Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Giới chuyên gia Việt Nam nhận định về Thượng đỉnh G20 Luân Đôn

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 01/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  01/04/2009 13:53 TU

Tiếp theo hội nghị thượng đỉnh Washington hồi tháng 11 năm ngoái tại Washington, ngày mai, 02/04/2009, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn trên thế giới và đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực nhóm họp tại Luân Đôn, Anh Quốc

Theo giới chuyên gia, nhiều chủ đề quan trọng sẽ được đề cập đến như vấn đề kiểm soát và điều tiết hệ thống tài chính ngân hàng quốc tế, chống bảo hộ mậu dịch, các biện pháp chấn hưng kinh tế, đối phó với khủng hoảng.

Vậy các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định thế nào về hội nghị thượng đỉnh G20 Luân Đôn. Sau đây là tóm lược ý kiến của tiến sĩ Lê Đăng Doanh và tiến sĩ Nguyễn Quang A, thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển - IDS, Hà Nội.

RFI : Là một nước đang phát triển và đang gánh chịu khủng hoảng, Việt Nam mong đợi gì ở hội nghị G20 Luân Đôn ?

Tiến sĩ Lê Đăng DoanhẢnh : Viện Nghiên Cứu Phát Triển-IDS

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Ảnh : Viện Nghiên Cứu Phát Triển-IDS

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh : Cuộc họp G20 kỳ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và dư luận ở Việt Nam rất quan tâm đến thành công của hội nghị. Việt Nam mong đợi là hội nghị G20 sẽ có các biện pháp thiết thực, cụ thể, để ổn định nền kinh tế, ổn định ngân hàng và sớm chấm dứt sự suy giảm hết sức nhanh chóng và nguy hiểm của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Việt Nam cũng đang bị tác động một cách rất tiêu cực trong cuộc suy giảm đó.

Việt Nam mong đợi là các nước giầu, các nước phát triển sẽ gánh vác một trách nhiệm lớn hơn để trợ giúp các nền kinh tế đang phát triển, các nước có thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam, đã bị tác động quá mạnh mẽ và thực sự là nạn nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Việt Nam hy vọng là các nước sẽ ấn định một lộ trình, một « khung các chính sách », sớm đưa ra các quyết định, sớm công bố những tiêu chuẩn, những quy định về việc giám sát, để ổn định tình hình và nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại hồi phục.

Tiến sĩ Nguyễn Quang AẢnh : Viện Nghiên Cứu Phát Triển-IDS

Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Ảnh : Viện Nghiên Cứu Phát Triển-IDS

Tiến sĩ Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là Việt Nam rất trông đợi ở hội nghị này để các nền kinh tế sẽ bàn với nhau và làm sao để phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng đang lan rộng này. Tôi tin là sẽ có những thay đổi lớn trong quản lý hệ thống tài chính và ngân hàng của thế giới.

RFI : Kể từ hội nghị G20 ở Washington hồi tháng 11 năm ngoái đến nay, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, thì đã có 17 trong số 20 thành viên của nhóm G20 áp dụng một loạt biện pháp mới theo xu hướng bảo hộ mậu dịch. Vậy, hội nghị G20 lần này sẽ đóng vai trò ra sao và có tác động như thế nào để ngăn chặn được xu thế bảo hộ mậu dịch mà chính Ngân Hàng Thế Giới và Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đã cảnh báo ?

TS Lê Đăng Doanh : Trong lĩnh vực bảo hộ mậu dịch, lãnh đạo các nước G20 đang tự mâu thuẫn với mình. Trong rất nhiều tuyên bố song phương, đa phương và trong tuyên bố của G20 hồi tháng 11 năm 2008, họ đều nhấn mạnh là cần phải tiếp tục tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và chống lại xu thế bảo hộ mậu dịch. Thế nhưng, gói kích cầu của Mỹ muốn có điều khoản « Mua hàng của Mỹ ». Điều này đã bị Liên Minh Châu Âu và Canada phản đối. Sau đó, Mỹ đã phải sửa lại và rút lại ở một mức độ đáng kể. Tuy vậy, đây là một thực tế. Vì trong tình hình xuất khẩu bị suy giảm, thì tất cả các nước đều khuyên người dân hãy mua hàng của nước mình. Vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam cũng đang bị tác động.

