Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Xây đập thủy điện trên sông Mekong : Lợi bất cập hại

  Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 19/03/2009 Cập nhật lần cuối ngày  19/03/2009 18:26 TU

Con sông Mekong dài gần 5.000 cây số xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua nhiều nước, từ Trung Quốc tới Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt trước khi đổ vào vùng đồng bằng Nam Việt Nam và đi ra biển Đông.

Sông Mekong đang lâm nguy trước những kế hoạch xây đập thủy điện đã và đang được thực hiện trên dòng chính và phụ lưu của nó. Nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ chắc chắn sẽ xảy đến một mai nếu các nước có con sông Mekong đi qua cứ khư khư với các chương trình phát triển dân sinh của họ, tận dụng khai thác tiềm lực thủy điện của con sông mà không để ý gì đến hậu quả sẽ dẫn tới cho môi trường. Trong khuôn khổ bài này, RFI chỉ đề cập tới tác hại của việc xây đập trên dòng chính đối với ngư nghiệp trong vùng.

Từ lưu vực trên thuộc Vân Nam-Trung Quốc đến lưu vực dưới thuộc bốn quốc gia hạ nguồn

Thực tế cho thấy là không có gì ngăn cản nổi Trung Quốc khai thác nguồn thủy điện phong phú của con sông Mekong bằng cách xây chuỗi đập nước khổng lồ trên sông Lan Thương (tên Trung Quốc của sông Mekong) mà hiện nay đã có hai con đập hoàn tất (Mạn Loan 1.500MW, Đại Chiếu Sơn 1.350 MW) và hai đập đang xây (Tiểu Loan 4.200 MW và Cảnh Hồng 1.35OKW). Để có đủ nước vận hành hai đập thủy điện Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn, Trung Quốc đã thường xuyên đóng cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Dân cư các nước hạ nguồn đã chịu ảnh hưởng tức thời như nguồn cá tôm giảm sút, nhiều khúc sông cạn nước tới mức tàu thuyền không lưu thông được, riêng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long thì tình trạng đất nhiễm mặn đã xảy ra ngày càng trầm trọng.

Đã vậy, mới đây, từ khoảng giữa năm 2006, chính phủ các nước Lào, Thái Lan và Căm Bốt đã tính tới việc nghiên cứu tính khả thi của ít nhất 11 dự án xây đập trên dòng chính của sông Mekong ở lưu vực dưới. Đó là những đập thủy điện Pakbeng, Luangprabang, Sayabouli, Paklay, Sanakham, Latsua và Donasehong ở Lào, Ban Koum và Pakchom dọc biên giới Lào-Thái và Strung Treng, Sambor tại Cam Bốt. Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực đang tìm cách khai thác tiềm năng thủy điện để trở thành nguồn cung cấp điện cho các nước láng giềng, cụ thể như Việt Nam và Thái lan. 

Theo nhà văn Ngô Thế Vinh, trong ký sự Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch (NXB Văn Nghệ Mới 2007), không phải bây giờ mà từ những năm 40 thế kỷ trước các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm năng thủy điện của con sông Mekong và kế hoạch phát triển lưu vực dưới sông Mekong với những đập nước trên dòng chính ở hạ nguồn đã được dự tính trong những năm cuối thập niên 1950. Thế nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam lan rộng ra ba nước Đông Dương đã làm ngưng các dự tính này và giờ đây một lần nữa con sông Mekong lại phải đối mặt trước nguy cơ bị tàn phá.

Những kế hoạch đang được chuẩn bị thực hiện

Trước mắt, Căm Bốt đang xúc tiến việc xây dựng một đập thủy điện Sambor trên dòng chính sông Mekong tại tỉnh Kratíe khu vực giữa lãnh thổ. Cuối năm 2006, chính quyền Phom Penh và công ty Trung Quốc China Southern Power Grid Co.đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu tính khả thi của hai công trình. Thứ nhất là đập thủy điện có công suất 2.600 MW chắn hết lòng sông. Đây là biến thể của kế hoạch nguyên thủy được Ban Thư Ký Ủy Ban Sông Mekong đề nghị từ năm 1994 có công suất 3.300MW mà công trình cũng chắn ngang cả lòng sông. Đập thủy điện này có hồ chứa dự kiến chiếm đến 880 km2, cần di dời chỗ ở của trên 5000 người vào thời điểm ấy. Một đập thứ hai, nhỏ hơn, chỉ chắn một phần lòng sông với hồ chứa khoảng sáu km2, công suất 465MW.

Về phía Lào, đầu năm 2008, chính quyền Vientiane đã ký thỏa thuận với một công ty Malaysia xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở đoạn thác Khône, nơi dòng sông chia ra nhiều nhánh nhỏ và bắt đầu chảy qua Căm Bốt.

Con đập tương lai sẽ chặn nhánh sâu nhất nơi đây và cũng là nơi các đàn cá sẽ lội ngược dòng vào mùa khô tháng Tư tháng Năm, khi mực nước sông Mekong xuống thấp nhất để tìm nguồn thức ăn.

Các nhóm bảo vệ môi trường chống lại việc xây đập trên dòng chính sông Mekong

Các chuyên viên ngư nghiệp và những tổ chức chống xây đập nước trên dòng chính sông Mekong nghiêm khắc cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn tai hại của các công trình này.

Chuyên viên Carl Middleton nhấn mạnh hậu quả của việc xây đập Sambor, đó là ngăn chặn dòng di chuyển của cá đi tìm nguồn thức ăn, làm tổn hại nghiêm trọng cho ngư nghiệp khu vực vì đã chặn dòng cá di chuyển ngược để đẻ trứng lâu nay, chẳng hạn giữa Pakse ở phía nam Lào và xa hơn và Biển Hồ, Tonle Sap, phá hoại nặng nề các hố sâu dưới lòng sông vốn là khu trú ẩn của vô số loài cá. Một công trình nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong năm 1994 về dự án xây đập thủy điện công suất 3.300MW cũng chia sẻ mối lo ngại nói trên. Tưởng cũng nên nhắc lại là sông Tonle Sap cung ứng hàng năm cho ngư dân Căm Bốt đến hai phần ba lượng cá đánh bắt được, mà phần lớn trong số đó là các loại cá di trú.

Trong hội nghị chuyên đề lần thứ sáu về Ngư Nghiệp Sông Mekong tổ chức tại Vientiane năm 2003, một bài tham luận cũng đã khẳng định : ''Bất kỳ đập nước nào trên dòng chính sông Mekong xây dựng trên đất Căm Bốt cũng đều có hại cho ngư nghiệp, nhưng chọn địa điểm Sambor xây dựng đập là tệ hại nhất.'' Hệ quả này được lặp lại với bất kỳ con đập nào xây chắn ngang dòng chính sông Mekong.

Nhưng có điều là Ủy Hội Sông Mekong, trong đó có Việt Nam, hầu như đã giữ thái độ thụ động trước những lời cảnh báo này.

Con sông Mekong với nguồn đa dạng thủy học đặc biệt phong phú, đứng thứ nhì, chỉ sau con sông Amazone. Xây dựng đập trên dòng chính con sông là càng đẩy các loài cá quý hiếm như Irrawady Dolphin, loại cá Catfish khổng lồ hàng trăm ký và vô số chủng loại cá di trú khác tới chỗ diệt vong