Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

G20 và hoài nghi bảo hộ mậu dịch

  Đức Tâm

Bài đăng ngày 01/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  01/04/2009 17:00 TU

Theo Ngân Hàng Thế Giới, 17 trong số 20 thành viên G20 đã và đang áp dụng các biện pháp mới nhằm bảo hộ mậu dịch. Vậy, G20 tại Luân Đôn có ngăn chặn được xu thế này hay không ?

« Điều quan trọng sống còn là phải vứt bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (…) Trong 12 tháng tới, chúng tôi sẽ tránh lập những hàng rào mới ngăn cản đầu tư và thương mại hàng hóa và dịch vụ (…) »

Trên đây là trích đoạn tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức hồi tháng 11 năm 2008, tại Washington.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau lời cam kết này, nhiều quốc gia và đặc biệt là hầu hết các nước trong G20 đã và đang áp dụng các biện pháp mới ngăn cản tự do trao đổi mậu dịch, đến mức các định chế quốc tế đã phải lên tiếng báo động về xu thế này.

Theo Ngân Hàng Thế Giới, 17 trong số 20 thành viên G 20 đã thông qua những biện pháp « áp đặt hạn chế trao đổi thương mại bất chấp các nước khác ». Chỉ có ba nước không bị tố cáo là Nhật Bản, Ả Rập Xê Út và Nam Phi. Các nước  phát triển và đang phát triển sử dụng những phương pháp bảo hộ mậu dịch khác nhau.

Nhóm các quốc gia phát triển trong G20 như Đức, Úc, Canada, Mỹ, Pháp, Ý, Anh Quốc, Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu tiến hành các trợ cấp cho lĩnh vực công nghiệp, ví dụ bơm tiền cho côgn nghiệp xe hơi. Trong khi đó, các nước đang phát triển trong G20 như Achentina, Brasil, Mêhico, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, thì nâng mức thuế hải quan.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tại sứ quán Mỹ ở Luân Đôn, ngày 31/03/2009Ảnh : Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) bắt tay chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tại sứ quán Mỹ ở Luân Đôn, ngày 31/03/2009
Ảnh : Reuters

Theo tờ Washington Post, để bảo hộ cho hàng hóa sản xuất nội địa, trong tháng 12 năm 2008, Indonesia đã ban hành các hạn chế nhập khẩu đối với ít nhất là 500 mặt hàng ; một số hàng hóa nhập khẩu giờ đây phải có giấy phép đặc biệt và chịu mức thuế mới.

Ngày 18 tháng 11 năm 2008, tức là chỉ có ba ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 Washington kết thúc, chính phủ Ấn Độ tăng 20% thuế hải quan đánh vào một số loại dầu thực vật nhập khẩu nhằm bảo vệ các nhà nông trong lúc giá của các nguyên liệu này trên thị trường quốc tế đang tụt giảm. Giới chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng chính phủ nước này sẽ còn tăng thuế nhắm vào một số loại dầu ăn khác được nhập khẩu.

Tại châu Âu, Nga là thị trường lớn nhất về xe hơi. Do khủng hoảng, số lượng xe hơi bán ra đã tụt giảm mạnh. Ngày 10/12/2008, Matxcơva quyết định nâng thuế đánh vào mặt hàng này lên tới 35% nhằm bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi trong nước. Ngay lập tức, tại thành phố cảng Vladivostock, khoảng 3000 người đã xuống đường phản đối quyết định này bởi vì việc làm của họ phụ thuộc vào việc bán xe hơi nhập khẩu. Cảnh sát Nga đã thẳng tay trấn áp và bắt giữ hơn một chục người. Thủ tướng Vladimir Putine còn đề nghị tăng thêm 15% thuế nhập khẩu đối với các thiết bị nông nghiệp.

Cũng để bảo vệ nhà nông, ngày 11/12/2008, điện Kremlin đã quyết định tăng đáng kể thuế hải quan đối với gia cầm và thịt lợn, tác động mạnh đến Hoa Kỳ bởi vì Nga là thị trường lớn nhất đối với ngành chăn nuôi và chế biến gia cầm của Mỹ. Năm 2008, xuất khẩu gia cầm của Hoa Kỳ sang Nga đạt mức 740 triệu đô la.

Điều khoản "Mua hàng Mỹ" buộc các dự án hạ tầng được tài trợ phải sử dụng sắt thép của MỹẢnh : Reuters

Điều khoản "Mua hàng Mỹ" buộc các dự án hạ tầng được tài trợ phải sử dụng sắt thép của Mỹ
Ảnh : Reuters

Tại Pháp, chính phủ đã lập ra quỹ đặc biệt để giúp các doanh nghiệp trong nước tránh không bị các đối tác nước ngoài mua lại, kế hoạch chấn hưng kinh tế đi kèm với điều kiện là các tập đoàn nhận tài trợ của nhà nước thì không được di chuyển ra nước ngoài, kể cả sang một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, khu vực vốn vẫn tự hào là một thị trường thống nhất.