Tôi nghĩ là hội nghị G20 ở Luân Đôn phải đưa ra một « khung chính sách » và phải có những điều khoản cụ thể về những việc gì cần phải tiếp tục làm và những điều gì không được làm nữa. Thí dụ, không được nâng cao thuế quan hoặc hạn chế buôn bán, vì những điều này sẽ làm cho nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái và tất cả các nước, ít hay nhiều, đều bị thiệt thòi do xu thế bảo hộ mậu dịch này.

TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là các nước đều gặp những khó khăn, đối với các cử tri, nhất là tại những nước chuẩn bị có bầu cử, liên quan đến chuyện mất công ăn việc làm, cơ sở sản xuất di chuyển ra nước ngoài. Các nhà chính trị ở những nước đó đang trong tình thế khó khăn. Nhưng nếu quay trở lại với các biện pháp bảo hộ mậu dịch thì sẽ không có lợi cho bất kể nền kinh tế nào, xét về dài hạn. Có thể có những biện pháp tình thế mà người ta phải đưa ra. Còn nếu xu thế này mà được củng cố và kéo dài thì sẽ rất nguy hiểm, nó sẽ phá vỡ tất cả nền móng đã đạt được của thương mại quốc tế.

Nếu những người đứng đầu của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới và đại diện các tổ chức khu vực mà lại để cho xu thế bảo hộ mậu dịch thắng thế, thì đó là một thất bại rất lớn của chính họ cũng như của cả thế giới. Nếu họ nói một đằng làm một nẻo thì tôi hy vọng đó chỉ là những biện pháp nhất thời mà thôi, chứ không phải là quay trở lại hoặc củng cố xu thế bảo hộ mậu dịch. Bởi vì về lâu về dài, « gậy ông sẽ đập lưng ông », bảo hộ mậu dịch sẽ gây hại cho chính các nền kinh tế đó.

RFI : Những vấn đề mấu chốt, cơ bản nhất mà G20, nếu có thể đạt được, sẽ là gì ?

TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ vấn đề kiểm soát, điều tiết hệ thống tài chính ngân hàng, chắc là có thể thỏa thuận được. Vấn đề tăng cường vai trò của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, có thể đạt được. Còn những vấn đề khá chi tiết, đối với từng nước, như cuộc tranh luận về kích cầu hay không giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ, thì tôi nghĩ sẽ vẫn còn những sự khác biệt.

RFI : Liệu sau G20 Luân Đôn, xu thế bảo hộ mậu dịch có thể lại tăng lên, giống như tình hình sau G20 hồi tháng 11 năm 2008 hay không ?

TS Nguyễn Quang A : Tôi e rằng điều này sẽ tăng lên nhưng cầu mong đây chỉ là một giai đoạn quá độ không được củng cố và kéo dài thành một xu hướng lớn. Tức là những biện pháp bảo hộ vẫn sẽ được dùng trong một thời gian nhất định để vực dậy tình hình. Bởi vì không thể dùng các biện pháp của thời kỳ không có khủng hoảng để giải quyết khủng hoảng. Trong lúc có khủng hoảng, thì có thể châm chước, chấp nhận những biện pháp khác, thậm chí là ngược, nhưng chỉ nên áp dụng trong một giai đoạn, 5 tháng, 6 tháng gì, đừng kéo dài trong nhiều năm thì sẽ nguy hiểm.

Những dự án kích cầu của Việt Nam rơi vào tay công ty Trung Quốc

RFI : Trong những ngày vừa qua, báo chí trong nước đã đăng một số bài đề cập đến hiện tượng là các doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu khá nhiều dự án trong khuôn khổ kế hoạch kích cầu của chính phủ Việt Nam. Theo báo chí,  các doanh nghiệp Trung Quốc lại mang cả công nhân và nguyên vật liệu từ Trung Quốc sang để thực hiện dự án. Do vậy, công luận lo ngại là phải chăng kế hoạch kích cầu của Việt Nam lại chuyển sang kích cầu của Trung Quốc ?

TS Lê Đăng Doanh : Tôi ghi nhận những ý kiến lo ngại đó, nhưng tôi cũng hiểu là những người quyết định thừa nhận là các nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu thấp và các nguyên vật liệu, trang thiết bị họ mang từ Trung Quốc sang giá rẻ hơn. Vấn đề là chất lượng ra sao ? Bởi vì giá rẻ có bảo đảm chất lượng mà phía Việt Nam yêu cầu hay không ? Vào lúc công nhân trong nước đang thiếu việc làm và tình hình diễn biến phức tạp, tôi nghĩ răng việc các nhà thầu Trung Quốc mang theo công nhân Trung Quốc cần phải được xem xét một cách hết sức nghiêm túc. Họ chỉ được mang những nhà chuyên môn, kỹ sư mà nguồn nhân lực Việt Nam chưa thay thế được một cách đầy đủ. Còn lại thì họ nên hợp tác và sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam.

