Tìm kiếm

/ languages

Choisir langue
 

CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

G20 Luân Đôn khởi động tiến trình cải thiện hệ thống tài chánh quốc tế

  Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 03/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  03/04/2009 17:59 TU

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn đã được Thủ tướng Anh Quốc Gordon Brown gọi là một bước tiến tới "một trật tự mới" trong quan hệ kinh tế toàn cầu. Các vị nguyên thủ khác tham dự hội nghị cũng đánh giá cao kết quả đạt được. Phân tích về một số quyết định đáng chú ý nhất của Hội nghị Thượng đỉnh G20, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghiã tại California tuy nhiên vẫn tỏ ý thận trọng.

Thủ tướng Anh Gordon Brown rời diễn đàn sau buổi họp báo đúc kết Hội Nghị G20 ngày 02/04/2009(Ảnh : Reuters)

Thủ tướng Anh Gordon Brown rời diễn đàn sau buổi họp báo đúc kết Hội Nghị G20 ngày 02/04/2009
(Ảnh : Reuters)

Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc hôm 02/04/2009 tại Luân Đôn đã được Thủ tướng Anh Quốc Gordon Brown gọi là một bước tiến tới  "một trật tự mới" trong quan hệ kinh tế toàn cầu. Các vị nguyên thủ khác tham dự hội nghị cũng đánh giá cao kết quả đạt được.

Sau khi kết luận của Hội nghị được loan báo, các thị trường chứng khoán đều tăng giá, từ Paris, New York vào hôm qua, cho đến Hong Kong, Tokyo vào hôm nay. Đối với các chuyên gia tài chánh, đây là phản ứng tích cực của giới đầu tư trước các nỗ lực được tuyên bố của các lãnh đạo G20 nhằm giúp kinh tế thế giới thoát ra khỏi suy thoái.

Trong bầu không khí nhìn chung là lạc quan đó, một số chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ vẫn phản ứng thận trọng, cho rằng phải chờ xem kết quả công việc thực hiện các cam kết.

Pháo hiệu khởi động công cuộc chấn chỉnh tài chánh quốc tế ?

Dẫu sao thì cũng phải công nhận rằng Hội Nghị G20 tại Luân Đôn là một bước tiến quan trọng, đặc biệt trong lãnh vực chấn chỉnh nền tài chánh quốc tế mà những lệch lạc trong thời gian qua bị cho là đã tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trên vấn đề này, giới quan sát ghi nhận trước tiên quyết tâm thiết lập những quy tắc mới nhằm giám sát các quỹ đầu cơ hedge funds. Sắp tới đây, các quỹ này phải đăng ký đồng thời tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về quản lý một cách minh bạch. Cam kết của các ngân hàng đối với các quỹ đầu cơ phải được kiểm tra chặt chẽ.

Chế độ thù lao cho các đại chủ nhân cũng sẽ phải tuân theo những nguyên tắc mới ''khe khắt'' hơn hiện nay. 

Các cơ quan thẩm định và đánh giá tài chánh như Standard & Poor's, Moody's hay Fitch sẽ phải ký kết một bản quy tắc ứng xử tốt, để tránh các trường hợp mâu thuẫn quyền lợi hay thiên vị như trong trường hợp có sự móc ngoặc giữa cơ quan đánh giá và giới đầu tư.

Đối với các ngân hàng cũng vậy, chuẩn mực kế toán của loại định chế này sẽ được rà soát lại, các tiêu chí xác định vốn cố định của họ sẽ được hài hoà ở cấp độ quốc tế để được rõ ràng minh bạch hơn. Các tiêu chí này là gì ? điều đó các lãnh đạo G20 chưa đề cập tới.

Các "thiên đường trốn thuế" bị vạch mặt chỉ tên

Monaco là một trong những ''thiên đường trốn thuế'' bị OCDE vạch mặt chỉ tên© DR

Monaco là một trong những ''thiên đường trốn thuế'' bị OCDE vạch mặt chỉ tên
© DR

Một hồ sơ khác theo chiều hướng cải thiện nền tài chánh quốc tế là các biện pháp nhắm vào các quốc gia hay lãnh thổ bị gọi là ''thiên đường trốn thuế''.  Trên vấn đề này, do những bất đồng quan điểm còn tồn tại trong nội bộ nhóm G20, Hội nghị Luân Đôn không nêu đích danh một ai, nhưng công khai nhắc tới danh sách do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE cập nhật và công bố vào đúng thời điểm cuộc họp Luân Đôn kết thúc.

