so với đánh giá một tháng trước đây, tình hình kinh tế trong toàn bộ khu vực đã xấu đi một cách đáng kể, với tỷ lệ tăng trưởng dự báo bị hạ thấp đáng kể, ngoại trừ trường hợp của Indonesia không có thay đổi (xem bảng dưới đây).

Dự báo của Economist Intelligence Unit tháng 3/2009

Quốc gia Năm 2008

Năm 2009

(tháng 2 trong ngoặc)

Năm 2010

Singapore

1,2%

 -7,5 %      (-7,2%)

 1,9%
Thái Lan

3,0%

 -4,4 %       (-1,8%) 

 1,8% 
Malaysia

5,1%

 -1,8 %       (-0,3%) 

 1,9% 

Philippine

4,3%

 -0,6%        (-0,5%) 

 1,6% 
Việt Nam

6,2%

  0,3%        (3,0%)

 1,1% 
Indonesia

6,1%

1,9%

(không có dự báo tháng 3) 

 2,5% 

 Ba trường hợp xấu đi rõ nét nhất trong khoảng thờI gian giữa hai bảng dự báo của EIU là Việt Nam (giảm thêm 2,7%), Thái Lan (mất thêm 2,6%) và Malaysia (trừ thêm 1,5%).

Giải thích về đà đi xuống này, cơ quan nghiên cứu Anh Quốc đã nhắc lại nhận xét được nêu bật từ ngày khủng hoảng tài chánh và kinh tế toàn cầu bùng lên : tác hại của khủng hoảng kinh tế tại ba thị trường chủ yếu của Đông Nam Á : Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2009 có thể bị nhân đôi

Về trường hợp Việt Nam, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng năm 2009 sẽ bị mất đi gần 6 điểm so với năm 2008 chủ yếu đến từ tình trạng xuất khẩu sụt giảm, mức tiêu thụ trong nước yếu kém và đầu tư trực tiếp ngoại quốc khan hiếm hẳn.

Ông Justin Wood, giám đốc đặc trách Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit đã giải thích rõ trong buổi họp báo hôm 16/03/2009 tại Hà Nội là trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 sẽ mất đi khoảng 31%, trong lúc đầu tư trực tiếp đến nước ngoài sẽ giảm 70% vớI vỏn vẹn 2,2 tỷ đô la dự kiến được giải ngân so vớI gần tám tỷ vào năm ngoái. Lượng kiều hối của ngườI Việt hải ngoại gới về nước cũng sẽ giảm đáng kể do tình hình kinh tế khó khăn chung trên toàn thế giới. Theo ghi nhận của EIU, trong năm 2008, Việt Nam thu được khoảng 8 tỷ đô la kiều hối, tương đương vớI 9% GDP.


Hệ quả không thể tránh khỏi của tình trạng chung này là nan thất nghiệp tăng vọt, vớI tỷ lệ bị nhân lên gần gấp đôi từ 4,7% vọt lên 8,2%.

Châu Á bị tác hại dữ dội nhất từ khủng hoảng toàn cầu

Bối cảnh của 6 nước Đông Nam Á được Economist Intelligence Unit nêu bật cũng là toàn cảnh chung của châu Á mà theo Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB, bị khủng hoảng toàn cầu tác hại nặng nề nhất trong số các nước đang phát triển trên hành tinh.

Lý do, theo ADB, là vì các thị trường tài chánh trong vùng đã phát triển nhanh hơn các khu vực khác trong thờI gian qua. Theo một công trình nghiên cứu vừa được công bố, thì tỷ lệ trị giá tài sản trên các thị trường tài chánh của khu vực Châu Á đang phát triển (tức là không kể đến Nhật Bản) so với tổng trị giá GDP đã tăng từ 250% vào năm 2003, lên đến 370% vào năm 2007. Trong cùng thời điểm, tỷ lệ này tại vùng Châu Mỹ La Tinh chẳng hạn, chỉ tăng 30%.

Do khủng hoảng tài chánh, trị giá tài sản ''tài chánh'' của châu Á đã bị mất đi 9.600 tỷ đô la, một khoảng tiền cao hơn một năm GDP của toàn Châu Á đang phát triển. Số tài sản bị thất thoát này tương đương vớI một phần năm tổng số tiền bị tan biến trên các thị trường tài chánh toàn thế giớI do cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Vấn đề lo ngại là ảnh hưởng dây chuyền giữa sự suy sụp của các thị trường tài chánh với nền kinh tế thực tại châu Á. Theo ông Haruhiko Kuroda, chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Châu Á có nhiều loại tác động :

1. Xuất khẩu sụt giảm, vớI những hệ quả xấu không chỉ đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu, mà đối vớI tất cả các ngành trong quy trình sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Biểu hiện đáng ngại nhất của tác động này là thất nghiệp gia tăng trong lúc GDP sụt giảm.

2. Nguồn đầu tư trực tiếp ngoại quốc rút ra khỏi các thị trường tài chánh Châu Á, làm cho thị trường chứng khoán các nơi này tụt dốc thêm, trong lúc nguồn tín dụng khan hiếm thêm, đặc biệt đối vớI các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vùng.

3. Kiều hối, đặc biệt từ những ngườI lao động ở nước ngoài gởi về cũng sẽ giảm sụt vì tình hình kinh tế tại nước chủ nhân cũng gặp khó khăn.
 