Trong danh sách các quốc gia gây cản trở tự do mậu dịch, còn có cả Hoa Kỳ, với điều khoản « Mua hàng Mỹ », bắt buộc mua vật liệu sắt thép « made in USA » trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở do chính phủ tài trợ, hay các kế hoạch cấp vốn cho những tập đoàn xe hơi, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh.

Theo giới chuyên gia, trong thời buổi khủng hoảng, các quốc gia đều có xu hướng đưa ra những biện pháp ngăn cản tự do mậu dịch và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều quốc gia đã thực thi các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước, gây ra một cuộc chiến tranh thương mại, làm cho khủng hoảng trở nên trầm trọng, kéo dài hơn và trở thành một cuộc « Đại Suy Thoái ».

Ông Eswar S. Prasad, giáo sư về chính sách thương mại, đại học Cornell Hoa Kỳ, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu thuộc viện Brookings, tại Washington nhận định, « các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng sáng tạo, năng động và có khả năng nâng tạo ra số việc làm cao. Nếu những hạn chế trao đổi mậu dịch do chiến tranh thương mại gây ra làm cho các doanh nghiệp này giảm sút thì những đối tác cung ứng của họ cũng sẽ bị đóng cửa, số lượng việc làm bị mất sẽ tăng lên và điều này nhanh chóng tạo ra một vòng xoáy lôi kéo nền kinh tế đi xuống ».

Trong tháng 12 vừa qua, chính tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Pascal Lamy phải thừa nhận rằng giữa các nước lớn đã không có được những đồng thuận quan trọng để phá vỡ bế tắc trong vòng đàm phán Doha về tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ.

Câu hỏi đặt ra là liệu G20 có thể ngăn chặn được xu thế bảo hộ mậu dịch trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay hay không ?

Các nước G20 chiếm tới 80% thương mại thế giới. Theo ông Philip Levy, thuộc Học Viện Nghiên Cứu Doanh Nghiệp Mỹ, nguyên là quan chức cao cấp phụ trách hồ sơ kinh tế dưới chính quyền George Bush, cho rằng các thành viên G20 phải nói một cách chính xác tại sao họ phải tránh tiến hành bảo hộ mậu dịch. Thế nhưng, điều này sẽ đi ngược lại hành động của rất nhiều thành viên G20.

Tổng thống Barack Obama, trước đây không nhiệt tình với tự do thương mại, dường như đã thay đổi cách nhìn, khi ông chỉ định Ron Kirk, nguyên thị trưởng Dallas, làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Ông Kirk là người đã ủng hộ mạnh mẽ Thỏa Thuận Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Obama thường xuyên tuyên bố ủng hộ chính sách tự do mậu dịch nhưng ông cũng cho rằng cần phải quan tâm đến các chuẩn mực về lao động và môi trường. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Obama đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định tự do mậu dịch Hoa Kỳ-Oman, nhưng ông chống lại một dự án tương tự với các nước Trung Mỹ và vùng Caribe, bởi vì, theo ông, dự án này không chú ý đúng mức đến vấn đề việc làm và môi trường. Một số chuyên gia cho rằng tự do trao đổi mậu dịch dường như không phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Obama

Ông Peter Morici, giáo sư đại học Marylan, nguyên là kinh tế gia thuộc Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ cũng không ảo tưởng vào G20 : « Một vài tuyên bố chung chung được đưa ra, cảnh báo các hoạt động bảo hộ mậu dịch và kêu gọi các nước phối hợp các biện pháp chống khủng hoảng. Các tuyên bố này chẳng mang lại điều gì cả, nhưng dù sao cũng vấn tốt khi mà lãnh đạo cộng đồng quốc tế họp lại với nhau trong một hội nghị thượng đỉnh. » 

Ông Pascal Lamy, tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế GiớiẢnh : Reuters

Ông Pascal Lamy, tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
Ảnh : Reuters

Ông Gary Hufbauer, chuyên gia về chính sách thương mại thuộc Học Viện Peterson nghiên cứu về kinh tế quốc tế tại Washington nói rằng G20 không có những biện pháp để thúc ép các nước thành viên, nếu họ không tôn trọng các cam kết đã ký, « nếu anh không có các phương tiện để tính sổ với các nước thành viên, thậm chí chỉ là nêu danh và làm cho họ xấu hổ thôi, thì có thể là người ta không cần đếm xỉa đến các tuyên bố của anh. »

Ngày 23 tháng 3 vừa qua, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới dự báo là trong năm nay, 2009, trao đổi mậu dịch toàn cầu có thể sẽ tụt giảm tới 9%,  mức kỷ lục kể từ sau Đại Chiến Thế Giới đệ nhị.