Danh sách các thiên đường trốn thuế công bố hôm qua đã đi xa hơn những gì từng được OCDE nêu lên vào năm 2000. Gọi là đi xa hơn là vì không chỉ bao gồm các đảo quốc xa xôi thường được nhắc đến như Bahamas, Caymans,  Vanuatu, mà còn có cả những nước Châu Âu như Áo, Bỉ, Luxemburg Thụy sĩ hay, Monaco, Andorre, Liechtenstein. Thậm chí châu Á cũng hiện diện : Malaysia và Philippine trong danh sách đen, Singapore, Brunei trong danh sách ''xám nhạt''.

Trong bản tuyên bố chung cuộc, G20 đe dọa : ''Thời kỳ giữ kín các bí mật ngân hàng đã qua rồi !'', và cho biết : ''Sẵn sàng triển khai các biện pháp trừng phạt''. Tuy nhiên, cũng như trên vấn đề tiêu chí ngân hàng, nội dung các biện pháp trừng phạt chưa được đề cập đến.

Ông Jean Merckaert thuộc tổ chức từ thiện Ủy ban Công giáo chống nạn đói và vì phát triển CCFD đã rất hoài nghi về tuyên bố trên đây mà ông cho là mang tính chất đạo đức giả : ''Nếu các nước G20 thực sự muốn dẹp bỏ các thiên đường trốn thuế thì họ chỉ cần cấm các ngân hàng và các tập đoàn đa quốc gia của họ họat động tại các nơi đó là đủ !''.

Tăng vốn và quyền hạn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Một trong những quyết định được thấy rõ của Hội nghị Thượng đỉnh G20 liên quan đến việc gia tăng ngân sách cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI cũng như Ngân hàng Thế giới.

Trong thời gian sắp tới, phương tiện tài chánh mà FMI có thể huy động được nhân lên gấp ba lần thành 750 tỷ đô la để có thể lao vào cứu giúp các nước bị khủng hoảng đẩy vào bước đường cùng. Qủy Tiền tệ Quốc tế cũng được bán vàng để tăng phương tiện trợ giúp đặc biệt là cho các quốc gia nghèo nhất hành tinh, chủ yếu tại Châu Phi.

Không những thế, FMI còn được trao nhiệm vụ phối hợp với một định chế mới được thành lập là Hội Đồng Ổn định Tài chánh FSB nhằm dự báo rủi ro có thể xẩy ra cho nền tài chánh quốc tế và đề xuất những biện pháp khắc phục tức thời.

Ngoài việc cũng cố vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các lãnh đạo G20 còn đồng ý cung ứng 100 tỷ đô la khác cho Ngân Hàng Thế giới và một số định chế tài chánh đa phương khác để cấp tín dụng cho các quốc gia thu nhập thấp. Bên cạnh đó, còn có 250 tỷ đô la dùng vào việc thúc đẩy thương mại.

 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa - Hoa Kỳ

Phân tích của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa tại California

RFI : Kính chào anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã kết thúc với dư âm có vẻ lạc quan, căn cứ trên tuyên bố của lãnh đạo các quốc gia đã tham dự hội nghị và trên phản ứng của các thị trường chứng khoán từ Âu sang Á về tới Hoa Kỳ. Nhận xét chung của anh về kết quả của hội nghị này là như thế nào?

- Trước khi Thượng đỉnh nhóm họp, chúng ta thấy truyền thông quốc tế nói nhiều đến dị biệt quan điểm của nhiều vị lãnh đạo về nghị trình hay ưu tiên, cho nên dư luận có thể hoài nghi về kết quả. Thật ra, tất cả những phát biểu ấy đều muốn tác động vào dư luận để chuẩn bị cho việc thảo luận và tranh đấu bên trong. Chứ cuối cùng thì vào hội nghị họ cũng biết nhượng bộ và Thượng đỉnh phải đưa ra một số đề nghị cấp thiết trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nếu có kết luận rất ngoại giao là quốc gia nào cũng đạt thắng lợi trong hội nghị này thì cũng không sai vì không lẽ người ta đi không rồi lại về không.

- Còn về thực tế của những điều thoả thuận, tôi thiển nghĩ rằng Thượng đỉnh G20 này có ảnh hưởng tích cực và lâu dài hơn kỳ họp trước vào ngày 15 tháng 11 tại Thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng cho rằng thế giới đã tiến tới một "trật tự mới" như Thủ tướng Gordon Brown của Anh đã nói thì có lẽ vẫn là lạc quan. May lắm thì Thượng đỉnh sẽ đem lại một số lợi thế cho ông Brown trong cuộc bầu cử sắp tới.

RFI : Nói riêng về những thoả thuận của lãnh đạo G20 được trình bày sau Thượng đỉnh thì anh thấy có những điểm gì tích cực và những gì còn quá lạc quan vì thiếu tính cách khả thi ?