Sức cám dỗ từ việc giảm giá đồng tiền để khôi phục xuất khẩu

Lãnh đạo 10 nước Asean tại Hội Nghi Thượng Đỉnh Hua Hin (Thái Lan)(Nguồn : 14aseansummit.org)

Lãnh đạo 10 nước Asean tại Hội Nghi Thượng Đỉnh Hua Hin (Thái Lan)
(Nguồn : 14aseansummit.org)

Trong trường hợp cụ thể của Đông Nam Á, thương mại toàn cầu đang co thắt đã bắt đầu đánh mạnh vào các nước sống nhờ xuất khẩu trong khu vực. Trong một bài viết ngày 12/03/2009 trên tờ báo trên mạng Asia Times, nhà báo Shawn W. Crispin báo động : ''Từ đỉnh cao vào tháng 7 năm 2008 cho đến cuối năm, xuất khẩu của vùng Đông Nam Á đã giảm 35% nếu tính theo trị giá bằng đô la. Theo các chuyên gia kinh tế, thì các mặt hàng chủ đạo của khu vực là điện tử và xe hơi, cũng như dịch vụ du lịch sẽ bị suy giảm vớI tỷ lệ từ 20% đến 30% trong năm nay, trong lúc xuất khẩu nói chung sẽ tuột dốc vớI mức 10%-20%''.

Để đối phó, theo Asia Times, chính phủ các nước trong khu vực đã đề ra những kế hoạch kích thích kinh tế, cũng như sẵn sàng giảm nhẹ chính sách tiền tệ để bù bắp vào những khoản thất thu do xuất khẩu sựt giảm. Thế nhưng, do phương tiện tài chánh hạn chế, các chủ trương này khó có thể đạt hiệu quả kích thích mong muốn, tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia hay Philippine chẳng hạn.

Theo Asia Times, những lờI kêu gọị chống bảo hộ mậu dịch của khối Asean đưa ra nhân HộI nghị Thượng đỉnh cuối tháng 2, đầu tháng ba vừa qua là dấu hiệu cho thấy là Asean đang hy vọng là Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ sớm hồi phục và chi tiêu trở Iại. Trong trường hợp đó, khối nước Đông Nam Á sẽ có thể tái lập xuất khẩu để tăng trưởng trở lại, tương tự như vào thờI điểm sau cuộc khủng hoảng tài chánh châu Á 1997-1998. Nhiều nước Asean đang kỳ vọng vào diễn biến theo hình chữ V, hay ít ra là chữ U, vớI khủng hoảng chạm đáy vào giữa năm nay.

Trong tình hình hiện nay, theo nhiều nhà phân tích, khả năng hồi phục sớm vào giữa năm khó có thể diễn ra, nhưng nếu khả năng mong manh đó xuất hiện, thì các nước trong khu vực có nguy cơ lao vào một cuộc chạy đua tranh giành thị phần xuất khẩu, vớI vũ khí truyền thống là hạ giá đồng tiền bản xứ để tắng sức cạnh tranh.

Theo Asia Times, vào lúc này, các ngân hàng trung ương trong vùng vẫn công khai xác định là không hề có ý định giảm giá đồng tiền của họ. Thế nhưng, một số chuyên gia vẫn đoan chắc rằng nếu tình hình xuất khẩu xấu đi thêm, vớI tình trạng thất nghiệp tăng vọt kèm theo những tác hại phụ khác, xu hướng hạ giá nộI tệ để tăng sức cạnh tranh sẽ gia tăng, đặc biệt giữa các nước cùng xuất khẩu một mặt hàng.

Hàn Quốc thu lợi nhờ đồng won mất giá

Đồng Won Hàn Quốc bị hạ giá đáng kể tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

Đồng Won Hàn Quốc bị hạ giá đáng kể tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu

Hiện nay, theo Asia Times, ngoài vùng Đông Nam Á, Hàn Quốc đã bắt đầu cạnh tranh vớI Asean thông qua việc đồng won của họ xuống giá. Theo một bản nghiên cứu của Ngân Hàng Thụy Sĩ UBS (06/03/2009) thì cho đến tháng 2 vừa rồi, đồng tiền Hàn Quốc đã bị giảm 35% giá trị so vớI mức bình quân của năm 2006-2007. Điều này tất nhiên đã giúp các nhà xuất khẩu Hàn Quốc tăng cường đáng kể sức cạnh tranh của họ so vớI các đồng nghiệp Asean. Seoul xuất khẩu một khối lượng lớn các sản phẩm viễn thông, xe cộ, cao su và sắt thép. Chính vì vậy mà hàng hoá Hàn Quốc cạnh trạnh trực tiếp vớI Thái Lan, Philippine và Malaysia.

Báo cáo của UBS kết luận : ''Nếu Hàn Quốc bị coi là đang chiếm lĩnh thêm thị phần xuất khẩu nhờ tỷ giá hối đoái, điều này sẽ thúc gịuc các chính phủ Đông Nam Á tính toán đến việc để cho đồng tiền của họ giảm giá''. Theo dự báo của một số nhà phân tích, có lẽ Thái Lan sẽ là một trong những nước đi đầu trong việc tổ chức cho đồng tiền của mình hạ giá. Lý do là vì ngoài Singapore, Thái Lan là nước bị lệ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu, chiếm đến 65% GDP.

Như trong tất cả các cuộc tranh luận, không phải lúc nào cũng có đồng thuận. Theo AsiaTimes, hiện nay vẫn có một số chuyên gia cho rằng các Ngân Hàng Trung Ương Đông Nam Á đã nhận thức rõ các nguy cơ tiềm tàng của việc hạ giá đồng tiền bản xứ, trong đó có việc làm cho lạm phát gia tăng. Trong tình hình đó, họ sẽ tránh không để cho đồng tiền quốc gia tuột giá một cách quá đáng.