TS Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ những báo động như vậy có cái lý của người ta, chủ yếu đó là những dự án của các doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân, người ta phải tính đến các hiệu quả. Nhấn mạnh quá đến chuyện mà báo chí nêu, thì vô hình chung, mình lại khuyến khích bảo hộ mậu dịch ở tại Việt Nam. Tôi nghĩ là cũng không nên. Mỗi doanh nghiệp phải tự lo.

Có lẽ báo chí muốn nêu một khía cạnh là trong những dự án của Nhà nước, việc thực hiện quy trình đấu thầu không được hay cho lắm, cứ chạy theo giá rẻ. Thế nhưng, chưa chắc đã là rẻ thật, bởi vì chất lượng có thể là không tốt. Còn chỉ xoáy vào chuyện người nước ngoài thắng thầu, thì không hay. Nếu người nước ngoài làm tốt hơn, hiệu quả hơn, chất lượng tốt, mà người ta thắng thầu, thì phải trách các nhà thầu Việt Nam và qua cạnh tranh như vậy, các nhà thầu Việt Nam mới có thể lớn lên được. Có lẽ những khía cạnh mà báo chí nêu lên là những khía cạnh về mặt thủ tục chưa được tốt lắm.

RFI : Ưu tiên của các kế hoạch kích thích kinh tế là nâng cao sức mua của người dân và giải quyết thất nghiệp. Chính phủ sẽ khó mà giải thích được cho người dân là đưa ra kế hoạch kích cầu mà số việc làm không tăng lên bởi vì các công ty nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, mang cả nhân công từ bên ngoài vào ?

TS Nguyễn Quang A : Đó là hai chuyện khác nhau. Chúng ta mới đề cập đến vấn đề bảo hộ hay không. Còn chuyện kích cầu là một chuyện khác. Nếu kích cầu thì phải đưa tiền, đưa công ăn việc làm cho người Việt Nam. Đó là những chuyện mà bản thân các nhà hoạch định chính sách, bản thân chính quyền ở Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được những gói kích cầu để tránh việc kích cầu cho người khác. Cái đó không mâu thuẫn gì với chuyện bảo hộ hay không bảo hộ.

Thí dụ, nếu kích cầu, tạo công ăn việc làm cho người Việt Nam, bằng cách sửa chữa đê điều, đường xá… Đây là những công việc mà chỉ có người Việt Nam mới làm tốt. Hoặc tài trợ giúp người thất nghiệp, giúp người nghèo, làm đường ở nông thôn, những cái đó không mang tính bảo hộ. Người nước ngoài không thể làm được những công việc này. Hoặc cấp phiếu mua hàng cho dân nghèo, trong trường hợp này, người ta có thể mua hàng của nước ngoài cũng như mua hàng của Việt Nam. Tôi nghĩ có nhiều cách để thiết kế ra các gói kích thích mà không bị người khác kêu là mình bảo hộ. Đây những việc trong khả năng của mình.

RFI : Nếu đặt ra những điều khắt khe như vậy, phải chăng Việt Nam đang quay trở lại xu thế bảo hộ mậu dịch hay là « do hoàn cảnh đặc biệt, nên phải có những biện pháp đặc biệt » ?

TS Lê Đăng Doanh : Theo tôi, việc các nhà đầu tư Việt Nam đưa những điều kiện để có thể sử dụng lao động trong nước, thì đó là những điều kiện rất bình thường. Không thể quy kết là bảo hộ mậu dịch được. Trong tình hình hiện nay, ít hay nhiều, các nước đều phải áp dụng những biện pháp cấp bách, có tính tình thế. Hiệp định của WTO cũng nói là trong những tình thế khẩn cấp, các nước có quyền áp dụng những biện pháp khẩn cấp để bảo vệ lợi ích của nền kinh tế quốc gia.

Toàn bộ cuộc phỏng vấn tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh_20090401

01/04/2009

 

Toàn bộ cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Quang A

Tiến sĩ Nguyễn Quang A_20090401

01/04/2009