- Kết quả Thượng đỉnh G20 trình bày trong bản tuyên bố gồm 29 điểm có thể tập trung vào bốn đề mục chính. Thứ nhất là gấp rút cứu nguy kinh tế toàn cầu; thứ hai chấn chỉnh hệ thống tài chính quốc tế để phục hoạt thị trường tín dụng và đầu tư; thứ ba kiện toàn luật lệ và tăng cường kiểm soát để một vụ khủng hoảng tài chính tương tự không tái diễn; và thứ tư, đảm bảo tinh thần liên đới giữa các quốc gia để vừa nâng đỡ các nước đang phát triển, vừa đẩy lui phản ứng bảo hộ mậu dịch. Đó là về đại thể.

- Về thực tế, Thượng đỉnh đã có hai loại quyết định đáng chú ý nhất. Đó là tung ra một lượng tài nguyên tương đương với cả ngàn tỷ đô la để kéo kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái. Thứ hai là tiến tới việc thiết lập một hệ thống luật lệ toàn cầu để ngăn ngừa tái diễn tai họa ngày hôm nay.

- Quyết định thứ nhất là bơm tiền cứu nguy kinh tế được đón nhận với sự lạc quan, nhất là từ các quốc gia đang phát triển bị suy sụp vì nạn đình trệ kinh tế của các nước công nghiệp Âu-Mỹ. Quyết định thứ hai là lập ra một Hội đồng Ổn định Tài chính để soạn thảo và chấp hành luật lệ thì chưa thể có kết quả vì còn phải bàn luận nhiều. Kết hợp cả hai quyết định ấy thì ta thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI - là định chế sẽ được tăng vốn và trao thêm một số chức năng kiểm soát - sẽ có thêm quyền hạn và tư thế. Ngược lại, ảnh hưởng Hoa Kỳ có bị đẩy lui trên diễn đàn quốc tế và pha loãng trong các tổ chức quốc tế, kể cả và nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

- Tuy nhiên, mục tiêu của một số quốc gia, như Pháp hay Trung Quốc, là nhân dịp này thế giới nên tiến đến việc thành lập một hệ thống tài chính quốc tế khác để thay thế hệ thống Bretton Woods vẫn do Hoa Kỳ chi phối, mục tiêu đó chưa đạt được. Nôm na là Hoa Kỳ bị đàn hặc nhưng vẫn chưa bị truất phế.

RFI : Loại quyết định thứ nhất là bơm tiền sẽ thực hiện ra sao ?

- Thế giới có một định chế cứu nguy tài chính và điều tiết sinh hoạt kinh tế quốc tế là Quỹ Tiền tệ FMI. Định chế ấy hiện chỉ có chừng 250 tỷ, đang phải cấp cứu gần hai chục quốc gia trong đó hơn phân nửa (11 nước) ở tại Âu Châu. Việc cấp thêm vốn cho quỹ này là điều ai cũng chờ đợi, nhất là các nước đang phát triển.

Bây giờ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế lập tức có thêm 250 tỷ và nếu cần thì còn nhận thêm 250 tỷ nữa. Ngoài Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ đóng góp mỗi khối 100 tỷ thì những xứ nào khác sẽ châm thêm phần còn lại là câu hỏi chưa có giải đáp, kể cả trong trường hợp Trung Quốc và Ả rập Sê út. Có thêm nước thì mới đi chữa cháy được, cho nên đây là tin vui cho các nước đang bị khủng hoảng, nhất là tại Đông Âu.

- Ngoài việc châm thêm 500 tỷ đô la đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng sẽ được các nước trong nhóm G20 cấp thêm 250 tỷ để nâng cao mức "đặc trích" - tức là "quyền trích xuất đặc biệt" (SDR) của các hội viên. Quyền đặc trích thật ra là một loại ngoại tệ dự trữ và có thể được chuyển thành tiền cho vay để khai thông ách tắc tín dụng cho nhiều nước đang bị kẹt. Quyết định ấy là một bước gián tiếp, nhưng rất nhỏ, để thu hẹp tư thế của đồng Mỹ kim.

- Ra khỏi khuôn khổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Thượng đỉnh G20 cũng quyết định cấp thêm 100 tỷ đô la cho Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển cấp vùng, như Ngân hàng Phát triển Á châu, Phi châu hay Nam Mỹ châu. Loại tiền này dùng để tài trợ dự án phát triển ở các nước nghèo nên chưa thể có kết quả cứu nguy kinh tế lập tức.

Ngoài ra, G20 cũng hứa đưa thêm 250 tỷ để tài trợ ngoại thương toàn cầu thông qua các ngân hàng phát triển hay các cơ sở tín dụng.

RFI : Về loại quyết định thứ hai là kiện toàn và củng cố hệ thống tài chính toàn cầu thì G20 đề nghị những gì ?

- Các nước sẽ lập ra một Hội đồng Ổn định Tài chính, từ nay sẽ gọi tắt là FSB, để tăng cường khả năng theo dõi và cảnh báo mọi nguy cơ tài chính trong tương lai. Hội đồng này chủ yếu là do khối Âu Châu nghiên cứu và điều hành bên cạnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế với một số nhiệm vụ kiểm soát gắt gao hơn.

Việc kiểm soát ấy khá mở rộng và sẽ chi phối thị trường tài chính ngân hàng thế giới, từ các quỹ đối xung hay hedge fund, đến lương và bổng của doanh gia, tới phẩm chất của các công ty thẩm định giá trị trái phiếu như Standard&Poor's, Moody's hay Fitch. Trên nguyên tắc thì sau này, các ngân hàng từ thương mại đến đầu tư sẽ bị thanh tra chặt chẽ hơn, khó vay mượn để kinh doanh với quá nhiều rủi ro hoặc che giấu nghiệp vụ hay lý lịch thân chủ, v.v...

- Nói chung, đây là loại quyết định táo bạo nhất có thể thu hẹp phạm vi kinh doanh của các công ty tài chính hay ngân hàng và nó gặp sự phản đối mạnh nhất từ phía Hoa Kỳ. Trong thực tế, tôi nghĩ rằng đây là loại "trật tự mới" rất biểu kiến, tức là hình thức mà chưa thể có ảnh hưởng.

RFI : Anh nêu một ý kiến rất lạ, một quyết định quan trọng như vậy mà chỉ có giá trị tượng trưng thôi hay sao ? 

- Hội đồng FSB này thay thế một cơ chế tương tự là Diễn đàn Ổn định Tài chính FSF đã có sẵn từ 10 năm trước với thành viên là nhóm G7 cộng thêm xứ Hà Lan. Lần này, FSB là Diễn đàn cũ được tái sinh, và có 20 thành viên của nhóm G20, cộng thêm Tây Ban Nha và Ủy Ban Âu Châu, tức là Hành pháp của Liên Hiệp Châu Âu.

- Hãy tưởng tượng ra hơn hai chục đầu bếp cùng chuẩn bị một thực đơn phải hợp khẩu vị của hơn hai chục ông bà chủ ! Chỉ cần một quốc gia không đồng ý là đề nghị sẽ bị chìm xuồng ở dưới nên không được đưa lên trên và biểu quyết thành luật lệ có giá trị cưỡng hành cho cả thế giới. Chúng ta có thể sớm thấy ra điều ấy khi Hội đồng này trình bày báo cáo đầu tiên cho các bộ trưởng Tài chính của nhóm G20 tại hội nghị tháng 11 ở Scotland.

RFI : Có một câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc là quy định mới về các thiên đường trốn thuế, tức các quốc gia và lãnh thổ chứa chấp loại doanh nghiệp lập ra trong mục tiêu trốn thuế. Vì sao lại có vấn đề ấy ?

- Đấy là một sáng kiến do Pháp đưa ra căn cứ trên phúc trình của OCDE - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - hay gọi tắt theo Anh ngữ là OECD. Và đây là một điểm lý thú trong các quyết định về kiểm soát tài chính của Thượng đỉnh G20 vừa qua.

- Quyết định này khó trở thành văn kiện có giá trị cưỡng hành về luật pháp vì nhiều xứ có thể trục lợi khi lập ra những hầm trốn thuế cho doanh nghiệp xứ khác, kể cả Thụy Sĩ, Trung Quốc, Liechtenstein hay Malaysia và thậm chí Ireland hoặc các đảo quốc của Anh... Các thành viên G20 chỉ có thể có những cam kết bán chính thức với nhau là sẽ hạn chế dần chuyện ấy mà thôi.

Điểm lý thú là chính Tổng thống Obama lại đỡ đòn cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi Tổng thống Sarkozy nêu vấn đề về hai hầm trốn thuế vĩ đại là Hong Kong và Ma Cao. Khi các đại gia còn bao che cho nhau như vậy thì làm sao bắt Malaysia, Philippines hay Uruguay hoặc Singapore tôn trọng? Khi G20 nêu vấn đề này trong tuyên bố chung thì các nước bị thiệt sẽ có thêm lý do để kiện cáo và đây là một điều hay, nhưng chưa chắc đã có hậu quả rộng lớn.

- Kết luận thì tôi vẫn hoài nghi khả năng hợp tác đích thực của các nước trong việc G20 tăng cường kiểm soát hệ thống tài chính và chưa thấy thế giới có thể đi tới một kiến trúc tài chính quốc tế để thay thế chế độ hiện nay.